Một quan chức đường sắt Trung Quốc vừa cho biết, một “khiếm khuyết nghiêm trọng” trong thiết kế hệ thống tín hiệu là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn tàu cao tốc thảm khốc tuần trước. Nhưng theo các chuyên gia quốc tế, đây là điều cực kỳ bất thường.

Một đoàn tàu đã đâm vào phía sau đoàn tàu khác, làm ít nhất 39 người tử nạn. Theo An Lục Thắng, phụ trách Cục đường sắt Thượng Hải thì, đoàn tàu liên quan đã đi vào tuyến đường mà tín hiệu đèn xanh đã không chuyển sang đèn đỏ sau khi bị sét đánh.


Dọn dẹp hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: AP

Ông An cũng quy trách nhiệm do con người gây ra vụ va chạm khi nói rằng, nhân viên trực ở ga đường sắt gần nhất tại thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang đã không nghĩ tới việc kiểm tra xem hệ thống tín hiệu có làm việc hay không. Ông nhấn mạnh, điều này cho thấy các nhân viên đường sắt không được đào tạo hiệu quả.

Với việc người dân dồn mọi tức giận vào các quan chức khi cho là họ cố tình che đậy sự thật, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo hôm qua đã yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra “nhanh chóng, công khai và minh bạch” vụ tai nạn.

Dự kiến, những phát hiện trong điều tra sẽ được công bố trong tháng 9.

“Vụ việc phản ánh các vấn đề trong chất lượng thiết bị, chất lượng nhân viên và kiểm soát, nó cũng cho thấy các tiêu chuẩn an toàn của ngành đường sắt vẫn tương đối yếu”, ông An nói.

Nhật: Khó tưởng tượng nổi tai nạn ở TQ

Trong kết quả điều tra sơ bộ, đổ lỗi cho sét đánh gây ra hỏng hóc thiết bị và là nguyên nhân vụ tai nạn thảm khốc, phát ngôn viên Bộ Đường sắt Trung Quốc Vương Dũng Bình vẫn bày tỏ sự tin tưởng vào độ an toàn của đường sắt cao tốc.

Trung Quốc đã xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới trong thời gian kỷ lục, với những tuyến đầu tiên mới chỉ bắt đầu hoạt động cách đây chưa đầy 5 năm. Bắc Kinh có tham vọng đưa các công ty đường sắt của mình thành những nhà quán quân toàn cầu, tuy nhiên, vụ tai nạn sẽ là trở ngại với triển vọng xuất khẩu tàu đầu đạn của họ.

Nước láng giềng Nhật Bản có tàu cao tốc từ gần nửa thế kỷ nay mà chưa từng xảy ra vụ tai nạn chết người nào.

Báo chí Nhật Bản từ lâu đã "chế nhạo" việc Trung Quốc không thừa nhận sao chép công nghệ shinkansen của Nhật khi xây dựng đường sắt cao tốc. Hôm thứ hai, tờ Mainichi News Daily của Nhật cho hay, trong khi Trung Quốc sao chép các công nghệ tàu shinkansen của Nhật, thì đã bỏ qua các biện pháp an toàn.

Báo này viết: "Một chuyên gia Nhật khi phân tích băng video về vụ tai nạn tàu cao tốc chết người ở Trung Quốc đã nói, đó là một tai nạn khó có thể tưởng tượng sẽ xảy ra ở Nhật Bản, thậm chí một trong hai đoàn tàu liên quan dường như là kiểu tàu Trung Quốc mô phỏng từ tàu shinkansen".

Nhiều giờ sau sự cố Ôn Châu, quan chức Trung Quốc nói, sét đánh gây mất điện và khiến một đoàn tàu cao tốc phải dừng lại giữa đường ray. Chưa rõ là các quan chức giờ đây có tin rằng, sét có vô hiệu hóa cả hệ thống tín hiệu hay không.

Theo các chuyên gia đường sắt quốc tế, việc tín hiệu đèn gây ra một tai nạn thảm khốc như vậy là điều cực kỳ bất thường và lẽ ra hệ thống an toàn phải hoạt động để ngăn chặn tàu tiến lại gần nhau, chứ chưa nói tới việc đâm nhau.

Ông An cho biết, hệ thống tín hiệu liên quan tới vụ tai nạn là do một viện nghiên cứu và thiết kế ở Bắc Kinh xây dựng. Tên của viện này không được đề cập.

Trung Quốc đã xây dựng hệ thống tàu đầu đạn bằng cách nhập khẩu công nghệ từ các công ty đường sắt cao tốc dẫn đầu thế giới như Kawasaki của Nhật Bản và Bombardier của Canada theo cách mà các quan chức Trung Quốc mô tả là “lĩnh hội các thiết kế và cải tiến”.

Top Vietnam News