Trái lòong boong - cổ tích thời hiện đại



Quảng Nam :
Làng “Sóc” và câu chuyện kỳ thú về trái Loòng Boong
(Dân trí) - Ở huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam có ngôi làng mà hàng chục năm qua đồng bào sống được nhờ một thứ trái cây vốn được mệnh danh là “Nam Trân”(món ăn quí hiếm ở miền Nam), thường dùng làm lễ tiến Vua ngày xưa - trái loòng boong.

Cũng ngôi làng ấy, loại trái cây này trở thành như một niềm tự hào, và bao quanh là những câu chuyện cổ kỳ thú liên quan đến loại trái quý này.

Trái lòong boong - cổ tích thời hiện đại

Con đường mòn đầy bùn đất sình lầy chạy theo sườn núi từ Ái Nghĩa, Đại Lộc đến xã Cà Dâng, huyện Đông Giang vẻn vẹn 19 km, nhưng chúng tôi cũng phải đánh vật suốt hơn 3 tiếng đồng hồ mới tới đích. Ở đó, bao quanh núi đồi và mây trắng, ngôi làng Mèn (hay làng “sóc” - theo cách gọi của người dân nơi đây) nằm yên bình giữa một bên là dãy núi Bôichưphiêng, Reron, Bun Chăng, bên kia có dòng Vu Gia xuôi về biển Đông.
Già làng Chà Díu đứng trước con đường nhỏ rẽ vào làng tròn mắt lạ lẫm, bởi đã lâu lắm rồi không có người lạ đến thăm. Sau hồi trống đón khách theo tục lệ, trưỏng thôn A Lăng Tùng cùng già làng Díu mời chúng tôi lên căn nhà Gươl đốt lửa, đãi rượu cần.


Trái loòng boong rừng

Đây là ngôi làng vẻn vẹn có 34 hộ dân, hơn 180 nhân khẩu, đồng bào chủ yếu làm rẫy, nuôi gia súc, gia cầm. Nhưng nhiều năm qua, bệnh tật phát sinh, đàn gia súc, gia cầm thưa dần đi. Thế nhưng, ở nơi đây, dân làng vẫn sống ổn định, có cái ăn, cái mặc đầy đủ. Theo trưởng thôn Tùng, mọi nguồn thu của dân làng đều phụ thuộc từ trái loòng boong. Thứ trái cây hàng năm chỉ đậu nhiều nhất vào 3 tháng cuối năm.

Không thống kê được chính xác tổng số gốc cây làng có nhưng trưởng thôn Tùng ước tính mỗi hộ gia đình đang quản lý khoảng 20-30 gốc, một vụ thu hái từ 2 - 2,5 tấn trái, bán được 10-12 triệu đồng. Số tiền này sẽ bao trọn cuộc sống mỗi hộ cũng như lo việc học hành cho 30 con cháu của họ cho đến mùa loòng boong kết trái năm sau.
ALăng Díu khoe với chúng tôi rằng, nhà anh được xếp vào nhóm nhiều gốc loòng boong nhất, khoảng 50-60 gốc. Bình thường anh hay cõng năm bảy gùi vào rừng hái trái, có khi 3 - 4 ngày mới về. Nhờ những gốc loòng bong mà mới đây anh sắm được cho cô con gái Alăng Linh chiếc xe máy đi dạy học ở trường tiểu học trên huyện.


Chuyện cổ tích trái loong boong nuôi sống làng Mèn được kể bên bếp lửa trong ngôi nhà Gươl khang trang

Chuyện của Đhuâr không khác, nhờ có 20 gốc loòng boong mà gần 10 năm nay gia đình khá lên hẳn. “Năm con của mình học hết lớp 3, tưởng phải để nó chia tay thầy cô, bạn bè vì gia cảnh khó khăn, nhưng may nhờ được mùa loòng boong, nó lại tiếp tục được đến trường học cái chữ. Nay cháu cũng gần tốt nghiệp cấp 2 rồi. Nếu năm nào cũng được mùa, có thể tôi sẽ cho cháu theo học cái nghề gì đó trên huyện để sau này đỡ khổ” - Đhuâr mừng nói.

Đối với những người dân làng Mèn, trái loòng boong trở thành một thứ quả quí, đem lại những giá trị vật chất to lớn, đồng thời trong đời sống của họ mang một ý nghĩa tinh thần đặc trưng.

Làng nhanh như…sóc

Già làng Díu bảo, sở dĩ có cái tên là làng “sóc” là vì muôn đời nay người trong làng từ thiếu niên đến phụ nữ, thanh niên ai cũng leo cây loòng boong hái trái nhanh như… con sóc rừng.
Minh chứng cho điều này, sau tiệc rượu cần kết thúc khi mặt trời đứng bóng, Alăng-Díu, 53 tuổi, người tự xưng là “vua sóc” của làng cõng gùi dắt chúng tôi vượt núi Bun Chăng đến cánh rừng bạt ngàn cây loòng boong. Alăng - Díu vọt thẳng lên ngọn thân cây dễ đến 2 người ôm không xuể chỉ sau vài cái nháy mắt, tay thoăn thoắt thu hái những chùm loòng boong chín.


Gốc loòng boong lâu đời gần bằng hai người ôm là chuyện nhỏ đối với người dân làng “Sóc”.

Hái xong cành này, Alăng Díu lại oằn mình đánh đu sang cành khác như những diễn viên xiếc dưới xuôi. Cứ thế, hơn 1 tiếng đồng hồ giữa rừng cây, Alăng Díu cõng gùi “bay” từ cây này sang cây khác thu hoạch trái ngon.
Những giai thoại xung quanh cây loòng boong được trưởng thôn Alăng Tùng kể lại như một câu chuyện cổ tích. Rằng, xưa kia có 1 chàng trai nghèo Cơ tu đến làng Mèn ở rể, phải lên rẫy trông lúa tránh chim ăn suốt 3 mùa để trả nợ nhà gái. Một lần nọ, trong lúc nhặt trái loòng boong rơi rụng ném xua chim, chàng rể bóc 1 trái nếm thử thì thấy có vị ngon, ngọt. Đang đói bụng, thế là chàng leo lên cây chén một bụng no nê. Xong 3 mùa rẫy trở về, chàng rể vẫn khỏe mạnh, đem câu chuyện ăn trái loòng boong kể cho ba mẹ vợ nghe và từ đó, người dân làng Mèn ăn theo chống đói mỗi khi lên rừng làm rẫy.



Hái trái loòng boong ở trên độ cao 20-25m
Già làng Díu bảo rằng, người Mèn năm nào cũng cúng lễ mừng mùa. Đó là phong tục ai cũng phải làm theo - đi hái chùm loòng boong của những cây có niên đại cao nhất đặt dưới gốc cây hoặc trong hang đá, khi nào có sóc rừng đến ăn quả thì mọi người mới kéo nhau vào rừng hái trái. Ai làm trái, theo quan niệm sẽ gặp điềm dữ...
Chúng tôi biết, nhờ có trái loòng boong mà cuộc sống của người Cơ Tu giữa dải đất Đông Trường Sơn này đang dần thay da đổi thịt. Chia tay họ, chúng tôi được thiết đãi một bữa trái ngon ra trò và cho mang theo làm quà, nhưng có điều, chỉ là quà tượng trưng chứ không được mang nhiều quá, bởi với người Mèn, họ quan niệm đó là điều xui xẻo, cấm kỵ...
Loòng boong là một loại quả rừng theo tên mà dân gian hay gọi, chủ yếu có nhiều ở vùng thượng nguồn sông Vu Gia. Trái loòng boong kết thành chùm ở thân cây và cành, có chùm đơn, chùm kép. Trái to bằng hoặc hơn ngón tay cái, hình bầu dục, vỏ mỏng hơn vỏ trái dâu đất, ruột có năm múi màu trắng, mỗi múi thường có một đến hai hạt. Trái loòng boong có vị ngọt, thanh, tính mát.
Là loại trái được chọn tiến vua hàng năm dưới triều Nguyễn. Đặc biệt, khi đúc Cửu Đỉnh, nhà vua Minh Mạng đã cho khắc hình trái loòng boong lên Nhân đỉnh cùng với một số hình tượng khác như mặt trăng, biển Nam, sông Hương, núi Ngự, lúa nếp, hoa sen…
do Ô Châu