Coi Chừng và Tỉnh Thức (CN I MV năm B)


Mùa Xuân 1998, thế giới điện ảnh Hollywood xôn xao bàn tán về cuốn phim mang tựa đề là “Titanic”. Nhà đạo diễn tài danh James Cameron đã tái tạo lại câu chuyện đắm tàu của chiếc du thuyèn nổi tiếng cùng tên, do đụng vào tảng băng trôi ngày 12/4/1912, cuối cùng phải chìm xuống giữa lòng đại dương.

Thoạt đầu, khi khởi công đóng chiếc du thuyền có kích thước dài 270 m, rộng 30 m và cao 22 m này, nhóm chủ tàu dự tính đó sẽ là con tàu vĩ đại, nó vượt qua mọi phong ba bão táp, đương đầu với mọi sóng gió dễ dàng, không thể chìm ngỉm được. Với thiết kế 8 tầng sang trọng, đầy đủ tiện nghi, có sân chơi thể thao, hồ bơi, rạp hát, nhà hàng, vườn hoa, phố shopping…du thuyền Titanic ấy bảo đảm dung chứa được khoảng 1,500 hành khách rong chơi lâu ngày trên biển cả.

Du khách lên tàu thường là những bậc vị vọng, danh giá, sang trọng, trưởng giả. Họ thừa tiền, dư bạc sẵn sàng “vung tay quá trán” mua cho được vé du lịch đát tiền, để đi du hí lai rai. Vé bán ra cũng có nhiều loại, tiền nào của nấy: giới qúi tộc giàu sang ngồi khoang cao cấp hạng nhất, giới bình dân lê thứ chỉ mơ được tìm một chỗ nơi khoang dưới, trên du thuyền nỗi tiếng này là an phận lắm rồi. Tàu bắt đầu ra khơi, thủy thủ theo lệnh thuyền trưởng, khởi động máy móc nhịp nhàng đưa con thuyền rẽ sóng.

Lênh đênh trên dòng nước mênh mông, người người tham gia các lễ hội khác nhau được tổ chức trên tàu. Kẻ nghe hoà nhạc, người dạo mát dọc theo boong thuyền, nhóm “casino” tụm năm tụm ba thử tài đen đỏ, hạng người qúi tộc lại vui say bên dạ vũ tiệc tùng. Muôn tâm hồn như một, chỉ biết giết thời gian du lịch trên biển, bằng những niềm vui hợp sở thích với mình. Trời về đêm,các tài công luân phiên thay nhau điều khiển chiếc du thuyền êm ả.

Bất ngờ qua màn hình ở phòng chỉ huy, họ thấy một tảng băng sơn từ xa, đối diện hướng tàu đang tiến đến. Nhanh chóng xoay chuyển bánh lái, các thủy thủ vội đưa thuyền ra khỏi khu vực nguy hiểm ấy. Tiếc thay, chậm mất rồi, du thuyền phải xuyên tảng băng mà lướt qua. Vết nứt con tàu lộ ra, dần dần bị thủng, nước biển tràn vào thuyền ào ạt. Chuông điện báo động, ai nấy vội vàng chạy nháo nhác tìm tàu cứu hộ, mong cứu lấy mạng sống mình.

Giữa cơn hốt hoảng sắp chết chìm, mỗi người phản ứng khác nhau: ban nhạc hoà tấu, chơi vẫn chơi tiếp tục; qúi mệnh phụ phu nhân không hấp tấp, cứ mãi mê thu xếp đồ đạc, vàng vòng kim cương rực rỡ; nhóm tiện dân chen chúc tìm ca nô, dành quyền ưu tiên xuống tàu để tránh chết đuối; chàng công tử Caledon Nathan Hockley vẫn rượt đuổi người tình Rose De Witt Bukater ra khỏi vòng tay tình ái của Jack Dawson. Phút nguy tử gần kề: không một ai Tỉnh Thức để cầu nguyện, để phó linh hồn chính mình, chuẩn bị cho sự ra đi vĩnh viễn dưới lòng biển cả.

Nhà phê bình phim truyện, đã đặt câu hỏi cho khán giả xem phim: “Giả thử bạn có mặt trên du thuyền Titanic ngày hôm ấy, bạn có tiếp tục vui chơi, khiêu vũ…khi biết rằng tàu sắp chìm không?”. Vấn nạn đặt ra của nhà điện ảnh như gián tiếp nhắc ta nhớ lại Lời Chúa hôm nay: “Anh em hãy coi chừng, hãy tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào ngày ấy, giờ ấy sẽ đến”.

A. Tỉnh Thức: thái độ cần thiết trong cuộc sống.

Người xưa thường nói: “Tích cốc phòng cơ”. Một con kiến chịu khó kiếm thực phẩm suốt mùa Hè, dự trữ lương thực đề phòng cho mùa Đông băng giá. Đó là một thái độ tỉnh thức, chuẩn bị cơn đói mai ngày. Nho Giáo còn có câu: “Cẩn tắc vô ưu”. Ra đường, lái xe chạy theo tốc độ cho phép, không sợ tai nạn xảy ra, không lo xe cảnh sát chớp đèn ghi ticket. Cũng là một hành động coi chừng và tỉnh thức.

