Nghèo Tiền Nhưng Giàu Tình



Tại một phố nhỏ bên Châu Âu, vào một mùa đông nọ, sau khi nghe nhà trường thông báo sẽ lạc quyên tiền bạc và phẩm vật để làm quà giáng sinh cho những trẻ em nghèo trong vùng, một em bé 13 tuổi đã dành dụm trong suốt 1 tháng được 15 đồng và em quyết định đón xe đến trường để trao tặng số tiền đó.

Một trận bão tuyết bất ngờ đổ xuống khiến lưu thông bị bế tắc, xe cộ không thể di chuyển. Cậu bé đã đi bộ đến trường, băng qua những cánh đồng ngập tuyết trắng xoá.

Ông hiệu trưởng vô cùng kinh ngạc trước tấm lòng quảng đại và hy sinh của cậu bé, nhưng ông còn ngạc nhiên bội phần khi biết em thiếu niên trước mặt ông lại có tên trong danh sách những trẻ em nghèo mà nhà trường sẽ tặng quà giáng sinh năm đó.
Đúng là nghèo tiền nhưng giàu tình. Nghèo đến nỗi được nhà trường ghi nhận, cho vào danh sách những người cần được giúp đỡ. Nhưng tình thương liên đới và trách nhiệm san sẻ đã làm cho tâm hồn cậu bé nhà nghèo trở thành “viên ngọc quý”.

Thánh Kinh cũng có ghi nhận một câu chuyện tương tự: Chúa Giêsu cùng các môn đệ đang ở trong đền thờ, gần khu vực có đặt 13 thùng tiền. Dân chúng và khách hành hương khắp nơi thường đến đây dâng cúng cho công việc tu bổ hay đóng góp vào vấn đề nhang khói, hương hoả của đền thánh. Trong các mùa lễ Vượt qua, số người dâng cúng rất đông nên thường có các tư tế đền thờ ngồi gần các thùng tiền để ghi nhận số tiền người ta dâng. Thỉnh thoảng họ xướng to danh xưng của một vài nhân vật đã bỏ vào thùng những khoản tiền lớn.

Việc xướng danh và tiếng va loảng xoảng liên tục của các đồng tiền kích thích những người giàu có hăng hái mở rộng hầu bao dâng cúng đền thờ. Chúa Giêsu ngồi quan sát và chứng kiến nhiều người giàu có bỏ tiền vào hòm. Ngài im lặng!

Bỗng xuất hiện một bà goá nghèo. Bà đến bên hòm tiền. Lặng lẽ bỏ vào đó hai trinh. Số tiền quá nhỏ. Không đáng kể. Tiếng va chạm của hai đồng bạc vang lên khô khan, cụt ngủn. Chẳng ai để ý. Chẳng ai thèm hỏi thăm hay xướng danh của bà. Nhưng Đức Giêsu lên tiếng. Ngài gọi các môn đệ đến và tuyên bố: “Bà goá nghèo kia đã bỏ vào nhiều nhất.”

Trong xã hội Do thái, đàn bà goá phần lớn là thành phần nghèo khổ đáng thương. Họ chẳng có tài sản. Của cải người chồng để lại đều thuộc về trưởng nam. Chính Phaolô cũng đã có lần kêu gọi các cộng đoàn tiên khởi nâng đỡ, trợ giúp các bà quả phụ (1 Tim 5:3-16). Theo lẽ thường các quả phụ nghèo không buộc phải dâng cúng. Nhưng thái độ và việc làm của bà goá nghèo nơi đền thờ đã được Chúa Giêsu ghi nhận. Không phải vì bà “nghèo” và “goá” mà không đáng trọng bằng người giàu có. Không phải bà bỏ ít tiền mà lòng đạo của bà thua kém người ta. Không phải vì chẳng được xướng danh mà công nghiệp của bà không ghi trên trời. Trái lại hai đồng trinh bé nhỏ của bà đã được Thiên Chúa đón nhận với lời chúc lành: “Bà đã bỏ nhiều nhất.” Bởi vì bà đã bỏ vào thùng tiền chính sự sống của mình. Bà đã dâng cho Thiên Chúa tặng phẩm quí nhất của con người là sự sống: “Tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này lấy túng thiếu mà bỏ vào mọi sự mình có để nuôi sống” (Mc 12:44).

Cũng thế, điều mà sách Các Vua ghi nhận trong câu chuyện “Bà goá thành Sarephta” không phải là việc bình dầu hũ bột không vơi, cũng chẳng phải là phép lạ cả thể mà tiên tri Êlia đã chỉ làm cho một người dân ngoại, nhưng là việc bà ta tin tưởng đến độ dám hy sinh chút sự sống còn sót lại cho người của Thiên Chúa.

Tin tưởng là trao ban. Nhưng nếu trao ban nhiều thứ mà chưa trao ban sự sống thì vẫn chưa có gì đáng kể. Phải chăng đây chính là điều mà Chúa Giêsu, qua hành vi của bà goá nghèo, báo trước về việc Người sắp làm: dâng hiến chính mạng sống mình cho phúc lộc con người.

Thư gởi tín hữu Do thái đã xác nhận điều này: Các thượng tế dâng tiến lễ tế hàng năm, với máu không phải của mình; việc làm đó không xoá được tội lỗi người ta; nhưng Đức Giêsu, Người đã dâng hiến chính máu mình, đã tế lễ chính thân xác mình để huỷ diệt tội lỗi. Và như thế sự trao dâng của Đức Giêsu có giá trị ngàn đời.

Chỉ khi dâng hiến những gì đụng chạm đến sự sống còn của cuộc đời, tôi mới trao ban đúng nghĩa. Thế nên, khi dám trao ban ngay cả sự nghèo túng của mình như người đàn bà goá, của lễ tôi dâng mới có giá trị trường tồn không phai. Đừng nghĩ tôi không có gì để cho, nhưng hãy nghĩ tôi có cho khi mình chẳng còn gì nữa không? Nếu cứ tự nhủ khi nào có thời giờ, tôi mới cộng tác với cộng đoàn xứ đạo, khi nào dư giả tài chánh lúc đó mới trợ giúp trao ban, khi nào sức khoẻ phong phú mới dấn thân phục vụ. Thế ra tôi chỉ biết dâng những của dư thừa chứ không dám dâng cả sự túng thiếu. Tôi chỉ sát tế chiên bò, dâng máu lừa dê, chứ chẳng dám dâng hiến chính mạng sống cuộc đời của mình. Phải chăng giữa tôi và người đàn bà goá nghèo vẫn còn cả một khoảng trời xa cách.

Lắm khi việc dâng hiến của tôi không thanh thản và siêu thoát. Vẫn còn thấp thoáng đâu đó một mưu đồ trục lợi, một ý tưởng khoe khoang, hay một khát khao danh vọng. Phải chăng “chất ký lục và biết phái” vẫn còn tồn đọng trong hồn tôi?

Lời Chúa đã phán: “Ta chuộng lòng nhân nghĩa hơn là của lễ toàn thiêu.” Lễ toàn thiêu của tôi có được khứng nhận là vì tình yêu đang thiêu đốt tâm hồn. Cha sở Gioan Maria Vianney thường tâm sự: “Cái gì đẹp nhất, tôi đều dành cho việc phục vụ và thờ phượng Chúa.” Điều đáng nói không phải vì ngài đã dành của cải người ta tặng để mở cô nhi viện, để sắm sửa áo lễ hào quang thật đẹp, nhưng là vì ngài đã dâng hiến tặng phẩm quí giá nhất cuộc đời. Đó là cuộc sống của chính ngài, với thời gian, sức lực, tài năng, học thức (dù rất giới hạn)… tất cả cho tình yêu Thiên Chúa và ơn cứu rỗi các linh hồn.

Để trở thành người Kitô hữu chân chính, chúng ta cũng được mời gọi sống đời dâng hiến như vậy.


Lm. Phêrô Bùi Quang Tuấn, CSsR