Results 1 to 2 of 2

Thread: Hễ có lòng Thành thì sẽ cảm được thánh ứng

  1. #1
    Senior Member gioidinhhue's Avatar
    Join Date
    Mar 2009
    Location
    http://chuavanphat.org/
    Posts
    193

    Default Hễ có lòng Thành thì sẽ cảm được thánh ứng

    Kính cẩn trình bày phương pháp xem đọc dành cho những vị chưa từng nghiên cứu Phật học



    Ba quyển đầu trong bộ tụng văn này được chia làm hai phần lớn:

    1) Từ trang thứ nhất của quyển Một cho đến dòng thứ sáu của trang hai mươi lăm [trong quyển Một] đều là những bài ca tụng các chuyện thuộc Bổn hay Tích của Bồ Tát trong kiếp xưa trích theo kinh điển.

    2) Tiếp theo đó đều là những bài kệ tụng về sự tùy cơ cảm ứng của Bồ Tát ở phương này (tức cõi Sa Bà nói chung và Trung Hoa nói riêng – chú thích của người dịch).

    Nếu những vị nào chưa từng nghiên cứu Phật Học thì khi xem, hãy nên đọc trước từ dòng thứ bảy trang hai mươi lăm của quyển thứ nhất trở đi cho đến hết quyển thứ ba. Rồi đọc những phần dẫn kinh văn để chứng minh trong quyển thứ tư. Đọc phần kinh văn dẫn chứng xong, lại xem từ trang thứ nhất của quyển Một thì sẽ chẳng cảm thấy khó hiểu, chẳng nẩy sanh ý tưởng không muốn đọc cho hết, chắc chắn sẽ hớn hở, hoan hỷ, sanh lòng cảm kích lớn lao. Đối với những điều người đời trước đã may mắn tránh được thì chính mình cũng muốn tránh. Phàm những gì người xưa đã may mắn đạt được thì chính mình cũng muốn đạt được. Bỏ cái tâm chấp trước của phàm phu, thuận theo hoằng nguyện của Bồ Tát, tự xót, xót người, tự thương, thương người. Từ đấy thường niệm thánh hiệu của Bồ Tát, lại còn khuyên khắp hết thảy những người cùng hàng [đều niệm danh hiệu Bồ Tát] để ắt đều tiêu trừ nghiệp chướng từ vô thủy, tăng trưởng thiện căn tối thắng, gần là hưởng cái nhân “các duyên thuận thảo, không điều gì chẳng tốt lành”, xa là đạt cái quả “siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử”.



    * Kính khuyên các độc giả phải chú trọng chí thành cung kính để tự đạt được lợi ích thật sự



    Pháp thế gian hay xuất thế gian đều lấy lòng Thành làm gốc. Hễ có lòng Thành thì sẽ cảm được thánh ứng; không có lòng Thành thì do không cảm, thánh sẽ không ứng.như mặt trăng rạng rỡ giữa bầu trời, hiện bóng trong muôn sông. Nếu nước đục ngầu, xao động, bóng trăng khó thể hiển hiện được. Do nước gây nên như thế, đâu phải lỗi của trăng! Vì thế nói: “Muốn được lợi ích thật sự nơi Phật pháp, ắt phải cầu từ nơi cung kính. Có một phần cung kính, tiêu được một phần tội nghiệp, tăng một phần phước huệ. Có mười phần cung kính, tiêu được mười phần tội nghiệp, tăng mười phần phước huệ”. Nếu không cung kính thì chỉ kết được cái duyên xa, khó được lợi ích thật sự. Nếu lại còn khinh nhờn sẽ mắc tội vô lượng.

    Hơn nữa, những bài tụng và lời chú giải trong các trang mười sáu, mười bảy, mười tám của quyển Ba nhằm dẫn khởi trí huệ, chứa đựng nhiều Thiền cơ. Những câu nói ấy chỉ có người thật sự có sở ngộ mới hiểu được ý chỉ, chớ nên dò đoán, tìm tòi ý nghĩa dựa theo câu văn! Dẫu cho sẵn tánh thông minh, hễ càng suy lường thì càng xa. Lời lẽ trong nhà Thiền đều là như thế. Nếu có thể chú trọng lòng kính, giữ lòng Thành, chấp trì thánh hiệu của Bồ Tát thì mai kia nghiệp tiêu trí rạng, tất cả những lời lẽ Thiền cơ sẽ đều hiểu rõ từng câu như “mở cửa thấy núi, vẹt mây thấy mặt trăng” vậy!



    21. Đề từ cho An Sĩ Toàn Thư

    * Đọc sách cần biết



    Trong sách này, phàm tân truyền[4] của Khổng - Mạnh, đạo mạch của Phật, Tổ, cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, liễu sanh thoát tử và những lời ăn tiếng nói, xử sự trong thường ngày, khởi tâm động niệm, mỗi mỗi đều chỉ rõ, đáng làm khuôn mẫu. Thật có thể nói là “mượn nhân quả thế gian để chỉ rõ khuôn mẫu huyền nhiệm hòng trở thành thánh”, quả thật là đạo mầu để Như Lai tùy theo căn cơ độ sanh, là chân thuyên[5] để chúng sanh lìa khổ được vui. Độc giả hãy nên coi sách này giống hệt như kinh Phật, hãy giữ lòng kính nể, đừng khinh nhờn thì không phước nào chẳng đưa tới, không tai nạn nào chẳng tiêu! Kính thưa trình cách đọc gồm mười điều, mong hãy xét cho lòng ngu thành.

    1) Lúc sắp mở sách ra đọc tụng, trước hết hãy nên phát tâm cung kính như gặp vị khách quý, như đối trước bậc tiên triết, ngõ hầu luôn luôn ngộ nhập được dụng ý sâu xa của tác giả.

    2) Lúc sắp mở sách ra đọc tụng, trước hết hãy nên phát tâm chí thành, thốt lời khẩn thiết, khen ngợi ông Châu An Sĩ vận tâm cứu thế rộng lớn để soạn thành kiệt tác cứu thế này và vui mừng mình đã hữu duyên được đọc.

    3) Lúc sắp mở sách ra đọc tụng, trước hết hãy nên rửa tay, súc miệng, đặt sách trên bàn sạch trong gian phòng sạch sẽ rồi mới mở ra xem.

    4) Lúc sắp mở sách ra đọc tụng, trước hết chỉnh đốn quần áo, ngồi ngay ngắn một lát, sám hối hết thảy những ác niệm, ác ngữ, ác hạnh như ganh ghét, khinh mạn, kiêu cuồng v.v…

    5) Lúc đọc tụng, hễ ngộ nhập được một câu một chữ, đều nên khởi lòng hoan hỷ lớn lao và tùy thời ghi chép những điều tâm đắc, đừng bỏ mặc cho quên mất!

    6) Lúc đọc tụng, hãy nên nghĩ rộng rãi về ý nghĩa, thoạt đầu là dùng sách để nhiếp tâm, tiếp đó dùng tâm để chuyển nghiệp, cuối cùng tiến tới tâm niệm không ngừng nghỉ thực hành, khuyên dạy rộng rãi để chuyển thế giới Ngũ Trược thành thế giới Cực Lạc.

    7) Lúc tâm khởi vọng niệm, hãy nên cung kính đặt sách xuống, tạm ngừng đọc.

    8) Đọc xong hoan hỷ, theo đúng pháp vâng làm, hãy nên thường khởi lòng hâm mộ tâm hoằng pháp của ông Châu, tận lực bắt chước làm theo.

    9) Đọc hết bộ sách xong, hãy nên nghĩ kỹ rộng rãi xu hướng trong xã hội hiện tại để nhiếp hóa rộng lớn, ngõ hầu điều lành được lưu truyền.

    10) Đọc hết bộ sách xong, thấy được những chỗ có thể tuyên thuyết phù hợp căn cơ liền vì người không biết chữ mà phương tiện diễn nói rộng rãi để tạo lợi ích lớn lao.

    http://www.niemphat.net/Luan/aqvstam...tambien19.htma
    Liên Trì đại sư nói: “Có thể thật sự niệm Phật, buông thân tâm, thế giới xuống, chính là đại bố thí. Chẳng khởi tham, sân, si nữa chính là đại trì giới. Chẳng kể thị phi nhân ngã, chính là đại nhẫn nhục. Chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp chính là đại tinh tấn. Chẳng còn vọng tưởng rong ruổi chính là đại thiền định. Chẳng bị những ngã rẽ khác làm lầm lạc chính là đại trí huệ”.http://hinhdongphatgiao.org/

  2. #2
    Senior Member gioidinhhue's Avatar
    Join Date
    Mar 2009
    Location
    http://chuavanphat.org/
    Posts
    193

    Default Re: Hễ có lòng Thành thì sẽ cảm được thánh ứng

    Đề xướng đạo “nhân quả, báo ứng, giáo dục trong gia đình”

    * Lời ghi sau sách



    Sách này mượn từ ngữ để xiển dương ý nghĩa, tinh tường, tỉ mỉ trọn vẹn. Đối với cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, cùng lý, tận tánh, xử thế, xuất thế, đều tạo lợi ích lớn lao, đáng coi là bộ sách lạ lùng vãn hồi thế đạo nhân tâm bậc nhất. Độc giả cần phải chú trọng cung kính, kiền thành, khiết tịnh, lắng lòng suy nghĩ lãnh hội thì vô biên lợi ích sẽ đích thân đạt được. Nếu như khinh nhờn, sẽ mắc tội chẳng cạn. Nếu chẳng muốn xem, xin hãy tặng lại cho người khác, đừng cất trên gác cao. Lại mong [độc giả xem xong sẽ] lập đủ mọi cách để xoay vần lưu truyền ngõ hầu hết thảy đồng bào trong hiện tại lẫn vị lai đều cùng thoát khỏi đường mê, đều cùng lên bờ giác.



    22. Đề từ cho bản nghiên cứu “người học Phật có nên ăn thịt hay chăng?”



    Rền sấm pháp lớn, diễn đại pháp nghĩa, phá chấp, cứu kiếp, lợi ích khôn ngằn.



    23. Đề từ cho sách Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục (bài thứ nhất)



    Nhân quả báo ứng là phương tiện lớn lao để thánh nhân Nho - Thích bình trị thiên hạ, độ thoát chúng sanh. Giáo dục trong gia đình chính là thiên chức “củng cố cội gốc, trọn hết bổn phận, vun bồi hiền tài” của hàng thất phu thất phụ. Tín nguyện niệm Phật là diệu pháp để phàm phu đầy dẫy triền phược liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh. Sách này văn tuy chất phác, vụng về, nhưng nghĩa thật thiết yếu; tựa hồ chỉ để nói riêng với người tu Tịnh Độ, nhưng thật ra ngụ ý đề xướng đạo “nhân quả, báo ứng, giáo dục trong gia đình”. Mong những ai có được bộ sách này hãy nên thường giảng nói, hướng dẫn cha mẹ, anh em, vợ con, xóm giềng, làng nước, thân thích, bằng hữu để bọn họ đều giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, đánh đổ ham muốn xằng bậy của chính mình để khôi phục lễ nghĩa, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương, ắt sống sẽ dự vào bậc thánh hiền, mất về cõi Cực Lạc, may mắn chi hơn? Nguyện những ai đọc tụng hãy cung kính tin nhận, đừng nên khinh nhờn, hãy lần lượt lưu thông, đừng nên bỏ mặc. Sẽ thấy hiền tài dấy lên đông đảo, thiên hạ thái bình, nhân dân yên vui. Đấy chính là điều Bất Huệ thơm thảo cầu mong vậy!



    24. Đề từ cho sách Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục (bài thứ hai)



    Pháp môn Tịnh Độ đế lý rất sâu, chỉ có Phật với Phật mới thấu hiểu trọn hết. Bởi lẽ pháp này Đại - Tiểu bất nhị, Quyền - Thật như một; vì thế trên từ Đẳng Giác Bồ Tát dưới đến phàm phu nghịch ác đều nên tu trì, đều có thể tu tập thành tựu. Chúng sanh đời Mạt thiện căn cạn mỏng, nếu chẳng nương vào Phật lực sẽ trông cậy vào đâu? Nếu vâng tin lời Phật, sanh lòng tin phát nguyện trì danh hiệu Phật, cầu sanh Tây Phương. Lại còn đừng làm các điều ác, vâng làm những điều lành, giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành. Nếu làm được như thế thì trong vạn người không một ai chẳng được vãng sanh! Kinh luận Tịnh Độ văn nghĩa rõ ràng, cách tu trì của Tịnh Độ tùy cơ tự lập. Đã không phải lo có những chỗ sâu mầu khôn lường, mà cũng chẳng phiền vì gian nan, khốn khổ. Lại còn chẳng tốn kém tiền tài, hơi sức, chẳng trở ngại nghề nghiệp, làm ăn. Nếu có thể tùy phần, tùy sức, thường luôn nghĩ nhớ thì thần ngưng, ý tịnh, nghiệp tiêu, trí rạng, tự nhiên thân tâm an lạc, các duyên thuận lợi, niềm vui ấy làm sao diễn tả được! Nguyện người thấy kẻ nghe đều cùng tu trì, ai nấy đều ôm lòng tự lợi, lợi tha, cùng phát nguyện tự lập, lập người, cung kính thọ trì, tùy duyên xướng suất, hướng dẫn, xoay vần lưu thông, khiến cho được trọn khắp cõi nước ngõ hầu hết thảy đồng luân đều cùng được gội ân Phật, cùng sanh Tịnh Độ thì thật là điều may mắn lớn lao!



    25. Đề từ cho sách Cảm Ứng Thiên Trực Giảng



    Nhân quả là phương tiện lớn lao để thánh nhân thế gian lẫn xuất thế gian bình trị thiên hạ, độ thoát chúng sanh. Kinh Thư chép: “Huệ địch cát, tùng nghịch hung, duy ảnh hưởng” (Thuận theo lẽ trời sẽ dẫn đến điều tốt, trái nghịch sẽ hung hiểm, giống như bóng theo hình). Lại nói: “Tác thiện giáng chi bách tường, tác bất thiện giáng chi bách ương” (Làm lành thì trăm điều tốt lành giáng xuống, làm điều chẳng lành thì trăm nỗi tai ương giáng xuống). Kinh Dịch chép: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh; tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương” (Nhà tích thiện thì niềm vui có thừa, nhà tích điều bất thiện tai ương có thừa). Đấy đều là những lời nói về nhân quả. Còn như trong Phật pháp thì lại càng rõ rệt hơn nữa! Trước là nói đến tận quá khứ, sau là chỉ rõ vị lai. Muốn biết cái nhân trong đời trước thì những gì phải hứng chịu trong đời này chính là nó đấy. Muốn biết quả trong đời sau thì những gì đã làm trong đời này chính là nó đấy. Hiểu rõ điều này thì thiện - ác báo ứng chẳng sai lệch hào ly. Cát, hung, họa, phước đều do [chính mình] chiêu cảm. Con người dẫu chí ngu, quyết cũng chẳng đến nỗi vui mừng vì gặp tai họa, tránh lành, hướng dữ! Tiếc là không có những tấm gương tầy liếp, đến nỗi con người thường làm những chuyện trái ngược với điều mình mong cầu! Đấy chính là lý do tại sao những bậc quân tử có lòng lo cho cõi đời coi chuyện miệt mài lưu truyền sách Cảm Ứng Thiên Trực Giảng là nhiệm vụ gấp rút vậy!

    http://www.niemphat.net/Luan/aqvstam...tambien19.htma
    Liên Trì đại sư nói: “Có thể thật sự niệm Phật, buông thân tâm, thế giới xuống, chính là đại bố thí. Chẳng khởi tham, sân, si nữa chính là đại trì giới. Chẳng kể thị phi nhân ngã, chính là đại nhẫn nhục. Chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp chính là đại tinh tấn. Chẳng còn vọng tưởng rong ruổi chính là đại thiền định. Chẳng bị những ngã rẽ khác làm lầm lạc chính là đại trí huệ”.http://hinhdongphatgiao.org/

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts