-
~~~ Lãng du ~~~
Nguyệt - người bạn không biết viết văn
Nguyệt - người bạn không biết viết văn
Nguyễn Ngọc Tư
Với bạn học cũ, tôi luôn luôn dựng lên cảnh ngày gặp nhau thật huy hoàng, bữa đó có thể là ngày họp lớp, đám học trò xưa vừa ăn tiệc đứng vừa nhắc kỷ niệm ngày xưa. Nhưng tưởng tượng cách xa thực tế, tôi gặp Giàu ở bến tàu, nó chạy xe ôm, gặp đang lúc nó đang đỏ mặt tía tai dành khách, nó giật giỏ xách tôi, thiếu điều bồng tôi quăng lên xe của nó. Tôi gặp Tiên đang làm kế toán viên của ngân hàng, bữa tôi lại làm thủ tục vay vốn, nó cứ càu nhàu, sao cái hình trong giấy không giống người ngoài đời, còn mục ruồi dưới cằm đâu ? Bữa gặp Nguyệt cũng bất ngờ, tôi uốn tóc ở tiệm cạnh nhà Nguyệt, nó nhận ra tôi trước, chạy ào qua, nắm tay tôi lắc lia lắc lịa, mừng thôi là mừng, trong lúc con bạn nó đang ngượng ngịu với cái đầu chôm bôm, tóc tai cuốn từng cuốn như chả giò (Đáng lẽ mình nên xuất hiện trước mặt nó bằng dáng vẻ thanh lịch, tươm tất hơn mới phải - người viết văn mà). Nó bảo, trời ơi, đúng là con Tư thiệt rồi, lâu quá không gặp.
Rồi nó kéo tôi về nhà mình, tất tả bưng ly nước lọc ra, miệng ríu rích hỏi tôi lúc này làm nghề gì, tôi nói viết văn, nó à ra rồi nói với cái giọng tội nghiệp xót xa cho phận con bạn bẽ bàng :
- Vậy à, ờ, ráng đi, ai biểu hồi nhỏ mầy giỏi văn làm chi.
Lời của nó thiết tha đến nỗi làm tôi tin rằng mình tội nghiệp thiệt, thấy thương quá đi. Người không viết văn sướng hơn mình nhiều.
Thì chuyện của Nguyệt chứng minh điều đó, nó sống vui lạ lùng. Nó bảo, trái tim nó chia ba phần tươi đỏ, "Cuộc đời tao dành cho ảnh phần nhiều. Phần cho con, phần để cho… phim"(Tôi ngờ rằng nó cải biên thơ của Tố Hữu). Hai mươi ba tuổi nó lấy chồng, lấy ngay người yêu đầu tiên và duy nhất, không phải tơ tưởng chọn lựa người này người kia, không phải lúc nào cũng lơ mơ, thấy thằng nào cười đẹp đẹp là … muốn yêu thêm nữa. Nguyệt thì chỉ cần chăm chăm thương một mình chồng, rồi bây giờ thêm đứa con trai vừa đủ tuổi vô mẫu giáo. Chuyện chi xài trong nhà thì không phải lo, anh chồng làm chủ một cửa hàng máy văn phòng gánh hết. Một ngày Nguyệt lo cơm hai bữa, lo tắm cho con cũng hai lần thêm một lần lo chuyện ngủ cho chồng ( nói tới chuyện này nó cười lỏn lẻn bí ẩn lắm). Nó giỏi giang, chu đáo, làm việc nào ra việc ấy (chắc là vì không biết viết văn như tôi ?). Nấu món nào chồng cũng thích, bạn bè chồng tới nhà hai năm sau còn nhắc bữa ăn cá lóc luộc mẻ nghe ngon tới bây giờ. Chủ nhật này làm bánh xèo, chủ nhật sau nấu bánh canh, Nguyệt đem cho cha mẹ hai bên, ông bà già cảm động quá chừng, con nhỏ thiệt siêng, hiếu thảo, ngoài chợ bán thiếu gì, làm chi cho cực, con. Nó cười, ra chợ mua không có lòng bằng chính mình bỏ công làm. Họ hàng hai bên có giỗ quảy, nhắn là nó tới, phụ nấu nướng một tay. Một ngày bình thường bắt đầu từ việc đưa con đi nhà trẻ, nấu cơm xong, thời gian chờ chồng tan sở, nó ủi đồ lớn đồ nhỏ trong nhà, thay dây thun lưng quần cho con, đơm lại nút áo chồng, rảnh nữa coi phim bộ Đài Loan. Nó nói nó không thích phim Mỹ, khó hiểu lắm, hỏng giống phim Đài Loan, coi lần nào cũng khóc muốn chết. Tánh nó là vậy, trong sáng, chân chất, chuyện trong phim mà nó đinh ninh như ở ngoài đời, như thể xảy ra ở trong xóm nó, kế nhà nó. Cảm giác đó lâu rồi trong tôi không còn nữa, tôi rành sáu câu cách xếp đặt, dàn dựng bi kịch, nghề viết văn cũng gần giống vậy mà.
Nên Nguyệt tội nghiệp tôi là phải rồi. Làm sao tôi có thể sống thanh thản, thoải mái như nó, thí dụ như đi chợ, gặp đứa bé ăn xin, nó thương quá móc tiền ra cho rồi thôi, Nguyệt chẳng cần tự hỏi chắc là có một bi kịch nào đó trong nhà đứa trẻ đã đẩy nó ra đường. Không biết cuộc sống nó thế nào, đêm nay nó ngủ đâu ? Tương lai nó sẽ ra sao ? Nguyệt nhìn con chim bay qua mà không phải nghĩ tầm phào, tại sao con chim nó bay có một mình, chắc cha mẹ nó bị bắn rồi, lúc này người ta săn chim, hủy hoại môi trường dữ lắm. Những bữa tối nó thanh thản đi dạo phố với chồng, con, ghé ngã Năm chợ mua bong bóng bay, hay ăn cháo trắng hột vịt muối, tóm lại là không suy nghĩ gì hết, vui trọn cả tấm lòng. Còn tôi lúc nào cũng nghĩ nhiều lắm, toàn chuyện trời ơi đất hỡi, nghĩ coi cho ông nọ gặp rồi yêu bà kia như thế nào, nghĩ coi anh lính đó sẽ chết trong tư thế nào, con nhỏ nầy hành động làm sao khi thấy cha nó lấy má ghẻ…
Nguyệt thì không biết viết văn, hồi nhỏ, nó dốt nhất là môn nầy. Cô Thuỷ chê nó thiệt tình quá, không biết tưởng tượng mộng mơ, bay bổng. Vậy mà hay, tâm hồn ở dưới đất nên nó biết thịt heo đùi trước mềm hơn đùi sau, cá kèo kho xổi ngon hơn kho mặn, còn cá chốt rửa bằng dầu ăn vừa sạch nhớt vừa mềm, hâm mấy lửa vẫn ngon như thường, nó biết gạo Tài Nguyên ngon cơm hơn Nàng Gáo, quần áo đổ đống ở chợ phường vừa tốt vừa rẻ. Nó biết nhiều sự kiện của đầu trên xóm dưới, nhờ thu lượm được của con nhỏ làm móng dạo, rồi quan tâm, bàn tán như thể chuyện của nhà mình.
Nên lần gặp lại này, toàn là Nguyệt nói, tỉ tỉ chuyện dưới đất trên trời, luôn cả chuyện chính trị, nó chê tổng thống Mỹ không đẹp trai, mặt mày xương xẩu, quạu quọ, nó thương chủ tịch M vừa mất chức, tội nghiệp, hồi trước giờ nhờ ổng mà cả xóm ít khi cúp điện, đường sá cũng được sửa đàng hoàng. Rồi Nguyệt nói dài tới chuyện nhà, chuyện nó nhằn chồng đi nhậu khuya, thằng con hồi hôm này đái dầm nhưng tuyệt không nói tới văn chương, chẳng hỏi nhau lúc này viết được không, nhiều ít, truyện vừa rồi đạt không, rồi ngồi chê bủng chê beo tiểu thuyết mới của ông C nào đó như am hiểu lý luận phê bình lắm. Nó nói có lúc rảnh quá chừng nó cũng đọc sách, sao không thấy sách ghi tên Tư, tôi hỏi nó đọc sách gì, Nguyệt kể ra nào là "Tình như mây khói", "Yêu mãi người ơi", "Mai em theo chồng"... loại sách vừa dễ hiểu vừa có chữ bự coi không mỏi mắt. Tôi cười cười, con Nguyệt thắc mắc "Nhớ hồi nhỏ mầy thèo lẻo nhất lớp, bây giờ sao khôn quá trời, bắt người khác nói không à". Tôi cũng giật mình, ờ, ờ mình hỏng biết nói gì, rồi nhìn vẻ mặt lấp lánh ánh cười của nó mà buồn, bao giờ, chừng nào mình mới được sống vui giống vậy ? Tôi biểu Nguyệt cứ nói đi, mình thích nghe hơn. Bởi có những chuyện tôi biết thì tôi để dành… viết hết rồi. Bi kịch ở chỗ là cuộc đời nầy không chỉ có bấy nhiêu thôi.
Còn nhiều chứ, ngoài văn chương thi phú ra, thí dụ như bạn bè. Con Nguyệt khoe, gặp được nhiều bạn bè cũ lắm. Như mới vừa đi đám cưới con Thảo "khoai lang" nè, coi ú vậy mà lấy được thằng chồng đẹp trai, ờ, bữa đó còn ngồi chung Thúy "ở dơ", bây giờ điệu dữ à, mấy ngón tay lúc nào cũng nhón nhón vảnh vảnh thấy cười lắm. Như mới gặp thằng Nguyên hồi hôm qua nè, nó ẳm con đi chích ngừa ở dưới phường, thằng nhỏ giống hệt nó, tròn vo, ú quây. Như thằng Nghĩa ngày nào cũng lùa hai con bò của ông nội nó ngang nhà, Nguyệt rủ nó ghé uống nước rồi đi nhưng Nghĩa mắc cở, cầm cây roi quất con bò chạy cà cồng cà cưỡng, lầm lủi đi mất. Như hôm qua ba cặp vợ chồng Nguyệt, Mỹ, Tho rủ nhau đi nhậu ốc lác luộc sả, ốc bươu nướng, mấy đứa nhỏ khoái lắm. "Ủa, Tư, mầy hỏng gặp tụi nó hả ?", Nguyệt hỏi, giọng tiếc hùi hụi. Tôi bảo không, à, có, mà không, tôi không có bạn, lúc bạn cần, bạn tìm thì tôi đang bận viết cái gì đó nên không thể phân tâm mà bỏ đi chơi, đến lúc tôi rảnh rang, sực nhớ, chợt thèm gặp một người nào đó để nhậu, nói chuyện chơi thì không còn ai cả. Có gặp thì cũng như gặp Nguyệt bây giờ, lượng sượng, không biết nói chuyện gì, giống như một đứa ở trên trời, một dưới đất, có chuyện gì chung đâu.
Nguyệt thì chẳng bao giờ cô đơn như thế. Nó để dành cả một tâm hồn không vướng bận để quan tâm, chia sẽ, chu toàn hết thảy chuyện lặt vặt của cuộc đời. Còn tôi thì đang đứng trên biển văn chương mênh mang chưa thấy đâu là bờ bến, đường đời cũng dỡ sống dở chín, chưa đâu tới đâu, hai vai không trọn vai nào.
Bữa gặp Nguyệt về, tôi ngơ ngẩn hết mấy ngày. Nhớ cái cảnh nó vừa chổng mông lau nhà vừa nghe nhạc, loại nhạc mang âm hưởng dân ca lời lẽ cực kỳ dễ hiểu kiểu như " Nhà anh, giậu đổ bìm leo mà nhà em rào mấy lượt rào, hỏi chớ con đường mòn nào xui hai đứa gặp nhau…". Cứ đêm về tôi mong được nằm mơ, mong thấy vía mình vừa chơi ô tô với con vừa kể cho chồng nghe một câu chuyện gì đó thật hay lượm ở ngoài chợ cá, vừa kể hai đứa vừa cười ngắc nga ngắc ngẻo. Xong rồi coi Lưu Tuyết Hoa trong phim "Xóm Vắng"vừa khóc với Tần Hán vừa hát "Buồn lòng tôi hát câu dân ca xưa để vơi nỗi sầu... Mấy ai qua cầu mà mong về được người ơi..." bằng tiếng của ca sỹ Cẩm Ly (vô lý vậy mới gọi là mơ chứ). Nhưng chờ hoài không thấy…
Cuộc sống đó, không ít người vẫn "khi dễ" là nhàm chán, cạn èo, tầm thường… Rồi một đôi lần trong đời chợt rưng rưng nhận ra, muốn sống vậy cũng không dễ.
-o-o-o-o-o-o-
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules