Ngôn Ngữ Mạng: Gió lành hay Gió độc?

Gần đây trong một bài báo của thư viện quốc gia Hoa Kỳ, một tác giả đã róng lên tiếng chuông cảnh tỉnh các bậc phụ huynh nên lưu ý đến sự nguy hiểm của việc dùng tiếng lóng trên mạng của các em học sinh.

Sự kiện có những kẻ săn đuổi và lợi dụng tình dục lảng vảng trên mạng được “Trung tâm tìm kiếm trẻ em bị lợi dụng và mất tích-The National Center for Missing & Exploited Children” nhắc nhở đến thường xuyên. Theo một cuộc nghiên cứu mới đây của toà án Hoa Kỳ thì ở những phòng “chat room” trong năm em có một em bị gạ gẫm tình dục.
Các kẻ gian có thể giả trang thành phái nam hay nữ, mang những nick khác nhau để lân la làm quen với các em. Sau đó họ có thể dẫn dụ các em vào những cái bẫy đã giương sẵn với mục đích tối hậu là lợi dụng và tấn công tình dục, tệ hơn nữa là bạo hành và sát nhân.

Vấn đề đáng quan tâm là các phụ huynh vì bận sinh kế và trăm ngàn việc khác, ít lưu ý đến việc các em online hay lên mạng, chat với nhau hay chat với người lạ. Có nhiều phụ huynh than phiền rằng dù có kiểm soát các em thì khi các em chat bằng một thứ tiếng lóng online, họ không thể hiểu được hay muốn tìm hiểu cũng mất nhiều thì giờ nghiên cứu để biết rõ mà dĩ nhiên các em sẽ không dại gì “lạy ông tôi ở bụi này” mà chỉ cho cha mẹ cách giải mã thứ tiếng lóng này. Biết cách đọc tiếng lóng để tìm hiểu và kiểm soát sự an toàn trong việc giao du của con cái mình là một khí giới hữu ích mà các cha mẹ nên có và nên làm.

Từ khi thế giới mở toang cánh cửa “mạng lưới toàn cầu” khắp nơi con người hân hoan chào đón những lợi ích của Internet mang lại. Ngoài truyền thông và những nối kết cảm thông giữa con người và con người thì Chat Room là nơi gặp gỡ và giao tế xã hội có tính nhân bản nhất. Phương tiện truyền thông gọi là Chit Chat này phát triển khắp nơi và du nhập vào Việt Nam như một luồng gió. Vấn đề chúng ta nên đặt câu hỏi là làn gió này là gió lành hay gió độc?

Nếu bạn là một người lạ lần đầu bước vào một Chat Room, bạn có thể rất ngạc nhiên như bước vào một thế giới ảo riêng biệt với những ngôn từ rất đặc biệt, rất riêng. Tò mò hơn, nếu bạn vui chân ghé vào một trang Web hay một blog cá nhân của các Teen thế hệ 9X (thế hệ sinh vào thập niên 1990) hay 8X(thế hệ sinh ra trong khoảng 1980-1989), bạn còn thấy lạc lõng hơn vì không hiểu thứ ngôn ngữ mà các bạn trẻ đang trao đổi với nhau, có khi còn là những mật ngữ, toàn những dấu hiệu.

Với sự tiến triển nhanh chóng của thế giới mạng, sau Chat Room là Instant Messengers (IM), rồi tới Blog và Text Messages, có một thứ ngôn ngữ ra đời đó là Ngôn Ngữ Chat, Ngôn Ngữ SMS, Chat Ngữ, Ngôn Ngữ @, Tiếng Lóng Online, hay Tiếng Lóng Trên Mạng.

Chúng ta có thể tạm gọi chúng là Chat Ngữ cho gọn. Chúng bắt nguồn từ những tin nhắn hay các mẩu đối thoại, mục đích để tiết kiệm ký tự như một thể tốc ký. Các bạn trẻ dùng chúng riết rồi quen tay, lâu dần biến thành một thứ ngôn ngữ thường nhật của cư dân mạng.

Chat Ngữ ban đầu chỉ là cách biến đổi những chữ cái học theo các web nước ngoài.
Như: like=lyk, don’t know=dunno, love=luv, hate=h8. Hoặc số 4 là cách viết tắt cho chữ for, four từ đó suy ra các chữ khác 4ever tức forever (mãi mãi). Cũng là từ forever nhưng cũng có thể viết for3v3r bởi 3 viết tắt cho chữ e. Sau những chữ cái được thay thế bằng những chữ cái khác để dạng chữ biến đi như Chữ I thay bằng J. Chữ A trông hơi giống số 4. Chữ “không” thay bằng chữ “hok”, chữ “rồi” thay bằng “oỳ”, giờ thay bằng “h`” nhìn rất lạ lẫm.

Một em đã viết: phamtungvt (15 tuổi, địa chỉ: l0^j" m0n` dj~ vAng~...): “công nhận nà bây h` ngôn ngữ kiểu naj` nhiu` ác. Nhưng vjk nhìu wen oy` chẳng bjk làm sa0”
(Công nhận là bây giờ ngôn ngữ kiểu này nhiều ác, nhưng viết nhiều quen rồi chẳng biết làm sao).
Hoặc một em với nick dembu0n.nh0em với câu thơ tình như sau:
4nh o? da^y giu*a~ d0‘ng -do*j‘ la.c l0ng~... ng0n’g ch0*‘ aj -da~ ba0 la^n‘ fu. ba.c...
(Anh ở đây giữa dòng đời lạc lõng, ngóng chờ ai đã bao lần phụ bạc....)

Để đọc và hiểu được ngôn ngữ của thế hệ @, hầu hết những người không quen phải vất vả lắm, có khi phải vận dụng toàn bộ khối óc để tưởng tượng, suy ngẫm, phân tích mới hiểu và cảm thông được những gì của thế hệ đang trao đổi cho nhau. Theo thời gian, Chat Ngữ trở nên đa dạng và phức tạp hơn.

Đây là một loại biến thể “gần âm, cùng nghĩa”. Biết = bít, viết = vít, c = k (có = kó), b =p (bé = pé), trời ơi = chài oai = cha`j oj, buồn = bùn = pùn, vui = zui...

Chúng ta có thể rất lúng túng với những câu chào hỏi thế này trong blog của một bạn trẻ:

- Lam` wen na...! Chuk' pan buoi chiu` vui ve?, Pan. ne0` wan tam^ den^' ch0. n0j^~ Caj' Rag (Can^` Th0) thj` thu~ d0x. & g0p' y' kjen^' va0` paj` vjet^' 0f mjh` jum` nha!!!!!!!
(Làm quen nha! Chúc bạn buổi chiều vui vẻ. Bạn nào quan tâm đến chợ nổi Cái Răng(Cần Tho thì thử đọc và góp ý kiến vào bài viết của mình dùm nha)

- Choc’ nua~ fai? xuong’ nau’ kom...ho`...lau lam’ rui` hok nau’...sao ma` minh` lai luoi` nau’ kom thia’ hok biet’...hay la` hok fai? kon gai’ nhay?”
(Chốc nữa phải xuống nấu cơm, lâu lắm rồi không nấu, sao mà mình lại lười nấu cơm thế không biết, hay không phải là con gái nhỉ).

Một số nguyên âm bị các Chat Thủ làm méo mó dị dạng, khiến các câu chữ đọc lên nghe như tiếng nhõng nhẽo, ngọng nghịu của mấy em bé hay lắc đầu nguầy ngậy kiểu: “hỏng thèm đâu: hỏng xèm âu” . Tỷ như: "a" thành "e"; "ê", "êu" thành "iu"; "ô" thành "u"; "ê" thành "i"; "ôi" thành "oai", "ui"; "o" thành "oa". Bạn có thể tìm ra một đoạn văn như thế này trong một forum.

-"Thông béo thông béo, tui xin kiu gọi các thành viên hãy tích cực hưởng ứng việc đội mũ bẻo hỉm khi đi ra đường nghen. Vì seo à? Để bẻo đẻm en tòn dzì cái đầu của mình là quan trọng nhứt mờ. Hơn nữa, bi giờ cũng có nhìu kỉu địp lém đóa. Nhà tui vừa mở tịm bán mũ bẻo hỉm, ai có théc méc gì thì gọi cho tui ở số đt: 090___xx. Mong pà kon đìu ủng hộ. Kakaka…".

(“Thông báo thông báo, tui xin kêu gọi bà con hãy tích cực hưởng ứng việc đội mũ bảo hiểm khi đi ra đường nghen. Vì sao à? Để bảo đảm an toàn vì cái đầu của mình là quan trọng nhất mà. Hơn nữa, bây giờ cũng có nhiều kiểu đẹp lắm đó. Nhà tui vừa mở tiệm bán mũ bảo hiểm, ai có thắc mắc gì thì gọi cho tui ở số: 090___x. Mong bà con đều ủng hộ. Kakaka...”.)

Thả ngựa, xem hoa, lang thang vào một blog ta có thể tìm ra một hay những chữ, những câu, những đoạn viết lộn xộn pha tiếng anh nguyên thủy hoặc phiên âm như:

-À, nài nài thì dza là dzo mấy đuối, cùi… khoai lang chứ hổng phải entry của anh làm freeze laptop đúng chưa?.... Noob =)., em chả bao h dùng IE nhá, tại ko có gì, sặc, bực cái entry này nha, cứ mỗi lần vào, là nó lại active cái mớ java Runtime T.T......
... Báo anh bít sn em, rồi ông anh lại bắt tưng bừng, có gì thứ 7 or CN em sẽ call anh... ......Dạo này hư quá nhá, bao lô, đề đóm nữa he he, kon lạy kụ…... lâu lâu kụ vào blog con làm 1 câu hoành tráng quá ^^ dạo này cái dự án hard working,.... lâu roài hok lên diễn đàn, bà nói boy nèo bà cũng o thích mà, cái này mà enhance màu lên một chút thì màu ngọt lắm đây..... ới giá < 3T, có cảm ứng thì chỉ có Windows Mobile. Em có chịu dùng hàng 2nd không....

Ngôn ngữ mạng còn có hàng loạt những kiểu chơi chữ hay tiếng lóng thời đại dùng lâu nay đã trở thành quen thuộc như : xịn, chảnh, chán như con dán, xinh như tinh tinh , tinh vi sờ ti con gà ri, già khốt ta bít , hiểu chết liền, biết chết liền, hơi bị đẹp, hơi bị ngon, hơi bị hay, chập cheng, bụp, đi mò tôm, đi sô, tới bến, bể hũ mắm, bán cái, chồn lùi, trùm sò= kẹo kéo, to be keo (cu bị teo), xả láng=tận tình, thầy chạy=tột cùng hay hết ý, banh-ta-lông=nát tan, mát trời ông địa=tuyệt vời,bập=lấy,cực kỳ=rất đẹp, phơ=phê, củ chuối=đểu, nhão=õng ẹo, lác=ba xạo, cưa(tán gái), bú(uống rượu)....

Cao siêu hơn, gần đây thế hệ 9X đã cải tiến và cho ra đời một loại ngôn ngữ @ version 2 hay còn gọi là...Mật Mã @.....

