Results 1 to 15 of 15

Thread: ĐƠN KHIẾU NẠI CỦA TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI

  1. #1
    Junior Member
    Join Date
    Jan 2008
    Posts
    13

    Default ĐƠN KHIẾU NẠI CỦA TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI

    ĐƠN KHIẾU NẠI CỦA TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI
    TOÀ TỔNG GIÁM MỤC

    HÀ NỘI

    Số: 025/TGM 08

    V/v. Khiếu nại Đài Truyền hình Hà nội;

    Báo Hà Nội mới và báo An ninh TĐ

    Hà Nội, ngày 28 tháng 01 năm 2008 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    Độc lập – Tự do – Hạnh phúc


    ĐƠN KHIẾU NẠI

    Kính gửi:: - Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội

    - Tổng biên tập báo Hà Nội mới

    - Tổng biên tập báo An ninh thủ đô

    Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, trong chương trình buổi tối ngày 26/01/2008, báo Hà Nội mới và báo An ninh thủ đô số ra ngày 27/01/2008 đã đưa tin về đất Tòa Khâm Sứ cũ và vụ việc ngày 25/01/2008 với nội dung hoàn toàn xuyên tạc sự thật.

    Xuyên tạc sự thật về đất đai của Toà Tổng Giám mục Hà Nội, đặc biệt khu đất Toà Khâm Sứ cũ. Toà Tổng Giám mục Hà Nội có đầy đủ bằng chứng pháp lý về vấn đề chủ quyền đối với khu đất và tài sản tại đây.

    Pháp lệnh số 21/2004/PL-UBTVQH11 ngày 18 tháng 6 năm 2004 về tín ngưỡng, tôn giáo ghi: “Tài sản hợp pháp thuộc cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ, nghiêm cấm việc xâm phạm tài sản đó” (điều 26). Cũng trong Pháp lệnh này, khoản 1, điều 27 ghi: “Đất có các công trình do cơ sở tôn giáo sử dụng gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động được sử dụng ổn định lâu dài”.

    Việc Đài Truyền hình Hà Nội và các báo tại Hà Nội trích công văn trả lời số 05/BXD - QLN ngày 6/11/2007 rằng: "Thực hiện chính sách của Nhà nước về cải tạo nhà cửa, ngày 24/11/1961, linh mục Nguyễn Tùng Cương - đại diện quản lý đã bàn giao cơ sở nhà đất 40a (nay là số 42 phố Nhà Chung) qua để Nhà nước quản lý” là hoàn toàn không có cơ sở. Toà Tổng Giám mục Hà Nội đã có văn bản bác bỏ công văn này. Nay chúng tôi xin nhắc lại như sau:

    Theo Giáo luật, Điều 1292 qui định: “… Giám mục giáo phận với sự thỏa thuận của Hội đồng Kinh tế, Hội đồng Tư vấn và những người quan thiết. Giám mục Giáo phận cần có sự thỏa thuận của những người ấy khi muốn chuyển nhượng một tài sản của Giáo phận”. Linh mục Nguyễn Tùng Cương chỉ là quản lý Toà Giám mục lúc đó, không là chủ sở hữu tài sản, không có thẩm quyền quyết định tài sản của Giáo hội Công giáo. Chúng tôi biết chắc linh mục Nguyễn Tùng Cương chỉ làm bản kê khai chứ không hiến, không có quyền hiến.

    Văn bản của Bộ Xây dựng nói trên, cũng đã không đề cập đến chính sách của Nhà nước về cải tạo nhà cửa là chính sách nào? Văn bản pháp luật nào có hiệu lực cho việc chiếm đoạt tài sản trên.

    Văn bản 05/BXD - QLN ngày 6/11/2007 nói rằng, linh mục Nguyễn Tùng Cương đã “bàn giao cơ sở nhà đất 40a (nay là số 42 phố Nhà Chung) qua để Nhà nước quản lý” là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Tài sản nói trên là của Giáo hội Công giáo Việt Nam, hoàn toàn không phải giữ hộ Nhà nước, không mượn, xin hay được Nhà nước cấp, không phải là tài sản trái pháp luật hay được Tòa án giao quản lý, nên không thể “bàn giao qua Nhà nước”.

    Không một linh mục đơn lẻ nào có thể đại diện Tòa Giám mục và bàn giao tài sản của Giáo hội cho Nhà nước. Cơ sở nhà đất 40 Nhà chung bao gồm cả Tòa Khâm Sứ cũ đã, đang và sẽ là tài sản của Giáo hội Việt Nam. Các cơ quan đã dùng các biện pháp khác nhau để chiếm đoạt một cách không ngay tình và sử dụng từ đó đến nay là việc làm bất hợp pháp.

    Xuyên tạc những hành vi của Cộng đồng dân Chúa vào ngày 25/1/2008. Chúng tôi xin trả lời từng điểm:

    1 - Huỷ hoại tài sản Nhà nước (Trụ sở phòng Văn hoá Thông tin và Nhà văn hoá quận Hoàn Kiếm)

    Chính các cơ quan Nhà nước đã tự tiện phá dỡ, huỷ hoại những tài sản của Giáo hội đã và đang có từ xưa cho đến tận ngày hôm nay. Cụ thể là việc tháo dỡ mái nhà và sàn nhà bằng gỗ lim vào tháng 12/2007 vừa qua.

    2- Lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép (đã dựng tượng Đức Mẹ, Thánh giá và 2 lều bạt trên khuôn viên nhà số 42 phố Nhà Chung)

    Không ai lấn chiếm đất công, đây là đất đai thuộc quyền sử dụng của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, chưa hề cho, nhượng, hay bán vào bất cứ thời điểm nào cho bất cứ ai. Thậm chí cũng không có văn bản tịch thu. Mấy tấm bạt để che mưa không thể coi là việc xây dựng. Tại cây đa, trước đây đã có hang đá, Thánh giá và tượng Đức Mẹ, việc đặt tượng và Thánh giá là để đưa tài sản đó về nguyên trạng của nó trước khi bị chiếm đoạt.

    3 - Tập trung đông người và cư trú bất hợp pháp, gây mất trật tự giao thông công cộng và nơi làm việc của cơ quan Nhà nước khu vực số 42 phố Nhà Chung.

    Trong bằng khoán điền thổ lập năm 1933 ghi rõ ràng khu đất này là khu Nhà thờ Chính toà. Vì thế, cầu nguyện tại đây là cầu nguyện trong khuôn viên Nhà thờ Chính Toà. Giáo dân chỉ đến đọc kinh cầu nguyện chứ không cư trú nên không có việc cư trú bất hợp pháp ở đây. Đây có phải là cơ quan Nhà nước không khi trước đây cho mở vũ trường. Còn những tấm bảng “Nhà Văn hoá”, “Phòng VHTT”, “Phòng TDTT” mới chỉ được treo lên vào lúc 17g30 ngày 26/12/2007 vừa qua.

    4 - Có hành vi xúc phạm, lăng mạ và gây thương tích cho cán bộ, nhân viên Nhà nước.

    Thật quá sức xuyên tạc! Bản thân giáo dân cầu nguyện rất ôn hòa và bình tĩnh. Chính cán bộ Nhà nước, các nhân viên bảo vệ là người đã lạm dụng quyền lực, xúc phạm, lăng mạ và đánh công dân một cách nghiêm trọng. Họ là người vi phạm pháp luật cần được nghiêm trị. Chúng tôi có đầy đủ hình ảnh về việc đánh người của nhân viên Nhà nước.

    5 - Tổ chức cầu nguyện trái quy định của Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo". Tại đây, giáo dân và một số giáo sĩ đã đẩy đổ 2 cổng sắt, tràn vào sân và xô xát với một số bảo vệ và cán bộ đang làm việc tại Nhà văn hoá quận Hoàn Kiếm. Trong quá trình xô xát, các giáo dân quá khích đã đánh bị thương một số cán bộ nhà văn hoá, trong đó, có một người bị trọng thương, hiện vẫn đang được cấp cứu tại bệnh viện. Sau vụ xô xát khiến nhiều người bị thương, các giáo dân và một số giáo sĩ đã dựng một cây Thánh giá cao khoảng 5m trước phòng làm việc của Phòng Văn hoá - Thông tin và Nhà văn hoá quận Hoàn Kiếm. Tiếp đó, họ đã đập khoá cửa, dỡ biển cơ quan, treo khẩu hiệu và dựng lều bạt nilon để ăn ở, cầu nguyện ngay trong khuôn viên số nhà 42 phố Nhà Chung".

