Tránh Dùng Nước Bưởi Khi Uống Thuốc

Ming Trang


Trong khi chữa bệnh bằng những loại thuốc tây, bệnh nhân thường được khuyên phải tránh uống những thức uống có chất rượu. Cũng trong trường hợp này, việc gia tăng ăn và uống những loại trái cây thường được khuyến khích, "để cơ thể có thêm vitamine C, hay những chất bổ dưỡng". Đó là một quan niệm không hoàn toàn sai, nhưng bệnh nhân nên thận trọng chọn lọc những loại nước trái cây nào thích hợp, bởi vì một cuộc nghiên cứu vừa qua cho thấy loại nước bưởi có khả năng làm gia tăng hoạt tính của một số dược phẩm, có thể gây nguy hiểm và tử vong. Sau đây là bài viết về kết quả nghiên cứu về trường hợp này của Nicholas Bakalar vừa được đăng tải trên tờ The New York Times.

Vào năm 1989, một nhóm các nhà nghiên cứu ở Canada đang nghiên cứu một loại thuốc về huyết áp rất ngạc nhiên khi khám phá ra rằng việc uống một ly nước bưởi (grapefruit) có thể làm gia tăng hoạt tính của loại thuốc này lên đến mức nguy hiểm. Lúc đó họ đang kiểm tra tác động của bia rượu đối với một loại thuốc gọi là Plendil. Các nhà khoa học cần một thứ gì đó để che giấu mùi vị của rượu hầu các đối tượng thí nghiệm chỉ biết là họ đang uống thuốc mà không biết rằng mình uống thuốc bằng rượu.

David G. Bailey, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học Y tế London ở London, Ontario, người đứng đầu cuộc nghiên cứu này, cho biết: "Một buổi tối thứ bảy, vợ chồng tôi kiểm mọi thứ trong tủ lạnh, thấy rằng món duy nhất át được mùi rượu là nước bưởi".

Vì vậy họ đã sử dụng thức uống này trong cuộc thí nghiệm của mình, vì nghĩ rằng nước bưởi sẽ không liên quan gì đến kết quả thí nghiệm. Nhưng bỗng nhiên họ thấy hàm lượng máu của thuốc bỗng tăng vọt đáng kể ở nhóm chỉ uống nước bưởi mà không uống rượu.

Tiến sĩ Bailey nói: "Mọi người không tin chúng tôi. Họ nghĩ đây là một trò đùa. Chúng tôi gặp rắc rối khi muốn đăng bài viết về vấn đề này lên một tạp chí y học lớn". Cuối cùng bài viết cũng được chấp nhận và được Lancet xuất bản vào tháng 2/1991.
Câu hỏi kế tiếp là tại sao loại nước ép này lại gây hiệu ứng như thế.
Hóa ra câu trả lời nằm ở các enzyme gọi là hệ cytochrome P-450, đặc biệt là enzyme CYP 3A4. Loại enzyme này chuyển hóa nhiều loại thuốc cũng như nhiều chất độc thành những chất ít hiệu lực hơn hoặc dễ bài tiết hơn, đôi khi là cả hai.

Nước bưởi ngăn chặn khả năng này của CYP 3A4, gia tăng hiệu lực của thuốc bằng cách cho phép thuốc hòa tan nhiều hơn vào trong máu, kết quả là tạo ra một lượng thuốc quá liều.
Nước bưởi chỉ tác động với enzyme này trong ruột chứ không tương tác trong gan hay những bộ phận khác. Kết quả là nó chỉ có tác dụng với thuốc uống chứ không tác dụng với thuốc tiêm.
Hiện nay có rất nhiều nghiên cứu cho thấy tác động của nước bưởi với nhiều loại thuốc được sử dụng rộng rãi khác. Đa số không đem lại hậu quả gì nghiêm trọng nhưng một số ít lại có. Ví dụ, các loại thuốc làm giảm cholesterol như Lipitor, Mevacor và Zocor đều gia tăng hiệu quả của thuốc khi được uống với nước bưởi. Hàm lượng quá liều của những loại thuốc này có thể đưa đến một chứng rối loạn cơ bắp nghiêm trọng gọi là hoại tử cơ (rhabdomyolysis) và đôi khi dẫn đến tử vong.

Như thế nghĩa là người ta có thể giảm liều lượng thuốc cần dùng chỉ bằng cách uống nước bưởi hay không?. Tiến sĩ Bailey nói rằng "Không. Vấn đề là tác dụng của nó không thể dự đoán được. Bạn không thể giảm liều Lipitor và tăng lượng tiêu thụ nước bưởi chùm. Khả năng hấp thụ nước bưởi nhiều hay ít ở mỗi người mỗi khác. Lượng enzyme mà người ta có trong ruột cũng khác nhau rất lớn. Tính toán quanh quẩn với món nước bưởi không phải là một ý kiến hay chút nào".

Nước bưởi cũng có thể ngăn cản sự trao đổi của các chất ức chế serotonin có chọn lọc (Selective serotonin reuptake inhibitors - S.S.R.I.), chẳng hạn như Prozac, dùng để điều trị chứng suy nhược.

Tiến sĩ Marshall Forstein, giáo sư tâm thần học ở Harvard, cho biết ông khuyên bệnh nhân nên đổi từ nước bưởi sang một loại nước uống khác vì hầu hết các loại trái cây thuộc họ cam quýt đều không gây hiệu ứng tương tự. "Nếu họ khăng khăng đòi, tôi sẽ cố gắng kê toa cho S.S.R.I. hoặc các loại thuốc khác được uống vào một thời điểm mà nước bưởi đã được chuyển hóa hết".

Trong số các loại nước trái cây, nước bưởi có tác động mạnh nhất, nhưng nước chanh và nước cam làm từ cam Seville cũng có tác động ức chế tương tự với enzyme CYP 3A4. Ở một số loại thuốc, nước táo cũng có ảnh hưởng như thế.
Dù Tiến sĩ Bailey đề nghị tránh dùng nước bưởi hoàn toàn khi đang uống thuốc nhưng một số chuyên gia lại cho rằng không nên quá phóng đại tác động của nó. "Những tình cảnh có thể xảy ra tương tác khá hiếm", theo Tiến sĩ David J. Greenblatt, một giáo sư dược học tại Tuft. Trước hết, ông nói, thuốc phải được hấp thụ khối lượng lớn bởi các enzyme CYP 3A4 trong ruột, mà loại này có mặt ở đây tương đối ít: "Khi xem xét dữ liệu thực tế cho mỗi loại thuốc, kết luận khoa học là những tác động này thường hiếm xảy ra, đôi khi rất nhỏ và không quan trọng. Nhưng trong một số trường hợp chúng cũng khá đáng kể".

Tiến sĩ Greenblatt và những đồng viện của ông tại Tufts đang chỉ đạo một cuộc nghiên cứu được tài trợ bởi Viện Y tế Quốc gia về lĩnh vực này trong suốt nhiều năm qua, và ông là một nhà tư vấn chuyên môn cho Ủy ban Cam quýt Florida.

Tiến sĩ Richard B. Kim, một giáo sư y dược thuộc Đại học Vanderbilt, cũng đồng ý rằng tác động này là một nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng với một số bệnh nhân. "Tiêu thụ nước bưởi là một vấn đề liên quan đến sức khỏe, nhất là với người già, những người thường phải uống các loại thuốc chịu tác động của nó. Nếu bạn đang uống nhiều loại thuốc, hoặc nếu gần đây bạn vừa mới chuyển sang một loại thuốc khác, thì bạn phải đặc biệt thận trọng. Tốt nhất trong hoàn cảnh này là uống thuốc với nước và hoàn toàn tránh uống nước trái cây".