Chung chung, có nhiều hình ảnh gợi lên cho ta thấy: Tỉnh Thức là điều cần thiết, là thái độ nên làm.

Tôi sợ bệnh mỡ máu, high cholesterole; phải dè chừng hải sản: oyster, shrimp, lobster…
Tôi không muốn phát phì, dư thừa năng lượng; cần ăn kiêng mỗi ngày cho xác thân cân đối.
Tôi ngại bệnh tiểu đường; tất nhiên tránh ăn cơm, ăn xôi nhiều, chê cả chè ba màu, xanh xanh đỏ đỏ…
Để đạt văn bằng ưu hạng, sinh viên phải tỉnh thức từng đêm, miệt mài từng trang luận án.
Thương con bệnh nặng, người mẹ từng đêm thức khuya ở với con trong bệnh viện, chăm sóc con thuốc men, lo lắng đau thót ruột từng cơn ho, độ sốt của con.
Chồng đi chinh chiến nơi xa, vợ hiền thấp thỏm từng giờ, tỉnh thức mong chờ từng ngày chàng được nghỉ phép, vui phút giây đoàn tụ.
Khách hàng USA get-line từ chiều Thứ Năm Lễ Tạ Ơn, mang cả lều, ghế xếp nghỉ đêm trước các cửa hàng, để được ưu tiên mua hàng On Sale đại hạ giá trong ngày Black Friday hôm sau.
Khán giả quê nhà Việt Nam tỉnh thức bên ly cà phê, lai rai suốt đêm để xem trực tiếp truyền hình các trận bóng đá World Cup từ nước ngoài.
Lính canh phòng gác đêm, tư thế cầm súng sẵn sàng, thay nhau phiên trực bảo vệ an ninh tổ quốc, phòng ngừa địch quân xâm nhập, quấy phá.
Thân nhân xa gần thức khuya, ra tận phi trường Tân Sơn Nhất, vui mừng chào đón Việt Kiều hải ngoại sau 30 năm biệt xứ, nay trở về đất Mẹ trên những chuyến bay đêm.

Tỉnh thức như trông chờ, mong đợi, như nhìn xa trông rộng, như lo trước nghĩ xa…việc sắp xảy đến.

B. Cần tỉnh thức trước những tình huống nào?

1. Hãy tỉnh thức trước những cạm bẫy của Satan: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma qủi thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5:8).

Ađam, Evà được Chúa căn dặn coi chừng, không được ăn trái cây cho biết điều thiện, ác.
Giuse trong Cựu Ước đã tỉnh thức, chống cự nét đẹp quyến rũ của vợ quan Pô-ti-pha.
Môisen từ trên núi xuống đã nổi giận với dân Israel mê muội thờ lạy con bò vàng, lãng quên hồng ân Thiên Chúa đã dẫn dắt họ ra khỏi Ai Cập.
Trên núi Các-men, tiên tri Elia dâng hy lễ lên Thiên Chúa được Chúa khứng nhận. Ngài thức tỉnh dân Israel không nên thờ tà thần Ba-al.
Chúa Giêsu trong hoang địa 40 đêm ngày, đã can đảm chống lại các cơn cám dỗ của Satan.
Chúa khuyên các môn đệ phải ăn chay cầu nguyện (Mt 17:21), phải tỉnh thức (Mt 26:41) để chống trả thế lực ma qủi.
Ông Giakêu đã thức tỉnh trước cạm bẫy vật chất, hứa đền bù mọi thiệt hại ông đã gây nên.
Augustinô đã tỉnh thức trước lời kêu gọi của Thánh Phaolô (Rm 13:14), quyết tâm từ bỏ dục vọng xác thịt, sống hoàn thiện nên công chính.

2. Hãy tỉnh thức trước những thảm họa sự dữ xảy ra: “Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu, nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy” (Lc 13:3).

Ông Noe đóng tàu, chuẩn bị đề phòng Nạn Lụt Hồng Thủy sắp xảy đến.
Lửa thiêu đốt thành Sôđôma tội lỗi, sứ thần Chúa cảnh giác gia đình ông Lót “hãy chạy trốn và đừng ngoái lại đàng sau” (St 19:17). Bà Lót mê muội không nghe, bị hoá thành cột muối.
Dân thành Ninivê tội lỗi đã thức tỉnh trước lời tiên tri Giona loan báo: họ ăn chay, mặc áo nhặm, rắc tro trên đầu sám hối, khiến Chúa không giáng phạt họ nữa (Gn 3)..
Phaolô nghe tiếng Chúa thức tỉnh trên đường đi Đamas, sám hối làm tông đồ dân ngoại.
Chúa thức tỉnh Phêrô trước cạm bẫy Satan sàng lọc ông, nhưng Ngài hứa giúp Phêrô đến cùng, để ông có thể hậu thuẫn các anh em thêm mạnh tin.
Người chủ nhà tỉnh thức ban đêm, canh phòng kẻ gian trộm cắp.
Người đây tớ chu toàn bổn phận gia nhân, sẵn sàng chờ đợi ông chủ về nhà bất ngờ.

3. Hãy tỉnh thức trước những hoài nghi, khó hiểu trong cuộc sống: “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như Sứ Thần Chúa truyền dạy và đón vợ về nhà” (Mt 1:24).

Thánh Giuse được Chúa thức tỉnh trong giấc mộng, đã đón nhận Mẹ Maria làm vợ và sau đó một thời gian, vội vã mang Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập tỵ nạn.
Phêrô và Gioan thức tỉnh hoàn hồn trước sự kiện Chúa sai thiên sứ Người đến, cứu thoát họ khỏi tay Hêrôđê và âm mưu ám hại của họ (Cv 12:11).
Valêrian, hôn phu của thánh nữ Cêcilia, đã thức tỉnh đón nhận niềm tin Kitô Giáo, khi ông chứng kiến thấy một thiên thần bản mệnh đứng bên cạnh vợ mình sau ngày hôn lễ.
Trong ngục thất đen tối, Đức Giám Mục Frx. Nguyễn văn Thuận đã thức tỉnh nhận ra thánh ý Chúa dự liệu cho cuộc đời mình “con chọn Chúa, chứ không chọn công việc của Chúa”.
Sau biến cố hãi hùng Sep.11,2001 toàn dân Hoa Kỳ đã thức tỉnh, tìm đến Thiên Chúa nhiều hơn, cố gắng nhận thức về những thách đố của sự dữ đang vây quanh.

C. Tỉnh Thức: dễ hay khó?

Dưới cái nhìn chủ quan, ta thấy Tỉnh Thức không hẳn là một việc làm đon giản, một thái độ dễ thực hiện. Tại sao? Vì:

Nó ngược với lịch sinh hoạt tự nhiên của con người.

Bình thường, ai ai cũng đi làm ban ngày và đêm về, chuẩn bị nghỉ ngơi để lấy sức cho ngày hôm sau làm việc. Còn ở đây, phải tỉnh thức về đêm, lại không ngủ: khó xử quá.

Nó không hợp với thói quen sinh hoạt thường nhật.

Ban ngày đi làm mệt nghỉ, ban đêm phải enjoy một chút để khuây khoả. Đàng này, bắt ngồi yên canh phòng cẩn mật, bắt kiêng cữ không ăn uống vui say gì hết: boring chán chường quá.

Nó nghịch với chiều dài cuộc đời.

Ai cũng nói : “vui Xuân, kẻo hết Xuân đi; cái già sồng sộc, nó thì theo sau”. Còn trẻ, còn sức chơi cứ vui thoải mái, sao phải coi chừng, kiêng cử “diet” làm chi, uổng phí cả đời trai tráng.

Song le, nếu xét một cách khác quan, nhìn sâu hơn một chút, ta sẽ thấy Tỉnh Thức là việc hữu ích, vì:

Con người dễ yếu đuối, trượt sâu trong vũng lầy sai sót, đến khi tỉnh giấc: đã muộn rồi. Bởi thế, cần “đi đứng như ban ngày, khi trời còn sáng”.

+ Thí dụ: Người uống bia liên tục thay cho nước uống mỗi ngày, dễ bị nóng ruột cháy gan. Đôi khi, họ không tiết chế giảm bớt tửu lượng, bấr ngờ một ngày nọ bị đau đớn kinh khủng, đến lúc xét nghiệm mới biết Ung Thư Gan thời kỳ cuối, có muốn chữa trị thuyên giảm cấp tốc cũng phải bó tay.

Bản thân ta ưa mê muội, say đắm quá đà trước một thú vui tự nhiên. Tự mình cảm thấy khó điều độ, khó kiểm soát chính con người mình. Do đó, cần có lúc “stop”, rà soát thường xuyên.

+ Thí dụ: Mùa Giáng Sinh gần kề, ai cũng dự thảo vài chương trình shopping, vui chơi, họp mặt party bạn bè.. đón mừng Noel vui vẻ. Có mấy ai, biết dừng chân bên Chúa, rà xét lại linh hồn mình, để xưng tội, rước lễ…dọn máng cỏ đền thờ tâm hồn, đón Hài Nhi Giêsu đến với mình chăng?[/INDENT]

D. Lời Nguyện kết thúc.

Lạy Chúa! Mùa Vọng, mùa mong đợi Chúa đến.

Chúa đến ban Hồng Ân cứu thế. Chúa đến cho con nếm hạnh phúc Thiên Đình.

Chúa đến hứa trọng thưởng Nước Trời, nếu Con biết canh phòng, tỉnh thức đúng lúc.

Xin giúp Con luôn hướng về Chúa bằng cả một cõi lòng khao khát, đợi trông, Chúa ơi!!




Fr. Dominic Dieu Tran, SDD.