Results 1 to 7 of 7

Thread: Chi Thiên niên kiện!

  1. #1
    Moderator lait's Avatar
    Join Date
    Feb 2010
    Posts
    1,173

    Default Chi Thiên niên kiện!


    Thiên niên kiện

    Thiên niên kiện, Sơn thục, Thần phục - Homalomena occulta (Lour.) Schott, thuộc họ Ráy - Araceae.

    Mô tả: Cây thảo sống lâu năm nhờ thân rễ mập, bò dài, thơm, khi bẻ ngang có xơ như kim. Lá mọc từ thân rễ, phiến lá sáng bóng, dài tới 30cm, có 3 cặp gân gốc, 7-9 cặp gân phụ. Cụm hoa là những bông mo, có mo màu xanh, dài 4-6cm, không rụng; buồng 3-4cm, ngắn hơn mo; bầu chứa nhiều noãn. Quả mọng thuôn, chứa nhiều hạt có rạch.

    Mùa hoa 4-6, quả 8-10.

    Bộ phận dùng: Thân rễ - Rhizoma Homalomenae, thường gọi là Thiên niên kiện.

    Nơi sống và thu hái: Cây của miền Malaixia - châu Ðại Dương mọc hoang ở rừng, nơi ẩm ướt cạnh suối hay dọc theo hai bên bờ khe suối. Cũng được trồng để làm thuốc. Trồng bằng thân rễ. Thu hái thân rễ già, rửa sạch, chặt thành từng đoạn ngắn 10-20cm, sấy nhanh dưới nhiệt độ 50oC cho khô đều mặt ngoài rồi làm sạch vỏ, nhặt bỏ các rễ con, sau đó đem phơi hay sấy khô.

    Thành phần hóa học: Trong thân rễ có khoảng 0,8-1% tinh dầu tính theo rễ khô kiệt. Tinh dầu màu vàng nhạt, mùi thơm dễ chịu. Trong tinh dầu có chừng 40% l-linalol, một ít terpineol và chừng 2% este tính theo linalyl acetat. Ngoài ra còn có sabinen, limonen, a-terpinen, acetaldehyt, aldehyd propionic.

    Tính vị, tác dụng: Vị đắng, cay, mùi thơm, tính ấm; có tác dụng khư phong thấp, bổ gân cốt, chỉ thống tiêu thũng.

    Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng chữa phong hàn thấp nhức mỏi các gân xương, hoặc co quắp tê bại. Trong nhân dân, Thiên niên kiện thường được dùng chữa thấp khớp, đau nhức khớp, đau dạ dày, làm thuốc kích thích tiêu hoá. Còn dùng trị đau bụng kinh, trừ sâu nhậy.

    Thiên niên kiện còn là nguyên liệu chiết tinh dầu dùng làm hương liệu, và là nguồn nguyên liệu chiết linalol.

    Ở Vân Nam (Trung Quốc), thân rễ Thiên niên kiện được dùng trị đòn ngã tổn thương, gãy xương, ngoại thương xuất huyết, tứ chi tê bại, đau dạ dày, viêm dạ dày và ruột, gân mạch khó co duỗi, phong thấp đau lưng đùi, loại phong thấp đau nhức khớp xương.

    Cách dùng: Ngày dùng 6-12g dạng thuốc sắc hay ngâm rượu uống. Thường phối hợp với Cỏ xước, Thổ phục linh, Ðộc lực để trị tê thấp, nhức mỏi. Cũng dùng tươi giã ngâm rượu xoa bóp chỗ đau nhức, tê bại và phong thấp. Ðể trị đau bụng kinh, thường phối hợp với rễ Bưởi bung, rễ Bướm bạc, gỗ Vang, rễ Sim rừng cùng sắc uống. Ðể trừ sâu nhậy, dùng thân rễ khô tán bột rắc.

    Lá tươi giã với ít muối đắp chữa nhọt độc.
    Chú ý: Người âm hư nội nhiệt, táo bón, nhức đầu không nên dùng.


    Chi Thiên niên kiện (danh pháp khoa học: Homalomena) là một chi thực vật có hoa trong họ Ráy (Araceae). Ước tính chi này chứa khoảng từ 80 tới 150 loài. Chi Homalomena chủ yếu được tìm thấy tại miền nam châu Á và tây nam Thái Bình Dương, nhưng chỉ có một ít loài bản địa của khu vực Nam Mỹ. Nhiều loài Homalomena có mùi nồng như mùi của hồi. Tên gọi khoa học xuất phát từ phiên dịch tên địa phương trong tiếng Mã Lai, được dịch thành homalos, nghĩa là phẳng, và mene nghĩa là mặt trăng.

    Các loài trong chi này là cây lâu năm, mọc thành bụi với lá thường xanh hình tim hoặc hình mũi tên. Hoa nhỏ và không có cánh hoa, bao bọc trong mo hoa thường hơi xanh và ẩn trong các lá.

    Người Tamil đã biết các loài cây này trên 3.000 năm. Nó được họ họi là merugu (tiếng Tamil: மெருகு ). Nó được sử dụng trong một số mục đích như điều trị các rối loạn dạ dày, u máu hậu môn, chảy đờm rãi v.v. Một vài loại dầu như kumaraguru enney; merugulli enney; merugu pachai enney v.v. được điều chế để chữa các bệnh khác nhau. Theo ykhoanet tại Việt Nam thiên niên kiện được dùng chữa phong thấp, khớp xương đau nhức, co quắp, tê dại. Hiện nay thiên niên kiện là một vị thuốc được nhân dân dùng chữa tê thấp, bổ gân cốt, giảm đau nhức. Dùng cho người cao tuổi bị đau người, đau dạ dày, đau khớp xương. Kích thích giúp sự tiêu hóa.

    Homalomena wallisii đôi khi được coi như một loại cây trồng.



  2. #2
    Moderator lait's Avatar
    Join Date
    Feb 2010
    Posts
    1,173

    Default Re: Chi Thiên niên kiện!


    Món ză zắ nấu bằng thịt rắn mối vởi lá non thiên niên kiện





    Rắn mối sau khi làm sạch, có thể làm được nhiều món: nấu cháo, chiên giòn, nướng, xào lăn với rau sưng, lá lốt, sả, ớt, lá chanh non, đọt thiên niên kiện... Thịt rắn mối màu trắng, vị ngọt béo, xương giòn. Để nấu cháo, người ta cho thịt rắn mối đã luộc xào qua với hành tỏi, tiêu, mắm... Kế tiếp dùng nước luộc rắn mối bỏ gạo hoặc sắn vào nấu đến khi cháo nhừ thì bỏ thịt rắn mối xào vào cháo, nêm gia vị, tiêu cho vừa ăn.

    Người Cơ Tu thường ướp rắn mối đã làm sạch với bột nêm, gói bằng lá non thiên niên kiện (pờ vân) hoặc lá lốt, nướng trên than hồng. Khi chín, mở lá ra, mùi thịt rắn mối quyện với hương lá thiên niên kiện thơm nức.

    Món ză zắ nấu bằng thịt rắn mối cũng rất thơm ngon. Dụng cụ nấu món ză zắ là một ống nứa tươi và ngọn mây rừng (adương). Ngọn mây được gọt bớt gai phía đầu, giữ nguyên phần gai ở đoạn cuối. Cho thịt rắn mối và lá lốt, lá tiêu rừng (amất), đọt thiên niên kiện, ít muối, ớt vào ống nứa tươi rồi nướng ống trên lửa.

    Khi đã chín, ống ză zắ toả mùi thơm đặc biệt. Khi ăn, người ta dùng dao sắc vạt đầu ống nứa, dùng tay khéo léo vỗ nhẹ cho "hỗn hợp" nhuyễn nhừ ra khỏi ống nứa đựng lên lá chuối tươi. Món ză zắ có vị ngọt tự nhiên của thịt rắn mối quyện với mùi thơm của lá lốt, tiêu rừng, vị cay của ớt, mùi thuốc bắc của thiên niên kiện. Đồng bào thường "nhắm" món ză zắ với rượu tà vạt hay tr'đin.

    Theo các bô lão Cơ Tu, thịt rắn mối là một vị thuốc bổ, có giá trị dinh dưỡng rất cao. Trẻ em suy dinh dưỡng, người già, người mới ốm dậy, phụ nữ sau khi sinh… ăn rắn mối rất tốt. Trẻ con, ban đêm ngủ thở khò khè, cho ăn vài chục con rắn mối sẽ khỏi ngay. Sơn nữ dùng mỡ rắn mối làm kem dưỡng da, da mặt mịn màng, tươi sáng, luôn hồng bên ánh lửa trong những đêm lễ hội múa "tung tung za zá"...



  3. #3
    Moderator lait's Avatar
    Join Date
    Feb 2010
    Posts
    1,173

    Default Re: Chi Thiên niên kiện!


    Ếch um .. thiên niên kiện

    Dân nhà nông thường ví ếch như “gà đồng”, bởi vì thịt ếch trắng, thơm ngon dai nhưng giòn, giàu dinh dưỡng, ăn rất hiền .
    Ếch được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như : ếch chiên bơ, ếch xào sả, ếch nướng… Đặc biệt, ở vùng cao, đồng bào dân tộc Cờ Tu chế biến món ăn rất đặc biệt từ ếch là: ếch núi nướng trong ống lồ ô .





    Cách làm như sau: ếch núi bắt về, không lột da, mổ bỏ ruột và rửa sạch để ráo, ướp gia vị như muối, tiêu, sả, đọt thiên niên kiện… bỏ vào ống lồ ô, dùng lá thiên niên kiện đậy kín miệng ống, sau đó nướng ống cháy sém trên than hồng. Khi ăn, chỉ việc tách ống lồ ô ra, một mùi thơm toả ra ngào ngạt, món này ăn nóng với bánh tráng nướng thì khỏi phải chê.

    Gần đây, người Kinh cũng “biến tấu” món ếch nướng từ ống lồ ô này bằng món ếch um với đọt, cọng, lá non thiên niên kiện. Món này vừa lạ vừa thơm, họ lại cho rằng vừa trị được nhiều bệnh, ăn vào là thấy khoẻ ra. Nghe cũng có lý bởi vì theo đông y, thiên niên kiện, còn có tên là sơn thục, thần phục, họ ráy – Araceae, là cây chứa tinh dầu thơm dễ chịu ... Vị đắng cay, thơm, tính ấm, khu phong thấp, bổ gân cốt, chỉ thống, tiêu thủng… Ngoài ra, thiên niên kiện còn có nghĩa là “ngàn năm tráng kiện”; còn thịt ếch thì bổ dưỡng, thanh nhiệt, giải độc. Nếu không có ếch núi hoặc ếch đồng, thì dùng tạm ếch nuôi, chọn những con cỡ 2 lạng, khoảng năm hay sáu con cho một nồi um là lý tưởng, 1 lạng lá và đọt thiên niên kiện non, 2 chén nước cốt dừa nạo, các loại gia vị vừa đủ như ớt, sả, tỏi, tiêu, đậu phụng… Chế biến như sau : ếch làm sạch, để nguyên da, bỏ ruột, mỗi con chặt thành bốn miếng và ướp sả xắt mỏng, tỏi, bột nêm cho thấm, sau đó xào sơ qua cho vừa chín tới.


    (Lá thiên niên kiện và thịt ếch khi chưa nấu)

    Lót lá thiên niên kiện dưới đáy nồi. Cho số thịt ếch đã xào cùng với đọt non, cọng (đã tước vỏ) thiên niên kiện, vào nồi, sau đó đổ nước cốt dừa vào nồi. Đậy nắp và hầm khoảng 10 phút, sau đó cho nhỏ lửa cho đến khi mùi thơm ngào ngạt toả ra thì nhắc xuống. Có thể cho thêm đậu phộng rang giã giập và ớt vừa đủ trước khi ăn. Khi ăn, thịt ếch đã thơm ngon, nhưng lá, đọt, cọng thiên niên kiện còn ngon hơn thịt ếch.

    Món này vì đã nêm vừa ăn nên không cần nước chấm. Ếch um lá thiên niên kiện có thể ăn với bánh tráng nướng, bún, rau sống, bánh mì và ăn lúc còn nóng hổi, “vừa thổi vừa ăn”, mới cảm nhận được cái hương vị đặc biệt thơm ngon, bổ dưỡng, mạnh gân cốt của món lạ miệng, đặc biệt hấp dẫn này.

    Nhiều người thích trồng trong vườn nhà vài gốc thiên niên kiện, vừa làm cảnh, vừa làm thứ gia vị để xào, nấu, kho… và um ếch, cá, nấu lẩu ăn cho dẻo dai gân cốt.

    Bài và ảnh: Lê Quốc Kỳ
    (theo SGTT)



  4. #4
    Moderator lait's Avatar
    Join Date
    Feb 2010
    Posts
    1,173

    Default Re: Chi Thiên niên kiện!


    Hình ảnh về thiên niên kiện


    Tên khoa học: Homalomena aromatica

    Tính chất:
    Mùi hương nồng nàn, quyến rũ và lâu bay mùi nên thường được sử dụng chủ yếu để sản xuất các loại nước hoa cao cấp và đắt tiền.
    Trong trị liệu massage và xông hơi tinh dầu này giúp trị phong thấp, tê đau, nhức mỏi xương, có tác dụng làm mạnh gân cốt.

    Chú ý:
    Để xa tầm tay trẻ em
    không bôi trực tiếp lên da




    THIÊN NIÊN KIỆN
    ( HOMALONEMA AROMATICA )


    Tên cây : Thiên niên kiện, sơn thục, ráy hương, bao kim, vắt vẻo, vạt hương (Tày), t`rao yêng (K`ho), duyên (Ba Na), hìa hẩu ton (Dao).
    Mô tả : Cây cỏ, sống nhiều năm. Thân rễ hình trụ, dài, mặt cắt có xơ cứng. Lá to, hình mũi tên, gốc hình tim, có bẹ. Cụm hoa hình bông mo. Hoa đực ở trên, hoa cái ở dưới. Hoa không có bao hoa. Quả mọng, khi chín màu đỏ. Toàn cây có tinh dầu thơm, nhất là ở thân rễ.
    Phân bố : Cây mọc hoang ở miền núi, nơi ẩm ướt dọc hai bên bờ khe suối.
    Bộ phận dùng : Thân rễ. Thu hái vào mùa thu - đông. Caọ sạch vỏ ngoài, chặt thành đoạn, phơi hoặc sấy khô. Còn dùng lá tươi.
    Thành phần hóa học : Thân rễ chứa tinh dầu gồm linalol là thành phần chủ yếu, (-terpineol và linalyl acetat, sabinen, limonen, aldehyd propionic và acid acetic.
    Công dụng : Chữa thấp khớp, đau nhức xương, tê bại, đau dạ dày, khó tiêu, đau bụng kinh. Ngày 6 - 12g thân rễ dạng thuốc sắc, rượu thuốc hoặc cao. Dùng ngoài, thân rễ tươi ngâm rượu xoa bóp chữa đau nhức, hoặc lá tươi giã đắp chữa nhọt. Bột thân rễ trị sâu, nhậy.



    Thiên Niên Kiện – Dược liệu quý cần được quản lý

    ThienNhien.Net – Thiên Niên Kiện có tên khoa học Homalomena amoraticae thuộc họ ráy Araciae, người dân thường gọi là Củ ráy rừng, hay còn gọi là Sơn Thục, tiếng dân tộc gọi là củ quành. Thiên Niên Kiện có nghĩa là ngàn năm kiện tráng, vì uống loại dược liệu này có tác dụng mạnh gân xương, khỏi được bệnh phong tê thấp, làm tráng kiện. Trong y học cổ truyền, Thiên Niên Kiện được coi là một loài dược liệu quý.
    Mặc dù trong tài liệu có ghi chép Thiên Niên Kiện có tác dụng vào các kim Can và Thận, trừ phong tê thấp, đau nhức gân xương co quắp tê dại... Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng sẽ gây nguy hiểm. Chẳng hạn, dược liệu này cấm chỉ định đối với những người âm hư nội nhiệt. Mỗi lần dùng chỉ từ 4-8 gam cho một thang thuốc. Không nên dùng riêng lẻ, nếu dùng để ngâm rượu thì chỉ để xoa bóp bên ngoài, uống vào thì sẽ nôn, choáng váng, đau đầu, nếu uống nhiều sẽ chảy máu dạ dày. Tại một số địa phương, nhất là đồng bào miền núi, sẵn có Thiên Niên Kiện nên ngâm rượu có mùi thơm, nên nhiều người uống vào đã bị chảy máu dạ dày.

    Thiên Niên Kiện có nhiều ở các vùng Thanh Hóa, Nghệ An... Tuy nhiên, việc vào rừng khai thác Thiên Niên Kiện một cách tràn lan, tự do rất đáng lên án, khiến rừng mất độ ẩm, gây xói mòn đất làm ảnh hưởng môi trường sinh thái. Do đó, cần có các biện pháp quản lý đối với loại dược liệu quý này.

    Thiên Niên Kiện muốn dùng được phải sấy khô. Quá trình sấy Thiên Niên Kiện thường xảy ra hỏa hoạn bởi lẽ hàm lượng tinh dầu trong Thiên Niên Kiện rất cao, khi sấy khô, lửa dễ bén, nên phải cẩn thận. Đã có nhiều trường hợp cháy lán, lan vào rừng. Khi đốt củi sấy Thiên Niên Kiện phải làm lò, phải có sự giám sát chặt chẽ việc sấy Thiên Niên Kiện trong mùa hè.

    Thực tế khi bà con đi thu mua và sấy Thiên Niên Kiện thường làm lán ngay trong rừng để tiện nguồn củi, lại không có sự giám sát, nên rất dễ gây cháy rừng. Do dó, các cơ quan quản lý cần lưu ý vấn đề này, đồng thời cần tuyên truyền, vận động để người dân ý thức được công việc tránh gây cháy rừng.

    Theo Bản tin Kiểm lâm, 09/2009



  5. #5
    a n i r t a k NEP's Avatar
    Join Date
    Nov 2006
    Location
    Tây Bắc
    Posts
    8,139

    Default Re: Chi Thiên niên kiện!

    Rắn mối nướng ăn ngon lắm đó.

  6. #6
    Moderator lait's Avatar
    Join Date
    Feb 2010
    Posts
    1,173

    Default Re: Chi Thiên niên kiện!

    Quote Originally Posted by itsholiday View Post
    Rắn mối nướng ăn ngon lắm đó.
    holiday ăn rồi sao?

    hôm nào có nướng kêu lait ăn kẻ vởi nha

    thứ mùi vị cho biết
    không mai nầy có xuống âm phủ, rồi cũng tiếc là chưa được ăn hết của vật lạ ở trần gian



  7. #7
    a n i r t a k NEP's Avatar
    Join Date
    Nov 2006
    Location
    Tây Bắc
    Posts
    8,139

    Default Re: Chi Thiên niên kiện!

    Hồi còn nhỏ có ăn 1 lần rồi. Ở miền quê có nhiều lắm.

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts