"Như đã được ấn định, loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét..." (Hê-bơ-rơ 9:27).

Câu này là một trong những câu nghiêm trọng nhất trong Kinh Thánh. Thật không dễ chịu chút nào khi đọc hay nghe câu này. Tuy nhiên, hôm nay tôi muốn nói đến nó. Trước hết, con người bị định trước là phải chết và phải bị phán xét sau khi đã chết. Nếu bạn thoát khỏi sự chết mà Thượng Đế đã định cho bạn, thì bạn cũng thoát khỏi sự phán xét của Ngài. Nhưng nếu điều được ấn định thứ nhất xảy ra, thì chắc chắn điều được ấn định thứ hai cũng phải diễn ra.

Đề tài tôi nói hôm nay là sự phán xét. Chắc chắn các bạn không thích nghe về nó, và tôi cũng không thích nói đến. Tiếc rằng chúng ta không có lựa chọn nào cả dù các bạn có thích nghe hay không và tôi có thích nói đến hay không. Bởi sự chết chắc chắn sẽ đến, sự phán xét cũng chắc chắn sẽ đến. Cũng như việc bạn phải chết là chuyện đương nhiên, thì việc bạn sẽ bị phán xét cũng vậy. Chỉ khi nào bạn thoát khỏi sự chết, bạn mới có khả năng thoát khỏi sự phán xét. Kinh Thánh tường thuật cho chúng ta biết nhiều điều là sự thật. Sự thật luôn luôn là sự thật dù bạn tin hay là không tin. Sự thật không bao giờ bị thay đổi theo niềm tin của bạn. Sự thật vẫn luôn là sự thật.

Kinh Thánh nói đến một sự thật rằng có Thượng Đế. Bạn tin là có Thượng Đế hay không thì không thành vấn đề. Cũng như sự thật về mặt trời, cho dù một người mù có tin hay không tin thì mặt trời vẫn tồn tại.

Kinh Thánh còn cho ta biết một sự thật khác nữa là có tội lỗi. Sự thật này vẫn là sự thật không phụ thuộc vào chuyện bạn tin có tội lỗi hay không.

Kinh Thánh không chỉ nêu hai sự thật là sự hiện hữu của Thượng Đế và tội lỗi, mà còn chỉ cho ta biết thêm một sự thật khác nữa là có sự chết. Trong Kinh Thánh, sự chết được nhắc đến thường xuyên hơn trong cuộc sống hàng ngày của con người. Dù bạn tin có sự chết hay không, sự chết sẽ đến với bạn.

Cuối cùng, Kinh Thánh nói về một sự thật khác, một sự thật trong tương lai. Vì nó liên quan đến tương lai nên nhiều người không quan tâm đến sự thật nầy. Tuy nhiên, sự thật này vẫn là sự thật giống như ba sự thật đã được đề cập ở trên: sự phán xét. Dù bạn tin hay không, thì sự phán xét vẫn là một sự thật. Tất cả mọi người không trừ một ai đều bị Thượng Đế phán xét, bất kể họ là ai và đã làm những gì, liệu họ có là người quyền cao, chức trọng được người khác kính nể, ngưỡng mộ hay chỉ là kẻ trộm cắp, xấu xa, bị cộng đồng xa lánh, liệu những việc họ làm có được xã hội ngợi khen hay kết án; tất cả đều sẽ bị phán xét như đã định. Đó là sự thật. Dầu bạn có tin hay không tin cũng vậy thôi. Hãy cho phép tôi nói thẳng thắn với bạn điều này. Tôi không muốn tốn nhiều thời gian để chứng minh là có sự phán xét. Đã là sự thật thì không cần chứng minh gì cả. Kinh Thánh cho chúng ta biết là có Thượng Đế. Ngay trong phần mở đầu, Kinh Thánh cho chúng ta biết là có Thượng Đế. Không có chỗ nào Kinh Thánh tìm cách chứng minh tại sao có Thượng Đế và Thượng Đế ở nơi đâu. Đã là sự thật thì không cần bất kỳ một chứng minh nào cả. Kinh Thánh không cần chứng minh bạn có tội bởi vì bạn đã phạm tội rồi. Kinh Thánh cũng không cần chứng minh bạn phải chết bởi vì bạn sẽ phải chết. Tương tự như vậy, Kinh Thánh không cần chứng minh sẽ có sự phán xét vì sự phán xét là một sự thật.

Bạn ơi, tôi muốn hỏi bạn là tội lỗi bạn đã được giải quyết chưa? Có lẽ bạn đã từng nghe Phúc Âm, tuy nhiên nếu nan đề của tội lỗi chưa được giải quyết thì bạn chưa được cứu. Tôi phải nói với bạn ngay bây giờ rằng sự chết xảy đến như thế nào thì phán xét cũng xảy đến tương tự như vậy. Bạn không thể nào biết được khi nào bạn chết và bị phán xét. Vì vậy, bạn hãy giải quyết vấn đề tội lỗi ngay hôm nay. Nếu không sự việc sẽ trở nên nguy hiểm đối với bạn. Nhiều người không để tâm chú ý đến sự phán xét. Nhưng nếu hôm nay bạn không xử lý nan đề tội lỗi của mình và không giải quyết sự phán xét ngay bây giờ, sau này sự phán xét sẽ đến với bạn không chút thương xót. Nếu nan đề tội lỗi bạn chưa được giải quyết, tôi khuyên bạn đừng nên ăn uống và cũng như ngủ nghỉ cho đến khi nó được giải quyết. Hãy giải quyết ngay hôm nay, không nên trì hoãn vì khi sự phán xét đến, bạn không còn thời gian nữa.

Điều gì sẽ xảy ra sau khi bị phán xét?

Kinh Thánh không chỉ giải thích về sự phán xét mà còn nêu rõ về hậu quả của sự phán xét. Chúa sẽ "báo trả...những người không nhận biết Thượng Đế và những người không vâng phục Phúc Âm của Chúa Cứu Thế Giê-su chúng ta. Họ sẽ bị hình phạt hư mất đời đời, xa cách mặt Chúa và sự vinh hiển của quyền phép Ngài" (2.Tê-sa-lô-ni-ca 1:8-9). Kinh Thánh nói rằng Thượng Đế yêu thương thế gian. Điều này là thật. Nhưng lửa hỏa ngục mà Kinh Thánh nói đến cũng đồng thời là sự thật . Bạn đang ở trong tình trạng nguy hiểm nhất trong khi bạn chưa được tha thứ tội lỗi, bởi vì không một người vô tín nào thoát khỏi định mệnh xa cách mặt Thượng Đế và bị hư mất đời đời.

Có khả năng bào chữa khi bị phán xét không?

Một số người nghĩ rằng trước tòa phán xét của Thượng Đế, họ có thể nói rằng: "Thượng Đế ơi, Ngài không thể bỏ con vào hỏa ngục vì con không hiểu Phúc Âm". Bạn ơi, tôi có thể nói với bạn rằng Thượng Đế đã dự tính một câu trả lời từ lâu rồi để bạn không thể bào chữa được.

Xin bạn hãy nghe đây: "Đến ngày phán xét, dân thành Ni-ni-ve sẽ đứng dậy với dòng dõi nầy mà lên án nó, vì dân nầy đã nghe lời Giô-na giảng và ăn năn; mà đây nầy, có một người tôn trọng hơn Giô-na" (Ma-thi-ơ 12:41). Trong câu này, Chúa Giê-su nói về sự phán xét. Chúa có cần kết án con người vào ngày phán xét không? Điều này hoàn toàn không cần thiết. Thượng Đế sẽ không phải làm gì cả; dân thành Ni-ni-ve sẽ lên án những người vô tín.

Ni-ni-ve từng là một thành phố lớn rất nổi tiếng. Mọi người trong thành đều là tội nhân (Giô-na 1:2). Vào một ngày kia, Thượng Đế sai tiên tri Giô-na đến đó để rao giảng rằng sau bốn mươi ngày thành Ni-ni-ve sẽ bị sụp đổ. Vì dân thành Ni-ni-ve tin Thượng Đế, họ kêu gọi kiêng ăn, từ người lớn nhất đến người nhỏ nhất đều mặc vải gai, ăn năn, than khóc với Thượng Đế (Giô-na 3:4-5). Khi Thượng Đế thấy họ bỏ đường xấu xa, Ngài không trừng phạt họ như đã phán nữa (Giô-na 3:10). Thành phố này nhận được ân điển của sự tha tội. Chúa trích dẫn sự kiện trên để chứng minh rằng dân thành Ni-ni-ve sẽ định tội thế gian.

Dân thành Ni-ni-ve đã ăn năn sau khi nghe lời tiên tri Giô-na rao giảng. Nhưng "mà đây nầy, có một người tôn trọng hơn Giô-na". Ngày nay con người có Lời của Con Thượng Đế. Trong chúng ta ai chưa từng đọc Kinh Thánh? Ai chưa từng đọc sách Phúc Âm Giăng? Nếu bạn nói rằng bạn đã chưa bao giờ nghe Con Thượng Đế đã chết cho bạn thì đó chỉ là lời ngụy biện mà thôi. Bạn đã nghe nói về điều này rồi và bạn không thể nào thoát khỏi sự phán xét. Vào ngày phán xét, dân thành Ni-ni-ve sẽ nói: "Chúng ta đã ăn năn, sau khi nghe tiên tri Giô-na rao giảng. Nhưng các ngươi nghe Phúc Âm của Con Thượng Đế mà không chịu ăn năn. Các ngươi mong được tha thứ trong ngày phán xét hay sao?"

Có lẽ một số người nói rằng Giô-na đã đến thành Ni-ni-ve và rao giảng nơi đó. Vì vậy, người nơi đó có cơ hội ăn năn. "Còn tôi ở nông thôn, chẳng ai rao giảng Phúc Âm cho tôi. Vì thế, Thượng Đế không thể nào kết tội một người như tôi được!". Tuy nhiên Thượng Đế nêu một sự kiện khác để những người như vậy không thể bào chữa được. "Đến ngày phán xét, nữ hoàng nam phương sẽ đứng dậy với dòng dõi nầy mà lên án nó, vì người từ nơi cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan vua Sa-lô-môn; mà đây nầy, có một người tôn trọng hơn vua Sa-lô-môn" (Ma-thi-ơ 12:42). Nữ hoàng này là nữ hoàng của Sê-ba, nước Ê-thô-bi ngày nay (1.Các vua 10:1, 2.Sử-ký 9:1). Nữ hoàng từ nơi tận cùng trái đất đến để nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn. Chúa chúng ta cao trọng hơn Sa-lô-môn nhiều; Lời Chúa phán khôn ngoan hơn lời của Sa-lô-môn. Chúa nói về sự sống đời đời và sự chết đời đời.

Nữ hoàng từ tận cùng của trái đất đến để nghe sự khôn ngoan của Sa-lô-môn. Còn bạn chỉ cư ngự xa thành phố khoảng chừng hai mươi cây số hoặc một trăm cây số. Bạn không thể đến buổi nhóm rao giảng Phúc Âm tối thiểu một lần hay sao? Do đó, nữ hoàng phương nam có thể định tội bạn. Khoảng cách từ nhà bạn đến chỗ rao giảng Phúc Âm có xa hơn khoảng cách mà nữ hoàng nam phương đã đi không? Vì vậy, không một người chưa được cứu rỗi nào lại có thể bào chữa vào ngày phán xét.

Ai có thể thoát khỏi sự phán xét?

Có lẽ một số người nghĩ rằng họ có thể trốn thoát khỏi sự phán xét bằng cách nào đó. Những ý tưởng dại dột như thế thỉnh thoảng xuất hiện. Có thể một người nào đó nghĩ mình có thể trốn đâu đó trong âm phủ sau khi chết. Tôi phải nói với bạn rằng điều đó chẳng ích lợi gì cả. Xin bạn hãy nghe những gì Thượng Đế nói: "Dầu chúng nó đào đến âm phủ, tay ta cũng sẽ móc chúng ra..." (A-mốt 9:2, Thi-thiên 139:8). Bạn nghĩ rằng bạn có thể khóa miệng âm phủ lại và ẩn trốn sâu dưới âm phủ, tuy nhiên tay Thượng Đế sẽ đem bạn ra khỏi đó.

Có lẽ một số khoa học gia và phi công nghĩ rằng họ có thể bay lên trời khi sự phán xét đến. Dầu vậy, điều đó cũng không thể được, bạn hãy nghe đây: "...dầu chúng nó trèo lên trời, Ta cũng sẽ kéo chúng xuống" (A-mốt 9:2). Dầu bạn cố leo lên cao cách mấy, Thượng Đế có thể kéo bạn xuống rất dễ dàng.

Có lẽ một số người khác hy vọng có thể trốn trong rừng sâu rậm rạp. Lời Thượng Đế nói về điều nầy: "Dầu chúng nó ẩn nấp trên đỉnh núi Cạt-mên, Ta cũng sẽ đi tìm đặng kéo chúng nó ra" (A-mốt 9:3). Lại có người cho rằng họ có thể trốn ở dưới đáy biển khi đường đến âm phủ, đường lên trời hay đường dẫn đến các rừng sâu bị chặn lại. Nhưng Thượng Đế nói: "dầu chúng nó lánh khuất mắt ta nơi đáy biển, ta cũng sẽ sai rắn cắn chúng nó tại đó" (A-mốt 9:3). Những câu Kinh Thánh trên là những hình ảnh tượng trưng mà Thượng Đế muốn chỉ cho chúng ta thấy. Cho dầu bạn có thể thoát khỏi tay con người bằng cách trốn trong âm phủ, lên trời, trong rừng rậm, hoặc là dưới đáy biển sâu, nhưng bạn không thể nào thoát khỏi bàn tay của Thượng Đế. Theo như Kinh Thánh bày tỏ, bạn không thể nào thoát khỏi sự phán xét.

Tình trạng sự phán xét như thế nào?

"Khốn thay cho mầy, thành Cô-ra-xin! Khốn nạn cho mầy, thành Bết-sai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm giữa bây, đem làm trong thành Ty-rơ và Si-đôn, thì hai thành đó thật đã mặc áo gai, đội tro, ăn năn từ lâu rồi. Vậy nên ta bảo bây, đến ngày phán xét, thành Ty-rơ và thành Si-đôn sẽ chịu đoán phạt nhẹ hơn bây. Còn mầy, Ca-bê-na-um, là thành đã được cao tới trời, sẽ hạ xuống tới âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm ra giữa mầy, đem làm trong thành Sô-đôm, thì thành ấy còn lại đến ngày nay. Vậy nên ta rao bảo rằng, đến ngày phán xét, xứ Sô-đôm sẽ chịu đoán phạt nhẹ hơn mầy" (Ma-thi-ơ 11:21-24). Các bạn ơi, nếu ngày nay các bạn còn phạm tội, sống theo thế gian, tìm kiếm những lạc thú cho riêng mình, các bạn phải tính trước cho sự phán xét. Không chỉ có sự chết là chắc chắn sẽ đến mà sự phán xét cũng không thể tránh khỏi. Sự chết đến như thế nào thì sự phán xét cũng đến y như thế đó.

Tôi nói với người dân tại Thượng Hải: Các bạn sẽ bị giống như người dân tại Ty-rơ và Si-đôn. Ty-rơ và Si-đôn từng là những thành phố to lớn và phồn thịnh, nhưng ngày nay chỉ là nơi mà người ta phơi lưới đánh cá mà thôi. Còn thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ, vì sự gian ác của nó mà Thượng Đế đã hủy diệt bởi lửa và lưu huỳnh từ trời rơi xuống. Cách đây vài năm, người ta tìm thấy được những di tích cổ bị bao phủ bởi chất lưu huỳnh nơi mà trước kia có những thành phố nầy. Tuy nhiên, dân thành Sô-đôm, Ty-rơ và Si-đôn sẽ bị phán xét nhẹ hơn dân Thượng Hải. Các bạn có thể được tha thứ, nếu Chúa chưa ra đời, nếu Con Thượng Đế chưa chịu chết để đền tội cho con người và con người chưa biết gì về tội lỗi và sự phán xét. Tuy nhiên, ngày nay các bạn đã nghe về việc Con Thượng Đế đã chết cho các bạn rồi. Tôi khóc cho các bạn nếu các bạn chưa xưng nhận tội lỗi mình, bởi vì sự phán xét sắp đến sẽ vô cùng nặng nề và nghiêm ngặt. Chính bạn, thế gian với những niềm vui của nó sẽ qua đi, nhưng sự phán xét thì không bao giờ qua đi.


Làm thể nào để thoát khỏi sự phán xét?

Nếu muốn thoát khỏi sự phán xét, trước hết chúng ta phải tự hỏi rằng tại sao chúng ta bị phán xét. Tại sao? Tất cả mọi người phải bị phán xét vì mọi người đều đã phạm tội. Nếu bạn được giải thoát khỏi tội lỗi thì bạn cũng có thể thoát khỏi sự phán xét.

Từ "sự phán xét" theo nguyên văn là cùng một từ với "sự công chính" và "sự định tội, sự kết án". Từ đó người ta có thể dịch từ "sự phán xét" thành từ "sự định tội". Không có ai không phạm tội cả. Nếu con người không có tội lỗi, thì việc nhóm lại của chúng tôi không còn cần thiết nữa và tôi có thể làm một công việc khác. Tôi không cần rao giảng. Tôi cũng không cần là một Cơ Đốc nhân, tôi có thể đốt Kinh Thánh và cho phép tôi làm tất cả những gì tôi muốn. Nhưng vì tội lỗi là một sự thật nên tôi cần Đấng Cứu Rỗi. Tôi biết Con Thượng Đế đã đổ huyết vì tội lỗi tôi và đã cứu chuộc tôi. Ngay khi tội lỗi chúng ta được tha thứ thì nó không còn là nan đề đối với chúng ta nữa. Đây chính là giải pháp cứu chuộc của Thượng Đế.

Thượng Đế cứu chúng ta khỏi tội lỗi như thế nào? Chúng ta là những tội nhân và do đó phải chịu phán xét. Nhưng Kinh Thánh nói rằng Con Thượng Đế đã chết cho chúng ta. Con Thượng Đế đã chết cho tôi! Điều này thật ngọt ngào và đằm thắm! Nó êm dịu hơn cả những nốt nhạc nhạc du dương, trầm bỗng, và làm lòng tôi rung động.

Vì tội lỗi của chúng ta mà Con Thượng Đế đã chết trên cây thập tự. Ngài mang lấy án phạt cho chúng ta. Nhờ đó chúng ta được cứu rỗi và được tự do. Đó là một tin mừng! Dầu tôi vẽ cho các bạn thấy sự chết và sự phán xét, nhưng tôi không mang đến cho các bạn tin buồn. Tôi chỉ cho các bạn sự phán xét trước vì tôi muốn các bạn biết rằng mình cần một Đấng Cứu Rỗi để gánh lấy tội lỗi của các bạn. Nhân đây tôi xin kể cho các bạn nghe một câu chuyện: Trong cuộc nội chiến tại Mỹ, có hai anh em, một người sống ở miền bắc và người kia sống ở miền nam. Cả hai đều được gọi nhập ngũ trong chính quyền của mình. Quân đội của miền nam thất trận, và nhiều quân nhân bị bắt làm tù binh. Lúc đó, người anh làm người canh giữ tù nhân. Khi nhìn thấy em mình trong những người tù, người anh chờ đợi cho đến khi đêm đến, cởi quân phục của mình đưa cho người em mặc vào và để người em trốn thoát. Người anh mặc lấy y phục của em mình và bị tử hình vào ngày hôm sau. Về sau người ta xác định người em chưa bị hành hình, dầu vậy người ta không thể bắt anh được nữa. Người anh đã chết cho em mình rồi, và không ai có thể chết hai lần. Tại đây chúng ta nhìn thấy một hình ảnh diễn tả điều xảy ra nơi thập tự giá - tuy chỉ là hình ảnh mờ nhạt mà thôi.

Nếu tin Chúa Giê-su đến để phục vụ xã hội, rao giảng về tình thương, đem bình đẳng đến tất cả mọi người và làm gương cho nhân loại noi theo thì đây là một sự lầm lẫn rất lớn. Tôi đọc sách Tân Ước ít nhất một trăm lần, nhưng chưa lần nào tìm thấy được lời nhận xét này. Đây không phải là Phúc Âm, không phải là tin tức tốt lành. Không, đây là tin dữ đến từ ma quỉ, từ địa ngục. Kinh Thánh nói cho chúng ta biết rằng Chúa Giê-su chịu phán xét thay cho chúng ta và chịu chết cho chúng ta. Trên thập tự giá, Chúa kêu lên: "Thượng Đế của tôi ôi! Thượng Đế tôi ôi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?" (Ma-thi-ơ 27:46). Ngay trong thời điểm đó, Thượng Đế phải lìa bỏ Ngài, vì Ngài mang lấy tội lỗi của chúng ta. Chúa Giê-su đã lìa Thượng Đế, từ trời xuống thế gian để cho chúng ta có được lối về cùng Thượng Đế. Chúa trở nên nghèo để cho chúng ta giàu. Chúa đến trên đất để cho chúng ta được giải thoát khỏi sự trói buộc của trái đất này. Chúa đã gánh tội lỗi của chúng ta để chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi. Chúa đã chịu phán xét thay cho chúng ta để tất cả những ai tin Ngài đều có thể thoát khỏi sự phán xét. Các bạn ơi, khi nghe giảng Phúc Âm, các bạn thường nghe chữ "thập tự giá". Chữ "thập tự giá" không có nghĩa gì khác hơn là Chúa Giê-su chịu phán xét và bị hình phạt thay cho chúng ta.

Tôi xin kể thêm một câu chuyện khác: Trước khi miền bắc nước Mỹ được khai hoang, phần đông dân di cư sống ở miền duyên hải phía đông. Khi nghe tin vàng được khám phá rất nhiều ở San Francisco, một cặp vợ chồng nọ đã bán đi tài sản của mình và dọn nhà đến đó. Người chồng đi trước và một năm sau, người vợ nhận được tin mừng rằng chồng bà đã tìm được vàng. Người vợ liền mừng rỡ cùng con mình lên thuyền đi đến San Francisco. Cuộc hành trình kéo dài khá lâu. Một ngày kia, bà nghe có tiếng ồn ào và xô xát trên tàu, tưởng hải tặc tấn công. Bà khóa cửa khoang tàu và ở trốn luôn trong ấy. Nhưng một lúc sau bà ngửi thấy mùi khói. Bà vội mở cửa và nhận ra rằng tàu đang bốc cháy. Bà vội bồng con chạy lên boong tàu. Tuy nhiên tất cả xuồng cấp cứu đều đầy người và đã được hạ xuống. Bà năn nỉ và cầu xin. Cuối cùng chỉ có một người được nhận vào xuồng cấp cứu. Thật là một tình huống khó xử. Người ta nên cứu đứa con và để người mẹ chết hoặc ngược lại? Một trong hai người phải chết để người kia được sống. Cuối cùng người mẹ đưa địa chỉ của chồng mình cho một hành khách trên tàu nhờ ông đem con đến cho chồng bà. Sau đó bà nói với con rằng: "Con trai yêu của mẹ, khi gặp cha con, hãy nói với cha con rằng mẹ vì con mà chết trong lửa và nước để cho con gặp được cha!". Các bạn ơi, đây chỉ là hình ảnh tượng trưng không hoàn chỉnh về việc Chúa đã chết cho chúng ta. Nguyện xin Chúa cho chúng ta nghe được tiếng Chúa hôm nay: "Các tội nhân ơi! Ta đã chết trên cây thập tự thay cho con để cho con có thể gặp được Cha thiêng thượng. Ta đã chết để cho con được sống. Hãy tin điều Ta đã làm cho con!"

Hôm nay tôi muốn cho các bạn biết sự chết và sự phán xét đã định trước cho loài người chúng ta. Nhưng Thượng Đế vì yêu thương con người nên đã chuẩn bị sự cứu rỗi cho con người. Con Ngài đã chết cho chúng ta. Các bạn ơi, hãy tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-su là Đấng Cứu Rỗi của mình ngay trong hôm nay. "Ai tin Ngài thì chẳng bị đoán xét đâu; ai không tin thì đã bị đoán xét rồi, vì không tin đến danh Con một Thượng Đế" (Giăng 3:18). Câu này không phải của tôi mà là từ Thượng Đế và từ Chúa Giê-su.

"Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai nghe lời Ta mà tin Đấng đã sai Ta, thì được sự sống đời đời, và không bị phán xét, song vượt khỏi sự chết mà đến sự sống" (Giăng 5:24). Theo câu trên, một người tin Chúa Giê-su thứ nhất nhận lãnh sự sống đời đời, thứ hai người ấy không bị phán xét, và thứ ba người ấy vượt khỏi sự chết mà vào sự sống.

Bạn ơi! Bạn chưa tin Con Thượng Đế phải không? Vậy thì ngay bây giờ bạn hãy tiếp nhận Ngài là Đấng Cứu Rỗi mình. Có một lần, tôi đến thăm một người đang hấp hối. Lúc đó, tôi đang rao giảng ở một địa phương nhỏ, và một người nói với tôi rằng có một vị bác sĩ đang hấp hối và tôi nên đến rao giảng Phúc Âm cho ông ấy. Tôi đi ngay! Vị bác sĩ này biết chút ít về niềm tin Cơ Đốc và nói với tôi: "Tôi đã nghe về Chúa Giê-su và tôi không muốn tin Ngài. Tôi là một bác sĩ; tôi biết rất rõ bây giờ tôi phải chết. Tôi từng là một bác sĩ quân y và đã phạm nhiều tội lỗi. Tôi rất hối hận về điều này, nhưng tôi không biết lối thoát nào cả. Lòng tôi luôn bất an. Sau khi chết, tôi không thể gặp Thượng Đế được". Tôi đọc câu Giăng 5:24 cho ông nghe. Qua câu này, ông nhận biết rằng Thượng Đế muốn ban sự sống của Ngài cho loài người, ngay khi một người tin, người ấy nhận lãnh sự sống đời đời, sẽ không bị phán xét mà vượt khỏi sự chết và vào sự sống. Khi về, tôi nhận thấy một sự thay đổi nơi bệnh nhân này. Lần sau tôi đến thăm, ông khóc; khi tôi chia tay ông, ông nắm chặt tay tôi và cảm ơn. Tôi biết chắc mình sẽ gặp lại ông trong tương lai bên Thượng Đế. Dẫu vậy, bạn đừng chờ đợi đến giây phút cuối hay cơ hội cuối cùng. Hãy nói ngay bây giờ: "Thượng Đế ơi, con xin tiếp nhận Con Ngài". Các tội nhân ơi, hãy tin Thượng Đế! Con Ngài đã chết cho bạn, Ngài đã chịu phán xét thay cho bạn rồi.

Watchman Nee

(Dịch từ bản tiếng Đức "Das Gericht" của NXB Verlag Der Strom, Stuttgart, Đức)