Results 1 to 6 of 6

Thread: Ca sĩ Nguyên Thảo và tuổi thơ bị tước đoạt

  1. #1
    a n i r t a k NEP's Avatar
    Join Date
    Nov 2006
    Location
    Tây Bắc
    Posts
    8,139

    Default Ca sĩ Nguyên Thảo và tuổi thơ bị tước đoạt

    7 tuổi, cô bé Nguyên Thảo chứng kiến cha mình giết mẹ. Nữ ca sĩ không thể tha thứ cho sự vô tâm của cha sau khi ra tù vì đã đẩy cô vào cuộc sống sợ hãi, trầm cảm.

    - Cô bé 7 tuổi khi đó ra sao trước nỗi mất mát quá lớn?
    - Tôi sợ hãi co rúm mình lại trong căn nhà nhỏ. Dì ruột bế tôi lên, dì khóc nhiều hơn cháu. Gần như lúc đó tôi không thể khóc nổi, đúng hơn là sợ hãi và căm giận. Một thời gian khá lâu sau khi mẹ qua đời, sự mất mát mới dần ngấm.

    - Mẹ mất. Cha bị bắt. Lúc đó, ai là người gần gũi nâng đỡ Nguyên Thảo?
    - “Sẩy mẹ bú dì”, chính dì ruột là người thay mẹ. Khi đó, dì làm giáo viên, cuộc sống khó khăn lắm. Dì coi tôi là con, tôi gọi dì và chú là cha mẹ.

    - Hồi ấy, có lúc nào cô bé đó hiểu, dì thầm khóc khi nghĩ đến những gì cháu đã trải qua nhưng bên ngoài vẫn lặng im để động viên?
    - Tôi nhớ có lần cô giáo nói lại với dì là tôi không chịu nói chuyện với ai trong lớp và hay nhìn ra cửa sổ. Về nhà dì la tôi sao không tập trung học hành nhưng sau đó dì quay mặt đi lau nước mắt vì hơn ai hết dì hiểu tại sao tôi như vậy.



    - Còn căn nhà cũ, dì có hay đưa Thảo quay lại đó?
    - Không. Dì sợ tôi sốc khi những ám ảnh cũ lại hiện về. Một đứa trẻ rất muốn nghĩ về một chốn riêng để chứng minh mình có một tuổi thơ thì gần như tôi không có. Một căn nhà hoang nát đầy kinh sợ. Từ khi mẹ ra đi, tôi cũng xa lạ hẳn với căn nhà và nó thực sự không còn là của tôi từ ngày đó. Một tuổi thơ gần như bị tước đoạt.

    - Khi cha vào tù, Nguyên Thảo có vào thăm ông ấy?
    - Cũng vài lần, bà nội đưa tôi đi.

    - Chị và cha nói gì trong những lần gặp ấy?
    - Tôi sợ không biết nói gì. Ngạc nhiên là ông ấy cũng chỉ nói với tôi vài câu qua loa. Tuyệt đối không động viên, an ủi.

    - Thế còn thư từ hoặc những lời nhắn nhủ?
    - Không, tuyệt đối không, kể cả với gia đình chú dì, những người cưu mang tôi

    - Cha của Thảo làm nghề gì?
    - Ông ấy là công an, sau chuyển làm nghề chụp ảnh. Mẹ tôi làm kế toán. Sự việc diễn ra quá nhanh khiến nhiều người nghĩ mẹ tôi bị ám sát.

    - Có bao giờ chị hỏi những người thân, hoặc những người thân kể lại lý do vì sao cha lại giết mẹ như vậy không?
    - Hồi nhỏ, chú dì tôi không kể. Lớn lên, tôi cũng không tìm hiểu. Tôi nghĩ rằng dù bất cứ lý do gì cũng không thể chấp nhận được. Không ai có quyền tước đoạt sự sống của người khác. Chỉ có trời mới có quyền đó. Đằng này, ông ấy lại cướp đi sinh mạng của vợ, đồng thời là mẹ của con gái ông ấy, càng không có gì để bao biện hay để cầu xin được tha thứ.

    - Nhưng thời gian là liều thuốc hữu hiệu, hóa giải tất cả. Một người như chị cũng dễ nói lời thứ tha…
    - Ông ấy đã đóng vào tôi một tảng băng quá sớm trong lòng và không là người gỡ dùm. Để rồi chính ngọn lửa ấm tình cha con đã tắt đi mà không thể nào nhen nhóm lại được. Giờ đây, tôi chỉ có thể nói rằng, tôi không còn quan tâm đến cuộc sống của ông ấy.

    - Có khi nào Nguyên Thảo nghĩ rằng: ông ấy thấy lỗi lầm quá lớn nên không dám làm khổ con gái thêm?
    - Tôi là con ông cơ mà. Bổn phận của người cha lúc đó là bù đắp chứ.

    - Khi ra tù, cha chị nói gì?
    - Ông ấy ra tù khi tôi gần 20 tuổi. Suốt bao năm tôi chỉ chờ đợi ở ông ấy một lời xin lỗi nhưng không được. Khi ra tù, người đầu tiên mà ông tìm gặp lại không phải là tôi. Sau này gặp, ông ấy nói: “Việc của cha bây giờ là kiếm tiền sắm cái xe Dream, sau đó mới có thể lo cho con”.

    - Và chị…
    - Chết lặng như một pho tượng. Điều đó nói lên rằng ông ấy không còn xứng đáng với bao năm chờ đợi của đứa con gái bé bỏng nữa. Ông ấy chối bỏ con mình và gần như mặc nó trong những đớn đau do chính ông gây ra.

    - Bao lâu sau khi ra tù thì ông ấy đi bước nữa?
    - Chỉ ba tháng …

    - Ông ấy có nói điều này với chị?
    - Không. Tôi nghe người ta xì xào nên đến nhà ông xem thực hư thế nào. Khi đến, tôi nhìn thấy vợ ông ấy. Bà nằm trong nhà, không ra gặp tôi.

    - Thế còn ông ấy?
    - Có ra, ngồi nói bâng quơ vài câu, cũng kể chuyện trời mưa trời nắng chứ không nghĩ đến người đối diện. Đó gần như là lần gặp cuối cùng giữa tôi và ông ấy. Tôi tiếp tục cuộc sống tự lập.



    - Bây giờ nếu gặp cha giữa đường, chị sẽ thế nào?
    - Thì tôi sẽ chào ông ta rồi đi, hoặc nếu ông ta không để ý thì tôi “chuồn” cho lẹ, không muốn tiếp xúc.

    - Cha chị liệu có dõi theo những bước trưởng thành của chị?
    - Tôi nghĩ là không. Có lẽ giờ này ông ấy chẳng còn biết con gái mình sao nữa đấy chứ. Như thế càng hay cho ông ấy và dĩ nhiên là tốt cho tôi.

    - Giả sử những đứa em cùng cha khác mẹ biết được mọi chuyện và muốn bù đắp cho chị bằng tình yêu thương chân thật, liệu chị có nhận tấm chân tình đó?
    - Tôi không phải là người cạn tình. Tuy nhiên, tôi không tin điều đó xảy ra vì một người như ông ấy khó mà dạy được con cái sống có tình. Với lại, cũng không nên có điều đó, bởi tôi chẳng muốn dính líu gì đến ông ấy cùng những gì liên quan. Tôi có cuộc sống của tôi và họ có cuộc sống của họ. Không quan tâm đến nhau có khi hay hơn.

    - Mất mát từ nhỏ, điều này hẳn ảnh hưởng rất lớn đến tính cách của Thảo?
    - Tôi mất thăng bằng một thời gian dài. Điều đó hình thành ở tôi tính cách ít chia sẻ. Tôi biết học cách không quan tâm và thương mình hơn vì nếu quan tâm những gì không đáng quan tâm thì chỉ làm khổ mình thêm thôi. Và cũng có thể gây phiền nhiễu cho cuộc sống của mình.

    - Để 80% nỗi buồn của cuộc sống cho mình, có nặng quá không?
    - Rồi cũng qua hết thôi. Sinh ly tử biệt đã trải qua. Tự gặm nhấm cũng quen rồi. Tôi im lặng với buồn đau suốt một chặng đời và mang theo nó trên những bước đường. Gặp khó khăn, trắc trở gì tôi cũng lầm lì chịu đựng. Tôi như bao người khác, cũng yếu đuối, có lúc muốn gục vào bờ vai mẹ nhưng mọi thứ đã qua để lại một khoảng trống quá sâu nên tự tôi tựa vào chính mình thôi.

    - Kể cả với người yêu, chị cũng không chia sẻ?
    - Riêng với người yêu thì khác. Phải tâm sự chứ. Vấn đề là tôi chưa tìm được một tình yêu nào đủ nặng để cân bằng. Hoặc bây giờ tôi cho rằng thế này là tình yêu nhưng 10 năm sau nhìn lại lại thấy rằng không phải thế. Tôi không là người kiếm tìm trong tình cảm.



    - Bạn bè của chị ở Sài Gòn thì sao?
    - Hồi trước, tôi có người bạn học thân lắm, giờ thì mọi thứ khác rồi. Cuộc sống của tôi khá khép kín nên không có nhu cầu quảng giao.

    - Dường như những nỗi nhớ thương về mẹ, chị đã gửi vào câu hát nên khi thể hiện bài "Nghìn trùng xa cách" của Phạm Duy khá lay động?
    - Những bài hát có hình ảnh mẹ, tôi đều hát bằng những nỗi đau mơ hồ. Nghìn trùng xa cách là tâm trạng thật, tôi hát nó như một tiếng khóc.

    - Những lúc buồn, không hát, chị có khóc cho nhẹ lòng?
    - Khóc không được đấy chứ. Đã biết bao lần rồi, cứ im lặng một cách rỗng rễnh. Có thể cái dư chấn thời ấu thơ vẫn chưa qua được trong tâm trí nên tôi vẫn đang thành một kẻ lơ lửng mất thăng bằng.

    - Cuộc sống của chị với chú dì ra sao?
    - Tôi gọi chú dì là ba mẹ và đó cũng là tiếng gọi thân thương trọn vẹn trong cuộc đời tôi. Chú dì nuôi tôi bằng những đồng lương vất vả của công chức. Sau tôi còn hai đứa em gái nữa. Giờ đây, một học đại học và một đang vào năm cuối cấp.

    - Ba chị em gái hiểu nhau nhiều không?
    - Các em rất thương tôi. Đứa kế gần tuổi tôi nên hiểu hơn và hay chia sẻ hơn. Đứa em sau thì tuổi hơi xa nhau, nhưng chị em vẫn gần gũi và thương nhau.

    - Khi chị theo nghiệp cầm ca, dì chị nghĩ sao?
    - Dì ủng hộ vì hiểu những vất vả mà tôi trải qua và tin cháu mình nên động viên thôi.

    - Dì có biết chị từng phải hát ở những điểm ăn uống và cũng rất lận đận những ngày đầu?
    - Mẹ biết hết. Nhưng tôi là đứa thích tự lập và việc kiếm tiền chính đáng nên không có gì để gia đình phải lo lắng.

    - Mẹ có nghĩ một ngày chị thành danh như hôm nay?
    - Cái đó chắc phải hỏi mẹ tôi thôi. Nhưng tôi nghĩ mình mới có chút tiếng tăm thôi à. Còn phải nỗ lực nhiều.



    - Hiện tại một ca sĩ nổi tiếng không xe hơi, không nhà, dù chỉ là một căn hộ chung cư, có khi nào chị chạnh lòng?
    - Tôi chưa đủ tài chính để làm điều đó. Cái gì cũng phải có thời gian. Với thu nhập của ca sĩ theo dòng nhạc kén khán giả như tôi thì điều này khó khăn đấy. Nhưng đi xe hơi không phải là điều tôi nghĩ tới hay cần thiết phải có. Hiện tôi vẫn ở nhà thuê và thấy thoải mái với căn hộ của mình

    - Sao chị không mượn tiền ba mẹ để mua một căn nhà, đỡ cảnh thuê mướn?
    - Ba mẹ là những công chức bình thường, nếu muốn cũng chẳng có để cho. Với lại, nếu ba mẹ có tôi cũng không nỡ làm thế vì từ nhỏ tôi đã ăn mất một phần cơm của các em, nên để ba mẹ dành tiền lo cho em chứ. Tôi cũng chưa lo được gì cho các em. Đứa em gái hiện ở với tôi cũng là người biết tự lập.

    - Nếu nhắn ai đó một điều, Nguyên Thảo nhắn gì?
    - Tôi muốn những người làm cha làm mẹ hãy quan tâm đến tuổi thơ của con cái. Đừng để nó mất cân bằng.

    Theo Mốt & Cuộc Sống
    Nguyệt Tận
    thơ: Phạm Ngọc
    nhạc: Hà Phương-Anh

  2. #2
    Moderator Nhím Út's Avatar
    Join Date
    Jun 2005
    Posts
    2,226

    Default Re: Ca sĩ Nguyên Thảo và tuổi thơ bị tước đoạt



    Họ: Nhím
    Tên: Út
    DOB: Tháng 2 ngày 31, năm Con Nhím

  3. #3
    a n i r t a k NEP's Avatar
    Join Date
    Nov 2006
    Location
    Tây Bắc
    Posts
    8,139

    Default Re: Ca sĩ Nguyên Thảo và tuổi thơ bị tước đoạt

    Buồn...nhưng cô ta hát bài Nguyệt Tận hay phải không?

  4. #4
    tsunami sea03's Avatar
    Join Date
    Apr 2010
    Posts
    692

    Default Re: Ca sĩ Nguyên Thảo và tuổi thơ bị tước đoạt

    Chỉ mong đừng vì vậy mà cô ta căm thù đàn ông

  5. #5
    Moderator Nhím Út's Avatar
    Join Date
    Jun 2005
    Posts
    2,226

    Default Re: Ca sĩ Nguyên Thảo và tuổi thơ bị tước đoạt

    Quote Originally Posted by itsholiday View Post
    Buồn...nhưng cô ta hát bài Nguyệt Tận hay phải không?
    ừa, cổ hát nghe cũng được. Không hiểu sao người cha lại có thể vô tình và thiếu trách nhiệm với con gái của mình như vậy. Chuyện của người lớn giải quyết không đúng để liên lụy đến con cái : )


    Quote Originally Posted by sea03 View Post
    Chỉ mong đừng vì vậy mà cô ta căm thù đàn ông
    hihihi, hy vọng vậy


    Họ: Nhím
    Tên: Út
    DOB: Tháng 2 ngày 31, năm Con Nhím

  6. #6
    Moderator lait's Avatar
    Join Date
    Feb 2010
    Posts
    1,173

    Default Re: Ca sĩ Nguyên Thảo và tuổi thơ bị tước đoạt

    Quote Originally Posted by itsholiday View Post
    Nguyệt Tận
    thơ: Phạm Ngọc
    nhạc: Hà Phương-Anh
    7 tuổi, cô bé Nguyên Thảo chứng kiến cha mình giết mẹ. Nữ ca sĩ không thể tha thứ cho sự vô tâm của cha sau khi ra tù vì đã đẩy cô vào cuộc sống sợ hãi, trầm cảm.
    Không hiểu tại sao người đàn ông nầy nhẫn tâm mà giết vợ của ông ta vậy ha

    Nghe bản nhạc của cô ca sĩ nầy nghe buồn quả

    đúng là người có tâm sự

    Cảm ơn bạn nhiều



Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts