NGÀI ĐẾN CHƯA?


Gioan Tiền Hô đã bị tù. Ông là một tiên tri lớn. Đức Giêsu còn xác nhận rằng ông còn lớn hơn cả tiên tri nữa (Mt 11,9). Nhưng giờ đây, sứ mạng rao giảng của ông đã chấm dứt. Những tháng năm sống ẩn dật trong hoang địa, những ngày làm phép rửa và loan báo về Đấng Cứu Thế, nay chỉ còn là dĩ vãng. Ở chốn ngục này, biết bao nỗi niềm, ưu tư như chờ dịp trào dâng trong tâm trí ông: tôi vẫn không biết Đấng ấy đã đến chưa? Có phải đó là Đấng tôi đã làm phép rửa ở sông Gio-đan? Hay tôi còn phải tiếp tục chờ đợi “Đấng phải đến”? Nếu đúng, vậy Đấng ấy có đến trước khi tôi bị xử chém?

Rất nhiều câu hỏi tra vấn ông. Ông cảm thấy tấm thân như bị giằng xé về hai cực: ông đã tin rằng Đấng Cứu Thế sắp đến, nhưng cái hiện tại phũ phàng nó đang giam cầm ông đã làm cho ông gặp “khủng hoảng”. Ông nghe nói về các việc Đức Giêsu làm (Mt 11,2), nhưng ông vẫn bất an. Nỗi bất an ấy khiến ông phải nhắn gửi hai môn đệ đi gặp Ngài để hỏi điều này: “Thầy có phải là Đấng phải đến không? Hay tôi phải đợi Đấng nào khác?”.

Ngài đến chưa? Thì đây, câu trả lời là Tin Mừng: Đừng sợ (Lc 1,28)! Hãy vui lên! Thiên Chúa đang đến gần! (Ph 4,4-5).

Chúa đến trần gian, Chúa nhập thể làm người, đó là một biến cố vĩ đại. Biến cố ấy đã gây xáo trộn bao tâm hồn, làm bất an nhiều “kẻ trí”. Đúng là, biến cố Chúa “cắm lều nơi nhân loại” (Ga 1,14) đã tạo nên hai thái độ khác nhau: hoặc lo lắng sợ hãi, hoặc hân hoan vui mừng.

Điều gì khiến mình lo sợ khi nghe tin Chúa đến? Phải chăng mình nghĩ mình tội lỗi, mình như người con hoang đàng, như chiên lạc giữa chốn đồng hoang, nên làm sao mình có thể hình dung Chúa đến với mình? Thì đây, hãy vui lên! Tin Mừng này dành cho mình đây: Chúa đến tìm người tội lỗi, tìm chiên lạc (Mt 18,12-14).

Phải chăng mình sợ Chúa đến vì mình nghĩ Chúa sẽ đỏi hỏi mình nhiều điều, gây khó khăn đủ thứ cho mình? Bởi lẽ, cuộc sống mình đã đầy gánh nặng rồi, nhỡ Chúa đến chất thêm gánh vác cho mình thì làm sao mình kham chịu nổi? Thì đây, Chúa đến với mình để mình có thể đến với Chúa mà quẳng gánh lo cho Ngài. Ngài nhận gánh nặng của mình, đổi lại, mình mang lấy “gánh thật nhẹ nhàng của Ngài” (Mt 11,28-30). Đó chẳng phải là Tin Mừng ư?

Phải chăng mình sợ Chúa đến vì mình nghĩ mình nhỏ bé thấp hèn, mình chẳng có công trạng gì trước mặt Chúa, mình chỉ là phận tôi tớ làm sao đáng được Chủ đoái nhìn? Thì đây, Tin Mừng dành cho mình là: kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời thì lớn hơn cả Gioan Tẩy Giả (Mt 11,5.11).

Sau khi nghe hai môn đệ của Gioan, Đức Giêsu đã không nói cho họ điều gì khác ngoài Tin này: “Các anh cứ thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe. Người mù được thấy, người điếc được nghe, Tin Mừng được loan truyền cho người nghèo”(Mt 11,4-5). Không biết hai đồ đệ của Gioan có gặp được ông để thuật cho ông lời của Đức Giêsu? Nếu có, không biết tâm trạng của Gioan thế nào sau khi ông nghe Tin ấy?

Hôm nay, mình may mắn hơn ông Gioan vì mình được nghe Tin Mừng. Nhưng dường như có điều gì ngăn cản làm cho mình không vui? Đúng là mình hay ủ rũ rầu rĩ khi nghe Tin Mừng. Mình dường như bị đè nặng bởi “gánh cuộc sống”. Mình còn cảm thấy bất an, lo âu. Tại sao?

Có phải mình đang bị giam cầm trong nỗi sợ hãi nó do tội lỗi gây ra? Có phải mình đang sống sau song sắt của bao suy tư tính toán? Hay mình vẫn còn ngồi dưới đáy giếng nên không nhận ra cái lớn lao nơi con người bé nhỏ tầm thường nơi mình? Liệu mình có giống “người xưa”, khi nhìn Gioan không ăn không uống thì bảo ông bị quỷ ám, còn khi nhìn Con Người ăn uống thì bảo đó là tay ăn nhậu. (Mt 11,16-19)?

Nếu vậy, mình rất cần ai đó nhắc lại Tin Vui của Chúa. Thì đây, “Ai đó” chính là Giáo Hội, Người luôn giúp con cái lắng nghe thường xuyên Tin Vui này, để Lời Ngài thấm vào tim gan mỗi kẻ tin, để Niềm Vui của Ngài ở mãi nơi cõi lòng mỗi người. Khi mình nghe Tin Vui của Chúa như thế, cái nhìn của mình mở ra và mình nhận ra rằng Chúa đến rồi!


Trí Dũng