Còn nhớ lần đầu tiên khi gặp ông nội, thằng con trai chị nhanh nhảu: “Cháu chào mày!” khiến ông nội nó suýt ngã vật ra đằng sau vì choáng.

“Bà ơi! Hot hot, cái này rất hot nhé! Hôm nay mẹ cháu vừa mua một em white cat rất xinh nhé, trông rất cute nữa…”. Thấy cậu cháu trai đang học lớp hai tuôn ra một tràng ngôn ngữ nửa Tây, nửa ta, bà nội cu Tít không khỏi ngạc nhiên, giật mình. Kể từ ngày mẹ cu Tít cho con theo học thêm lớp tiếng Anh, cu Tít cứ nhộn nhạo pha tạp lẫn lộn hai thứ tiếng với nhau mỗi khi nó nói chuyện với người trong nhà khiến ông bà cứ mắt tròn mắt dẹt không hiểu cháu mình đang nói cái gì.

Cách đây bốn tháng, thấy bạn bè của con, đứa nào đứa ấy được bố mẹ rồng rắn kéo nhau cho con đi học tiếng Anh ở trung tâm với lí do học từ bây giờ mới dễ lớn hơn một chút là học khó vào. Chị Hương cũng bắt đầu lên kế hoạch đăng kí cho con theo học ở trung tâm ngoại ngữ.


Để con theo kịp với bạn bè, ngoài việc con học trên lớp, về nhà chị cũng bắt con thực hành tiếng Anh ở mọi lúc mọi nơi. Chẳng hạn khi con nhờ chị lấy cái gì là chị buộc con phải nói bằng tiếng Anh thì mới lấy cho con. Thằng bé dần dần quen với phong cách “đào tạo” tiếng của mẹ nên việc học ngoại ngữ tiến bộ rất nhanh. Tuy nhiên cũng từ đó, mỗi khi nói chuyện với ai trong nhà, cu Tít thường bắt chước mẹ sử dụng ngôn ngữ kiểu nửa Anh, nửa Việt khiến không ít người khi tiếp xúc với cu Tít phải nhờ chị Hương phiên dịch thì mới hiểu cu Tít nói gì.

Chị Linh, vốn lấy chồng và sinh sống ở cộng hòa liên bang Đức hơn chục năm nay, 2 cậu con trai bé bỏng cũng đựợc sinh ra trên đất Đức nên ngôn ngữ chúng giao tiếp cũng là tiếng Đức. Công việc kinh doanh buôn bán bận bịu cả ngày nên chị Linh không có thời gian dạy cho con tiếng Việt, hơn thế thời gian chúng ở trường học nhiều hơn thời gian chúng ở nhà cho nên tiếng Việt đối với chúng cũng chính là ngoại ngữ. Chỉ tranh thủ dạy cho con được vài “đường cơ bản” như cách chào hỏi với từng đối tượng, gặp người này thì chào thế này, người kia thì chào thế kia.

Năm ngoái 2 vợ chồng quyết định chuyển về Việt Nam sinh sống kinh doanh, 2 cậu con trai cũng vì thế phải theo bố mẹ về quê cha, đất tổ với ngôn ngữ chúng sử dụng chính là tiếng Đức. Cho đến bây giờ sau gần một năm về nước, 2 đứa con của chị vẫn không thể nào phân biệt nổi cách chào hỏi ông nội chúng sao cho chuẩn xác.

Còn nhớ lần đầu tiên khi gặp ông nội, thằng con trai chị nhanh nhảu: “Cháu chào mày!” khiến ông nội nó suýt ngã vật ra đằng sau vì choáng. Khi đưa con đi gặp họ hàng, được mẹ nhắc nhở lại rằng gặp người già thì chào là ông, người trẻ thì chào bằng anh, bằng chú, ngang tuổi thì mày tao, tớ cậu… đến lúc con chị gặp một người đàn ông trung tuổi là bác họ của mình thì thằng bé quay lại thẳng thừng hỏi mẹ: “Thế thằng này gọi là gì?”. Ông bác thấy cháu hỏi vậy thì nói dỗi: “Thế mày cứ gọi là thằng luôn đi!”, khiến chị Linh không biết trốn vào đâu cho hết xấu hổ.

Cũng như trường hợp của chị Hương và chị Linh, có rất nhiều ông bố, bà mẹ rơi vào tình huống không thể "đỡ" nổi khi trẻ vì nhiều lí do khác nhau mà không thể sử dụng thành thục ngôn ngữ tiếng Việt. Một trong những lí do chính đó là do thói quen dạy dỗ trẻ của các bậc cha mẹ khiến cho chính bản thân họ sau này phải rơi vào tình huống dở khóc, dở cười.

June
(theo afamily)