***]`])iF_µ`/vµº][" ][º]".......!!!!

(º" ][†|µ][(¬? ])]F_µ` †† |Cl† §µ ]<º ††|F_? 3]F_†" †Pvµº(" ])(. 3º]~ (Cl]" v]F_][~ (Cl][† |? ]<†|] ])º" ])]F_][~ PvCl v/Cl" †|ºCl][` †|Clº? , v/Cl" ]) F_]º ]<†|]F_][" PvF_ ]_Cl]v[` †µº][(¬? §F_~ (º" 1 ]v[º]" †]][†| ])Cl]` ]_Clµ.†|Cl] ][Cl]v[ (µ][(¬~ ]_Cl` 1 ]<†|ºCl][(¬~ ††|º]` (¬]Cl][ v/Cl" ])Cl]`.PvF_ ††|Cl† §µ ]v[Cl][~ ][(¬µ¥][ /º]" ])] F_µ` ][Cl¥`.][†|µ][(¬ /vº] ††|µ" (†|Cl][(¬~ 3Clº (¬]º` "3Cl][(¬` ]º†|Cl][(¬?" (Cl~.][†|µ][(¬~ ]<†|º" ]<†|Cl][,(µ][(¬`(µ(,] [†|~ 3] v/Cl][,])Clµ ]<†|º~,/vCl†" ][]F_/v` †]][ ,][†|~ ]_º †ºCl][ , /vCl†" /vCl†" ***` (µº]" (µ][(¬` ]_Cl` ][†|~ (¬]º† ] [µº(" /vCl†" ]_Cl` ][†|µ][(¬~ ])]F_µ` ]_µº][ (¬Cl][" ]_]F_][` vº]" /vº]~ (º][ ][(¬µº]`.(º" Cl] ])º" ][º]" PvCl][(¬` "(†|]? ] <†|] ][Clº` 3Cl][ ])Clµ ]<†|º? ])F_][" 99% ††|]` ]_µ(" ])º" 3Cl][ §F_~ ])º][" ][†|Cl][ ])( 1% ][]F_/v` †|Cl][†| ]º†|µ(" ***" /vº]" †|]F_µ? ])( (¬]Cl" †Pv] ])](†|" ††|µ( ºF (µº( §º][(¬".(† |Cl][(¬? ]_F_~ (§ ††|Cl† §µ ][(¬†|]F_† ][(¬Cl~ ])F_]["][†|µ vCl¥?

...Vài điều muốn nói..
Có những điều ko thể bít trước được, bởi cái viễn cảnh khi đó diễn ra quá hoàn hảo, quá đẹp khiến lầm tưởng sẽ có 1 mối tình dài lâu, 2 năm cũng là 1 khoảng thời gian quá dài, thật sự mãn nguyện với điều này. Nhưng mọi thứ chẳng bao giờ "bằng phẳng" cả. Những khó khăn cùng cực, những bi quan, đau khổ, mất niềm tin, những lo toan, mất mát... Cuối cùng là những giọt nước mắt, là những điều luôn gắn liền với mỗi con người. Có ai đó nói rằng: "Chỉ khi nào bạn đau khổ đến 99% thì lúc đó bạn sẽ đón nhận được 1% niềm hạnh phúc... mới hiểu được giá trị đích thực của cuộc sống. Chẳng lẽ thật sự nghiệt ngã đến như vậy?

Khi nhìn thấy thứ ngôn ngữ bí hiểm như loại Mật mã @ này thì ai cũng lắc đầu chịu thua luôn, theo ngôn ngữ mạng có thể nói là “hiểu chết liền” hay “botay.com”. Có lẽ khi phát minh ra những ký hiệu này, các em muốn chứng tỏ mình là một cao thủ của thế kỷ tiên tiến với trình độ kỹ thuật điện toán cao. Nhất là các em cần một thế giới riêng và không muốn ai hiểu được nội dung các cuộc nói chuyện qua lại của mình. Nhưng sự bí hiểm hay gợi óc tò mò của người khác và dễ gây nghi ngờ. Người lớn bắt đầu đặt câu hỏi, có gì mờ ám đằng sau những mật mã ấy không?

Cơ quan FBI của Mỹ cũng có tuyển một ít em rành về ngôn ngữ chat text để theo dõi tội phạm nhắn tin nhau. Bởi có những tin nhắn (message) được viết theo ngôn ngữ chat text của lớp trẻ nên người lớn không đọc được.

Trong các thư viện của Hoa Kỳ, những người quản thủ thư viện cũng lưu ý các cha mẹ về vấn đề Ngôn Ngữ Mạng khó hiểu này. Một số các Chat Room có bỏ phần Tự điển Chat Ngữ tiếng Anh ngay khi bạn vào phòng Chat để trò chuyện, nó giúp cho những người mới vào không bỡ ngỡ với thế giới mới toàn lối viết tốc ký bí hiểm.

Ngay trên mạng chúng ta có thể tìm ra những phần mềm cho không(free software), hoặc được bán để giúp các bậc phụ huynh giải mã(decoder) các ngôn ngữ mạng hòng theo sát hành động các con em mình. Đây là vài mạng nối(link) tiêu biểu cho tiếng Anh và tiếng Việt:

Teen Chat and Acronyms Decoder Software http://www.teenchatdecoder.com/Free Download Teen Chat Decoder http://www.download3000.com/download_26950.html
Chương trình v2V của tác giả Dương Đăng Trúc Khuyên: sẽ giúp bạn giải mã loại tiếng Việt Online này sang tiếng Việt bình thường. Và e-CHIP đã cho tải miễn phí v2V tại địa chỉ: http://echip.com.vn/echiproot/html/softv.html

Một vài diễn đàn trong nước như VietBao.vn, Zing, Diễn đàn WTT(Web Trẻ Thơ) đã mở ra những cuộc tranh luận chung quanh đề tài Chat Ngữ. Số người đưa ý kiến phản hồi đã gây nên những tranh cãi sôi nổi đáng chú ý. Có những ý kiến chống đối, bênh vực, và trung hoà, nhưng tất cả đã nêu ra được những quan tâm chính trong lãnh vực làm đẹp và trong sáng tiếng Việt. Có những bạn chỉ trích gay gắt và tỏ ra khó chịu với lối viết tắt, quái gở, méo mó, dị dạng, lười biếng, lủng củng, khó hiểu này. Họ bảo rằng lối viết này bị lạm dụng thái quá, đã làm mất đi vẻ trong sáng của tiếng Việt. Chúng còn bị sai ngữ phạm, gây phản cảm, bị gọi là thùng to rỗng ruột, tha hoá, một căn bệnh của ngôn ngữ hoặc ngôn ngữ chợ búa hay hội chứng "ac ac, hic hic, he he".... Thậm chí một người còn gọi đây là thứ ngôn ngữ “ngoài hành tinh” mà ông cha ta không tài nào hiểu nổi và việc chúng ta sử dụng thứ "tiếng Việt ngoại lai" này là hành động chúng ta đang hùa nhau đẩy dân tộc chúng ta từng chút một xuống hố sâu thoái trào về đạo đức và sự tiến bộ.

Mỉa mai hơn, có bạn còn gọi đó là “Một thứ tiếng Việt mới mẻ, ngắn gọn và vô cùng tiết kiệm nhiên liệu” !!!!

Những bạn trẻ bênh vực thì cho rằng việc dùng từ ngữ khác biệt hoặc việc làm cho méo đi, có chức năng riêng của nó. Việc sử dụng những từ tiếng lóng trong giao tiếp của 8X, 9X thời nay đa phần là để cho vui, để bộc lộ cảm xúc dễ dàng hơn. Có thể lấy ví dụ: "Không đâu mà" thành "hem đâu mừ"; bạn có thấy cảm xúc nũng nịu qua câu tiếng lóng này không? Chúng còn thể hiện cá tính và nhấn mạnh sự hiện diện của thế hệ người sử dụng nó nữa. Các bạn ấy còn cảm thấy được hoà nhập vào sự văn minh toàn cầu, sự tự do về sở thích, suy nghĩ cũng như đam mê riêng trong thế giới của mình. Họ nghĩ chưa chắc những thứ dị dạng mà họ đang dùng ấy là một món hàng nhảm nhí, vô bổ vì nếu nó vô dụng và có hại thì ai mà thèm dùng làm gì.

Một số khác nghĩ, chúng ta mới bắt đầu hội nhập thế giới, thì nó là một cái mốt hiện đại, bạn không dùng, bạn bị lạc hậu hay không phù hợp với cách “Sống bằng hơi thở @, hành động bằng suy nghĩ @”. Bạn sẽ bị bạn bè chê là" hai lúa" không hợp thời và trở thành một món hàng "quí hiếm" hoặc thuộc dạng "đồ cổ” !!! Sự hội nhập với văn hoá toàn cầu đòi hỏi một tốc độ nhanh và nhạy, sự thay đổi của văn hoá truyền thống là điều hẳn nhiên không dừng lại được vì thế chúng ta cần cập nhập và tìm cách thay đổi cho phù hợp chứ không cứ có mỗi “Dạ cổ hoài lang” mà bắt mọi thế hệ phải nghe hoài.
Một bạn có đồng quan điểm và cho là ngày xưa đi học, bạn ấy và các bạn bè đều viết tắt cả, có như vậy mới theo kịp bài vở trên lớp, có khi mượn tập bạn về nhà dịch mãi mới ra, nhiều lúc trong bài thi và bài kiểm tra cũng có những lỗi viết tắt.

Có bạn tích cực hơn và khen cách viết như thế rất hay và độc đáo, vì sau những bài học quá chuẩn và căng thẳng, các bạn trẻ cần có phút sống thoải mái trò chuyện theo quy luật thế giới riêng của mình nhưng bạn ấy nhấn mạnh chỉ dùng trong thế giới mạng thôi nên cũng không ảnh hưởng gì lắm. Phần lớn các bạn trẻ đều hiểu rằng việc lạm dụng là điều không tốt nhưng lại thừa nhận việc sử dụng tiếng lóng đã thành thói quen nên khó bỏ. Ngôn ngữ đi liền với văn hoá. Khi nào văn hoá teen vẫn còn tồn tại, thì ngôn ngữ @ vẫn được duy trì. Nó có thể biển đổi đôi chút cho phù hợp với thời điểm mà thôi. Sự phát triển của ngôn ngữ mạng là một sự kiện hiển nhiên không thể ngăn cản hay cấm đoán được. Có người tỏ ra rất khó chịu khi phải tiếp xúc với lối viết này và đề nghị các diễn đàn ra điều lệ cấm nhưng các em trả lời rằng nếu bây giờ "cấm hoàn toàn ngôn ngữ teen, đảm bảo sẽ có rất nhiều em cảm thấy bị ức chế, vì chẳng biết truyền đạt ý kiến thế nào cho hợp ý."

Với một ý kiến ôn hoà hơn, chúng ta có thể thấy một bạn không đặt vấn đề "nên hay không nên sử dụng?", mà là "sử dụng lúc nào và như thế nào?", tức là “nên sử dụng tùy nơi và tùy lúc” . Vì các em đã bị thói quen dẫn dắt, thiếu ý thức đến độ dùng Ngôn Ngữ Mạng trong các bài luận văn hay bài thi của mình mà không hay. Nếu để ý ta còn tìm thấy rất nhiều tiếng lóng được các em dùng như thứ tiếng Việt hàng ngày ở đời thường, trong nhà, trường học và các nơi công cộng. Các bản tin được các phóng viên ghi lại cũng nghe lổn nhổn những tiếng lóng. Trong những bộ phim truyền hình có đề tài về giới trẻ chúng ta thấy các diễn viên đối thoại chan chát những tiếng lóng.

Ở Hoa Kỳ và thế giới toàn cầu đã nổ ra các cuộc tranh luận tương tự. Một nữ sinh khi điền đơn tìm việc làm, vì thói quen em đã dùng ngôn ngữ mạng mà không biết. Vấn đề ngày càng nan giải, khi các giáo sư ở Mỹ có chính sách khuyến khích các em dùng blog để viết bút ký hay tập viết văn cho Anh ngữ các em được khá hơn. Nhưng các em lại vướng mắc vào lối viết tắt làm hư ngữ phạm, từ vựng và cả phép chấm câu nữa.

Thêm nữa, việc các hãng điện thoại vì cạnh tranh thương trường đã cho khách hàng dùng một số lượng text message miễn phí hay chỉ tính một lệ phí rất nhỏ làm khách hàng dùng text message thường xuyên hơn. Text message và Chat room biến thành một phương tiện truyền thông rẻ tiền khiến lối viết tốc ký càng được tận dụng. Hậu quả là các em trở nên lười hơn khi viết theo lối viết truyền thống. Nguy hại hơn nó còn có thể ảnh hưởng đến việc đau cổ và bàn tay trong tương lai khi nói bằng tay quá nhiều thay vì nói chuyện mặt đối mặt hay dùng điện thoại. Khi vấn đề được nêu ra các em đều nhìn nhận thói quen dùng ngôn ngữ mạng đã làm hư tính truyền thống của ngôn ngữ nhưng nếu được các giáo sư hay phụ huynh nhắc nhở hay nghiêm khắc chỉ bảo thì các em sẽ ý thức được sự sai lầm của mình mà sửa đổi.

Như thế chúng ta rút ra được một quan điểm trung hòa là không nên đả phá, chỉ trích hay lên án gay gắt, cấm đoán các em trong việc dùng tiếng lóng hay ngôn ngữ mạng. Vì tiếng lóng hay Chat Ngữ chỉ có tính lâm thời và bất ổn định. Nó chỉ nên dùng trong một phạm vi hạn chế mà thôi. Nếu các em lúc nào cũng ý thức được việc sử dụng đúng lúc, đúng nơi thì việc sử dụng nó không còn là vấn đề với các em nữa. Vai trò của các thầy cô và phụ huynh trong việc này là một vai trò quan trọng. Các vị nên để ý đến các em nhều hơn khi thấy các em trò chuyện trên mạng hay tin nhắn và nhắc nhở các em về việc không nên dùng Ngôn Ngữ Mạng trong các bài tập, bài viết, bài thi ở trường. Chúng ta không nên phủ nhận sự có mặt của Chat Ngữ như một sự tiến hoá của ngôn ngữ và chúng ta nên đặt lại vấn đề làm sao hội nhập vào đó mà không bị những làn gió độc làm hư, làm tàn hoại văn hoá truyền thống. Có lẽ chúng ta nên trách mình trước khi đổ lỗi cho Ngôn Ngữ Mạng hay các em vì trách nhiệm giáo dục là trách nhiệm của chúng ta, trách nhiệm của gia đình và học đường.

Trịnh Thanh Thủy



Tài Liệu Tham Khảo


-Are You Hip to Chat-Room Lingo? By LaurenBarack
http://findarticles.com/p/articles/m...ent-inner;col1
-Internet slang
http://www.alsindependence.com/Internet_Slang.htm
-Chat Slang and Acronyms used in chat rooms, IM, and email
http://www.web-friend.com/help/lingo/chatslang.html
-Chat Room Slang, Chat Slang Dictionary, Chat Acronyms
http://www.pulpchat.com/faq/faq215.php
-Teen Chat Decoder 5.0.00
http://teen-chat-decoder.parental-co....qarchive.org/
-BONUS: BẢNG "MẬT MÃ @"
A = Cl
B = 3 hoặc ß (ß = Alt+225)
C = (
D = ])
E = F_
G = (¬ (¬ = Alt + 170)
H = †| († = Alt+0134)
I = ]
K = ]<
L = ]_
M = /v
N = ][
O = º (º = Alt + 248 = Alt+0186)
P = ]º
QU = v/
R = Pv
S = §
T = † († = Alt+0134)
U = µ (µ = Alt+230)
V = v
W = v/
X = ><
Y = ¥ (¥ = Alt+157)