Thời Trị Liệu (CHRONOTHERAPY)

Trịnh Cường, Bác Sĩ:::


Kỳ này, mời quí độc giả đọc bài viết của Bác sĩ Trịnh Cường, để hiểu, với một số loại thuốc, chúng ta cần dùng vào một lúc đặc biệt trong ngày mới tốt.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đức


Mặc dầu thời sinh học (chronobiology) đã được nhận thấy từ hơn ba trăm năm qua, đầu tiên từ một số loài cây, song mới chỉ áp dụng vào việc chữa trị thời gian gần đây. Đây là phương pháp thời trị liệu.
Nhiệt độ cơ thể con người, sự hoạt động của não, giấc ngủ, cơ năng các bộ phận, sự bắt nguồn và độ nặng nhẹ của một căn bệnh đều thay đổi trong ngày theo một chương trình định trước để cơ thể quen với môi trường của chính mình cũng như môi trường chung quanh bên ngoài.
Đồng hồ sinh học trong cơ thể chúng ta thay đổi một cách có thể tiên đoán trước trong thời gian 24 giờ. Thời nhịp ngày 24 tiếng (circadian rhythm) liên quan đến ánh sáng và bóng tối của ngày.

Thời sinh học (Chronobiology)

Thời sinh học là ngành khoa học nghiên cứu thời gian của những hoạt động sinh học. Qua các tìm hiểu về nhịp sinh học, ngành này đã mở rộng thêm nhiều, thành các ngành nghiên cứu khác như Thời bệnh học (chronopathology), Thời Dược lý học (chronopharmacology), Thời Trị liệu (chronotherapy), v.v..
Nhịp sinh học là khoảng thời gian kéo dài từ một dạng biến đổi của một hoạt động đặc biệt của cơ thể được gọi là đỉnh điểm trước, cho đến khi nó lại trở lại dúng như dạng ấy, sự tuần hoàn này tạo nên một chu kỳ sinh học. Các chu kỳ này thay đổi với những nhịp riêng biệt như thời nhịp giờ, thời nhịp ngày, thời nhịp năm.
Qua những nghiên cứu trên cây cối và cơ thể sinh vật, gần hơn nữa là sự phát triển của ngành gen học (di thể học), nhịp sinh học đã được xác nhận ở một số thực vật và động vật.
Trên con người, những hoạt động của cơ thể như thân nhiệt, huyết áp, lượng hồng huyết cầu, mỡ trong máu, của những cơ quan như tim, phổi, thận, tuyến nội tiết, v.v., đều có những thay đổi như có những chiếc đồng hồ của từng cơ quan giúp việc điều khiển thời nhịp sống.
Những chu kỳ hoạt động sinh lý học của người đều do chính cơ thể quyết định chứ không phải do môi trường chung quanh. Và các đồng hồ sinh học này luôn tìm cách điều hòa phù hợp với nhau để chạy cho đúng giờ. Trình tự luân phiên xen kẽ ngày đêm kể từ ánh sáng, bóng tối, bình minh, rồi hoàng hôn đóng vai trò điều hòa chu kỳ thời nhịp ngày và tự sắp xếp cho thích hợp với chức năng sinh hoạt khác nhau. Những hiện tượng thay đổi trong môi trường tự nhiên như ngày nóng, đêm lạnh cũng điều hòa thời nhịp hoạt động của cơ thể. Những quy định giờ giấc trong hoạt động thường ngày như làm việc, đi học, v.v., đều có vai trò rõ rệt trong sự điều hòa thời nhịp ngày.

Áp dụng Thời trị liệu vào y học

Áp dụng thời trị liệu vào y học là khoa học tìm hiểu và thực hiện một cách thích hợp với những nhịp độ có thể đoán trước được để có được sức khỏe tối đa cho cơ thể.
Cách chữa theo thời trị liệu (chronotherapeutics or chronotherapy) là sự đồng bộ hóa (synchronisation) thuốc cho thích hợp với nhịp độ sinh học của bệnh tật và độ nặng nhẹ của các triệu chứng. Mục tiêu là sử dụng thuốc một cách hữu hiệu nhất và giảm thiểu các phản ứng phụ và tránh độc tính.
Các biến chuyển trong 24 tiếng theo nhịp độ đều có trong những cơ chế sinh lý bình thường cũng như trong cơ chế bệnh tật. Những bệnh khác nhau có những thời nhịp khác nhau, thí dụ như cơn đau răng thường mạnh nhất vào buổi sáng trong khi cơn đau túi mật thường mạnh nhất vào ban đêm. Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh cũng như những ghi điểm sinh học (biological markers) thay đổi một cách đáng kể theo thời gian, trong ngày, trong mùa (như bệnh tê thấp chẳng hạn).
Sự công hiệu và độc tính của nhiều thuốc thay đổi với lúc dùng thuốc, và thuốc để trị bệnh hen suyễn, bệnh huyết áp cao đều được kê toa cho bệnh nhân theo nguyên tắc trên.

Những chu kỳ nhịp
Thời sinh học (Chronobiologic cycles)

Những chuyên viên nghiên cứu về nhịp thời sinh học gọi chu kỳ này là từ thời cao điểm (peak time) của một diễn tiến sinh lý học hay một bệnh ở giai đoạn đỉnh (acrophase) cho đến khi nó trở lại đúng dạng như vậy. Ví dụ phần lớn mọi người đều ở vào điểm thực hành cao nhất về phương diện thể xác và tâm lý vào lúc 10 giờ sáng.

Thời bệnh học (Chronopathology)

Nhiều bệnh cấp tính hay mạn tính có triệu chứng mạnh nhất vào ban ngày hay ban đêm.
1- Nguy cơ bị tim kích (heart attack) cao nhất vào những giờ sáng sớm và những giờ đầu hoạt động khi áp huyết tăng một cách mau chóng. Trên điện tâm đồ, bản đồ biểu cho thấy những cơn đau thắt tim ổn định (stable angina) thường xảy ra trong vòng 3 tới 5 giờ sau khi thức giấc. Trái lại cơn đau thắt tim biến đổi (variant or Prinzmetal’s angina) thường xảy ra trong giấc ngủ.
Những cái chết sau khi giải phẫu thường xảy ra vào khoảng 1 giờ sáng.
2- Những cơn não kích (stroke) vì thiếu tiếp máu (ischemic stroke) thường xảy ra vào những giờ sáng sớm trong khi não kích vì xuất huyết (hemorrhagic stroke) thường xảy ra vào buổi chiều và buổi tối.
3- Ngoài thời nhịp độ 24 giờ, huyết áp cũng thay đổi theo mùa, lên cao và xuống thấp nhiều hơn vào mùa đông.
Đối với bệnh nhân bị cao huyết áp không rõ nguyên do, huyết áp cao nhất khi tim bóp và khi tim dãn thường được thấy vào buổi trưa trễ và buổi chiều trong khi áp huyết thấp nhất thường được thấy vào buổi tối và khi mới thức dậy. Đối với bệnh nhân bị áp huyết cao do thận, áp huyết khi tim bóp và khi tim dãn thường cao nhất trong giấc ngủ.
4- Những người bệnh bị cơn nhức nửa đầu thường thức giấc với cơn nhức đầu.
5- Những người bị bệnh suyễn thường hay lên cơn suyễn nhiều nhất vào khoảng 4 giờ sáng khi cơ thể sản xuất ít chất làm dãn ống phổi. Cơ năng phổi cao nhất vào lúc 4 giờ chiều.
6- Bệnh tê thấp (rheumatoid arthritis) thường gây đau nhức, làm cứng khớp và sưng nhiều vào khi thức giấc. Bệnh viêm xương khớp (osteoarthritis) thường gây triệu chứng nặng nhất vào buổi trưa và buổi chiều.
7- Bao tử phân tiết acid nhiều nhất giữa 10 giờ tối và 2 giờ sáng, vì lý do đó mà cơn đau vì loét bao tử mạnh nhất và làm người bệnh mất ngủ vào khoảng thời gian đó.
8- Những triệu chứng viêm mũi vì dị ứng (nhảy mũi, xổ mũi và nghẹt mũi) thường nặng nhất khi mới thức giấc.
9- Cơn ketoacidosis của bệnh tiểu đường thường xảy ra vào lúc 4 giờ sáng và nồng độ insulin xuống thấp nhất vào lúc 6 giờ sáng.
10- Thời gian chụp quang tuyến nhũ hoa (mammogram) có thể ảnh hưởng tới kết quả. Ung thư vú thường mọc mau nhất vào mùa xuân, chậm nhất vào mùa thu, và trung bình vào mùa đông và mùa hạ.

Áp dụng Thời bệnh học và Thời dược lý học
vào Y học

Những diễn biến sinh lý học trong 24 giờ thay đổi sự hấp thụ, sự phân phối, sự biến thể và loại thải thuốc.
Vì vậy liều thuốc phải được thay đổi để đáp ứng nhu cầu của các cơ quan hay mô (target organs and tissue) tùy theo thời giờ trong ngày. Vì sự thay đổi của hấp thụ, thời trị liệu không phải chỉ là thay đổi thời gian cho uống thuốc mà đúng hơn là dùng một thứ thuốc có đúng thời vận động (chronokinetics), mức độ và thời gian thuốc hấp thụ, phân phối và loại bỏ ra khỏi cơ thể liên quan đến nhịp độ lên và xuống trong 24 giờ.
Sau đây là một vài thí dụ về việc áp dụng thời trị liệu để gia tăng sự hữu hiệu, đồng thời làm giảm những phản ứng phụ của thuốc trong cách trị liệu một số bệnh:
* Một liều thuốc Verapamil HCl đặc biệt dùng vào buổi tối để trị huyết áp cao và cơn đau tim (tên thương mại của thuốc là Covera-HS).
* Một viên aspirin uống mỗi ngày để đề phòng tim kích có công hiệu nhất nếu uống vào buổi sáng khi số lượng tiểu cầu lên cao nhất và chất tissue plasminogen activator thấp nhất.
* Liều thuốc ngăn chận nơi tiếp nhận histamin để làm giảm acid gây loét bao tử uống vào buổi chiều công hiệu nhất.
* Dùng thuốc HMG-CoA reductase hay thuốc loại statins (Simvastatin-Zocor, Fluvastatin-Lescol, Lovastatin-Mevacor, Pravastatin-Pravachol) để chữa bệnh cao cholesterol vào buổi chiều sẽ có kết quả tốt nhất vì diếu tố sản xuất cholesterol hoạt động nhiều nhất lúc đó. Có một ngoại lệ là thuốc atorvastatin calcium (Lipitor) có thể uống vào sáng hay chiều đều công hiệu như nhau vì thời gian bán hủy (half-life) của thuốc rất dài và những chất biến thể của nó có tác dụng rất lâu.
* Để kiểm soát những triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng thường xảy vào buổi sáng, những y-sĩ chuyên về dị ứng có thể dùng một hỗn hợp trị liệu thuốc khác nhau vào sáng và tối, thí dụ một loại thuốc kháng histamine thuộc loại cũ, thế hệ số 1 (như Benadryl cho buổi tối) hoặc/và một liều thuốc kháng histamine thuộc loại mới, thế hệ số 2 (như Claritin uống vào buổi sáng, vì loại này không làm buồn ngủ).
* Đối với những bệnh nhân bị suyễn thường có triệu chứng vào buổi tối, dùng một liều thuốc salmeterol xinafoate (Serevent Inhaler) có công dụng lâu dài vào buổi chiều sẽ hữu hiệu. Một cách khác là dùng theophylline uống ngày một lần giữa 6 và 7 giờ chiều. Một cách khác nữa là dùng theophylline được thả chậm trong 8 tới 12 giờ (Uniphyl 400mg hay Uniphyl 600mg) và thuốc albuterol sulfate có công dụng lâu dài (Proventil Repetab, Volmax). Dường như các cơ trơn trong ống phổi mẫn cảm hơn với sự co thắt vào buổi tối.
* Dùng thuốc dãn tử cung ritodrine HCl (Yutopar) vào buổi chiều sẽ ngăn chận tử cung co sớm gây nên sanh thiếu tháng thường xảy ra từ nửa đêm và 2 giờ sáng.
* Thời gian tính của cách điều trị ung thư bằng quang tuyến cũng đang được nghiên cứu. Dùng cách chữa trị đó vào buổi chiều dường như công hiệu hơn cho một vài loại ung thư.
* Các thuốc kháng viêm không phải steroid (non steroidal anti-inflammatory drugs) sẽ làm giảm cơn đau nhức do tê thấp (rheumatoid arthritis) nhiều hơn nếu được dùng trước khi đi ngủ. Cách dùng đó cũng sẽ làm giảm phản ứng phụ trên bao tử vì bao tử đối kháng mạnh nhất vào thời gian đó. Uống thuốc loại trên vào buổi trưa hay 2 giờ trước khi cơn đau nhức bộc phát sẽ công hiệu nhất đối với bệnh viêm xương khớp (osteoarthritis).

Ánh sáng ban ngày và đồng hồ sinh học

Nếu chu kỳ thời nhịp ngày bị xáo trộn quá lâu hay quá thường, sự mất đồng bộ hóa (desynchronisation) sẽ xảy ra và những vấn đề xáo trộn tâm thần và xã hội sẽ bộc phát. Tiếp thu ánh sáng cho môi trường gồm có những thay đổi tùy mùa trong thời gian có ánh sáng cũng như sự tiếp xúc với nguồn ánh sáng ở trong nhà có mức độ và thời gian khác nhau và liên hệ tới đồng hồ sinh học.
Phần lớn con người ngủ buổi tối và làm việc ban ngày. Những người làm việc theo phiên (shift workers) thường gặp phải xáo trộn thời nhịp 24 giờ và những triệu chứng mắc phải gồm có mất ngủ và xáo trộn tiêu hóa và cơ năng nhận thức.
Dùng ánh sáng để điều trị có thể sửa lại đồng hồ sinh học. Tiếp xúc với ánh sáng nhiều vào buổi chiều làm chậm lại, trong khi tiếp xúc với ánh sáng mạnh vào buổi sáng làm đồng hồ sinh học chạy mau hơn. Cách này rất công hiệu trong việc chữa trị bệnh khó ngủ, không dỗ giấc ngủ được cho tới những giờ sáng sớm và không thức giấc được vào thời gian thuận lợi lúc buổi sáng.