23. Bày tỏ ý nghĩa ẩn kín của việc lập trường học trong nhà thờ ông Đường Hiếu Tử



Mạnh Tử nói: “Ai cũng có thể là Nghiêu - Thuấn”. Lại nói: “Đạo của Nghiêu - Thuấn chỉ là Hiếu - Đễ mà thôi!” Hữu Tử[21] nói: “Quân tử chăm lo nơi cái gốc, gốc được lập thì đạo sanh. Hiếu - Đễ chính là cái gốc của lòng Nhân vậy”. Như vậy, thành Nghiêu - Thuấn, đạt lòng nhân chẳng ngoài tận lực hành Hiếu - Đễ, thoạt đầu chẳng có gì là lạ lùng, đặc biệt, huyền diệu, gian nan khốn khổ đến nỗi dù muốn làm cũng không thể làm được! Ai nấy phải nên gắng sức để khỏi phụ đức tánh chỉ riêng con người là “vạn vật chi linh”, sánh cùng thiên địa gọi là Tam Tài. Trời đất thật rộng, thật lớn, con người chỉ có cái thân bảy thước mà lại có thể xưng ngang hàng với trời đất là vì có thể tán trợ sự sanh trưởng, nuôi nấng của trời đất, kế tục chí hướng, sự nghiệp của thánh hiền. Nếu không, cứ mưu mẹo, quỷ quyệt, bại hoại luân thường, gây loạn phong tục, gây ô nhục cho cả trời đất lẫn nhân loại thì hình dáng tuy là người, nhưng thật ra chẳng bằng cầm thú! Cầm thú chẳng biết lễ giáo, còn con người biết lễ giáo, biết lễ mà trái nghịch thì phải ở dưới loài cầm thú. Con người như vậy sống làm loài cầm thú mặc áo đội mũ, chết ắt đọa trong tam đồ ác đạo.

Con người sao lại khổ sở dùng cái tư chất làm Nghiêu - Thuấn, làm bậc nhân từ, để cam lòng mãi mãi làm loài chúng sanh đáng thương trong súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục, thật ra là do cái tâm gì vậy? Không có gì khác cả, đều là do giáo dục trong gia đình chưa tới nơi tới chốn, cũng như do chính mình chẳng nỗ lực mà nên nỗi! Gần đây, phong tục Âu Tây dần dần lan đến, những kẻ theo tân học chán cái cũ, thích cái mới, ùa theo như ngựa chạy quàng. Phàm những chỗ hay vì nước vì dân của người Âu thảy đều chẳng học, còn những chỗ khinh miệt lễ nghĩa, loạn luân thường của họ lại dốc sức học đòi. Rốt cuộc phế kinh, phế luận, căm ghét lòng hiếu v.v… không gì chẳng làm, chỉ muốn cho con người hoàn toàn chẳng khác gì cầm thú mới thôi! Những người có lòng lo cho thế đạo nhân tâm, ai nấy đều ôm lòng lo lắng.

Ông Đường Đà ở Võ Tấn muốn cứu vãn phong tục suy đồi, thấy sự tích của tiên tằng tổ[22] là Đường Hiếu Tử, tức An Bang Công, tuy đã được phô tỏ, chép trong ấp thừa (sổ bộ trong làng), nhưng chưa lập miếu thờ, người biết đến cũng ít nên bèn lập miếu, khắc bia để tỏ rõ đức. Lại lập một trường tiểu học trong miếu thờ, đặt tên là Đường Hiếu Tử Từ Hiệu (trường học trong nhà thờ ông Đường Hiếu Tử) để những con em nhà nghèo nơi ấy đến học, ngõ hầu trông thấy tên nghĩ đến nghĩa, học đòi tiền nhân, giữ vẹn cái gốc, trọng luân thường, tận hết bổn phận. Ban đầu thì hầu hạ, phụng dưỡng cho cha mẹ được an thân; kế đến là lập thân hành đạo để cha mẹ được vẻ vang. Đã có hiếu thì ắt sẽ có thể dốc sức tu tập hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ v.v… Đã thực hiện được cái đạo làm người thì cái đạo làm Nghiêu - Thuấn, làm bậc nhân từ cũng đạt được, mà cái đạo “tán trợ quyền sanh trưởng, dưỡng dục của trời đất, kế tục chí hướng, sự nghiệp của thánh hiền” cũng có thể tùy phần mà đạt được! Ý của ông Đà là như thế đó. Do vậy, chẳng từ nhọc nhằn, bán chữ để lo liệu, thật có thể nói là người dốc lòng nơi cái gốc, trọng luân thường, đề cao đức, hâm mộ nghĩa, ông Đà là người hiền vậy. Cháu ông ta là Doãn Trung cũng tùy sức khuyến trợ, đủ thấy trong họ Đường có lắm người hiền.

Tuy thế, ông Đà hiền là có nguyên do. Xét ra, khi ông Đà mới được năm tuổi, cha là cụ Tuân Chi qua đời; khi ấy, anh ông Đà là Quang Thịnh mười một tuổi, em gái mới ba tuổi, gia cảnh nghèo nàn, lênh đênh cô khổ không sao nói nổi. Mẹ ông là bà Trâu Cung Nhân hằng ngày siêng năng khâu vá, thêu thùa, giặt quần áo thuê để kiếm sống qua ngày hầu nuôi dạy con khiến cho anh em ông Đà đều thành người vẹn đức. Bà lại vì chồng mua đất làm nơi chôn cất. Lập xong, người trong thôn dời di cốt của ni sư Thanh Liên thuộc am Đại Thành vào chôn trong đó. Trâu Cung Nhân hỏi han kỹ, biết [ngọn ngành], chẳng những không lấy đó làm điều tỵ hiềm, trái lại còn sanh lòng kính ngưỡng sâu xa. Hằng năm, cúng tế, tảo mộ, dạy hai con đến tế mộ ni sư. Đến khi Cung Nhân mất đi, chủ đất dời [hài cốt ni sư] chôn đi nơi khác. Anh em ông Đà cảm lòng từ của mẹ, lại sợ sau này mất dấu, nên đem về chôn trong phần mộ của cha mẹ, lại dựng tháp để biểu lộ đức cao đẹp, tiết tháo thanh khiết của ni sư. Khi chồng mất, Trâu Phu Nhân tuổi còn rất trẻ, cam phận nghèo cùng, thủ tiết nuôi dạy hai con, kính ngưỡng ni sư đem thân tuẫn pháp[23] giống như Từ Mẫu nước Ngụy[24], người cô có nghĩa đất Tề, đức đẹp, trinh tâm đáng làm gương cho đời. Vì thế, khiến cho ông Đà tuổi quá năm mươi vẫn chẳng giảm lòng quyến luyến, ngưỡng mộ, muốn tỏ rộng lòng hiếu để báo ân mẹ, nên mới lập nhà thờ này, lập trường học trong ấy để dạy con em nhà nghèo trong làng, hòng làm căn cứ để vãn hồi thế đạo nhân tâm. Có thể nói là dốc lòng thờ mẹ, trọn hết đạo con.

Do vậy, tôi bèn phát huy ý nghĩa ẩn tàng ngõ hầu hiếu hạnh của An Bang Công và đức ngầm của Trâu Cung Nhân đều được tỏ rõ, khiến cho người thấy nghe thảy đều phát tâm. Hiếu Kinh nói: “Đại hiếu là kinh của trời, nghĩa của đất, hạnh của dân”. Do vậy, nói rằng: “Một lời, một hạnh chẳng hợp đạo đều là bất hiếu!” Vì thế mới nói: “Hiếu - Đễ là cái gốc của lòng nhân. Đạo của Nghiêu - Thuấn chỉ là Hiếu - Đễ mà thôi!” Phàm những ai làm con không thể không suy nghĩ sâu xa, cực lực hành theo vậy!



24. Duyên khởi của Hội Nghiên Cứu Phật Học Cao Châu, tỉnh Quảng Đông

(viết thay cho ông Hà Kiếm Tinh)



Phật pháp không gì lớn chẳng bao trùm, không gì nhỏ nhặt chẳng nêu. Y theo pháp này tu tập thì chẳng những có thể đoạn Hoặc chứng Chân, liễu sanh thoát tử, mà đối với đạo “cách vật trí tri, chánh tâm thành ý, tu - tề - trị - bình, làm sáng tỏ Minh Đức, đạt đến chí thiện” nếu như thấu hiểu Phật pháp sẽ bớt được nửa công sức mà đạt hiệu quả gấp bội. Bởi lẽ những gì thánh nhân thế gian đã nói chỉ nhằm dạy con người trọn hết bổn phận, chỉ có bậc thượng trí mới có thể tuân theo trọn vẹn, chứ nếu là kẻ căn tánh trung hạ ắt sẽ hờ hững bỏ qua. Phật dạy tường tận sự lý nhân quả báo ứng, sanh tử luân hồi và “hết thảy chúng sanh đều sẵn đủ Phật tánh, đều có thể thành Phật”, khiến cho kẻ thượng trí ắt mong chứng được điều mình sẵn có, kẻ hạ ngu cũng chẳng dám phóng túng buông tuồng kẻo chuốc lấy tội khổ trong vị lai, thế tất nhiên sẽ cải ác hướng thiện, mong thành thánh thành hiền, dẫu ở trong nhà tối, phòng kín vẫn thường như đối trước Phật, trời.

Đức Như Lai dùng Tam Quy, Ngũ Giới, Thập Thiện để thâu nhiếp khắp hàng tại gia nam nữ. Tu được Ngũ Giới Thập Thiện sẽ thắng được hung tàn, dứt bỏ giết chóc, bỏ tồi tệ, khôi phục thuần hòa, mãi mãi lìa khỏi ác báo tam đồ, thường hưởng khoái lạc trời - người. Pháp nông cạn nhất còn được như thế, huống chi là pháp sâu xa nhất. Vì thế biết đức Như Lai là đại sư của tam giới, là cha lành của bốn loài, là bậc thánh của chư thánh, là trời của các trời. Do vậy, vua thánh tôi hiền, người thông hiểu, bậc thấu đạt không ai chẳng y giáo tu tập, hộ trì, lưu thông bởi lẽ hết thảy các pháp lấy tâm làm gốc, chỉ có Phật pháp dạy rõ rốt ráo cái tâm. Xét từ thời Đông Hán, đại giáo từ phương Tây truyền qua. Gần hai trăm năm, chỉ lưu truyền ở phương Bắc. Đến thời Tam Quốc, ngài Khang Tăng Hội cảm hóa được Tôn Quyền, người phương Nam mới bắt đầu được thấm nhuần sự giáo hóa của Phật. Đến đời Tấn, Phật pháp truyền khắp toàn quốc và Cao Ly, Nhật Bản v.v… Đến đời Đường, các tông đều có đủ, có thể sánh bằng Tây Thiên.

Mấy trăm năm qua, pháp đạo lưu thông, cao nhân như rừng, chép trong các truyện ký không biết bao nhiêu mà kể. Pháp phái Tào Khê phát xuất tại đất Việt Đông[25] ta, truyền tâm ấn của Phật, không ai chẳng sùng mộ. Do vậy, biết đất Việt (Quảng Đông) tuy là nơi biên địa, nhưng lại có đại nhân duyên đối với đại pháp của Như Lai. Do vậy, Thiền Tông hưng khởi mạnh mẽ, trong hai chúng tại gia cũng vẫn có nhiều người triệt ngộ cái mình sẵn có, minh tâm kiến tánh. Đến các đời Tống, Nguyên, Minh, pháp đạo chẳng suy. Vào cuối thời Minh, đột nhiên [Phật pháp] hưng khởi mạnh mẽ, ngài Hám Sơn do hoằng pháp bị sàm báng, phải tội đày đi Việt Đông, [nhờ đó] trung hưng Tào Khê. Khi ấy, giặc giã tứ bề, bá tánh khốn khổ, quan Chế Đài[26] chẳng biết tính cách nào, ngài Hám Sơn dùng lời giảng giải dẹp tan. Đọc bộ Hám Sơn Niên Phổ và Niên Phổ Sớ sẽ biết dân đất Việt gội ân đức đại sư rất sâu.

Đến khi có nhà Thanh, tôn sùng, kính trọng Phật pháp thật mạnh mẽ, Thế Tổ (Thuận Trị) tuân theo chế định của Phật, bãi trừ lệ thí Tăng và quy chế cấp độ điệp, cho tùy ý xuất gia. Đương thời, cao nhân như rừng, lệnh ấy khá hữu ích, nhưng điềm khiến cho Phật pháp suy vi thật sự đã bắt đầu từ đây. Từ đó về sau, hơn một trăm năm, Phật pháp vẫn còn hưng thạnh. Từ thời Gia Khánh - Đạo Quang trở đi, bậc triết nhân ngày càng hiếm, người nêu gương càng kém, quốc gia chẳng chú trọng đề xướng, tăng lữ suy đồi chẳng gắng sức. Lại thêm vào thời Hàm Phong - Đồng Trị, chiến tranh liên miên, bậc tiền tu đã mất, đám hậu côn (con cháu) cũng chẳng nghe thấy ai, đến nỗi nhiều kẻ thô bỉ, bại hoại, vô lại trà trộn vào pháp môn. Hàng nho sĩ tại gia nếu không có tri kiến lỗi lạc không ai chẳng cho Phật pháp là ung nhọt, cho là vô ích đối với nhân dân, quốc gia, nhưng đại kinh đại pháp “cách vật trí tri, chánh tâm thành ý, tu - tề - trị - bình và đoạn Hoặc chứng chân liễu sanh thoát tử” của đức Như Lai nếu không nghiên cứu nào ai biết được. Những kẻ theo tân học xuất hiện, lầm lạc cậy vào ý mình, mặc tình gièm báng, khinh nhờn, đến nỗi những kẻ hủy chùa, đuổi Tăng nối nhau dấy lên. Mấy năm gần đây, nhân sĩ các giới mở rộng tầm mắt, biết Phật là đạo độc nhất vô nhị trong thế gian, chẳng những không xung đột với hết thảy triết học, khoa học, chính trị, luật pháp, mà còn có thể giúp cho hết thảy triết học, khoa học, chính trị, pháp luật đều đạt được lợi ích thật sự. Do vậy, phàm những ai có chí muốn tự thấy được bản lai diện mục và vãn hồi thế đạo nhân tâm không ai chẳng nghiên cứu Phật pháp, thọ Tam Quy để chánh tam nghiệp, vâng giữ Ngũ Giới, tu Thập Thiện, ăn chay, niệm Phật, kiêng giết, phóng sanh, [những chuyện] xưa kia bị chê bai là hạnh của kẻ ngu phu, ngu phụ, nay vĩ nhân, danh sĩ đều làm. Do vậy, mọi nơi đều lập ra hội nghiên cứu Phật học, Phật kinh lưu thông xứ (nơi phát hành, truyền bá kinh Phật). Suy đồi cùng cực ắt sẽ khôi phục, bỉ cực ắt thái lai. Nay thế đạo nhân tâm đã suy hãm đến cực điểm, nếu chẳng dùng “nhân quả báo ứng, sanh tử luân hồi và hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật” để giáo huấn, quyết khó thể thâu được hiệu quả. Do một niệm tâm tánh của chúng ta bất biến tùy duyên, tùy duyên bất biến, hễ gặp ngộ tịnh duyên bèn chứng tam thừa và Phật pháp giới. Hễ theo mê nhiễm duyên bèn thành nhân - thiên và bốn ác thú pháp giới. Tuy mười pháp giới thăng - trầm, sướng - khổ khác xa như trời với đất, nhưng tâm tánh sẵn có tại phàm chẳng giảm, nơi thánh chẳng tăng. Nếu hiểu chắc chắn nghĩa này, dẫu táng thân mất mạng quyết chẳng chịu bỏ ngộ tịnh duyên, chọn lấy mê nhiễm duyên để rồi bao kiếp luân hồi, không thể thoát ra. Do vậy, biết những pháp nhân quả báo ứng sanh tử luân hồi trị được cả gốc lẫn ngọn, là đại đạo để phàm lẫn thánh cùng theo, là phương tiện lớn lao để thánh nhân thế gian, xuất thế gian bình trị thiên hạ, độ thoát chúng sanh. Trong thời buổi hiện tại, nếu bỏ pháp này thì dẫu cho Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn, Võ, Châu, Khổng cùng xuất thế cũng chẳng biết làm sao!

Thiên hạ chẳng yên, thất phu có trách nhiệm! Phật pháp cao vời bị điêu tàn đã lâu, xuất gia lẫn tại gia đều đang trong mộng mị. Những đồng nhân lập ra hội nghiên cứu Phật học và Phật kinh lưu thông xứ để những người có chí tự lập, lập người tùy theo thiên tư của mình mà tu trì. Người sâu xa bèn thấy sâu xa, khó gì chẳng đoạn Hoặc chứng Chân, liễu sanh thoát tử. Người nông cạn sẽ thấy nông cạn, cũng có thể sửa lỗi làm lành, mong thành thánh thành hiền, vãn hồi thế đạo nhân tâm, thúc đẩy đạo đức của nhân quần, cố nhiên phạm vi chính trị và tôn giáo chẳng giẫm chân nhau, mà cũng chẳng mâu thuẫn nhau. Một lòng thành khăng khăng, xin hãy rủ lòng soi xét. a
Xem đầy đủ tại đây :

http://niemphat.net/Luan/anquangvs/anquang16.htm