433. Thư trả lời cư sĩ Cung Tông Nguyên (thư thứ nhất)



Chúng ta từ bao kiếp đến nay cố nhiên đã có lúc gieo thiện căn, nhưng chưa gặp được pháp môn cậy vào Phật lực để liễu thoát ngay trong một đời, cho nên vẫn luân hồi trong lục đạo y như cũ, chẳng thể tự thoát được. Ông thuở bé theo cha mẹ tin Phật, ấy là thiên tánh. Về sau, lậm nặng chất độc của Âu - Hàn, đấy chính là tập thói xấu ác. Còn những cảnh được thấy trong giấc mộng thì cũng là do thiện căn từ đời trước mà ra, nhưng mê đã quá sâu, cho nên trong nhất thời chẳng thể lập tức quay đầu lại được. Sự quan hệ này hết sức nguy hiểm! Nếu chẳng tự chấn chỉnh, sẽ mê muội dài lâu, sợ rằng ngay cả danh hiệu Phật cũng không cách gì nghe được! Nay đã biết rồi, hãy nên nỗ lực!

Hơn nữa, pháp môn Tịnh Độ khác với các pháp môn khác. Các thứ pháp môn khác đều cậy vào tự lực, chỉ có pháp môn này hoàn toàn cậy vào Phật lực. Phương Nam, Tông môn khá nhiều, chớ nên xen nhập Tông môn, mong được cái danh đẹp đẽ là “Thiền - Tịnh song tu”. Nói chung, Tông môn lấy việc khán câu “người niệm Phật là ai” để được khai ngộ, tuyệt chẳng nói đến “tín nguyện cầu sanh”. Đừng nói chưa ngộ, dẫu khán đến mức thấy được diện mục vốn có của người niệm Phật thì chỉ được kể là Ngộ, còn cách liễu sanh tử rất xa. Nếu chưa đạt đến địa vị “nghiệp tận, tình không”, chắc chắn chẳng thể cậy vào tự lực để liễu sanh tử được!

Thêm nữa, chẳng chú trọng tín nguyện, cầu sanh Tây Phương là trái nghịch với Phật, chẳng thể cậy vào Phật lực để liễu sanh tử được! Vì thế, người niệm Phật hễ xen kèm hơi hướng Tông môn thì chỗ được lợi ích ít ỏi mà chỗ mất lợi ích lại nhiều. Giáo lại càng khó đắc lực hơn nữa! Mật Tông ăn nói quá lớn lối, nguy hiểm cùng cực[16]. Ông hãy nên chuyên chú một môn tín nguyện niệm Phật, kèm thêm là giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, dùng những điều ấy để tự hành, lại còn đem những điều ấy dạy người, chắc chắn sẽ được vãng sanh. Phàm suy nghĩ, động niệm, cư xử đều phải lấy chân thật chẳng dối làm chánh, ngõ hầu chẳng luống uổng cuộc đời này, chẳng phí dịp gặp gỡ này! Hãy đọc kỹ Văn Sao, Gia Ngôn Lục, ở đây không viết cặn kẽ. Quang già rồi, không có sức để thù tiếp, xin đừng thường gởi thư đến (ngày Hai Mươi tháng Sáu năm Dân Quốc 20 - 1931)



434. Thư trả lời cư sĩ Cung Tông Nguyên (thư thứ hai)



Đang trong thời thế này chỉ nên giữ bổn phận, mặc kệ những kẻ mất trí điên cuồng làm gì thì làm, trọn chẳng tranh luận hoặc bắt bẻ bọn chúng. Bởi lẽ, người hiểu lý thì ít, kẻ hồ đồ thì nhiều. Nếu có tranh biện xảy ra, do bọn ma thế mạnh, sẽ đâm ra càng làm tăng thế lực của chúng. Đối với người biết tốt - xấu, hãy gắng khuyên họ đừng theo bọn chúng. Nếu là kẻ chẳng biết tà - chánh thì chỉ đành bỏ mặc. Ví như con chó ăn phân cho là thơm ngon. Nếu bảo là hôi thối, ngăn trở nó đừng ăn, ắt nó sẽ ôm lòng giận dữ, cho là muốn đoạt món ăn ngon lành của nó! Chẳng những vô ích mà còn có thể chuốc lấy họa lớn!

Pháp của ngoại đạo bí mật chẳng truyền. Muốn nói ra sợ bẩn miệng tôi, muốn viết ra sợ bẩn tay tôi. Chỉ nên dùng lòng chí thành niệm Phật, niệm Quán Thế Âm để xoay chuyển pháp của bọn chúng. Dẫu chẳng thể chuyển được, há để bị bọn chúng xoay chuyển ta ư? Sở dĩ ngoại đạo được truyền khắp cả thế giới là do dùng hai thứ [biện pháp] bí mật và thốt lời thề độc! Nếu bỏ hai cách ấy đi, ắt sẽ băng tan, ngói vỡ liền! Quang vốn muốn nói sơ lược, nhưng sợ kẻ đố kỵ giáng họa, nên chỉ nói tóm tắt mà thôi! Lũ ma rất đông đảo, không tìm được cách nào [ngăn chặn]. Nay gởi cho ông bài tựa về Cư Sĩ Lâm ở Triều Dương, xin hãy chép lại treo trong Lâm để những ai hiểu văn lý xem đến ắt sẽ sanh lòng chánh tín rồi hộ trì. Quang già rồi, sáng chẳng bảo đảm được tối, từ nay đừng gởi thư đến nữa, cũng đừng giới thiệu người khác quy y, bởi không có mục lực lẫn tinh thần để thù tiếp vậy. a
http://www.niemphat.net/Luan/aqvstam...stambien12.htm