Theo các nhà nghiên cứu, tác dụng bổ dưỡng và phòng bệnh của trái cây tươi gia tăng thấy rõ nếu thực khách thưởng thức trước bữa ăn điểm tâm, sau khi uống một ly nước lớn.


Không ăn nhiều quá uổng

Trái cây từ một tặng phẩm độc đáo của thiên nhiên lại mất dần giá trị dưới ảnh hưởng của kỹ nghệ thực phẩm để quả trên cành trở thành trái cây ngào ngạt chất kích thích tăng trưởng, thành trái cây ngâm thuốc diệt rầy.

Gần đây, các nhà nghiên cứu ở Thụy Sĩ đã chứng minh là vì các chất phụ gia, vì hóa chất núp trong rau quả và các loại trái cây đóng hộp, có thể dẫn đến tình trạng gia tăng bạch cầu thường xuyên do cơthể phản ứng sai lầm như đứng trước tình trạng bội nhiễm. Hậu quả là sức đề kháng mau suy kiệt sau thời gian dài lúc nào cũng trong tình trạng cảnh báo, dù chỉ là báo động giả.

Đáng nói là tình trạng bệnh lý này thuyên giảm rất nhanh khi nạn nhân ngưng dùng thực phẩm công nghệ và trở về với thiên nhiên, trở về với trái tươi trong vườn, quả chín trên cành.

Muốn nên thuốc phải biết cách dùng

Nên dùng trái cây theo tác dụng đặc hiệu. Chẳng hạn dùng táo tây để tăng cường sức đề kháng vì nhiều sinh tố, khoáng tố và dễ tiêu nhờ chất xơ, dùng trái lê khi phải lao tâm với công việc trí óc, dâu tây để chống nhiễm trùng đường tiểu, dùng chuối để trấn an khi căng thẳng thần kinh…Tuy vậy, nếu vớ được tráicây đúng nghĩa tươi giòn cũng nên lưu ý vài điểm khi… cắn! Đó là:

- Đừng quên nhai thật chậm để nhờ nước bọt một mặt làm đòn bẩy cho tiến trình hấp thu dưỡng chất, mặt khác để tận dụng tác dụng nhuận tràngcủa chất xơ trong trái cây, đồng thời qua đó kéo theo chất béo qua đường ruột. Đừng nuốt quá nhanh vì bị lôi cuốn theo vị ngon ngọt. Trái lại, nên chầm chậm một chút theo kiểu "ăn quả nhớ kẻ trồng cây".

- Tránh ăn quả trái mùa vì trái thường là thành quả của nội tiết tố tăng trưởng.

- Thay vì "vắt chanh bỏ vỏ" nên ăn cả thịt lẫn nước. Đừng chỉ uống nước ép cho hợp thời trang. Đừng quên uống quá nhiều nước ép trái cây làmột trong các nguyên nhân dễ dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Theo một số chuyên gia ngành dinh dưỡng, chất phụ gia trong nhiều loại nước ép đóng hộp là lý do khiến ẩm khách nhức đầu mà tìm mãi không ra nguyên nhân.

- Ăn nhiều trái cây theo kiểu "lấy trái đè người" không có nghĩa làbổ. Lượng trái cây hữu ích hay không tùy thuộc cơ tạng và nhu cầu cá biệt. Ăn sao cho có cảm giác thoải mái, hả dạ, nhưng đừng đến độ đã cơn thèm.

- Tránh lạm dụng các loại cam, quít, chanh, bưởi vì tưởng có nhiều sinh tố C. Trái lại, chỉ dễ sinh sạn thận vì lượng sinh tố C thừa thãi khiến chất vôi dễ kết tủa trong đường tiểu. Tình trạng này càng mau hơn nữa ở người quen dùng thuốc cảm.

- Đừng vì tiếc rẻ mà ăn trái mốc meo. Trái cây lên men là ổ chứa độc chất gây dị ứng hay thậm chí sinh ung thư.

- Mỗi ngày ráng sao có 5 lần ăn trái cây tươi. Không cần nhiều, ít miếng đủ rồi nhưng càng nhiều loại càng tốt. Cách này theo nhiều chuyên gia ngành dinh dưỡng là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa ung thư.

- Đừng quên rửa cho sạch để thay vì mang dưỡng chất của trái cây vào cơ thể, chỉ nhập toàn hóa chất nông nghiệp.

Quả thật quá uổng nếu ở xứ mình mà quên ăn trái cây. Nhưng đáng tiếc hơn nhiều nếu trái cây chỉ được có mỗi phần ngon ở đầu lưỡi. Vì vậy, muốn nên thuốc phải biết cách dùng. Biết là đằng nào cũng vào bụng nhưng muốn khéo hơn nhiều có khi chỉ cần thay đổi trình tự trước sau để thực phẩm chẳng khác nào dược phẩm. Đâu có thuốc nào ngon hơn trái cây?

Theo BS Lương Lễ Hoàng - nld