    Hoạt động cầu nguyện của giáo dân là đúng mực và hợp pháp. Các công an thường phục đã đánh người và bắt giữ giáo dân một cách bất hợp pháp. Vì hoàn cảnh như vậy, giáo dân đã yêu cầu thực thi công lý và đòi hỏi thả người. Chính việc bắt và đánh người đã khiến dân bức xúc. Họ tràn vào vì muốn những người bị bắt phải được thả, những kẻ đánh người phải được pháp luật trừng trị. Bản thân hàng giáo phẩm đã rất có trách nhiệm, kêu gọi giáo dân bình tĩnh, giải quyết sự việc trong ôn hòa. Nếu không có các linh mục ổn định, chắc chắn đã có ẩu đả lớn. Chính cán bộ Nhà nước đã đánh đập giáo dân trọng thương phải đi cấp cứu, chúng tôi có đầy đủ bằng chứng về sự việc này. Đây là những người có trách nhiệm để xảy ra tình trạng đáng tiếc khi bắt đánh người gây kích động giáo dân.

    Việc một số thông tin trên mạng internet là của nhiều người đưa lên, Toà Tổng Giám mục Hà Nội không chịu trách nhiệm, nhưng đa số thông tin là chính xác và là quyền của công dân được Hiến pháp và Pháp luật bảo vệ thể hiện tại điều 4 của Luật Báo chí. Chính những thông tin của Đài PT- THHN, của báo Hà Nội mới và báo An ninh thủ đô mới là những thông tin xuyên tạc sự thật một cách ác ý, nhằm bôi nhọ hàng ngũ tu sỹ và giáo dân chúng tôi. Những sự việc trên, diễn ra ngay giữa ban ngày, trước sự chứng kiến của đông đảo giáo dân, nhân dân khu vực và những người qua lại, được các hãng thông tấn nước ngoài chứng kiến tận mắt. Việc thông tin một chiều, xuyên tạc sự thật trắng trợn của Đài PT & THHN, báo Hà Nội mới và báo An ninh thủ đô là một bằng chứng cho thấy việc bất chấp sự thật và công lý, làm hoen ố hình ảnh một Nhà nước Việt Nam pháp quyền. Chính những hành động này, đã làm ảnh hưởng sâu sắc đến tinh thần đoàn kết dân tộc hiện nay.

    Với những nội dung đã nêu trên, căn cứ Hiến pháp, Pháp luật Việt Nam, Luật Báo chí (đ.28), chúng tôi yêu cầu:

    1- Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, báo Hà Nội mới và báo An ninh thủ đô phải nghiêm túc nhìn nhận sự việc một cách khách quan và sự thật, tổ chức điều tra và tiến hành đính chính theo quy định của Pháp luật hiện hành. Xuất trình tất cả những bằng chứng liên quan cụ thể.

    2- Truy cứu trách nhiệm cá nhân, tổ chức đã cố tình xuyên tạc sự thật về những vấn đề nêu trên.

    3- Trả lời chúng tôi đúng trình tự hiện hành theo Luật pháp đã quy định

    Xin gửi tới Quí vị lời chào vì công lý và sự thật.

    TM. TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI

    CHÁNH VĂN PHÒNG

    (Ký tên & đóng dấu)

    Linh mục Lê Trọng Cung

    Nơi nhận: - như trên

    - Thủ Tướng Chính Phủ

    - UBND Tp. Hà Nội

    - Ban Tư tưởng Văn hoá TW

    - Bộ Thông tin và Truyền thông

    - Lưu Vp.

    TGM Hà Nội

  2. #2
    Junior Member
    Join Date
    Jan 2008
    Posts
    13

    Default Re: ĐƠN KHIẾU NẠI CỦA TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI

    ĐIỀU GÌ ĐÃ XẨY RA? LỬA GIẬN ĐÃ TRÀN VÀ NHÀ NƯỚC TRUYỀN THÔNG NGƯỢC


    Buổi cầu nguyện lịch sử

    Cuộc cầu nguyện ngày 25 tháng 1 năm 2008, sẽ là một cột mốc trong lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam, sẽ được nhắc tới như một biến cố giữa những dòng thăng trầm của đời sống một Giáo hội dưới thời Cộng sản.

    Như bao buổi cầu nguyện khác đã được tiến hành từ hơn một tháng nay, buổi cầu nguyện trưa ngày 25 tháng 1 năm 2008 là buổi cầu nguyện ôn hòa của giáo dân sau buổi lễ mừng Hồng Y Phao lô Phạm Đình Tụng 90 tuổi và các năm chẵn trong các mốc cuộc đời tận hiến của Ngài. Một vị Hồng Y là người đã khôn ngoan dẫn dắt Giáo hội Việt Nam đi qua một giai đoạn khắc nghiệt nhất trong lịch sử cận đại của mình. Và việc “XIN” lại tài sản Tòa Khâm sứ của Tổng Giáo phận Hà Nội, là điều mà Hồng Y đã đeo đuổi suốt cả cuộc đời Ngài từ khi tại vị cho đến nay.

    Cuộc cầu nguyện đang diễn ra êm đẹp, không có bất cứ lời nói nào khiếm nhã ngoài tiếng đọc kinh và hát Thánh ca, dù lực lượng công an dày đặc thì bỗng nhiên, một chị người dân tộc Mường với lòng yêu kính Đức Mẹ đang bị cầm tù trong hàng rào sắt, ngăn cách đoàn con, đã leo lên hàng rào ôm bó hoa vào dâng lên Đức Mẹ.

    Ngay lập tức, như một đàn hổ đói, một loạt “bảo vệ” nam và nữ đã xông ra bắt chị vào một góc quán phở hết sức hung dữ và bạt tai chị. Cả hàng ngàn người nôn nóng nhìn theo, những tiếng thét từ trong nhà “Văn hóa” hay quán phở gần đó thét lên lanh lảnh “đánh chết nó đi” càng làm cho giáo dân sốt ruột.

    Một thanh niên đã vượt hàng rào vào ứng cứu chị, lại một “đàn hổ đói” khác đã bẻ ngược tay anh kéo vào phía quán phở và diễn trò đánh hội đồng vào bụng, ngực… đập đầu vào tường đến chảy máu tai.

    Không thể chịu đựng hơn được nữa để nhìn việc đánh người trước mắt. Hàng loạt giáo dân đã phải chạy đến cổng phía sau quán phở nơi anh thanh niên đang bị đánh, chiêng trống gõ liên hồi náo động. Mấy công an đứng canh chừng để một bọn đánh đập dã man người thanh niên sau cánh cổng, chúng còn chửi một cách hỗn láo với những người yêu cầu họ thả người ra. Cơn phẫn uất như không kìm nén thêm, giáo dân đã phải đạp tung cửa bịt tôn để chui vào cứu người.

    Đến khi đó, như lũ cắn trộm bị đưa ra trước ánh sáng, chúng mới hè nhau tháo chạy. Phía ngoài, giáo dân như nước vỡ bờ, hè nhau đẩy hai cánh cửa sắt đã bị chặn lại bằng những khối bê tông nặng để vào phía trong.

    Trong đám hội đồng có ba đứa con gái đã xông ra bắt chị người Mường. Một đứa khoảng 20-25 tuổi, ngay từ khi anh thanh niên vào đã tát vào mặt anh, nhưng khi giáo dân tràn vào, không chạy kịp đã chui vào căn nhà giường chiếu ngổn ngang như căn nhà thổ để trốn, một tên cao to đứng chặn ngay trước cửa.

    Thật không may và khốn nạn cho nó, trong lửa giận bừng bừng vì chị giáo dân chưa được thả, người ta bắt hắn phải mở cửa ra tìm chị giáo dân nọ. Khi cánh cửa bị mở, nó bị đám đông kéo ra, hứa hẹn một trận đòn nhừ tử thì nó hét lên như bị chọc tiết. Thì ra, nó chuyên đi đánh người, nhưng khi bị tóm, hắn sợ hãi những trận đòn như hắn đã bao lần vô tư tặng kẻ khác.

    Cũng may có các giáo dân khác đứng đó can ngăn kịp thời và không chấp vặt, nên hắn chỉ bị vài cái tát cảnh cáo cái vô nhân tính của nghiệp chó săn. Dù vậy, thì có lẽ suốt đời nó cũng phải nổi da gà mỗi khi đọc lại câu chuyện “một bữa no… đòn” của Nguyễn Công Hoan. Khi được thả ra, nó ba chân bốn cẳng chạy trốn, thật nghịch cảnh với vẻ hung hăng trước đó mấy phút.

    Người thanh niên được đưa ra, máu me đầy tai, mặt và người bầm tím. Dòng người tràn vào ngày càng đông với khí thế bừng bừng, các cụ già râu tóc bạc phơ, các phụ nữ hăng hái dưới mưa lạnh đã đưa vào một cây Thánh Giá bằng sắt dựng ngay trên lối vào cửa chính Tòa nhà Khâm sứ.

    Cuộc nói chuyện trong gian nhà kho và những điều hài hước

    Trên loa, tiếng của các linh mục luôn yêu cầu giáo dân bình tĩnh, không manh động, yêu cầu xe cứu thương của Tòa Tổng Giám mục đến ngay đưa nạn nhân bị đánh đi cấp cứu. Các linh mục đứng chặn các cửa, không để giáo dân vào bậc thang tòa Nhà Khâm sứ để phòng sự phá phách trong cơn giận giữ của đám đông.

    Với khí thế uất hận bừng bừng, hàng ngàn giáo dân đã yêu cầu đưa ngay những đứa đánh người ra để nhận mặt, yêu cầu trả lại tài sản đã bị cướp mất gồm máy quay và chiếc kính. Nhưng khi hỏi đến hai cán bộ cỡ cao cấp, đã có mặt từ đầu khi buổi cầu nguyện chưa tiến hành, trước sắc giận bừng bừng của Giáo dân thì họ chỉ dám xưng danh “tôi là bảo vệ”.

    Giáo dân càng phẫn uất hơn, yêu cầu chính quyền đến giải quyết, nhưng tịnh không thấy ai, dù cảnh sát vẫn đứng hàng đàn bên ngoài nhìn vào lúng túng. Cuối cùng, thì hai cán bộ kia cũng nhận là người đứng ra có thể giải quyết việc tìm lại tài sản. Mọi người kéo nhau vào căn nhà dùng chứa bàn ghế hỏng, một chiếc ghế dùng để nằm và bộ bàn ghế mây. Giáo dân kéo vào ầm ầm phía sau, họ hơi hoảng và đề nghị chỉ để các linh mục vào giải quyết.

    Cuộc nói chuyện của các linh mục, rất ôn hòa, từ tốn, nhưng kiên quyết và các cán bộ đã phải chấp nhận gọi điện thoại, để tìm cái máy quay phim về. Giáo dân kiên quyết không chịu khi để các cha trong nhà kho, yêu cầu lên mở Tòa Khâm sứ, yêu cầu cán bộ xưng danh, yêu cầu cán bộ tôn trọng người khác phải bỏ mũ bảo hiểm ra khỏi đầu khi làm việc (chắc họ sợ cái đòn cắn trộm gia truyển chăng?). Dùng dằng mãi, với lý do không có chìa khóa, không biết ai cầm… mãi hai cán bộ mới chịu mở Tòa Khâm sứ vào đó.

    Vào trong mới thấy cảnh tượng hoành tráng của nội thất Tòa Khâm sứ. Một câu khẩu hiệu lớn băng ngang trên tường đỏ rực với hàng chữ vàng: “Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm” cùng ba bức tường vô vàn cờ thưởng, bằng khen… không đọc rõ về công trạng gì? Vào đó, khi có đầy đủ các đồng chí Công an cấp bộ, cấp quận và các cán bộ khác, hai cán bộ này mới dám xưng danh.

    Một cán bộ Công an cao cấp gọi điện cho Cha Quế, để nghị bà con giải tán đi, tôi sẽ đền cái máy tốt hơn, đẹp hơn, nhưng giáo dân kiên quyết không chịu. Cuối cùng, thì cái máy quay phim cũng “tự tìm về” treo lủng lẳng ở hàng rào, để một ông quán phở nhìn thấy chỉ cho công an? Qủa thật là ngoạn mục, giữa chốn xô bồ, khi bị lấy mất, các đồng chí bảo vệ chuyền tay nhau mọi người nhìn thấy, nhưng khi bị truy bức áp lực, nó tự chạy về hàng rào? Chắc nó cũng biết là số phận nó không thể ở cùng chủ mới chăng?

    Và trò truyền thông biến nạn nhân thành thủ phạm

    Khi vụ việc Tòa Khâm sứ, đất đai Thái Hà, Hà Đông được khởi động, tất cả các báo không một phóng viên nào được tìm hiểu, làm tin bài, cũng giống như vụ dân biểu tình yêu nước chống Trung Quốc cướp nước vậy. Rồi khi vụ việc xẩy ra giữa thanh thiên bạch nhật trước con mắt của hàng ngàn con người giáo dân và lương dân, cũng như dân cư xung quanh và quan khách, các hãng truyền thông quốc tế, thì cơ quan truyền thông ở Việt nam của Nhà nước vốn chẳng đặng đừng đã phải làm những kịch bản “rửa mặt”.

    Một ngày sau, Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội đã làm được một bản tin với kịch bản của trò chơi 180 độ. Những quy kết, những công văn, những người trả lời phỏng vấn… được đưa lên nói lại những điều ngược với những gì người ta chứng kiến.

    Lại còn cả việc “đánh nhân viên nhà nước trọng thương phải nằm bệnh viện”? Thật lạ lùng, khi giáo dân và linh mục hỏi những ai đã đánh người, cần đưa ra để lập biên bản, thì các cán bộ bảo: "Đó không phải là người của chúng tôi, họ ở đâu đến không biết” nên đã bị chất vấn “Trong khu vực các ông quản lý, tại sao người nào đánh người ngang nhiên lại bảo không biết”? thì họ nại ra là “khu vực này tới ba cơ quan và nhà dân đang chiếm giữ” nên đó không phải là người của chúng tôi. Tất nhiên, họ quên là hàng loạt công an nổi chìm đang đứng ngoài, nếu nghe điều đó, sẽ như việc nhục mạ họ về nghiệp vụ.

    Vụ việc được yêu cầu lập biên bản, nhưng các cán bộ không chịu.

    Vậy mà chỉ một ngày sau, đã có mấy “nhân viên nhà nước bị đánh trọng thương”? Chắc giáo dân phải đến hỏi thăm xem ai đã bị nạn chăng? Nếu có, chắc gì các đồng chí cán bộ đã dám chỉ ra? Vẫn biết cách tuyên truyền xưa nay của Cộng sản, nhưng quả thật không thể tưởng tượng được chiêu này.

    Có thể ngay ngày mai, hàng loạt báo chí sẽ được câu gậy thần chỉ huy như một bầy rắn ngóc đầu lên để đồng loạt “nói lên sự thật” vốn đã được chế biến qua bàn tay của hệ thống Tư tưởng và Tuyên huấn. Nhưng những gì xảy ra, đã được người dân, và cả thế giới chiêm ngưỡng qua những hình ảnh sống động đã truyền đi trên khắp mạng lưới toàn cầu, dù họ có cho rằng đó là xuyên tạc sự thật, nhưng họ sẽ không thể có bằng chứng để chứng minh điều mình nói như những hình ảnh sống động kia.

    Cái trò bịt miệng thiên hạ lại để chửi càn và phun máu đã lạc hậu từ lâu, may ra chỉ đánh lừa được đám dân đen đã bị chính sách ngu dân hóa mấy chục năm qua. Còn những người có hiểu biết, có lương tri, dù họ không nói ra, nhưng mấy khi lừa gạt được họ. Chỉ tổ làm cho họ thêm khinh bỉ mà thôi.

    Với những người tín hữu, thì điều đó như một bằng chưng sống để họ củng cố “niềm tin yêu” vào Đảng và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

    Xưa nay, danh không chính thì làm sao để ngôn thuận được bao giờ.

    Một ngày đã qua trong lịch sử, để đón nhận những ngày mới hứa hẹn đầy cam go và sắt máu với cái công văn của Thành phố Hà Nội buộc “tháo dỡ trước chiều ngày 27 tháng 1 năm 2008 chăng”?

    Những người dân và tín hữu đã vượt qua nỗi sợ hãi của chính họ, thì với họ, trò đấy cũng không thể khuất phục được lòng ai. Bởi một điều đơn giản: Sự khuất phục thể xác, không thể đem lại niềm tin yêu từ tâm hồn.

    Hãy chờ xem, những màn nào sẽ được công diễn.

    Hà Nội, Ngày 26 tháng 1 năm 2008

    JB Nguyễn Hữu Vinh
    Attached Images Attached Images

  3. #3
    Junior Member
    Join Date
    Jan 2008
    Posts
    13

    Default Re: ĐƠN KHIẾU NẠI CỦA TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI

    Sự trỗi dậy của truyền thông phi chính thống


    Những diễn biến của vụ Trường Sa – Hoàng Sa cho tới sự việc tòa Khâm sứ đánh dấu một sự phát triển vượt bực của truyền thông phi chính thống ở Việt Nam.

    Hơn 600 tờ báo chính thống do nhà nước quản lý đều giữ thái độ im lặng một cách khó hiểu trước hai sự kiện quan trọng được dư luận đặc biệt quan tâm trên.

    Thế nhưng thông tin về những cuộc biểu tình yêu nước của thanh niên Việt Nam và việc cầu nguyện của giáo dân Hà Nội vẫn được cập nhật liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng phi chính thống.

    Phi chính thống.

    Nhiều nhà quan sát nhận định rằng cuộc biểu tình ngày 19/12 sẽ không diễn ra nếu như Yahoo 360 không có mặt tại Việt Nam.

    Nhận định khá xác đáng đó cho thấy vai trò quan trọng của các blogger trong việc duy trì thông tin và “định hướng dư luận” xung quanh cuộc biểu tình.


    Giáo dân đang xem bản tin hôm nay của VietCatholic ở một giáo xứ ở Hà Nội
    Tương tự, những cuộc cầu nguyện không thể kéo dài nếu như VietCatholic không truyền tải thông tin một cách liên tục trên mạng lưới truyền thông toàn cầu của mình.

    Truyền thông phi chính thống đã đóng góp một vai trò tích cực và hiệu quả trong việc truyền tải thông tin.

    Điều quan trọng nhất để một cuộc biểu tình có thể xảy ra chính là nhiều người biết được thông tin biểu tình sẽ diễn ra ở đâu, vào thời gian nào, vì sao lại biểu tình, cần phải có những hành động và chuẩn bị gì…

    Trước đây vài năm, những thông tin được đánh giá là vô cùng nhạy cảm đó trong xã hội cộng sản chắc chắn không có cách nào có thể được lan truyền một cách rộng rãi. Lý do vì sao?

    Môi trường công cộng là không gian cho phép tất cả những hình thức thông tin và đối thoại giữa con người với nhau và có tính hướng công cộng truyền thông.

    Không gian này gồm báo chí (báo in, phát thanh, truyền hình) và xuất bản - gồm cả chính thức và không chính thức, các hành động tập thể hướng công luận như mít tinh, biểu tình, các diễn đàn, các vũ đài chính trị mở v.v.

    Dưới sự quản lý của nhà nước theo kiểu độc tài toàn trị, không gian công bị nhà nước Việt Nam độc quyền kiểm soát và hầu như không còn tồn tại.

    Thế nhưng, không gian công đó lại “hồi sinh” mạnh mẽ trong vòng một thập niên trở lại đây nhờ vào một tiến bộ khoa học kỹ thuật bậc nhất của thế kỷ 20: Internet.

    Khi mà báo chí, xuất bản chính thống đều bị nhà nước kiểm soát chặt chẽ thì những thông tin nhạy cảm chỉ có thể được loan truyền một cách rộng rãi qua các diễn đàn như x-cafevn.org, những trang tin như VietCatholic và đặc biệt là qua các blog.

    Sự trỗi dậy mạnh mẽ của luồng thông tin phi chính thống đó đã góp phần mở ra những cuộc tranh cãi về chính trị - xã hội – những vấn đề vốn bị cấm kỵ ở Việt Nam.

    Hơn nữa, những thông tin đó đã góp phần định hướng dư luận, yếu tố quan trọng bậc nhất góp phần vào thành công của những cuộc biểu tình và cầu nguyện vừa qua.

    “Phi” thắng “chính”.

    Truyền thông phi chính thống đã có một cuộc thắng lợi ngoạn mục trước truyền thông chính thống trong hai sự kiện nổi bật đã nêu.

    Trong khi từng phút một, những thông tin về cuộc biểu tình Trường Sa – Hoàng Sa được loan tải một cách nhanh chóng trên các diễn đàn, các blog thì báo chí nhà nước lại giữ một sự im lặng đáng sợ.

    Những thông tin về việc cầu nguyện trước tòa Khâm sứ cũng được thông tấn xã công giáo - VietCatholic cập nhật liên tục hàng ngày.

    Trong khi đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam, người dân không thể nào biết được rằng ngay tại lòng thủ đô Hà Nội đang diễn ra một sự kiện đặc biệt chưa từng có từ khi chế độ cộng sản lên nắm quyền: giáo dân cầu nguyện tập thể để yêu cầu chính quyền trả lại đất đã chiếm của giáo hội.

    Truyền thông chính thống thường không được phép đưa những tin như vụ đòi lại Tòa Khâm Sứ.

    Bộ máy truyền thông đảm nhận một vai trò tiềm ẩn nhưng rất quan trọng đó là: định hướng dư luận.

    Việc Đảng Cộng sản kiên quyết không chấp nhận cho bất kỳ một tờ báo tư nhân nào ra đời ở Việt Nam cho thấy quyết tâm nắm vững dư luận.

    Thế nhưng truyền thông nhà nước đã thua trong mặt trận định hướng thông tin trong hai sự kiện nổi bật vừa qua.

    Trước đây, trong bối cảnh thông tin thiếu thốn, người dân chỉ có thể tiếp cận được những thông tin chính thống, không có sự cạnh tranh một cách lành mạnh, những đợt tuyên truyền của báo chí Việt Nam tỏ ra hiệu quả, điển hình là vụ kiện chất độc màu da cam, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Sống mãi tuổi 20 mà Tuổi Trẻ luôn đi tiên phong.

    Bây giờ, gió đã đổi chiều. Những sự kiện nổi bật nhất, gây sự quan tâm chú ý của dư luận nhất lại do chính những “nhà báo công dân”, những blogger tự do khởi xướng và tạo thành một phong trào đấu tranh mạnh mẽ không chỉ online mà còn offline.

    Những cuộc biểu tình yêu nước phản đối Trung Quốc xâm lấn là một minh chứng sống động.

    Phản ứng chậm chạp của truyền thông Việt Nam, đặc biệt là của những nhà báo dòng chính thống bởi những lý do sau:

    Thứ nhất, kinh nghiệm làm báo của những nhà báo đó cho họ biết rằng đừng nên đưa tin về những vấn đề nhạy cảm nếu như không muốn có nguy cơ “treo bút”.

    Một phóng viên của VietNamNet đã bị cho thôi việc khi viết và đăng tải quan điểm ủng hộ cuộc biểu tình Hoàng Sa - Trường Sa. Thậm chí tổng biên tập VietNamNet cũng có nguy cơ mất chức.

    Thứ hai, những nhà báo có tên tuổi không muốn bị dư luận phê phán. Họ thừa hiểu rằng một bài viết đúng ý của Đảng thì sẽ đi ngược lại tinh thần của cuộc biểu tình. Do đó, họ cũng không “dại dột” viết một bài để rồi hứng chịu những lời trách móc nặng nề của dư luận.

    Ngoại trừ những tờ báo vốn bị xem là những tờ báo lá cải phục vụ cho tầng lớp bình dân ở Việt Nam như Công An TPHCM, An ninh thế giới… thỉnh thoảng vẫn xuất hiện những bài viết đúng “ý đảng” nhưng không hợp “lòng dân”.

    Vai trò truyền thông của dòng thông tin chính thống đang chịu đựng sự cạnh tranh mạnh mẽ bởi dòng thông tin phi chính thống. Về khía cạnh phát triển, đó là những tín hiệu đáng mừng khi mà thông tin ngày càng trở nên đa dạng, phong phú và nhiều chiều hơn.

    Những nguyên tử bị cô lập, trôi nổi trong không gian công toàn trị, đã và đang liên kết lại với nhau ngày một chặt chẽ hơn để hình thành một mạng lưới thông tin chặt chẽ.

    Một bức tranh truyền thông tự do, độc lập, tươi sáng hơn của Việt Nam đã được thành hình.
    Hoàng Xuân Ba (BBC)

  4. #4
    Junior Member
    Join Date
    Jan 2008
    Posts
    13

    Default Re: ĐƠN KHIẾU NẠI CỦA TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI

    Trên 3000 giáo dân Hà nội đã tới Tòa Khâm Sứ nói lên tiếng nói bất khuất ''không sợ đe dọa và bạo quyền''!


    HÀ NỘI -- 17h chiều ngày 27 tháng 1 năm 2008, đến hạn cuối cùng mà chính quyền thành phố Hà Nội "ra lệnh" Tòa TGM và giáo dân thực hiện việc giải tán hoàn toàn khỏi khi "42 nhà chung". Tuy nhiên càng tới giờ có lệnh đó, dân chúng càng tới nhiều hơn, dù ai cũng biết rằng chính quyền có thể đàn áp, bắt bớ, tra tấn và hành tội mình có "hành vị phạm luật vì đã cầu nguyện ở Tòa Khâm Sứ".

    Tòa Khâm Sứ “Đây Bài Ca Ngàn Trùng...”

    "Giờ hẹn" đã tới! Đã có khoảng trên 3000 giáo dân tụ họp tại Tòa Khâm Sứ hôm nay. Họ một lòng cương quyết, một ý chí sắt son. Đó là câu trả lời cho những lời đe dọa của bạo quyền, của những con người có đầy đủ súng ống và quyền lực trong tay và tiếp tục hành xử cách bất công và dối trá!.

    Giáo dân và tu sĩ đã cầu nguyện rất sốt sắng trong khung viên đất Tòa Khâm sứ. Ai cũng sẵn sàng cho một sự kiện lớn có thể sẽ xảy ra, hay một vụ đàn áp của chính quyền như họ đã đe dọa...

    Giáo dân và các nữ tu tạo thành một vòng tròn quanh Thánh giá và Đức Mẹ để cầu nguyện.

    Họ nói: "Chúng tôi tiếp tục cầu nguyện và chúng tôi sẵn sàng để đối phó trong hòa bình với mọi diễn biến phức tạp có thể xảy ra, hôm nay, ngày mai, bất cứ khi nào, ngay cả sau khi bị đàn áp, và có thể bị giết chết... con cháu chúnng tôi cũng sẽ lại tới đây để cầu nguyện tiếp. Không thế lực nào, không cường quyền nào có thể đè bẹp được Đức Tin của chúng tôi đâu!".

    ...

    Gặp được vài bạn trẻ có mặt, chúng tôi thấy các anh em đang chú ý đọc cái gì đó, tôi hỏi các bạn đang xem gì vậy? - thì ra họ đang đọc một lời đề nghị là: Để bày tỏ lòng hiệp thông liên đới với Đức Tổng Giám Mục Giáo Phận Hà Nội, trong tinh thần con cái, chúng ta hãy cố gắng làm những việc sau đây:


    Cầu nguyện tại bất cứ đâu.
    Hiện diện và cầu nguyện tại Toà Khâm Sứ.
    Sắp đặt nơi ăn chốn ở cho những người canh thức.
    Chia sẻ vật chất và tinh thần với các giáo dân tham gia canh thức.
    Giới thiệu các website cập nhật tin tức Toà Khâm Sứ cho bạn bè.
    Chỉ cho bạn bè vượt tường lửa vào các website mình mong muốn mà bị chặn.
    Chuyển các tin tức chính xác về cuộc cầu nguyện ôn hoà của Giáo Phận Hà Nội.
    Thảo luận về tin tức dối trá mà TV và báo chí Nhà nước bịa đặt và vu khống.
    Viết thư phản đối các báo đăng bài xuyên tạc và va khống.
    Làm xe ôm cho người thân và bạn bè muốn đến Toà Khâm Sứ.
    Mang theo máy ảnh (nếu có) và chụp những hình ảnh ý nghĩa nào đó.
    Viết ra các điều mình thấy, mình nghe, mình suy nghĩ và gửi cho các website công giáo hay đư tin về sự kiện đang diễn ra.
    Lướt xem các website liên quan và tham gia các diễn đàn để bảo vệ công lý của Giáo Hội
    Bác bẻ những luận điệu nguỵ biện của những kẻ tham tàn.
    Quét dọn vệ sinh trật tự trong khu vực Toà Khâm Sứ.
    Giúp đỡ cho các cụ ông cụ bà được có điều kiện thuận lợi để cầu nguyện.
    Còn gì nữa xin bạn sáng kiến thêm vào.
    Thật tuyệt vời!

    Cho đến giờ phút này, "Giờ Hẹn với lịch sử" đã qua mà tình hình tại hiện trường nơi Tòa Khâm sứ và khu chung quanh vẫn không có gì thay đổi.

    Chính quyền và công an vẫn chưa có hành động nào cụ thể, ngoại trừ một số xe càn nhỏ của công an trật tự thỉnh thoảng dạo qua quan sát...

    PV VietCatholic

  5. #5
    Junior Member
    Join Date
    Jan 2008
    Posts
    13

    Default Re: ĐƠN KHIẾU NẠI CỦA TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI

    Sáng ngày hôm nay ngày 28.01: một vị khách bất ngờ tới kính viếng Đức Mẹ tại Tòa Khâm Sứ


    HÀ NỘI -- Đêm qua dựng thêm một lều lớn. Trời mưa nặng hạt hơn và vì thế giá buốt hơn. Ba lều bạt lớn và một mái che không đủ để chứa hết mấy trăm con người dù là ngồi chen chúc cho ấm. Chăn màn thiếu nghiêm trọng vì số người ở lại quá nhiều (xem hình ở dưới)

    Khoảng hơn 11 h đêm các cảnh sát rút dần. Chỉ còn một số ít ở trong Trung tâm Chính trị, phía bên kia phố Nhà Chung, gần đối diện khu đất. Các xe cảnh sát ở đầu các con phố gần đó đã không còn.

    Lúc gần 6 g sáng ngày 28.1, các nữ tu đang chuẩn bị đồ ăn sáng cho nam nữ tu sĩ và giáo dân ở lại qua đêm. Khung cảnh tĩnh mịch và vắng lặng. Tuyệt nhiên không có một cảnh sát nào.

    Lúc hơn 6 h, khi lễ ở nhà thờ xong, cộng đoàn lại ra đọc kinh rộn ràng và một ngày mới bắt đầu.

    Sáng nay, sau một ngày khá căng thẳng, khung cảnh Tòa Khâm Sứ đã trở nên yên ắng hơn.

    Trời vẫn tiếp tục rét. Liên tiếp những tin báo không khí lạnh tăng cường. Hôm nay, người những người đang cầu nguyện tại Tòa Khâm Sứ đang phải hứng chịu sự giá rét nhất từ đầu mùa đông đến nay và cũng là cái rét nhất trong nhiều năm. Nhiệt độ Hà Nội sớm nay chỉ 9 độ C.

    Đài khí tượng hôm nay cũng cho biết hôm nay là ngày Hà Nội rét nhất trong nhiều năm. Dự báo độ cao nhất cũng chưa tới 13 độ C trong ngày hôm nay.

    Thêm vào đó trời Hà nội còn có mưa phùn, cộng với gió thổi mạnh càng làm tăng cảm giác rét buốt cho những người ông bà cụ, các em thiếu niên và giáo dân Công giáo đến cầu nguyện ở Tòa Khâm Sứ. Họ đang phải tranh đấu về mặt tinh thần để đòi lại công lý cho phần gia sản thiêng liêng của mình, nhưng đồng thời cũng phải chiến đấu với giá lạnh buốt người.

    Nếu đây không phải là đức tin thúc đẩy thì dễ gì có ai dại đột mà đến đây làm chi, Nhưng có Mẹ Maria ở cùng tâm hồn của những con cái mẹ vẫn cảm thấy ấm cúng vì họ biết rằng họ đang góp phần xây dựng lại cơ sở tinh thần cho con cháu họ.



    Tượng Mẹ vẫn còn đó, Mẹ ôm xác Con ngồi khóc trong mưa. Bên cạnh Mẹ, Thánh giá vẫn uy nghi, sừng sững như biểu tượng cho đức tin và lòng mến của giáo dân Hà nội.

    Đặc biệt, buổi cầu nguyện sáng nay có sự hiện diện của một người đặc biệt: Đức Cha Fx. Nguyễn văn Sang, Giám mục giáo phận Thái Bình, dù tuổi đã cao và đang ở một giáo phận xa nhưng ngài vẫn nặng tình với giáo phận Hà nội quê hương. Ngài đã đến từ rất sớm và cầu nguyện cùng bà con giáo dân.
    Attached Images Attached Images

  6. #6
    Junior Member
    Join Date
    Jan 2008
    Posts
    13

    Default Re: ĐƠN KHIẾU NẠI CỦA TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI

    Đêm thứ hai giáo dân qua đêm tại Tòa Khâm Sứ dưới mưa rơi và giá rét: bỗng có vài sự kiện hồi hộp...


    HÀ NỘI -- Không nghi ngờ gì nữa, lúc này Toà Khâm Sứ trở thành một nguyện đường sốt sắng nhất nước này. Từ sáng tinh sương cho mãi lúc đêm về, không khi nào ngớt văng vẳng lời kinh tiếng hát vang lên rộn ràng.

    Tại Toà Khâm Sứ hầu như mọi thời khắc trong ngày đều có đủ các thành phần hiện diện: Có các linh mục thỉnh thoảng ghé qua cầu nguyện. Có các nam nữ tu sĩ thường trực. Có giáo dân của các giáo xứ xa gần về canh thức. Các giáo dân trong thành phố cứ mỗi khi có thể được là chạy thoáng qua, đọc một kinh và xem thế nào. Có ngày có người đến mấy bận.

    Toà Khâm Sứ đã trở thành trung tâm quy tụ của Giáo phận Hà Nội và là nơi mà mọi người trong Giáo phận hướng về. Đây trở thành điểm gặp gỡ của toàn thể Giáo phận Hà Nội và phần nào là của các giáo phận khác. Giáo dân của các giáo xứ Nhà Thờ Chính Toà, Hàm Long, Cửa Bắc, Hàng Bột, Thái Hà, Phùng Khoang, Nam Ngư, Đồng Trì, Thượng Thuỵ, v.v.

    Từ hôm qua 27.01. chúng tôi đã chứng kiến giáo dân của giáo xứ Khoan Vỹ trở về canh thức bên Đức Mẹ. Bà con mang theo chăn màn xoong nồi và lương thực thực phẩm với ý định cắm trại vài ngày. Cha xứ Khoan Vỹ Giuse Mai Xuân Lâm cùng giáo dân xứ này thật hăng hái và có tinh thần gia đình. Thấy Mẹ mình lâm cơn gian nan khốn khó chẳng đợi phải ai kêu, lập tức chạy về chia lửa. Họ còn ở lại đây đêm nay nữa. Có lẽ vì đoàn giáo dân đạo đức và có tinh thần hiếu thảo này mà tỉnh Hà Nam đã phái một xe cán bộ công an theo bà con lên đây để “hành hương” Toà Khâm Sứ.

    Buổi sáng Đức cha F.X Nguyễn Văn Sang đến thăm hiện trường và ngồi cầu nguyện với bà con giáo dân. Sự kiện ngày 25.01 đã khiến ngài nhận diện rõ hơn hòan cảnh và vấn đề để bằng lời nói và hành động ngài đang chứng tỏ cho mọi người biết ngài đã chọn lựa những người thấp cổ bé miệng và đang đồng hành cùng họ dấn thân cùng họ trong một Giáo Hội của người nghèo và vì người nghèo. Tôi thấy hình ảnh một vị giám mục ngồi giữa trời mưa rét đọc kinh lần hạt với dân là hình ảnh đẹp nhất trong ngày.

    Buổi chiều phái đoàn cán bộ đông đảo của phường Hàng Trống vào chúc tết Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội ở số 31 phố Nhà Chung, đối diện Toà Khâm Sứ. Sau đó, chúng tôi thấy mọi người trong đoàn đi ra gặp gỡ dân và làm công tác dân vận. Những giọng điệu và gương mặt giả nhân giả nghĩa rẻ tiền quen thuộc chẳng lừa mị được ai. Bà con nhóm tiếp tục đọc kinh, nhóm ngồi yên trong lều nhìn ra khiến cho cả đoàn cán bộ phải cụp đuôi về sớm. Tuy nhiên, có một câu hỏi cho thấy họ cũng biết khai thác vấn đề nào để có thể lợi dụng giáo dân và dư luận khi một ông nói: “Bà con nên về nhà để giữ gìn sức khoẻ chứ trời rét mướt thế này. Còn hiện tại ở đây ai có đau yếu gì, xin cứ ra phường báo cáo, phường sẽ chăm sóc và giúp đỡ”.

    Buổi chiều tối giáo dân trẻ già đi làm, đi học về ghé qua đây cầu nguyện càng ngày càng đông khiến cho khu vực Toà Khâm Sứ trở nên tấp nập khác thường. Các bạn trẻ đến khá đông và tham gia các công việc phục vụ khá tốt. Người dọn dẹp vệ sinh, người đi thắp hương, thắp nến, người giúp nấu ăn, người đun nước, người lấy củi và lo giữ lửa.

    Ba đống lửa sưởi ấm được đốt lên trong khu vực cầu nguyện để giúp cộng đoàn ngồi cầu nguyện trong mưa phùn gió bấc có thể chống chọi được với nhiệt độ xuống 8 độ ngoài trời. Có một thanh niên đi xe biển số xanh tiến vào trong sân, gíao dân thấy vậy tức tốc tiến ra quyết liệt ngăn chặn. Nhưng may thay đấy lại là cái xe chở củi đến cung cấp cho bà con. Thế mới biết tinh thần của dân mình thế nào!

    Các thanh niên nam nữ đang tích cực lo liệu cho giáo dân có chỗ trú mưa rét tốt hơn. Các bạn cho nhổ đi cái lều bạt cọc gỗ với vài tấm bạt mỏng manh đối diện thánh giá giữa sân. Khoảng 10 đêm một cái lều bạt khác bằng khung sắt, chắc chắn hơn được dựng tiếp giáp vào cái lều thứ hai ở phía nam thánh giá tạo thành hai dãy lều hướng vào nhau và ở giữa là tượng Đức Mẹ và Tượng Thánh Giá. Rõ ràng là một không gian thờ phượng hợp lý hơn, đẹp mắt hơn đã hình thành.

    Một người chở đến một đống ô to đổ ở trên tấm bạt phía trước cộng đoàn để ai cần thì lên lấy dùng tuỳ ý. Chúng tôi được biết đấy là một giáo dân xứ Hàm Long. Thật tuyệt vời. Không hổ thẹn là giáo xứ lớn nhất và đạo đức nhất Hà Nội.

    Các đấng bậc muốn khuyên giáo dân đêm đến sang Nhà Chung ngủ cho ấp áp và khoẻ mạnh. nhưng giáo dân lại muốn ở lại bên Mẹ và bên Chúa hơn.

    Trời về đêm mưa càng lúc càng to. Mưa lớn như mưa rào. Chúng tôi tưởng giáo dân sẽ tìm nơi nào trú ẩn. Nhưng không! Không một người nào rời bỏ vị trí cầu nguyện. Tiếng hát và lời nguyện cầu của họ lại trở nên tha thiết và thảm thiết hơn bao giờ. Một thanh niên chứng kiến cảnh tượng cảm động này đã phải thốt lên đẹp quá và anh chạy đi về lấy máy ảnh.

    Tôi cũng không cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh này và tôi tin Chúa hiểu tấm lòng của những con người đã chịu đựng nhiều hy sinh để còn có một đức tin vững chắc và một một tình yêu tràn đầy đối với Giáo Hội quê hương.

    Họ biết Chúa ở cùng họ. Họ biết Đức Mẹ ở cùng họ. Họ biết họ không đơn côi. Họ biết anh chị em đồng đạo cả nước đang hướng về họ. Họ biết thế giới đang quan tâm tới họ và theo sát từng lời kinh tiếng hát của họ. Họ biết họ cần phải thắp lên ngọn lửa sưởi ấm nhân gian giá lạnh đầy cạm bẫy sa tan này.

    Khoảng gần 200 con người tiếp tục không ngủ trong giá lạnh để lời nguyện cầu của họ được thi nhau thánh thót cùng những hạt mưa dài trong đêm thâu./.

    Tường thuật từ hiện trường Tòa Khâm Sứ, đêm 28.01.2008

  7. #7
    Junior Member
    Join Date
    Jan 2008
    Posts
    13

    Default Re: ĐƠN KHIẾU NẠI CỦA TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI

    TÒA KHÂM SỨ 29/01: LẠI MỘT BUỔI TRƯA HỒI HỘP


    HÀ NỘI -- Đêm vừa qua có một xe công an đi vào Tòa Khâm Sứ lúc giáo dân cầu nguyện. Họ đi một vòng, đứng xem một tý rồi đi ra.

    Từ sáng tới giờ rất đông công an trong khu vực. Các công an tập trung ở Trung tâm Chính trị quận Hoàn Kiểm, số 33 Nhà Chung. Số còn lại ở trong Tòa Khâm Sứ, nơi tòa nhà chính họ đang dùng làm cơ quan nhà nước. Rất đông các nhân viên an ninh mặc thường phục đi ra đi vào.

    Lúc 11 h giáo dân về nhiều. Trên sân Tòa Khâm Sứ còn rất ít người. Giáo dân xứ Khoan Vỹ đã về sáng nay. Hôm nay không có nhoám giáo dân nào đi đến với tư cách giáo xứ. Tất cả trên hiện trường là giáo dân tự nguyện đến với tư cách cá nhân.

    Lúc này 12 h 30, có một xe quay phim của Đài Truyền hình Hà Nội đi vào khu vực Tòa Khâm Sứ. Có các phóng viên đến đưa máy lên lầu hai của Tòa Khâm Sứ lắp đặt để chiếu xuống quay cảnh cộng đoàn đang cầu nguyện. Lại có máy quay tay do một phóng viên thực hiện. Một máy khác đặt trong trường Tràng An đối diên cổng Tòa Giám Mục Hà Nội, chiếu từ ngoài vào khu Tòa Khâm Sứ.

    Lúc 12 h 30 có nhiều cảnh sát hay nhân viên an ninh ngênh ngang đi vào khu vực Tòa Khâm Sứ. Nhiều nhân viên chúng tôi đã nhẵn mặt dù họ có đội mũ sắt và mặc áo rét. Họ vây quanh các máy quay phim của Đài Truyền hình. Thái độ có vẻ rất khiêu khích. Họ quay chụp người ra vào bằng camera lớn và bằng các máy nhỏ hay điện thoại di động. Giáo dân vẫn đi lại và cầu nguyện như bình thường.


    Cảnh sát lảng vảng khắp nơi
    Một số tín hữu nam nữ trong Giáo phận vẫn chụp hình chụp ảnh bình thường. Khi những người trong nhóm kia quay phim và chụp hình giáo dân qua lại thì những tín hữu này cũng đưa máy lên chụp lại. Các chuyện giáp mặt như thế này giờ đã trở nên quen thuộc với chúng tôi ở Hà Nội này.

    Một lát sau còn thấy một đội rất đông công an đi một xe lớn đến tập kết tại Trường Tràng An. Số này mặc quân phục. Trong Giáo dân linh cảm có chuyện nghiêm trọng sắp xảy ra, cho nên họ điện thoại báo cho nhau, lúc này trên hiện trường chúng tôi thấy có các nữ tu MTG Hà Nội, các giáo dân xứ Hàm Long, Cửa Bắc, Thái Hà, Nhà Thờ Lớn.

    Chúng tôi cũng thấy có một số linh mục ở các giáo xứ mặc thường phục đến cùng giáo dân. Mọi người sẵn sàng đối diện với bạo quyền bằng lời cầu nguyện trong hòa bình.

    Giữa các giáo dân đang ngồi hoặc đứng ở đây chúng tôi thấy truyền tay nhau mảnh giấy ghi mấy câu nhắc nhở sau đây.:


    Xe truyền hình Nhà nước sẵn sàng
    "TINH THẦN VÀ CUNG CÁCH
    CẦU NGUYỆN CỦA CHÚNG TA LÀ ÔN HÒA.
    ĐỂ KHÔNG RƠI VÀO BẪY DO KẺ XẤU KÍCH ĐỘNG
    NHẰM LÀM BẰNG CHỨNG
    KẾT TỘI GIÁO DÂN CHÚNG TA,
    XIN MỖI NGƯỜI ĐI CẦU NGUYỆN
    VUI LÒNG NGỒI XUỐNG GHẾ
    VÀ TRONG MỌI TRƯỜNG HỢP XẢY RA,
    CHÚNG TA CỨ NGỒI YÊN TẠI CHỖ,
    NẮM TAY ĐAN VÀO NHAU,
    MẮT NHÌN THẲNG LÊN THÁNH GIÁ
    HAY TƯỢNG ĐỨC MẸ VÀ CÀU NGUYỆN.
    KHÔNG ĐỨNG LÊN, KHÔNG DI CHUYỂN.
    XIN CÁM ƠN".

    Xin mọi người hiệp lòng cầu nguyện để "chúng tôi khỏi sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng tôi khỏi mọi sự dữ".

  8. #8
    Junior Member
    Join Date
    Jan 2008
    Posts
    13

    Default Re: ĐƠN KHIẾU NẠI CỦA TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI

    Tình hình vụ việc Tòa Khâm Sứ Hà Nội đang đi tới đâu?


    LOS ANGELES – Trước những ngón đòn tâm lý của UBND Hà nội trong vài ngày nay có mức độ gia tăng, cốt ý làm giao động tinh thần giáo dân đang cầu nguyện, qua công văn, qua việc dùng TV và báo chí của Nhà nước, qua vịệc phó
    Chính quyền tăng tốc tuyên truyền
    Thử trưởng Công an ra lệnh cho mở hồ sơ truy cứu vi phạm pháp luật Nhà nước, trong chiến dịch vu oan cho cộng đồng Công giáo TGP Hà nội, mong rằng sẽ làm sụp đi chí khí của giới lãnh đạo Công giáo và giáo dân tổng giáo phận Hà nội và cố ý gây tình trạng hỏa mù: lúc đánh lúc đàm.

    Các cuộc gặp gỡ 2 bên cách nọ cách kia vẫn tiếp diễn.

    Người Công giáo Hà nội quyết một lòng đạt được mục tiêu mới thôi, tranh đấu bằng phương cách cầu nguyện hòa bình, nhưng sẵn sàng hy sinh bằng mọi giá.

    Phía chính quyền, phương cách đối phó đưa ra nhiều tín hiệu khác nhau: công văn chính thức thì cương quyết, bề nổi thì lại có lúc hăm họa, có lúc dương oai, lại có lúc vuốt ve hứa hẹn... Từ trưa hôm nay 29/1 đưa công an, quân quốc, đoàn TV để cho biết là đang sửa soạn. Đây là dàn trận hay chỉ là kế nghi binh.

    Nhưng then chốt vấn đề là ở chỗ: chính quyền muốn nhường bước, nhưng chưa biết nhường cách nào. Mấu chốt là muốn “giữ thể diện”.

    Nguồn tin riêng của chúng tôi cho biết như sau: Hiện nay chính quyền Hà nội có 2 khuynh hướng giải quyết vấn đề Tòa Khâm Sứ được nhận diện như sau:

    Hiện thời Khối gọi là Nội Chính (Công an và Ban Tôn giáo) muốn biện pháp cứng rắn. Nên chắc họ sẽ còn phải ra vài cái công văn hay chỉ thị như là căn bản cho việc “làm sạch” vể sau này.

    Nhưng Khối Mặt trận và Dân vận xem ra muốn đề án mềm mỏng hơn để giải quyết vụ việc Tòa Khâm Sứ, then chốt là làm sao giữ được “thể diện cho chính quyền”.


    Phép tắc lịch lãm của TGM gặp Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
    Hiện suốt từ trưa hôm nay cho tới giờ theo nguồn tin đáng tin cậy tiết lộ cho chúng tôi biết là chính quyền địa phương thành phố đang còn họp bàn cách đối phó, đang khi đó thì Đức TGM Ngô Quang Kiệt cũng đả theo phép lịch sự mỗi năm dịp Tết đến đáp lễ và chúc Tết chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và Thành phố. Đây là cử chỉ đáp lễ lịch sự mà vị lãnh đạo khôn ngoan nào cũng phải có. Đang khi đó báo Nhà nước đã hồ hởi đăng tin này để “khoe” cho người ta cảm tưởng rằng Đức TGM Hà nội đã nép vế...

    Còn hôm trước Thành phố cùng Công an hay cả Thủ tướng tới Tòa Giám Mục thì chả thấy báo đài nhà nước nào nhắc tới cả. Như vậy là một hình thức “vinh danh” cho Đức Tổng. Cũng cần phải nói thêm rằng không những chỉ có Đức TGM đến thăm và chúc Tết thành phố, nhưng chiều nay còn một số linh mục cũng đến chúc “tuổi thọ” của Thành phố nữa. Chúng tôi hỏi thì được trả lời: đó là cái lẽ bình thường ở đây ấy mà. Ai muốn hiểu sao thì hiểu!”.

    Nguồn tin còn bật mí cho biết thêm rằng: Bộ Công an và Thành phố cũng đã lấy làm tiếc đã làm cho “tình hình xấu đi”.

    Nguồn tin này còn cho biết chi tiết như sau: Vấn đề bí nhất của họ hiện nay là sợ bị chất vấn chữ ký của linh mục Cương kí giấy giao Tòa Khâm Sứ cho thành phố đâu? như họ rêu rao là LM Cương đã kí giao.

    Bởi vì nếu có bằng chứng này họ có thể khép tội chiếm đoạt đất công của Tòa Giám Mục, nhưng nếu không trưng được bằng chứng thì việc đòi lại Tòa Khâm Sứ là hợp pháp. Đấy là không bàn về những luật lệ hay nguyên lý nào khác mà chỉ nguyên nói về một cái chữ kí nhỏ nhoi đó mà thôi!.

    Hướng đi của chính quyền Thành phố Hà Nội hiện nay là muốn đưa ra một chiến dịch tuyên truyền qua truyền thông báo đài để cáo buộc trước trong dư luận để khi họ ra tay bắt một vài linh mục họ cho là cầm đầu cuộc diễn biến cầu nguyện trước đã. Đĩ nhiên là họ không dám bắt Đức TGM Ngô Quang Kiệt mà chỉ dám “cảnh cáo” mà thôi.

    Lý do công an đưa ra để bắt các linh mục cầm đầu vì tội trạng cấu kết với nhóm 8406 mà hôm 26/1 vừa qua Ls Lê quốc Quân tự ở đâu đã dúng lúc nhảy rào qua hàng rào Tòa Khâm Sứ. Đấy họ cho là bằng chứng cấu kết thành phần “xấu chống chính quyền”.

    Kết luận: con đường duy nhất của người Công giáo Hà nội và người Công giáo Việt nam là tiếp tục cầu nguyện tại Tòa Khâm Sứ. Dù phải cầu nguyện trường kì thì vẫn phải tiếp tục.

    Chỉ có con đường tiếp tục cầu nguyện thì “họ” mới chịu thương lượng mà thôi!

  9. #9
    Senior Member delta's Avatar
    Join Date
    Oct 2007
    Posts
    1,697

    Default Re: ĐƠN KHIẾU NẠI CỦA TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI

    Cám ơn Anh Fa

  10. #10
    a n i r t a k NEP's Avatar
    Join Date
    Nov 2006
    Location
    Tây Bắc
    Posts
    8,139

    Default Re: ĐƠN KHIẾU NẠI CỦA TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI

    NPE cũng muốn đọc cho biết chuyện gì nhưng dài quá...nếu có thể các tác giả nên kèm theo một bài tóm tắc, đọc xong nếu thích tìm hiểu thêm thì sẽ đọc bài chính đễ được thêm chi tiếc. Tuy npe hay lười nhưng lần nầy không đọc hết bài không phải vì lười mà thật không có thời gian. Tuy chưa đọc bài nhưng nhìn qua nhìn lại tựa đề hình như người dân Công giáo Hà Nội đang tranh luận với chính phủ về đất đai gì đó thì phải. Cảm ơn Alfa cho biết tin.

  11. #11
    Junior Member
    Join Date
    Jan 2008
    Posts
    13

    Default Re: ĐƠN KHIẾU NẠI CỦA TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI

    Quote Originally Posted by delta View Post
    Cám ơn Anh Fa

    Weo. càm bro Ta, gap bro luôn

  12. #12
    Junior Member
    Join Date
    Jan 2008
    Posts
    13

    Default Re: ĐƠN KHIẾU NẠI CỦA TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI

    cám on weo càm npenpe đã ghé xem xíu,

    " bài ngắn bài dài cũng là bài cả
    Chỉ sợ không có bài "

  13. #13
    a n i r t a k NEP's Avatar
    Join Date
    Nov 2006
    Location
    Tây Bắc
    Posts
    8,139

    Default Re: ĐƠN KHIẾU NẠI CỦA TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI

    Mới đọc cảm thấy quen quen nhưng không biết sao lại nghe quen thuộc như vậy. Trước khi đi ngũ nghĩ đi nghĩ lại mới nhớ.

    Welcome Alfa vào Động Nhím. Chúc Alfa ở chơi vui vẻ!

  14. #14
    Senior Member delta's Avatar
    Join Date
    Oct 2007
    Posts
    1,697

    Default Re: ĐƠN KHIẾU NẠI CỦA TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI

    Anh thấy quen quen với cái người post bài?? hay là anh Npe thấy quen quen với bài post?? Anh phải nói rõ ràng nếu không người ta mắc công si nghĩ

  15. #15
    a n i r t a k NEP's Avatar
    Join Date
    Nov 2006
    Location
    Tây Bắc
    Posts
    8,139

    Default Re: ĐƠN KHIẾU NẠI CỦA TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI

    Quote Originally Posted by delta View Post
    Anh thấy quen quen với cái người post bài?? hay là anh Npe thấy quen quen với bài post?? Anh phải nói rõ ràng nếu không người ta mắc công si nghĩ
    NPE viết không rõ là vì npe muốn xem Alfa có đoán được npe viết về đề tài gì không. Nghe nói Alfa làm thơ hay lắm...vậy thì chắc npe không quen Alfa trước khi Alfa vào ĐN.

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts