Điểm khác biệt của bộ kit mPCR đa mồi là có chứa các cặp mồi dùng phát hiện 3 gien đặc hiệu của vi khuẩn lao trong cùng một phản ứng, trong khi kit nhập ngoại chỉ phát hiện một gien
Việt Nam đứng thứ 12 trong 22 nước có chỉ số gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Tỉ lệ hiện mắc bệnh này ở Việt Nam theo báo cáo của chương trình chống lao quốc gia là 333/100.000 dân nhưng tỉ lệ phát hiện chỉ đạt 54%.
Nhu cầu bức thiết
Một trong những nhân tố góp phần gia tăng bệnh lao ở Việt Nam là do khó khăn trong quá trình chẩn đoán. Xác định vi khuẩn lao bằng phương pháp soi kính hiển vi tuy đơn giản nhưng hiệu quả thấp vì phải có nhiều vi khuẩn trong cơ thể người bệnh mới phát hiện được. Nuôi cấy vi khuẩn lao được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán nhưng mất nhiều thời gian nên khó đáp ứng yêu cầu giám sát và thanh toán bệnh lao.

Các nhà khoa học tại Học viện Quân y thảo luận về các vấn đề liên quan đến bộ kit mPCR đa mồi. Ảnh: TƯ LIỆU
Đặc biệt, tình hình kháng thuốc của vi khuẩn lao ở Việt Nam đang là một vấn đề đáng lo ngại. Theo chương trình chống lao quốc gia, tỉ lệ kháng thuốc tiên phát là 30,7% (vào loại cao trên thế giới), tỉ lệ kháng đa thuốc chung là 4%. Trên thế giới đã có một số kit thương phẩm chẩn đoán nhanh vi khuẩn lao kháng thuốc do nước ngoài sản xuất nhưng vì chưa có dữ liệu nào về đặc điểm phân tử của vi khuẩn lao kháng đa thuốc ở Việt Nam nên không có cơ sở để sử dụng. Hơn nữa, các bộ kit do nước ngoài sản xuất hiện giá thành khá cao. Do đó, việc nghiên cứu và phát triển kit chẩn đoán lao kháng thuốc bằng kỹ thuật sinh học phân tử là nhu cầu bức thiết.
Từ những mục tiêu trên, trải qua một thời gian dài nghiên cứu, PGS-TS Nguyễn Thái Sơn, Chủ nhiệm Bộ môn Vi sinh Y học Bệnh viện 103 (Học viện Quân y – Bộ Quốc Phòng) và các cộng sự đã nghiên cứu thành công bộ kit đa mồi có tên mPCR, giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán vi khuẩn lao.

Không bỏ sót chẩn đoán
Điểm khác biệt của bộ kit mPCR đa mồi là có chứa các cặp mồi dùng phát hiện 3 gien đặc hiệu (IS6110, IS1081, 23S rDNA) của vi khuẩn lao trong cùng một phản ứng, trong khi kit nhập ngoại chỉ phát hiện một gien IS6110. Nhờ vào việc chứa tới 3 gien đích nên kit mPCR đa mồi không bỏ sót chẩn đoán, đồng nghĩa với việc hạn chế nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn lao ra cộng đồng, hạn chế biến chứng ở người bệnh và giúp kiểm soát bệnh lao được tốt hơn.
Lợi thế hơn hẳn nhưng PGS-TS Nguyễn Thái Sơn cho biết là giá thành dự kiến của bộ kit này chỉ bằng 1/2 so với kit nhập ngoại. Với bộ kit này, các cơ sở y tế có thể phát hiện vi khuẩn lao trong vòng 24 giờ vì chúng đạt độ nhạy, độ đặc hiệu đến trên 90%.
GS-TS Phạm Ngọc Đính, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết nghiên cứu này đã hoàn thành tốt về chuyên môn, góp phần quan trọng vào công tác giám sát và kiểm soát bệnh lao ở nước ta. Nghiên cứu cũng đã mô tả được đặc điểm dịch tễ học phân tử, xác định đột biến liên quan đến kháng thuốc; phương pháp và kỹ thuật nghiên cứu bảo đảm tin cậy, đại diện, sản phẩm có triển vọng chuyển sang sản xuất thử nghiệm.
Nghiên cứu đã được nghiệm thu cấp Nhà nước vào tháng 3 vừa qua và đang sẵn sàng để sản xuất hàng loạt.
Bên trong bộ kit mPCR đa mồi chứa các lọ hóa chất xét nghiệm đóng gói sẵn. Nhân viên y tế sẽ dùng một lọ hóa chất trộn với đờm của người bệnh để tạo ra một dung dịch. Sau đó, dùng một lọ hóa chất khác trộn với dung dịch đã có để gắn kết và phân tích 3 gien đích IS6110, IS1081 và 23S rDNA. Dung dịch được đưa vào máy phân tích để xác định có vi khuẩn lao hay không.
Mỗi năm có gần 2 triệu ca tử vong do lao
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh lao hiện là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các bệnh nhiễm khuẩn đối với người trưởng thành, cứ 3 người trên thế giới thì có một người mang vi khuẩn lao. Một bệnh nhân lao mỗi năm sẽ lây nhiễm cho 10-15 người nếu không được phát hiện kịp thời. Trung bình mỗi năm có thêm 3 triệu ca nhiễm mới và gần 2 triệu ca tử vong do lao trên toàn cầu.
(Theo tin180.com)