Khát

Nghệ Thuật Sống


Dân gian có hàng trăm thứ nước giải khát nào chè tươi, nụ vối nào nhân trần, gạo rang... Thành thị bây giờ phổ biến nhất là trà đá. Bất kỳ khi nào, giờ nào... có ngay trà đá. Xa xỉ hơn một chút người ta rủ nhau đi uống bia hơi, hết khát người ta trò chuyện trên trời dưới biển, người ta bàn chuyện làm ăn, ký kết hợp đồng và bạn bè lâu ngày không gặp, kể cả họp lớp, người ta cũng tụ ở hàng bia. Các hàng bia mọc lên như nấm, lạ là không hàng nào sập tiệm mà chỉ có nở ra, phát đến độ sắp có những sêri nhà hàng (kiểu Macdonal của Mỹ), những Hải Xồm, Lan Chín, những bia hơi Anrchor... Mốt mới hơn của cái tuổi choai choai là trà sữa trân châu Đài Loan (có khi ở Việt Nam còn nhiều hơn ở Đài Loan, mà hệ thống cửa hàng thì đến Macdonal cũng phải ghen tỵ). Cứ như là có Thần đèn con phố quen là thế, một hai hôm không qua, bỗng ngỡ ngàng như bị lạc, ầm ĩ, sặc sỡ, đèn màu loáng sang cả bên kia đường, nhìn lên lại trà sữa trà trân châu. Người ta còn rao bán công nghệ, dây chuyền sản xuất thứ trà này trên các tờ báo, không biết dây chuyền này ra sao chứ cái thứ chẳng ra uống cũng chẳng ra ăn này thật là... Thế mới biết bây giờ người ta khát đến mức nào.

Thế cũng chẳng có gì mà nói, có không ít người khát danh. Cơn khát dã lên thì bao nhiêu tiền người ta cũng chơi tất. Mua chức tước, mua bằng cấp, hàm vị thuê người viết báo lăng xê, hiện đại hơn thuê cả một "đại đội” người chuyên lăng xê, lăng xê qua... buôn chuyện. Thật hết chỗ nói.

Lại có người khát tiền. Tham nhũng rút ruột công trình, rút ruột của công, buôn bán bất chính... thậm chí còn sẵn sàng làm những việc trái với lương tâm, đạo lý, trái với thuần phong mỹ tục và pháp luật. Thế mới có đường nứt, nhà lún, sập đường hầm... ngay sau khi bàn giao. Thế mới có những Lã Thị Kim Oanh, Mai Văn Dâu, Mai Thanh Hải...

Thế cũng chẳng có gì mà nói, người ta khát sự phù phiếm. Đàn ông thích nghe nịnh, thích nghe mấy em nhà hàng tâng bốc, chăm sóc, để được thấy mình oai hơn, để vung tiền mua vui trong chốc lát tan nát gia đình trong những lời thỏ thẻ. Đàn bà thích sửa sang sắc đẹp, tự huyễn hoặc mình trẻ hơn, đẹp hơn, để được khen những lời khen phù phiếm, để đánh mất cái hạnh phúc thật hơn là gia đình nhỏ của mình. Chẳng thế mà các cửa hàng mỹ phẩm, các trung tâm thẩm mỹ chăm sóc sắc đẹp mọc lên ào ào, không y tế an toàn không giấy phép, bác sĩ cũng không nốt, không thế thì đã chẳng có người chết oan trong những cái “lò mổ sắc" ấy. Không thế thì đã chẳng có nhan nhản những đường dây gái gọi, những động đèn mờ ngập cả mắt ông chủ lẫn Công An khu vực (hiện đại hơn người ta gọi là "cớm bảo kê"). Đến cả trẻ con cấp 3 cũng biết số điện thoại di động của "các chị model".

Thế cũng thường, người ta khát đất, khát nhà. Nạn đầu cơ nhà đất bùng nổ, cũng biết chẳng qua đây là một dạng khát tiền nhưng người ta khiến chung cư xây cho người có thu nhập thấp trở thành chung cư bỏ hoang để đành, chờ lên giá mới xuất Khiến ai không có nhà vẫn hoàn không, ai có nhà rồi càng nhiều nhà hơn (lạ là người ta có thể ở 3 - 4 nhà một lúc). Những khu nhà tạm, nhà ổ chuột, nhà lá ven sông... chẳng thấy vợi người mà hình như càng ngày càng sinh sôi?

Người ta khát con, cháu, chắt... nối dõi. Vừa hết hạn chế mỗi gia đình chỉ nên có hai con, người ta đua nhau sinh con thứ ba, tất nhiên là người ta đua con trai. Người ta khát con học, nhưng không phải học vì con mà học vì danh của bố mẹ. Thế mà người ta nói yêu con hơn yêu mình, thế mà người ta toàn làm vì mình chẳng thấy vì con. Ngay cả cho con ra nước ngoài du học, du thì có chứ học thật thì hiếm lắm. Vì người ta chỉ cần cái danh là đã cho con ra nước ngoài du học. Thế mới biết khát danh đa dạng thật. Nhiều khi cũng chỉ vì cái danh mà người ta không dám sống thật với mình, lúc nào cũng nhìn lên nhìn xuống, sang trái sang phải. Sao người ta không nhìn thẳng vào vấn để. để chính người ta có thể sống thoải mái hơn.

Chẳng thấy người ta khát nhân tài, bao nhiên nhân tài ra nước ngoài làm hết, không thì họ làm cho công ty nước ngoài. Thông cảm, họ cũng yêu nước lắm nhưng họ không đủ sống thì biết làm sao? Mà không đủ sống, lắm người vẫn cắn răng chịu, họ lại không được trọng dụng, còn bị "đè" cho đến "bật bãi" mới thôi . Ghen ăn tức ở vẫn là chuyện đời.

Chẳng thấy người ta khát làm giàu chính đáng. Bằng sức lao động của mình người ta có thể phát huy để làm giàu cho bản thân nhưng họ buông. Họ nói tại cơ chế, tại Nhà nước... không thay đổi được đâu. Không đấu tranh thử hỏi có kết quả không? Khi đã thực sự khát khao, người ta phải bằng mọi cách thực hiện được quyết tâm của mình, một ngày khống được thì một đời, một người không được thì một tập thể một tổ chức. Thay đổi đâu chỉ vì lợi ích trước mắt, lâu dài cho tương lai của cả một đất nước mới đáng bàn.

Sao người ta chẳng khát thiên nhiên, để mất dần những mảng xanh của đất nước, để chui vào những cái hộp giống nhau, tiện nghi hay không, không rõ mà chắc chắn là biến người ta dần thành cái máy. Biến đô thị dần thành những khối bê tông, ô nhiễm và rác thải...

Sao người ta chẳng khát thể thao, lại đi khát mấy cái thứ đồ khó uống được quảng cáo rầm rộ là 7 ngày giảm 5 cân, 10 ngày giảm 8cm vòng eo, hay mấy viên thuốc xổ được mệnh danh là thần dược giảm béo. Tạo cơ hội cho cái bọn bất chính kiếm tiền trên sự nhẹ dạ của mấy thân xác ục ịch mà đầu thì nhỏ xíu.

Căng thẳng thật, vui một chút. Người ta khát vợ mình. Có người nói cứ mỗi khi nhìn thấy vợ là lại khát khát cứ như vừa uống hết một xô nước biển, càng uống càng khát. Không biết các bà vợ có yêu cơn khát đáng thương này của chồng mình không, không biết các ông chồng có khát được cả đời không? Mong là các quý ông không bao giờ khát thêm "thứ nước" nào khác. Và mong là "biển có đủ nước" cho các quý phu quân không cần uống thêm loại khác. Chuyện thường ngày như người ta khát nước, chuyện thầy mà phải như mù khi người ta khát danh khát bạc tỷ, chuyện lớn như đất nước khát nhân tài, bao la như cuộc sống khát màu xanh của tự nhiên, dài kỳ như khát đủ ăn đủ tiêu bằng sức lao động chính đáng. nhỏ xíu như chuyện dư mỡ của mấy sumô, lãng mạn như chuyện vợ chồng... Vâng, khát... khi người ta khát... khi mà cơn khát của người ta đã đến ngưỡng thì...