Thuốc chữa trị trứng cá

Vũ Quí Đài, BS


Gần như ai ai cũng từng bị ít nhiều mụn trứng cá. Bị nhẹ, một hai mụn thoáng qua thì không sao, nhưng bị nhiều, lâu ngày, nhất là ở tuổi dậy thì, thì trứng cá là một chứng bệnh gây khổ tâm không ít.
Bị trứng cá, căn nguyên là vì cái lỗ chân lông bị nghẹt. Mỗi sợi lông trên mặt hay là ngoài da nói chung mọc từ một cái hốc bên dưới da, tức là cái lỗ chân lông. Trong lỗ chân lông, có một cái hạch tiết ra chất nhờn, gọi là sebum.

Tiến trình sinh ra mụn trứng cá như sau:
- Chất nhờn trong lỗ chân lông ra quá nhiều, vì hạch sinh chất nhờn tăng gia quá mức thườ.
- Những tế bào chai cứng trong lỗ chân lông không tróc đi được, làm nghẹt lỗ chân lông.
- Vì bị nghẹt, nên chất nhờn, chất béo tích tụ bên trong lỗ chân lông.
- Vi trùng sinh sôi nẩy nở, và cơ thể phản ứng lại bằng hiện tượng viêm (inflammation), sinh ra mụn trứng cá.

Trong lỗ chân lông, lúc thường vẫn có thứ vi trùng tên là Propionibacterium acnes, là một trong những vi trùng vô hại ở ngoài da. Vi trùng này là một loại gọi là kỵ khí, nghĩa là ở chỗ khoáng đãng có khí trời mọc không được, cho nên trong lỗ chân lông bị đóng nghẹt không có không khí, lại thêm các chất béo, các tế bào chết tạo ra môi trường tốt cho chúng mọc nhanh mọc mạnh.
Trứng cá nhẹ, là khi không bị mọc mụn, chỉ có những hột khô tròn tròn nho nhỏ, hoặc đen, hoặc trắng, do đó mà có tên mụn trứng cá, tiếng Anh gọi là blackhead, whitehead (danh từ y khoa gọi chung là comedone).

Nặng thêm tí nữa, thì mụn sưng đỏ, có khi có mủ ở đầu. Trứng cá nặng là khi mụn sưng to, ăn sâu dưới da thành mụn bọc cứng va ølàm đau. Có khi những mụn bọc đầy mủ vỡ ra, ăn thông với nhau bên dưới da.

Những người bị trứng cá nhiều thường là có yếu tố di truyền. Dùng mỹ phẩm bôi ngoài da có thể bịt lỗ chân lông làm cho dễ bị trứng cá. Có một số thuốc làm cho trứng cá bùng lên , thí dụ như các chất nội tiết nam tính, thuốc loại prednisone, thuốc ngừa lao isoniazid, thuốc chữa u sầu có chất Lithium... Cổ áo chật cũng làm lỗ chân lông vùng cổ không được thoáng mà sinh trứng cá.
Ảnh hưởng của chất nội tiết phái tính khá rõ rệt. Đàn ông con trai hay bị trứng cá hơn phái nữ (trai trứng cá, gái má hồng). Trong cơ thể phái nữ, vừa có chất nội tiết nữ, lại cũng có chút ít chất nội tiết nam. Người nữ bị bệnh quá nhiều chất nội tiết nam sẽ có những triệu chứng nam nhân hóa (mọc râu ria, hói bên thái dương, mồng đốc to và dài) và bị trứng cá nhiều.

Thuốc bôi chữa trứng cá
Có nhiều thứ thuốc bôi để chữa trứng cá, có thứ mua tự do, có thứ cần phải có toa. Trứng cá nhẹ, thì chỉ cần bôi những loại không có trụ sinh. Nếu bị vừa vừa, thì phải bôi thêm trụ sinh và chất chống viêm (như hydrocortisone).
Bị nặng, thì ngoài thuốc bôi, phải dùng thêm thuốc uống. Thuốc bôi có nhiều dạng. Dạng kem (cream) và thuốc nước dùng cho những người da khô, dạng "gel " là thứ quánh hơn dùng cho da nhờn.
Trong thời gian dùng thuốc bôi, phải giới hạn các mỹ phẩm. Nếu cần, chỉ nên dùng các thứ giữ cho da khỏi khô (moisturizer) và các nước rửa không có thuốc hay hóa chất làm kích thích da.
Những thuốc bôi không có trụ sinh gồm có các thuốc có chất "benzoyl peroxide " đã có từ lâu, và những thuốc mới có sau này như là những thuốc có chất "retinoid " là một biến chất của sinh tố A, và thuốc có "azealic acid ".

Benzoyl peroxide - Những thuốc bôi này bán tự do, mang nhiều nhãn khác nhau, như: Benzac, Benzagel, Brevoxyl, Panoxyl, Triaz. Trong thuốc bôi tên là Vanoxide có thêm chất hydrocortisone chống viêm.
Nhiều người khi mới dùng thuốc bị phản ứng làm cho da đỏ lê, có khi bị tróc da. Thường thì ít bữa quen thuốc sẽ hết. Nếu không, thì phải giảm thuốc, thí dụ bôi thuốc từ hai lần một ngày, bớt xuống còn một lần vào buổi tối.

Azelex - Thuốc bôi có chất azealic acid dùng tương tự như benzoyl peroxide, và cũng có thể làm đỏ da, tróc da như vậy.

Thuốc bôi có Retinoid -
Những thuốc này có chất Tretinoin (Retin-A) hay tương đương, có khả năng làm tiêu những hột trứng cá làm nghẹt lỗõ chân lông. Tretinoin là một biến chất của sinh tố A, dễ bị tia cựa tím tiêu hủy, và gặp chất benzoyl peroxide thì bị oxyt hóa. Vì thế cho nên bác sĩ dặn bệnh nhân chỉ bôi thuốc vào buổi tối, và không bao giờ dùng chung với loại thuốc trứng cá có benzoyl peroxide.
Những thuốc bôi thuộc loại này có thể kể Retin-A đã có từ lâu, thêm hai thứ mới hơn là Tazorac và Differin. Có dạng thuốc nước, kem và gel.

Ngoài ra còn một dạng đặc biệt gọi là tiểu cầu (microsphere) tên là "Retin- A Micro", thuốc tỏa ra dần dần từ những hạt li ti nên ít bị phản ứng làm đỏ da, tróc da, khô da hơn là những dạng khác. Thuốc làm da " mỏng " đi ,khả năng ngăn chặn tia cực tím kém đi, nên trong khi bôi thuốc này, bác sĩ hay cho dùng thêm kem chống nắng. Thường thì bôi thuốc 2- 3 tháng mới thấy bớt .
Đàn bà có thai không nên dùng, vì ảnh hưởng vào bào thai chưa biết được rõ.

Thuốc bôi có trụ sinh -

Bác sĩ cho bôi thuốc trụ sinh khi thấy tình trạng trứng cá bị nhiễm trùng nhiều, sinh viêm. Hai thứ trụ sinh hay dùng là Erythromycin (A/T/S) và Clindamycin (Cleocin T). Thuốc bôi ngày một hay hai lần.

Các thuốc bôi khác
Thuốc Klaron có chất sulfacetamide là chất trị vi trùng nhưng không thuộc loại trụ sinh. Thuốc Sulfacet- R , ngoài sulfacetamide, có thêm lưu huỳnh đã được dùng chữa trứng cá từ xưa..

Thuốc uống chữa trứng cá
Khi bị trứng cá nặng, bác sĩ sẽ cho thêm thuốc uống. Các thuốc uốnng thuộc mấy loại như sau.

Thuốc trụ sinh
Trụ sinh uống từ 6 đến 8 tuần lễ mới thấy có kết quả, và thường là uống dài hạn cả nửa năm.
Erythromycin ngày nay ít dùng, vì vi trùng P. acnes sinh trứng cá đã kháng thuốc nhiều. Tetramycin phải uống vào lúc lòng không thì thuốc mới ngấm được tốt. Ngòai ra, vì thuốc làm xương mọc chậm, lại làm cho răng trẻ em bị nám vàng , cho nên con trẻ dưới 9 tuổi và thai phụ không được dùng.
Những trụ sinh khác có thể kể Vibramycin, Doryx , Minocin.
Thuốc Accutane
Accutane là thứ thuốc trị trứng cá rất là mạnh nhưng lại cũng rất là độc, chỉ dành cho những trường hợp trứng cá nặng. Accutane đặc biệt là có tác động vào cả bốn nhân tố sinh trứng cá như đã nói ở phần đầu. Tuy là một biến chất của sinh tố A, Accutane là một thuốc vô cùng độc hại cho bào thai.
Độc hại đến nỗi ngày nay theo luật Mỹ , không phải bác sĩ nào cũng viết toa cho bệnh nhân mua được. Bác sĩ phãi ghi danh "đăng ký" vào một chương trình của nhà sản xuất, có sự giám sát của Sở Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm (Food and Drug Administration), gọi là chương trình SMART (System to Manage Accutane- Related Teratogenicity) , có nghĩa là "hệ thống quản lý vấn đề thuốc

Accutane sinh tật ở bào thai ". Thuốc Accutane có thể sinh quái thai.
Ngoài ra, cũng có thể sinh viêm gan, căng áp suất trong sọ, đau nhức khớp, mắt quáng gà. Cũng có báo cáo về một số trường hợp thuốc Accutane sinh bệnh u sầu.
Vì khả năng sinh quái thai, dĩ nhiên là thai phụ cấm không được dùng.
Trước khi biên toa cho phái nữ trong tuổi có thể mang thai, bác sĩ phải cho thử thai hai lần để biết chắc là không có thai, rồi mỗi tháng phải thử lại nữa . Trong khi dùng thuốc, phải dùng hai phương pháp ngừa thai và tiếp tục ngừa thai một tháng sau khi ngưng thuốc.

Vấn đề thuốc ngừa thai liên quan đến trứng cá
Có hai vấn đề về thuốc ngừa thai liên quan đến trứng cá.
- Một là thuốc ngừa thai, tự nó, làm giảm trứng cá, vì làm giảm lượng chất nội tiết nam tính trong cơ thể.
- Hai là thuốc trụ sinh uống dài hạn để trị trứng cá có thể làm cho thuốc uống ngừa thai kém hiệu quả. Vì vậy, bác sĩ hay khuyên các phụ nữ trong trường hợp này nên dùng thêm một phương pháp nữa để tránh thụ thai.