Results 1 to 5 of 5

Thread: Tiêu Chảy - St

  1. #1
    Senior Member delta's Avatar
    Join Date
    Oct 2007
    Posts
    1,697

    Default Tiêu Chảy - St

    Đề phòng tiêu chảy cấp tính vào mùa hè


    Bệnh tiêu chảy xuất hiện quanh năm, nhưng xảy ra nhiều nhất vào mùa hè vì ruồi nhặng phát triển, nguồn nước bị ô nhiễm, ăn hoa quả sống rửa không sạch.

    Tiêu chảy cấp là bệnh thường gặp và có nhiều nguyên nhân. Nếu chỉ bị tiêu chảy một vài lần trong ngày thì không đáng ngại, nhưng khi “đi” quá nhiều và kéo dài thì phải chữa trị tích cực, kết hợp điều trị triệu chứng với nguyên nhân. Tiêu chảy là một hội chứng đặc trưng bởi sự đẩy phân nhanh, phân nhiều nước và khối lượng trên 300g/ngày.

    Những nguyên nhân thường gây tiêu chảy

    Nguyên nhân gây tiêu chảy rất đa dạng, dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp sau:

    - Do vi khuẩn (như thương hàn, phó thương hàn, tụ cầu, cholera…), virus (Rotavirus, parvovirus…), ký sinh trùng (Lỵ amib và trực trùng, giardia, lamblia…)

    - Nhiễm độc các chất như thủy ngân, Asen, động vật (cá nóc, thịt cóc) hay thực vật (nấm độc), toan máu...

    - Nguyên nhân khác như dị ứng thức ăn (thịt rừng, hải sản), dùng kháng sinh (gây tiêu chảy màng giả hay xuất tiết), viêm tai xương chũm, bấn loạn tinh thần (lo lắng hay sợ hãi quá mức), vệ sinh ăn uống và môi trường nhiễm bẩn (ăn rau quả sống không rửa kỹ, nguồn nước bị ô nhiễm, thức ăn để ruồi nhặng bu...).

    Tóm lại, do ăn uống không đảm bảo vệ sinh nên vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, các chất độc xâm nhập đường tiêu hóa và gây tiêu chảy.

    Các triệu chứng nổi bật

    Tùy theo nguyên nhân mà tiêu chảy cấp có những triệu chứng nổi bật:

    - Bắt đầu từ từ hay đột ngột

    - Số lần đi cầu có thể ít (3-5 lần/ngày) hay nhiều (vài chục lần/ngày)

    - Đau bụng (từng cơn hay liên tục, mót rặn hoặc đau quanh hậu môn)

    - Buồn nôn hay nôn

    Một số hội chứng liên quan đến nguyên nhân như hội chứng nhiễm khuẩn (sốt, lưỡi bẩn, mệt nhọc…), nhiễm độc (tùy từng chất, có biểu hiện khác nhau), mất nước và điện giải (khát nước, khô miệng, mắt trũng, da nhăn, tứ chi lạnh, chuột rút, rối loạn nhịp tim, tiểu ít hay không nước tiểu…), trụy tim mạch (mạch nhanh và nhỏ, huyết áp thấp hay không đo được…). Tiêu chảy do Rotavirus nổi lên 3 triệu chứng: sốt, nôn và mất nước.

    Mất nước do tiêu chảy có thể chia làm 3 độ:

    - Độ 1 (mất nước nhẹ): Tiêu chảy khoảng 4-6 lần/ngày, không nôn và khát, tiểu tiện bình thường.

    - Độ 2 (mất nước vừa): Tiêu chảy 5-10 lần/ngày, nôn và khát nước, mệt mỏi, tiểu ít, môi khô.

    - Độ 3 (mất nước nặng): Tiêu chảy trên 10 lần/ngày, rất khát nước, tiểu ít hay không có nước tiểu, môi khô nẻ, li bì, mắt trũng sâu, da nhăn nheo.

    Điều trị

    Để trị liệu đạt kết quả nhanh, cần làm xét nghiệm phân (soi tươi, nuôi cấy), làm điện giải đồ, công thức máu, hematocrit, kháng sinh đồ (nếu có điều kiện) v.v... Trong điều trị tiêu chảy cấp, bù nước kịp thời và đầy đủ là yếu tố quyết định thành công, có thể dùng Oresol 1 gói pha với 1 lít nước chín hoặc Eletrolade 5g với 250ml nước hay Hydrid 1 viên với 100ml nước v.v... Thuốc pha xong phải dùng trong 24 giờ và bảo quản trong tủ lạnh. Cần lưu ý các chống chỉ định của thuốc.

    1. Bù nước: mất nước độ 1: uống 50 ml/kg cân nặng x 4-6 giờ. Độ 2 uống 100 ml/kg x 4-6 giờ. Độ 3 phải nhập viện.

    2. Thuốc

    - Loại không đặc hiệu:

    Than thảo mộc 5-10 g hay Loperamide 2 mg. Người lớn khởi đầu 2 viên, tiếp theo dùng 1 viên mỗi lần đi cầu phân lỏng, tối đa 8 viên/ngày x 5 ngày, hay Lopedium 2mg liều như trên. Hai loại này không dùng khi tắc ruột, không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi, có sốt hay phân lẫn máu, viêm loét kết tràng cấp tính hay màng giả, phụ nữ có thai và cho con bú.

    - Loại đặc hiệu: Do thương hàn và phó thương hàn, lỵ trực trùng gây tiêu chảy thì dùng Ciprofloxacin 500mg, 1 viên x 2 lần/ngày x 5-7 ngày, Ofloxacin, Levofloxacin... Nếu kháng các loại trên, thay bằng Azithromycin. Nếu do E.coli, dùng Levofloxacin 500mg 1 viên x 2 lần/ngày x 3 ngày. Ceftazidine v.v... Do kiết lỵ dùng Émetin, Klion v.v... Do dị ứng: Cézil 10mg 1 viên/ngày, Clarytyne v.v... Nếu do ngộ độc thì tùy nguyên nhân mà giải độc.

    3. Ăn uống: Uống nhiều nước (nước đường, nước rau quả, nước cháo). Khi đã giảm tiêu chảy, ăn đặc dần, vài hôm sau ăn bình thường.

    Đề phòng tiêu chảy:

    - Cần ăn chín, uống sôi

    - Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh

    - Ăn rau quả sống phải rửa thật kỹ (tốt nhất rửa trực tiếp dưới vòi nước)

    - Thức ăn phải đậy kỹ để tránh ruồi nhặng

    - Không ăn thức ăn bị ô nhiễm, không đi cầu ra sông, xuống ao, ra đồng

    - Không ăn thịt các loại động vật như cá nóc, cóc, các loại nấm chưa biết rõ.

  2. #2
    Senior Member delta's Avatar
    Join Date
    Oct 2007
    Posts
    1,697

    Default Re: Tiêu Chảy - St

    Nguyên nhân và phương pháp điều trị (Phần 1)

    Nguyên nhân của tiêu chảy cấp là gì ?


    Nhiễm virus của dạ dày và ruột là nguyên nhân rất thường gặp trong tiêu chảy, quặn bụng, ói, và thỉnh thoảng có sốt và đau toàn thân. Viêm đường tiêu hóa do virus thường tự khỏi sau một vài ngày đến 1 tuần và không cần dùng kháng sinh. Nếu tiêu chảy nặng thì việc quan trọng là ngăn ngừa mất nước và rối loạn điện giải, nhất là trẻ nhỏ và người già.

    Ngộ độc thức ăn là bịnh do độc tố của vi trùng. Với một số vi trùng, những độc tố được tạo ra trong thức ăn trước khi ăn nhưng cũng có một số vi trùng khác thì độc tố xảy ra sau khi thức ăn được ăn vào. Những trường hợp độc tố được tạo ra trước khi ăn thì triệu chứng xuất hiện trong vòng vài giờ. Trong khi thời gian ngộ độc dài hơn so với những trường hợp độc tố được tạo trong ruột. Trong những trường hợp trễ thì sau ăn 7-15 giờ mới xuất hiện triệu chứng. Khi ăn thức ăn chứa độc tố hoặc những vi khuẩn tạo nên độc tố thì thường có đau bụng, tiêu chảy, ói. Những triệu chứng do độc tố trong thức ăn thì thường kéo dài ít hơn 24 giờ. Kháng sinh không hiệu quả đối với ngộ độc thức ăn. Ðiều chỉnh và ngăn ngừa mất nước là yếu tố quan trọng nhất.

    Tiêu chảy ở những người du lịch là tiêu chảy cấp, gây ra bởi nhiễm trùng đường tiêu hóa do E.coli. Những du khách đến những nước thuộc vùng nhiệt đới và vệ sinh kém có thể mắc bịnh tiêu chảy này. Vi trùng E.coli gây ra tiêu chảy thường được thấy trong thức ăn như trái cây, rau cải, đồ biển, thịt sống, nước và nước đá. Những độc tố được tạo ra bởi vi khuẩn khởi phát bệnh tiêu chảy đột ngột, đau quặn bụng, buồn nôn, và đôi khi gây ói. Những triệu chứng này thường xảy ra 3-7 ngày sau khi tới vùng đó và thường tự hết sau vài ngày đến một tuần. Pepto- Bismol và kháng sinh Cipro, Septra có thể giúp giảm mức độ và thời gian tiêu chảy. Ðiều chỉnh và ngăn ngừa mất nước là điều quan trọng. Ðôi khi vi trùng hoặc ký sinh trùng khác có thể gây ra bịnh tiêu chảy này (như shigella, giardia, campylobacter, và những nguyên khác).

    Viêm ruột do vi trùng, là có sự xâm nhập trực tiếp của vi trùng vào lớp trong của vách ruột non, đại tràng và gây ra viêm. Vi trùng này bao gồm : campylobacter hỗng tràng, chủng E.coli xâm nhập (như EPEC), shigella, và salmonella. Những bịnh này thường mắc phải do uống nước ô nhiễm, ăn thức ăn lây nhiễm như rau cải, thịt gia cầm và những sản phẩm làm từ bơ. Những triệu chứng và dấu hiệu nhiễm trùng bao gồm sốt, đau quặn bụng, mắc rặn đi cầu, căng bụng khi đi tiêu và phân có thể có đàm máu.

    Viêm ruột do vi trùng thường hết trong vài ngày đến 2 tuần dù có kháng sinh hay không. Kháng sinh có thể làm ngắn thời gian bịnh chỉ còn 1-2 ngày nhưng thường dùng khi bịnh nặng (sốt cao hoặc đau bụng, mất nước và tiêu máu), kéo dài (hơn 2 tuần) hoặc những người yếu (trẻ quá nhỏ hoặc người quá già).

    C.Difficile là vi trùng ảnh hưởng đến đại tràng. Thay vì xâm nhập vào đại tràng, nó tạo ra độc tố gây viêm đại tràng tạo nên những triệu chứng như sốt, đau bụng, và tiêu chảy. Kiểu nhiễm trùng này thường xảy ra nhất trong những bịnh nhân đang dùng kháng sinh hoặc vừa dùng xong một đợt kháng sinh. Những kháng sinh chuyên biệt như metronidazole (flagyl) và vancomycin (vancocin) được dùng để điều trị loại vi trùng này.



    Giardiasis là bịnh tiêu chảy do ký sinh trùng Giardia lamblia. Thường nhất là nhiễm trùng ruột non ở trẻ em, khách du lịch và những người thường sống không cố định, dùng nước ô nhiễm hoặc ao hồ. Nó là nguyên nhân thường gặp ở những trẻ không được huấn luyện vệ sinh ở những nhà trẻ, Giardia gây ra tiêu chảy với đau bụng, quặn bụng và đầy hơi. Nó cũng có thể gây ra tiêu chảy mãn tính với phân hôi, phù và giảm cân.

    Thuốc có thể gây ra tiêu chảy. Thuốc thường gây ra tiêu chảy là antacid, thuốc bổ chứa magie. Những loại thuốc khác gây ra tiêu chảy là thuốc kháng viêm non- steroid (NSAIDs), hóa trị liệu, kháng sinh, thuốc chống loạn nhịp, và thuốc trị cao huyết áp. Một số thuốc thường gây tiêu chảy là misoprostol (Cytotec), quinidine, olsalazine, colchicine, metoclopramide (Reglan) và cisapride (Propulsid).

    Carbohydrate được hấp thu kém là nguyên nhân tiêu chảy. Khi nó không được hấp thụ ở ruột, nó tích tụ dịch trong đại tràng và vi trùng sử dụng nó sinh ra khí. Như thế một lượng carbohydrate quá nhiều trong ruột có thể sinh hơi, quặn, và tiêu chảy. Lactose là một carbohydrate được tìm thấy trong sữa và trong những sản phẩm của bơ. Những người không dung nạp lactose vì trong ruột non có men lactase thấp, men này cần thiết cho sự hấp thu lactose. Một carbohydrate được hấp thu kém khác là sorbitol, thường có trong kẹo cao su, kẹo bạc hà không đường hoặc thức ăn. Fructose thường thấy trong trái cây và rượu nhẹ là loại carbohydrate kém hấp thu.

    Nguyên nhân tiêu chảy mãn là gì ?

    Nhiều loại thuốc có thể gây ra tiêu chảy. Chẳng hạn hội chứng đại tràng kích thích, sự tăng sinh vi trùng quá mức, bịnh Crohn, viêm loét đại tràng, ung thư đại tràng, polyp đại tràng (villous adenoma), Celiac Sprue, bệnh cường giáp, bịnh Addison, giardiasis và những ký sinh trùng khác, những ảnh hưởng phụ của thuốc nhuận tràng, và không dung nạp lactose.

    Tiêu chảy cấp được điều trị như thế nào?

    Những điểm chính trong điều trị tiêu chảy cấp là :

    1.1 Biết khi nào cần gọi bác sĩ.

    1.2 Ngăn ngừa và điều chỉnh mất nước.

    1.3 Dùng thuốc để giảm tần số, độ lỏng của phân và giảm đau quặn bụng.

    1.4 Trị nhiễm trùng với kháng sinh (khi có chỉ định).

    Khi nào cần đến bác sĩ trong điều trị bịnh tiêu chảy?

    Ðối với trẻ bị tiêu chảy cấp cần tham vấn bác sĩ khoa nhi để tránh rối loạn điện giải. Bù nước đường uống là cách thay thế dịch bị mất do tiêu chảy, ói gây ra. Dùng dung dịch bù nước quá nhanh có thể dẫn đến tăng natri trong máu và tăng nguy cơ biến chứng thần kinh (như chóng mặt ). Dùng nước hoặc dịch mà không chứa điện giải có thể gây ra nguy hiểm tương đương với hạ natri trong máu.

    Tiêu chảy cấp ở phụ nữ có thai.

    Tiêu chảy cấp trên những bịnh nhân có sẵn bịnh ruột mãn tính như viêm loét đại tràng hoặc bịnh Crohn. Tiêu chảy trên những bịnh nhân này có thể làm xấu hơn bịnh gốc đã có và đòi hỏi phải dùng thuốc. Hơn nữa những thuốc chống tiêu chảy có thể làm nặng thêm từ nhẹ thành nặng của bịnh viêm loét đại tràng.

    Tiêu chảy ở những người bị bịnh như tiểu đường, bịnh tim, AIDS.

    Tiêu máu có thể do vi trùng xâm nhập hoặc có bịnh viêm loét đại tràng và bịnh Crohn.

    Sốt cao (hơn 101 độ F hay 380 C).

    Căng và đau bụng từ trung bình đến nặng. Mất nước trung bình và nặng.

    Ói kéo dài có thể làm trở ngại việc bù nước đường uống.

    Tiêu chảy trong và sau khi dùng kháng sinh có thể do C.difficile và cần dùng kháng sinh chuyên biệt.

    Tiêu chảy sau khi đi du lịch đến các nước đang phát triển hoặc do cấm trại trên núi thường do Giardiasis và cần dùng thuốc chuyên biệt.

    Người lớn tiêu chảy cấp và nặng mà không giảm sau 48 giờ.

    Trẻ em và người lớn bị tiêu chảy cấp.

  3. #3
    Senior Member delta's Avatar
    Join Date
    Oct 2007
    Posts
    1,697

    Default Re: Tiêu Chảy - St

    Nguyên nhân và phương pháp điều trị (Phần cuối)

    Mất nước được ngăn ngừa và điều chỉnh như thế nào?


    Mất nước xảy ra khi mất nhiều dịch và chất điện giải trong cơ thể. Mất nước thường xảy ra trong những bịnh nhân tiêu chảy cấp với lượng phân mất quá lớn và ở những đứa bé hoặc sơ sinh bị nhiễm virus hoặc vi trùng. Những bịnh nhân mất nước nhẹ có thể có khát và khô miệng. Mất nước từ trung bình đến nặng có thể gây ra những triệu chứng như : ngất tư thế ( ngất do đứng lên làm giảm lượng máu và làm hạ huyết áp tư thế), giảm lượng nước tiểu, mệt, sốc, suy thận, lú lẫn, toan máu (do quá nhiều acid trong máu) và hôn mê.

    Dung dịch bù nước đường uống chứa carbohydrate (glucose hoặc nước gạo) và chất điện giải (natri, kali, clor, citrate hoặc bicarbonat). Tổ Chức Y Tế Thế Giới tạo ra gói ORS giúp bù nước nhanh chóng cho những bịnh nhân bị bịnh tả. Gói ORS chứa glucose và chất điện giải. Glucose trong gói ORS có vai trò quan trọng vì nó giúp ruột non hấp thu nhanh chóng nước và điện giải. Mục đích chất điện giải là ngăn ngừa và điều trị rối loạn điện giải. Ở Mỹ, có những sản phẩm được trộn rất thuận tiện tương tự như gói ORS của Tổ Chức Y Tế Thế Giới có thể nhanh chóng giúp bù nước và ngăn ngừa mất nước. Ví dụ như Pedialyte, Rehydralyte, Infalyte, và Resol.

    Hầu hết những sản phẩm thương mại dạng ORS đều chứa đường. Infalyte là chất duy nhất chứa carbohydrate của gạo thay cho glucose. Về hiệu quả, đa số bác sĩ cho rằng không có sự khác nhau lắm giữa glucose và carbohydrate của gạo trong gói ORS.

    Mất nước sơ sinh và trẻ nhỏ được điều trị như thế nào ?

    Ða số tiêu chảy ở trẻ em là do virus và thường tồn tại thời gian ngắn. Kháng sinh không được dùng trong những trường hợp tiêu chảy do virus. Tuy nhiên nếu sốt, ói, và phân lỏng có thể kèm những nhiễm trùng khác như viêm tai giữa, viêm phổi, nhiễm trùng niệu, nhiễm trùng máu, và viêm màng não. Những bịnh này cần dùng kháng sinh sớm. Trẻ nhỏ với tiêu chảy cấp cũng nhanh chóng dẫn đến mất nước nặng, và cần bù nước sớm. Vì lý do này mà những trẻ nhỏ yếu nên được đánh giá bởi bác sĩ chuyên khoa nhi để xác định và điều trị nhiễm trùng cũng như cung cấp những chỉ dẫn trong việc sử dụng đúng đắn các dung dịch bù nước đường uống.

    Những trẻ nhỏ với mất nước trung bình tới nặng nên được điều trị bằng truyền dịch trong bịnh viện. Bác sĩ chuyên khoa nhi có thể quyết định điều trị ở nhà bằng bù nước đường uống những trường hợp mất nước nhẹ khi tiêu chảy do virus.

    Những trẻ bú mẹ vẫn tiếp tục bú trong suốt thời gian bù nước. Việc cho ăn nên ngắt quảng trong những trường hợp có ói. Trong thời gian tiêu chảy do virus và một thời gian ngắn sau khi hồi phục thì cơ thể có thể không dung nạp lactose do sự khiếm khuyết tạm thời men lactase (men cần thiết cho việc tiêu hoá lactose trong sữa) trong ruột non. Những bịnh nhân không dung nạp glucose có thể làm tiêu chảy càng tệ hơn và quặn bụng khi ăn những sản phẩm của bơ. Do vậy sau thời gian bù nước bằng ORS thì thức ăn không có lactose không được pha loãng và nước trái cây pha loãng nên được dùng. Những sản phẩm của sữa nên được tăng dần khi trẻ hồi phục.

    Việc điều trị mất nước ở trẻ lớn và người lớn như thế nào?

    Những trường hợp tiêu chảy nhẹ, nước ép trái cây pha loãng, rượu nhẹ có đường, rượu thể thao như Gatorate và nước được sử dụng để ngăn mất nước. Caffeine và những sản phẩm bơ chứa lactose nên tránh tạm thời vì chúng có thể làm nặng hơn bịnh tiêu chảy. Nếu không có nôn ói thì thức ăn khô nên cho liên tục. Những thức ăn được dung nạp tốt trong thời gian tiêu chảy là gạo, ngũ cốc, chuối, và những sản phẩm không có lactose.

    ORS được sử dụng cho những trường hợp tiêu chảy kèm mất nước ở những trẻ trên 10 tuổi và người lớn. Những dung dịch này nên cho trung bình 50ml/kg/ 4-6 giờ đối với mất nước nhẹ và 100ml/kg / 6 giờ trong những trường hợp mất nước trung bình. Sau khi bù nước, dung dịch ORS có thể được sử dụng duy trì lượng nước từ 100ml - 200 ml qua 2 giờ cho đến khi ngừng tiêu chảy. Theo dõi những hướng dẫn trong nhãn của dung dịch để chỉnh lượng thích hợp theo cân nặng của bạn. Sau khi bù mất nước thì những trẻ lớn và người lớn nên được cho ăn khô ngay khi ói và buồn ói hết. Việc ăn uống nên được bắt đầu với gạo, ngũ cốc, khoai tây và những thức ăn ít mỡ, không có lactose. Ăn uống bình thường khi hết tiêu chảy.

    Những thuốc gì được dùng để điều trị tiêu chảy ?

    Ba loại thuốc chống tiêu chảy thể dùng:

    Những thuốc chống nhu động ruột- như loperamid (Imodium) và diphenoxylate (lomotil).

    Những phức hợp dựa trên Bismuth như pep- Bismol.

    Những chất hấp phụ như Attapulgite (Kaopectate,Donnagel) và Polycarbophil (Equalavtin ).

    Những tác nhân chống nhu động ruột. Loperamide (imodium) và diphenoxylate (Lomotil). Những tác nhân này tương tự như á phiện (như Codeine). Giống như á phiện chúng gây dãn cơ trơn của ruột và làm chậm di chuyển các chất trong ruột do đó có thì giờ để ruột hấp thu dịch. Ðiều này làm ít dịch tiết ra trong phân. Giãn cơ trơn của ruột cũng làm giảm triệu chứng quặn bụng.



    Vào năm 1976 FDA chấp nhận loperamide (imodium) trong việc điều trị giảm tiêu chảy cấp và tiêu chảy mãn trong những trường hợp bịnh viêm ruột ( bịnh Crohn và viêm loét đại tràng). Hiệu quả của loperamide có thể so sánh với diphenoxylate (Lomotil). Mặc dù Loperamide có thành phần hóa học liên quan với á phiện như codeine và morphine, nhưng nó không có tác dụng giảm đau như á phiện. Hơn nữa ở liều dùng cho tiêu chảy loperamide không gây nghiện.

    Lomotil là phức hợp hai thuốc diphenoxylate và atropine được sử dụng để điều trị tiêu chảy cấp. Mặc dù diphenoxylate là một loại á phiện nhân tạo mà thành phần hóa học của nó liên quan với meperidine (Demerol), nó không có tính chất giảm đau như những Narcotic khác. Tuy nhiên ở liều cao như những á phiện khác diphenoxylate có thể gây ra sảng khoái và phụ thuộc thuốc. Ðể ngăn ngừa sự lạm dụng Diphenoxylate đối với những ảnh hưởng về tính sảng khoái người ta thêm vào một lượng nhỏ atropine. Vì thế nếu Lomotil được dùng cao hơn liều được khuyên thì những ảnh hưởng phụ do quá nhiều atropine sẽ xảy ra. FDA chấp nhận Lomotil vào năm 1960.

    Khi sử dụng theo chỉ dẫn thì hai loại thuốc này an toàn và dung nạp tốt. Tuy nhiên có một số chú ý như sau :

    1/ Loperamide và diphenoxylate với atropine sẽ không được sử dụng mà không có sự cho phép của bác sĩ để điều trị tiêu chảy ( không sử dụng trong những trường hợp tiêu chảy gây ra do viêm loét đại tràng từ trung bình đến nặng, viêm đại tràng do C.difficile và viêm ruột do vi trùng xâm nhập). Sử dụng thuốc này trong những tình trạng trên sẽ làm cho bịnh nhiễm trùng kéo dài và nặng hơn.

    2/ Những thuốc này không sử dụng cho những trẻ nhỏ hơn 2 tuổi.

    3/ Những thuốc này gây lơ mơ hoặc hoa mắt và khi sử dụng cần chú ý với những người lái xe hoặc thực hiện những việc yêu cầu nhanh nhẹn và phối hợp.

    4/ Ða số tiêu chảy cấp cải thiện sau 48 giờ. Nếu triệu chứng không cải thiện hoặc xấu hơn thì nên khám bác sĩ.

    Những phức hợp bismuth

    Những loại thuốc từ Bismuth có khắp thế giới như Bismuth subnitrate, bismusth subsalicylate, colloidal bismuth subcitrate và những sản phẩm khác. Bismuth subsalicylate (Pepto - Bismol) là thuốc có thể dùng đại trà dưới dạng dịch, hoặc những thuốc viên. Nó chứa hai thành phần tích cực bismuth và salicylate. Bismuth được tin là gắn kết với những độc tố của vi trùng, virus và có những tính chất của kháng sinh. Salicylate (aspirin) có tính kháng viêm. Pepto- Bismol thường được sử dụng điều trị tiêu chảy cấp, ngăn ngừa và điều trị tiêu chảy của người du lịch.

    Pepto- Bismol được dung nạp tốt. Những tác dụng phụ là phân và lưỡi sậm màu. Những chú ý gồm:

    Pepto- Bismol chứa aspirin. Bịnh nhân dị ứng với aspirin nên tránh dùng Pepto-Bismol. Dị ứng thật sự đối với aspirin thì hiếm. Dị ứng aspirin xảy ra bao gồm nổi mề đay, khó thở, và sốc trong vòng 3 giờ sau khi dùng aspirin. Dị ứng aspirin thường gặp nhất ở những người bị suyễn, mề đay, và polyp mũi.

    Pepto- Bismol và những sản phẩm của aspirin sẽ không dùng cho trẻ em và thanh thiếu niên bị phát ban, cúm, và những nhiễm virus khác. Những trường hợp hiếm hơn là hội chứng Reye cũng có liên quan với sử dụng aspirin trong dân số này. Hội chứng Reye là một bịnh trầm trọng được đặc trưng bởi tổn thương gan, ói, và đôi khi hôn mê. Tỉ lệ tử vong là 50% và những người còn sống trong số đó có thể để lại những tổn thương não vĩnh viễn.

    Pepto-Bismol không nên sử dụng cùng với những thuốc aspirin khác vì sự kết hợp làm cho aspirin tăng quá nhiều dẫn đến những triệu chứng do độc tố aspirin như cảm giác chuông reo bên tai.

    Aspirin trong Pepto-Bismol có thể làm nặng thêm bịnh loét dạ dày- tá tràng và có thể dẫn đến chảy máu.

    Pepto- Bismol không nên dùng ở trẻ dưới 2 tuổi.

    Aspirin trong Pepto- Bismol có thể tương tác với những thuốc khác. Một ví dụ là sự tương tác với thuốc kháng đông (Coumadin) làm tăng nguy cơ chảy máu.

    Những chất hấp phụ

    Attapugite là loại thuốc uống không hấp thu mà được dùng điều trị tiêu chảy. Cơ chế của nó là gắn kết với một số lớn vi khuẩn, độc tố và ngăn ngừa mất nước. Attapugite giảm tần số nhu động ruột, làm cứng phân và giảm quặn bụng là triệu chứng thường liên quan đến tiêu chảy. Những sản phẩm chứa attapugite bao gồm Donnagel, Kaopectate, và Diasorb.

    Polycarbophil (Equalavtin) là một nhựa thông tổng hợp mà hoạt động giống như chất hấp phụ. Khả năng hấp thụ của nó lên đến 60 lần so với trọng lượng của nó trong nước.

    Attapulgite và polycarbophil không được hấp thụ vào máu và như thế không có ảnh hưởng phụ ngoài đường tiêu hoá. Nói chung chúng được dung nạp tốt nhưng đôi khi táo bón và đầy hơi cũng có thể xảy ra. Những chất hấp phụ có thể hấp thụ những thuốc được dùng chung và cản trở sự hấp thụ của những thuốc này. Những bịnh nhân đang dùng những thuốc khác thì nên báo cho bác sĩ và dược sĩ biết để chú ý nhằm ngăn ngừa sự gắn kết của những thuốc này với chất hấp phụ.

    Kháng sinh có vai trò gì trong điều trị tiêu chảy?

    Hầu hết những viêm ruột do vi trùng diễn ra cấp, tự giới hạn và không yêu cầu kháng sinh. Tuy nhiên, kháng sinh thường được sử dụng trong những trường hợp :

    Những bịnh nhân với triệu chứng dai dẳng và trầm trọng.

    Những bịnh nhân có thêm bịnh làm suy nhược cơ thể.

    Những bịnh nhân nhiễm ký sinh trùng.

    Những bịnh nhân viêm đại tràng do C.difficile.

  4. #4
    Senior Member delta's Avatar
    Join Date
    Oct 2007
    Posts
    1,697

    Default Re: Tiêu Chảy - St

    Chế độ ăn trong bệnh tiêu chảy

    Tiêu chảy (TC) là bệnh rất phổ biến ở trẻ em. Ở các nước đang phát triển người ta ước tính có tới 1,3 tỷ lượt trẻ em bị tiêu chảy và 4 triệu trẻ em dưới 5 tuổi hàng năm tử vong vì tiêu chảy. Trong đó 80% tử vong xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi.

    Nguyên nhân chính của tử vong là do cơ thể bị mất nước và điện giải. Tiêu chảy là nguyên nhân hàng đầu gây suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ. Bệnh tiêu chảy là một vấn đề y tế toàn cầu, là gánh nặng kinh tế đối với các nước đang phát triển.

    Tiêu chảy cấp và chế độ điều trị

    Tiêu chảy cấp là trẻ đi ngoài khởi đầu cấp tính, phân lỏng hoặc tóe nước kéo dài không quá 14 ngày (thường dưới 7 ngày).

    Trong điều trị tiêu chảy điều quan trọng nhất là bù lượng nước và điện giải, chế độ ăn của trẻ.

    Hồi phục nước và điện giải: Tùy theo mức độ mất nước mà điều trị tại nhà hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế.

    Mất nước mức độ A: (mất nước nhẹ, đi tiểu bình thường, khóc vẫn ra nước mắt, nôn ít, mắt không trũng) điều trị tại nhà bằng cách cho trẻ uống nước nhiều hơn bình thường bằng dung dịch ORS, nước đun sôi để nguội hoặc các dung dịch chế từ thực phẩm như nước cháo muối, nước gạo rang, nước cà-rốt + muối, nước chuối, hồng xiêm…

    Mất nước mức độ B: (mất nước vừa, trẻ tiểu ít, mắt trũng nhẹ, nôn vừa phải) Trẻ cần được điều trị tại cơ sơ y tế. Cách điều trị tốt nhất là cho uống ORS, số lượng dịch cần cho uống sau mỗi lần đi ngoài là:

    Trẻ dưới 2 tuổi: 50-100ml.

    Trẻ 2-10 tuổi: 100-200ml.

    Trẻ 10 tuổi trở lên uống theo nhu cầu: Số lượng dịch cần cho trẻ uống trong 4 giờ đầu có thể tính như sau: Số lượng dịch (ml) = cân nặng (kg) x 75.

    Cách cho trẻ uống

    Trẻ < 2 tuổi cho uống từng ngụm bằng cốc.

    Nếu trẻ nôn, đợi 10 phút sau rồi tiếp tục cho uống, nhưng cho uống chậm hơn, uống từng thìa cách nhau 2-3 phút.

    Sau 4 giờ đánh giá lại tình trạng mất nước, nếu xuất hiện mất nước nặng (mất nước độ C: Trẻ không đi tiểu được, khóc không ra nước mắt, nôn nhiều, mắt trũng môi khô…) cần đưa trẻ đi bệnh viện để điều trị phục hồi nước và điện giải bằng đường tĩnh mạch (truyền dịch).

    Các loại dịch dùng treo điều trị tiêu chảy

    ORS: Là dung dịch tốt nhất để điều trị mất nước (1 gói ORS có chứa: Glucoza 20g, NaCl 3,5g, KCl 1,5g, NaHCO3 2,5g).

    Cách pha dung dịch ORS: Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đong 1 lít nước sạch đun sôi để nguội đổ vào bình chứa, khuấy kỹ đến khi bột hòa tan hoàn toàn, đậy bình lại cho trẻ uống trong vòng 24 giờ. Đổ dung dịch đã pha đi khi đã quá 24 giờ và pha lại dung dịch mới.

    Cách nấu cháo muối: Dùng 1 nắm gạo, 1 nhúm muối (1 thìa cà phê gạt ngang) và 6 bát ăn cơm nước sạch, đun nhừ lọc qua giá cho trẻ uống dần.

    Nước gạo rang muối: 50g gạo rang vàng cho 1 thìa gạt cà phê muối nghiền nát với 1 lít nước sôi để nguội, cho trẻ uống dần.

    Súp cà rốt: Cà rốt 500g, muối ăn một thìa gạt ngang, 1 lít nước. Cà rốt nấu nhừ chà qua rá hoặc cho vào máy xay sinh tố xay nhừ, đun sôi lại.

    Chế độ ăn khi trẻ bị tiêu chảy

    Mặc dầu trong thời gian bị tiêu chảy cấp, quá trình hấp thu thức ăn có giảm hơn bình thường, nhưng vẫn hấp thu qua ruột 60%, do vậy trong suốt quá trình tiêu chảy cần cho trẻ ăn đủ khẩu phần, không được bắt trẻ nhịn, kiêng khem, thì trọng lượng cơ thể sẽ tiếp tục tăng với tốc độ gần như bình thường. Nếu không ăn đủ khẩu phần trẻ sẽ bị sụt cân dẫn đến suy dinh dưỡng.

    Các thực phẩm nên dùng khi trẻ bị tiêu chảy

    Gạo (bột gạo), khoai tây. Thịt gà nạc, thịt lợn nạc, cá nạc. Sữa đậu tương (đậu nành), sữa chua, sữa có ít hoặc không có lactoza. Dầu thực vật. Cà rốt, hồng xiêm, chuối, táo.

    Tùy theo lứa tuổi và chế độ ăn của trẻ trước khi bị tiêu chảy để sử dụng chế độ ăn thích hợp.

    Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi đang bú mẹ:

    Tiếp tục cho bú bình thường và tăng số lần bú. Vì sữa mẹ vẫn được dung nạp rất tốt khi bị tiêu chảy, cho trẻ bú mẹ trẻ tiêu chảy ít hơn, nhanh khỏi hơn, do sữa mẹ có chứa đường Lactoza nên vẫn được hấp thu rất tốt khi bị tiêu chảy. Nếu trẻ không có sữa mẹ thì cho trẻ ăn sữa bò hoặc sữa bột mà trước đó trẻ vẫn ăn những phải cho ăn từng ít một và ăn nhiều bữa trong ngày.

    Trẻ từ 6 tháng tuổi:

    Ngoài sữa mẹ và sữa thay thế như trên cần cho trẻ ăn thêm nhiều lần và từng ít một các thức ăn giàu chất dinh dưỡng như thịt nạc, cá, trứng, sữa… và cho thêm một ít dầu, mỡ để tăng thêm năng lượng của khẩu phần. Nếu trẻ được ăn sữa bò và ngũ cốc và rau đun chín nhừ cũng không gây tăng lượng phân bài tiết, nếu chỉ ăn sữa bò đơn thuần hoặc sữa công nghiệp có thể gây tăng khối lượng phân.

    Thức ăn cần mềm, nấu kỹ, cho ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh giảm nguy cơ bội nhiễm, nếu phải cho trẻ ăn những thức ăn đã nấu sẵn thì cần phải đun lại trước khi cho ăn. Cho trẻ ăn thêm quả chín hoặc nước quả như: Chuối, cam, xoài, đu đủ, hồng xiêm… để tăng thêm lượng Kali, bê tacaroten, Vitamin C…

    Các thực phẩm không nên dùng khi trẻ bị tiêu chảy

    Các loại nước giải khát công nghiệp, các loại thức ăn có chứa nhiều đường vì những thức ăn này có thể làm tăng tiêu chảy. Do tăng áp lực thẩm thấu trong lòng ruột kéo nước trong tế bào vào lòng ruột.

    Tránh dùng các loại thực phẩm có nhiều xơ hoặc ít chất dinh dưỡng như: Các loại rau thô (măng, rau cần), tinh bột nguyên hạt (ngô, đỗ) khó tiêu hóa.

    Số lượng thức ăn: Cần khuyến khích trẻ ăn càng nhiều càng tốt, trẻ nhỏ cho ăn 6 lần/ngày hoặc nhiều hơn.

    Sau khi khỏi tiêu chảy, để giúp cho trẻ hồi phục nhanh và tránh suy dinh dưỡng cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày 1 bữa trong 2 tuần liền.

    Chú ý:

    - Nếu trẻ ăn ít hoặc ăn vào bị nôn, thì cho ăn ít hơn và tăng số bữa lên so với thực đơn.
    - Trẻ ăn sữa bò tiêu chảy tăng lên thì thay bằng sữa tương 10% hoặc sữa không có lactoza như (Isomil, olac) hoặc cho ăn sữa chua làm từ sữa pha giống như các bữa sữa nước của trẻ.
    - Từ ngày thứ 5 nếu trẻ bớt tiêu chảy quay dần về chế độ ăn bình thường.

    Phòng bệnh tiêu chảy

    Nuôi con bằng sữa mẹ.

    Cho trẻ ăn bổ sung đúng và hợp lý, đảm bảo vệ sinh khi chế biến, bảo quản, dùng nguồn nước sạch, thực phẩm sạch và tươi không bị nhiễm khuẩn hoặc hóa chất bảo vệ thực vật.

    Rửa tay bằng xà phòng: Sau khi đi ngoài, thay tã lót cho trẻ, trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn, chăm sóc trẻ.

    Sử dụng hố xí hợp vệ sinh, xử lý an toàn phân trẻ nhỏ bị tiêu chảy.

    Tiêm phòng sởi: Trẻ mắc bệnh sởi hoặc sau khi khỏi do mắc tiêu chảy, lỵ nặng dần tới tử vong. Tiêm vacxin sởi có thể phòng ngừa được 25% tử vong liên quan tới tiêu chảy trẻ dưới 5 tuổi.

  5. #5
    a n i r t a k NEP's Avatar
    Join Date
    Nov 2006
    Location
    Tây Bắc
    Posts
    8,139

    Default Re: Tiêu Chảy - St

    Bệnh nầy thường hay sẩy ra trên du thuyền vì lượng nước uống trên du thuyền có hạng cho nên họ phải lọc lại nước để dùng, và trong quá trình thường hay bị ô nhiễm. Tuy không phải là một bệnh trầm trọng, nhưng nó có thể rất nguy hiểm vì người bị có thể mất quá nhiều nước trong cơ thể. Có nhiều người bị tiêu chảy và chết vì lý do nầy. Bởi vậy khi bị tiêu chảy bạn không nên đi cầu nhiều quá, và nên uống nhiều nước vào.

    Mấy người nhịn ăn thường chỉ không ăn nhưng họ vẩn uống nước...nếu không uống nước họ sẻ bị chết khác trước khi bị chết đói.

    Nói đến uống nước mỗi ngày bạn nên uống khoảng 2 lít.

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts