565. Thư trả lời cư sĩ Giang Hữu Truyền



Nhận được thư, biết ông đã có thiện căn Tịnh Độ từ đời trước, cho nên vừa nghe liền tin nhận. Tu tập Tịnh Độ tùy phần tùy sức, há cứ phải bỏ sạch muôn duyên thì mới tu trì được ư? Ví như đứa con hiếu nghĩ đến mẹ hiền, gã dâm mơ tưởng gái đẹp, tuy hằng ngày bận bịu trăm bề, một niệm ấy không có lúc nào quên bẵng. Người tu Tịnh Độ cũng phải giống như thế, mặc cho hằng ngày công việc bận bịu tơi bời, quyết chẳng để tâm quên lãng niệm Phật thì sẽ đạt được yếu quyết. Nói đến ông X… thì ông ta là phường luyện đan vận khí. Đã nói “quy y Tam Bảo” cố nhiên nên vứt bỏ những thứ công phu ấy ra ngoài. Không phải là người niệm Phật không được tịnh tọa, nhưng khi tịnh tọa vẫn niệm Phật. Ông ta khoe công phu tịnh tọa hữu hiệu thì đấy là nói về sự hữu hiệu do luyện đan vận khí! Ông chẳng biết công phu tịnh tọa như hắn ta đã nói là công phu gì cho nên vẫn tiếp tục tập luyện.

Nếu tuân theo chánh lý, đã tu Tịnh nghiệp thì phải nương theo lời Phật dạy! Nếu kiêm tu [pháp luyện đan vận khí] thì tà - chánh xen tạp, chắc sẽ đến nỗi có các ma sự. Bởi lẽ, ngoại đạo luyện đan để mong xuất hồn. Nếu vẫn giữ ý niệm ấy sẽ có hại chẳng nhỏ! Nếu luận về luyện đan thì pháp ấy cũng chẳng phải là vô ích, nhưng tông chỉ của nó hoàn toàn trái nghịch với Phật pháp. Phật dạy con người thấy thấu suốt cái thân huyễn vọng này, bọn họ dạy con người giữ gìn thân tâm huyễn vọng này (Xuất hồn chính là huyễn tướng do vọng tâm kết thành). Ông ta đã tín nguyện niệm Phật, hãy nên tuân theo tông chỉ Tịnh Độ, nếu ông ta chú trọng luyện đan, cần gì phải mạo danh Tịnh Độ? Những sách vở ông đã nói đến hiện thời không còn, đợi đến tháng Mười Một hoặc tháng Mười Hai sẽ có bản in mới của Văn Sao và Thọ Khang Bảo Giám, sẽ gởi đến cho ông. Tháng Giêng hay tháng Hai trong mùa Xuân năm sau, sẽ có Gia Ngôn Lục, Di Đà Bạch Thoại Chú v.v… được gởi đến. Xin đừng lo. Hãy nên đem lời Quang nói với ông X… thì may mắn lắm thay!



566. Thư trả lời Phước Châu Phật Học Xã



Hôm mồng Sáu tôi nhận được thư của ông Trần Sĩ Mục gởi đến, trong ấy có thư xin quy y của các vị. Ngoài ra còn có hai cuốn sách ghi chép những chuyện chánh yếu và tông chỉ hành trì đại cương [của Phật Học Xã]. Tôi biết quý vị đều có tâm chánh tín, thực sự tu trì, khôn ngăn vui mừng, an ủi. Nhưng Quang vốn là một Tăng sĩ bình thường chỉ biết cơm cháo, chỉ biết học đòi ngu phu ngu phụ thật thà niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Nếu tưởng là Quang có kiến địa lẫn hành trì cao siêu huyền diệu người khác chẳng mong sánh bằng thì quý vị đã hiểu lầm mất rồi! Xem thư quý vị gởi đến và chương trình đã lập, tựa hồ gần giống như mức nhận lãnh tâm tướng của Quang. Quang tự biết mình kém hèn, nông cạn, trọn chẳng muốn làm thầy người khác, nhưng người ta đã từ xa gởi thư đến cầu xin, cũng chỉ đành đem lầm đáp lạc!

Hiện nay đang nhằm thời Mạt Pháp. Muốn đẩy lùi con sóng cuồng loạn cực lớn, cực nguy hiểm này, ắt phải chú trọng luân thường, tận tụy thực hành thì mới đạt hiệu quả được. Nếu chẳng dốc sức vào giáo dục gia đình, nhân quả, báo ứng, giữ vẹn luân thường, nghiêm túc trọn hết bổn phận, đừng nói kẻ chẳng biết Phật pháp sẽ không thể do đâu đạt được lợi ích; dẫu là kẻ biết Phật pháp chắc cũng mắc thói tệ “nói một đằng, làm một nẻo!” Con người như thế tuy bảo là học Phật, nhưng thật ra là oan gia của Phật, bởi dùng thân để báng pháp vậy! Phàm ai dự vào liên xã, ắt phải dạy họ hành hiếu, hành đễ, cũng như thực hiện hết thảy những chuyện đáng làm, trong tâm ắt phải dứt lòng tà, giữ lòng thành, đánh đổ ham muốn xằng bậy của chính mình để khôi phục lễ nghĩa, dè dặt, cẩn thận ngay cả khi không có ai trông thấy, sợ hãi ngay khi cả chẳng có ai nghe thấy. Người làm được như thế thì mới là thiện nhân trong thế gian, mới có thể học pháp xuất thế. Ví như nền đất vững vàng thì tùy ý xây dựng lầu cao muôn trượng, chẳng lo nghiêng ngửa, sụp đổ. Từ đấy, phát tâm chí thành tu trì Tịnh nghiệp. Ắt phải quyết định cầu sanh Tây Phương, trọn chẳng cầu phước báo trời người trong đời sau.

Lợi ích thật sự trong Phật pháp ắt phải dùng chí thành để đạt! Bất luận niệm Phật hay xem kinh đều phải chí thành, cung kính. Đừng nên học theo kẻ viên dung không chấp trước! Nếu không, sẽ vì phóng túng không kiêng dè mà trở thành phường cuồng vọng, ma mị. Hơn nữa, ở quý địa có kẻ đề xướng thuyết “năm bộ sáu sách”[6], đấy chính là do kẻ tà kiến dựa hơi Phật pháp để truyền bá pháp luyện đan. Chư vị đừng hãm vào trong ấy! Dẫu trước kia đã từng theo, nay đã học Phật, hãy nên vứt bỏ hoàn toàn! Nếu vẫn cứ hàm hồ coi đấy là Phật pháp thì tội ấy chẳng nhỏ đâu!

Hiện thời, bất luận căn tánh nào đều phải lấy pháp môn Tịnh Độ làm chủ, bởi lẽ pháp môn Tịnh Độ chính là pháp môn thành tựu lúc ban đầu lẫn thành tựu lúc cuối cùng để tam thế chư Phật trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh. Hễ nói nông cạn, gần gũi thì đứa trẻ lên ba cũng có thể tu được; nhưng nói sâu xa thì chỉ có Phật và Phật mới có thể thấu hiểu rốt ráo. Tịnh Độ là pháp để cho phàm phu y theo đó hòng liễu sanh tử ngay trong đời này, nhưng bỏ mặc không xét tới. Dẫu hết thảy các pháp môn đều nghiên cứu rốt ráo đến mức mười phần thông triệt đi nữa, ai có thể ngay trong đời này đoạn sạch phiền não không còn sót gì để đạt đến địa vị “tự lực liễu sanh tử” đây? Kẻ cậy vào tự lực đã chẳng thể làm được, nhưng người cậy vào Phật lực do chẳng biết nên không chú ý. Vì vậy, học Phật pháp đều chỉ nhằm chống giữ thể diện trong hiện tại, gieo thiện căn trong tương lai mà thôi! Muốn được lợi ích liễu sanh tử chân thật sẽ là sự khó nhất trong các sự khó!

Phụ nữ càng phải nên chú trọng nhân quả, luân thường. Phàm An Sĩ Toàn Thư, Cảm Ứng Thiên Vựng Biên, Ấn Quang Văn Sao, hễ có ai thông văn nghĩa đều nên tặng cho mỗi người một bộ. Đi theo con đường ấy, bậc thượng chắc sẽ thấu hiểu được những điều này. Nếu không, chỉ biết viên dung không chấp trước, miệng luôn nói không, bước bước làm có, gây họa hoạn cho gia đình, mà cũng là kẻ giặc dữ dằn trong Phật pháp. Nếu bàn đến quyền giáo dục thì nữ nhân [nắm giữ quyền ấy] to lớn hơn nam giới. Do họ giúp chồng dạy con nên đã âm thầm nắm sẵn quyền thao túng. Thế đạo nhân tâm hiện thời suy hãm, chìm đắm, nói chung là do chẳng đề xướng giáo dục nữ giới mà ra! Nếu khi còn là con gái đã biết “nữ nhân lấy việc giúp chồng dạy con làm thiên chức” thì mai kia làm vợ người ta, làm mẹ người ta, ắt sẽ un đúc, nuôi dạy khiến cho chồng con đều thành hiền thiện. Nếu nữ nhân ai nấy đều được như thế thì lẽ đâu thiên hạ chẳng thái bình? Dẫu cho chẳng thể nào ai nấy đều được như thế, nhưng hễ có một người được như vậy thì chồng con người ấy cũng đã có thể trở thành [hiền thiện] như thế rồi! Do vậy mà truyền sang đời sau cũng lại nối tiếp nhau noi dấu lương thiện, ngày càng đông nhiều.

Thôi hãy gác lại những điều Quang đã nói dài dòng. Nay gởi cho các vị bốn gói Quán Âm Tụng, tổng cộng là hai mươi bộ, mỗi người một bộ. Sách này cũng nhằm tạo chỗ nương tựa lớn lao trong thời thế không nơi nương tựa trong hiện tại. Quý vị đã từng đọc Văn Sao của Quang rồi; trong năm ngoái tôi lại xếp đặt một bản khác, hiện thời sắp hoàn thành, trong khoảng tháng Ba, tháng Tư sẽ ra sách, đặt tên là Tân Ấn Tăng Quảng Ấn Quang Văn Sao. So với bản in trước, [bản in mới này] tăng thêm một trăm mười hay một trăm hai chục trang. Nếu muốn lợi người, hãy nên chịu trách nhiệm in chừng đó bộ để biếu tặng, hoặc chiếu theo giá vốn bán ra. Nếu đứng in lần này, so ra sẽ rẻ hơn in trong mai sau, bởi lẽ sau này Trung Hoa Thư Cục sẽ tự bán, còn lần khắc in này là do Quang định giá. Hiện thời do số trang và giấy in đều chưa định được, nên chưa thể định giá [chánh xác cho mỗi bộ] được. Ước chừng mỗi bộ phải trên dưới bảy tám cắc do sách dày hơn bốn trăm trang. Bộ Quán Âm Tụng đã in trong năm trước chỉ có hai trăm lẻ mười trang mà [giá thành mỗi cuốn] đã tới ba cắc bốn xu. Còn sách này dày bốn trăm mười hay bốn trăm hai mươi trang, giấy lại đắt gấp bội. Huống chi trong một hai năm qua chiến sự nhiều lượt nổ ra, nguồn giấy không thông, nay thì giá giấy so với những năm trước lại đắt hơn rất nhiều, cho nên sẽ phải trên dưới tám cắc. Gần đây, tôi cũng muốn in An Sĩ Toàn Thư.

Lại còn có Thọ Khang Bảo Giám đã giao cho thợ sắp chữ. Đợi khi sắp chữ xong, sẽ cho in cùng lúc với Văn Sao. Sách này chính là bản tăng đính (mở rộng, sửa chữa) cuốn Bất Khả Lục rồi đổi tên. Bọn thiếu niên hiện thời thường chẳng biết cách giữ gìn thân thể, mặc sức theo đuổi sắc dục; do vậy mà chết chừng bốn phần. Do ham sắc dục mà bị các thứ bệnh khác rồi chết cũng chiếm đến bốn phần. Người trong cả cõi đời, trong mười phần có đến tám phần là do bị chết trực tiếp hay gián tiếp bởi nữ sắc, cũng đáng thảm lắm! Đừng nói chi kẻ buông lung tìm hoa kiếm liễu, ngay như trong tình vợ chồng, những kẻ vì chẳng biết kiêng kỵ mà bị tử vong cũng chẳng biết đến mấy vạn! Trong tháng Mười năm ngoái, do một đệ tử của Quang vì bị bệnh đã lâu, người thiếp bèn cầu Phật, nguyện ăn chay suốt đời, ông ta không uống thuốc mà được lành. Khí sắc của ông ta thuần tịnh rạng rỡ ít có ai bằng. Chưa được hơn một tháng, do phạm phòng sự (ăn nằm) liền chết! Vì thế, tôi phát tâm in cuốn sách này để cứu những kẻ chẳng biết kiêng kỵ khỏi phải bị chết.

Tánh tình Quang chẳng thích phô trương, Quang dạy người khác hãy tùy theo nghề nghiệp, bổn phận của chính mình để tu trì, trọn chẳng lập ra lề lối khác. Chương trình do quý vị đã lập rất hay, nhưng phải làm sao cho mọi người đều tận tụy thực hiện được thì may mắn chi hơn? Nếu không, sẽ trở thành sáo rỗng, cái danh to đùng, thực chất bé tẹo! Các thứ ngoại đạo trong hiện thời không loại nào chẳng lấy bí truyền để thu hút những kẻ vô tri theo đạo của chúng, Lúc sắp phát nguyện nhập đạo, ắt phải thề thốt: “Nếu sau này phản giáo sẽ bị ác báo như thế nọ, như thế kia”, thật ra phần nhiều là cách để gạt gẫm người khác! Do đã thề thốt, nên dẫu biết chúng sai trái, [người lỡ theo đạo] cũng chẳng dám chống trái hoặc phơi bày [lỗi ấy] rõ rệt. Cách bí truyền, thề thốt của ngoại đạo mê hoặc con người sâu đậm, trói buộc con người chắc chắn thay! Nhà Phật chúng ta chẳng bí truyền, đối với một người nói như thế nào thì đối với vạn người cũng nói như thế ấy. Đóng cửa, gài song, bên ngoài cắt người tuần hành, chỉ cho một người được vào, lại còn nói rì rầm chẳng để cho người ngoài nghe tiếng; đạo ấy nào phải là chuyện quang minh chánh đại! Tôi mong chư vị đều hiểu rõ thói tệ ấy nên mới thuật đại lược.

Những pháp danh đã đặt thì đặt theo tên chánh hoặc đặt theo tên Tự, thêm vào chữ Trí thì ý nghĩa sẽ chẳng còn [hạn hẹp] như trong [ý nghĩa gốc của] cái tên chánh hay tên Tự sẵn có nữa. Ấy chính là “Đại Học chi đạo, tại minh Minh Đức” (Đạo Đại Học ở chỗ làm sáng tỏ Minh Đức). Do cái lý sẵn có trong tâm hết thảy mọi người chưa có trí huệ nên chưa thể đánh đổ ham muốn xằng bậy của chính mình để khôi phục lễ nghĩa, trừ khử vật dục (cách vật) để đạt đến thấu biết tột cùng (trí tri), ngõ hầu lương tri sẵn có sẽ được phát hiện toàn thể! Vì thế, nay tôi theo dựa theo ý nghĩa của tên thật hay tên Tự của từng vị mà thêm chữ Trí vào. Ví như vẽ rồng điểm nhãn để mong cho quý vị ai nấy đều thọ dụng Minh Đức sẵn có nơi chính mình thì món vật “nhân dục” quyến rũ con người sẽ bị tiêu diệt không còn tồn tại nữa.

Xét về đạo thể, Nho - Thích vốn không hai, nhưng xét tới chỗ nêu tỏ lý thể và công phu tu trì thì sẽ hết sức khác biệt vời vợi! Kẻ chẳng biết, tưởng là giống hệt nhau, chắc sẽ đến nỗi nghĩ “một tấc gỗ giống như lầu cao ngất ngưởng”. Kẻ nghĩ là khác, chắc sẽ tưởng “bình, mâm ở ngoài chất vàng!” Người như thế đều là tội nhân trong hai giáo Nho - Thích! Thuở thiếu thời, Quang lậm phải chất độc của Châu - Trình - Hàn - Âu, tạo các khẩu nghiệp; may do thiện căn đời trước tự được tỉnh ngộ. Sợ các vị đối với chỗ giống nhau - khác nhau này chưa phân biệt hiểu rõ, nên mới thuật đại lược. Trong Ấn Quang Văn Sao bản mới có bài tựa cho sách Nho Thích Nhất Quán của ông Dương Lệ Đường (sách ấy còn chưa in ra) và lá thư gởi cho ông Thang Hoằng Xương luận về chỗ giống nhau - khác nhau giữa Nho và Thích, hãy xem thì sẽ biết rõ. Quang bận bịu đến tột cùng, xin ai nấy hãy nỗ lực tu trì.

http://www.niemphat.net/Luan/aqvstam...stambien15.htm