Những tay “đồ tể rừng” khoác áo nghệ nhân dùng mọi thủ đoạn để có được những gốc cổ thụ quý đem về chế thành hàng mỹ nghệ cao cấp phục vụ giới ăn chơi thời thượng.

Trước đây chỉ có một số ít người đi sưu tầm gốc cây để tạo dáng nghệ thuật, trang trí trong nhà. Những “tác phẩm” này lọt vào gu thẩm mỹ của giới sành chơi và lắm tiền, tạo nên cơn sốt săn tìm gốc đại thụ.

Những tay đồ tể rừng

Bộ bàn ghế kiểu tứ linh làm từ gốc pơmu có giá 150 triệu đồng.

Trương Tài, người Nam Định, một tay chuyên tạo mẫu, dáng từ gốc cây cho biết: “Em trước đây làm thợ đục lèo, phiêu bạt khắp nơi để hành nghề nhưng thu nhập bèo bọt lắm. Ba năm trở lại đây, nhờ cơn sốt cây cổ thụ mà em có việc làm thường xuyên, thậm chí vào tận rừng sâu để tác nghiệp. Kiếp em là kiếp hành nghề rong nhưng kiểu rong chơi này cũng khá anh ạ”.

Theo Tài thì bất kỳ gốc cây gì cũng có thể tạo dáng được, nhưng những gốc cây thuộc vào loại gỗ quý như: Pơ mu, gụ, vàng tâm, đinh hương… khi ra thành phẩm giá cả đắt hơn vàng. Có bộ sa lông bằng gốc pơ mu giá tới 100 – 150 triệu đồng. Còn mẫu tượng, chim, thú… lèo kiểu dáng tự nhiên cũng cực kỳ đắt, riêng tiền công tạo một gốc cây đã 2- 3 triệu đồng. Những gốc đại thụ làm theo kiểu quý tộc, cung đình… được chạm trổ công phu, tiền công lên tới 15 – 20 triệu đồng/ bộ.

Chúng tôi hỏi: “Những gốc cây ấy lấy từ đâu?”. Tài cười: “ Anh hỏi dở bỏ mẹ, lấy trong rừng chứ ở đâu. Giữa thành phố Hà Nội họ còn chặt được huống chi là rừng núi mênh mông, ai mà kiểm soát hết được”.

Qua tìm hiểu chúng tôi biết, những nơi thuận tiện họ dùng cần cẩu, máy múc để nhổ, còn ở rừng sâu thì kết hợp với lâm tặc để biết địa điểm cây vừa bị đốn, đưa thợ vào rừng đào hoặc trực tiếp tạo dáng luôn.

Cách tìm gốc đại thụ hiệu nghiệm là cứ ra giá một gốc đại thụ từ 2 – 3 triệu đồng thì họ sẽ đào tận rễ, đưa về tận nhà. Đối với những cây xà cừ hai bên đường cái, bọn “đồ tể rừng” dùng hoá chất đổ cho cây chết rồi mua cây và gốc với giá rẻ.

Chúng tôi đến nhà ông chủ Hiếu ở một huyện miền núi Nghệ An, thấy trong vườn đặt la liệt những bộ bàn ghế, tượng phật, tượng mẹ bồng con, ông phúc, ông lộc, rồng phượng, hổ báo… tất cả đều được làm từ gốc cây.

Hiếu nói: “Những cái này chỉ có giới lắm tiền mới chơi được. Bộ bàn ghế bằng gỗ pơmu đó các chú biết bao nhiêu không? 150 triệu đồng đấy. Những mặt hàng này anh chuyển đi Vinh, Hà Nội. Hàng của anh làm ra bao nhiêu hết bấy nhiêu”.

Sau nhà Hiếu gốc cây nằm ngổn ngang, có những gốc đại thụ đường kính 1,5m đang còn tươi rói; 4 thợ đang cắm cúi làm việc. Một anh thợ tên Tùng cho biết, mỗi ngày anh được trả 200.000 đồng tiền công. Xưởng này có 6 thợ làm việc thường xuyên, hiện tại có 2 thợ đang vào rừng làm việc tại chỗ vì không thể vận chuyển gốc cây ra được.

Chúng tôi tìm hiểu nhiều nơi thấy chẳng riêng gì ông chủ Hiếu mà có rất nhiều ông chủ như Hiếu ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa. Và hiện nay chẳng phải giới thời thượng mới chơi được gốc cây mà những nhà “trọc phú” ở thôn quê cũng học chơi.

Chính vì vậy mà đội ngũ “đồ tể rừng” chuyên nghiệp và nghiệp dư ngày càng nhiều. Nguyễn Văn Hà – một tay chuyên đi tạo mẫu dáng từ gốc cây bảo, những người đi rong như anh ở Nghệ An phải vài chục. Còn thợ làm ở các xưởng thì nhiều lắm, đếm không xuể.

Những cánh rừng có còn đại thụ?
Khi các đồ tể rừng ráo riết săn lùng đại thụ, các xưởng mộc đổ xô sản xuất mặt hàng từ gốc cây đại thụ thì mỗi ngày có bao nhiêu cây đại thụ bị giết? Chắc chắn đó là một con số đáng báo động. Điều đáng ngạc nhiên là sản phẩm làm ra từ gốc cây đại thụ vận chuyển công khai dọc đường thiên lý Bắc – Nam; gốc đại thụ được bày bán công khai mà không hề bị xử lý. Ông chủ Phan chuyên kinh doanh mặt hàng này cười khơ khớ: “Bọn anh chơi gốc cây chết, tận dụng làm đẹp cho đời, ai bắt bớ làm chi phải không các chú?”.

Chơi gốc cây, nhưng đây là kiểu chơi phá rừng, còn tàn ác hơn cả lâm tặc thông thường, hơn cả bọn săn cổ thụ về làm cây cảnh. Những “đồ tể rừng” săn đại thụ này nhổ tận gốc rễ, không cho cây tái sinh, phá hỏng nhiều cây khác khi đào bới. Đây là cách huỷ diệt tận gốc, tạo điều kiện nhanh nhất , thuận lợi nhất để làm nên thiên tai, lũ lụt. Cứ đà này sự nổi giận của thiên nhiên là điều khó tránh khỏi và thảm hoạ thật khó lường.

Vừa qua, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã phát động chương trình Bảo tồn cây di sản Việt Nam. Theo đó, cổ thụ muốn được công nhận di sản phải từ 200 – 300 tuổi trở lên đối với cây tự nhiên, những cây được trồng thì phải trên 100 tuổi và gắn liền với lịch sử, mang nét văn hóa đặc thù của địa phương… Ngoài giá trị văn hóa, giáo dục, xã hội và sinh thái, cây di sản cũng rất được du khách quan tâm, tạo ra nguồn thu lớn cho ngành du lịch địa phương.

Tiến Dũng
(theo danviet)