Results 1 to 4 of 4

Thread: TRÊN ĐƯỜNG TU HỌC

  1. #1
    Member .GreenRose's Avatar
    Join Date
    May 2009
    Posts
    58

    Default TRÊN ĐƯỜNG TU HỌC

    Cải Biến Hôn Nhân Giúp Cho Sự Tu Hành



    Do sư huynh đồng tu Li, Trung Hoa Lục Ðịa - (Nguyên văn tiếng Anh)




    Theo tư tưởng Khổng giáo, trên con đường tâm linh, trước hết phải tu thân, tề gia, rồi mới trị quốc, bình thiên hạ. Phật giáo cũng nhấn mạnh việc làm lợi ích và khai ngộ chúng sinh. Những người trong gia đình là những chúng sinh đã có duyên với nhau từ nhiều kiếp trước. Vì vậy, gia đình là một môi trường tự nhiên để phát triển về mặt tâm linh.

    Tình thương giữa những người trong một gia đình có sự hiểu biết về tâm linh và cùng lý tưởng giác ngộ không phải là sự ràng buộc. Thay vào đó, tình thương này có thể giúp chúng ta phá bỏ đầu óc hẹp hòi ích kỷ. Tôi luôn luôn cho rằng gia đình là cánh cửa để mở rộng tình thương ra khỏi cá nhân mình; còn công việc làm là cánh cửa để mở rộng trí huệ ra khỏi môi trường tiện nghi của mình. Tình thương và trí huệ là mục đích chính của sự tu hành.

    Về phương diện này, tôi rất may mắn, vì phu nhân tôi rất thông minh và thành công trong sự học hỏi cũng như trong công việc, ngoài ra còn là một người bạn đời rất tận tâm. Tôi đã học được ý nghĩa của tình thương vô điều kiện từ phu nhân, và nàng cũng giúp cho tôi thoát ra khỏi vỏ ốc vị kỷ của mình.

    Vợ tôi là người vô đạo khi chúng tôi bắt đầu gặp gỡ 12 năm trước, lúc còn ở đại học. Thời gian đó, tôi đang thực hành pháp yô-ga bhakti (pháp môn chú trọng về tụng niệm và cầu nguyện). Vài năm sau, tôi bắt đầu theo Thanh Hải Vô Thượng Sư và tu pháp môn Quán Âm. Trong những năm này, tôi cố gắng hướng đời mình về mục đích tâm linh mà không bị vướng vào những hình thức thái quá bên ngoài, để đừng có vẻ kỳ quặc trước mắt vợ tôi. Phải mất 7 năm sau, vợ tôi mới trở thành người trường chay và tu hành. Cuối cùng, nàng thọ Tâm Ấn vào năm 1997.

    Từ khi chúng tôi trở thành đồng tu, không có điều gì thái quá xảy ra. Chúng tôi vẫn yêu thương nhau như trước, và đôi khi vẫn cãi cọ lẫn nhau. Nhưng ánh sáng trí huệ đã từ từ len lỏi vào đời sống của chúng tôi, và thỉnh thoảng, tạo nên những cuộc bàn luận hứng khởi liên quan đến Sư Phụ, đến cuộc đời, những ước vọng v.v... giữa hai chúng tôi. Hiện tại, tình thương gia đình đã trở thành một nguồn hứng cảm cho chúng tôi để tìm sự khai ngộ.

    Ở thời điểm hiện tại trong đời sống, tôi đã nhận thức được rằng, nếu thật sự yêu thương vợ, tôi phải tìm thêm trí huệ và tình thương. Nếu thất bại trong việc tìm trí huệ, tôi có thể đưa nàng đi lạc hướng đến một cuộc đời lẻ loi, hiu quạnh. Nếu thất bại trong việc tìm kiếm tình thương, tôi có thể làm vợ tôi đau buồn, do tính tình không toàn mỹ của mình. Do đó, kinh nghiệm của tôi về gia đình đã giúp rất nhiều trong việc tu hành và ngược lại.

    Ðể kết luận, Khổng Tử nói rằng: "Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa". (Quân tử dù không đồng ý với người, nhưng vẫn hòa thuận. Tiểu nhân dù đồng ý với người, nhưng vẫn bất hòa). Chúng ta nên hòa thuận với người khác, dù cho họ có tu hành hoặc trường chay hay không. Không nên ép người khác phải tức khắc chấp nhận Sư Phụ, và hãy dùng tình thương và trí huệ để đối xử với họ, rồi kiên nhẫn chờ đợi, cho đến khi ngày giờ đến. Ðó là cách tốt nhất để hướng dẫn họ đến việc chấp nhận Sư Phụ, và đạt được giải thoát vĩnh hằng.






    131



  2. #2
    Member .GreenRose's Avatar
    Join Date
    May 2009
    Posts
    58

    Default Re: TRÊN ĐƯỜNG TU HỌC

    Mẫu Mực Tuyệt Hảo Về Tình Yêu Ðôi Lứa -- Tấm Gương của Sư Phụ




    Do sư tỷ đồng tu Ling Gao, Illinois, Hoa Kỳ (Nguyên văn tiếng Anh)




    Tôi thọ Tâm Ấn năm 1995 và giữ đời sống tu hành và độc thân được 5 năm. Trong thời gian đó, cuộc sống tôi rất giản dị, chỉ có học và tu. Ngoài việc học, tôi bỏ tất cả thời giờ rảnh rỗi để tham khảo giáo lý Sư Phụ, thiền định, tham dự cộng tu và đi gặp Sư Phụ bất cứ khi nào có khả năng. Tôi cảm thấy mình tiến bộ và phát triển nhanh chóng, và tôi là một đồng tu Quán Âm sung sướng, độc thân, vô tư lự. Tôi không bao giờ nghĩ đến việc lập gia đình, và thật tình, cũng không hề tưởng tượng rằng trong tương lai mình sẽ lấy chồng.

    Tuy nhiên, trong năm 2000, vào một ngày không dự tính, tôi bất ngờ gặp người chồng tương lai của tôi trên đường đi tới một buổi phỏng vấn việc làm. Có thể nói đây là tiếng sét ái tình. Nhưng đối với tôi, đây là một cuộc gặp lại người tình cũ thì đúng hơn. Chúng tôi cảm thấy hợp nhau tức khắc, lấy nhau sau sáu tháng, và sau đó có con. Dù hôn nhân của tôi xảy ra thật bất ngờ, nhưng tôi không phải là thiếu chuẩn bị. Trong tận cùng tâm khảm, tôi biết rằng đây là con đường tôi đã chọn cho cuộc đời mình: thành công trong cả hai lãnh vực đời và đạo. Tôi muốn thử đẳng cấp tâm linh của mình trong cuộc sống thế tục, và áp dụng trí huệ và hạnh phúc đạt được trong việc tu hành vào đời sống hằng ngày, xem tôi có thể biến nó thành "thiên đàng" được không.

    Chồng tôi không phải là đồng tu, và cũng không thể nói rằng anh hoàn toàn ủng hộ tôi trong việc tu hành. Nhưng anh tôn trọng tín ngưỡng của tôi, chấp nhận việc tôi tu hành, đủ cho tôi được tự do tiếp tục con đường đạo. Tôi cũng chu toàn bổn phận của mình, đôi khi bỏ cộng tu để đi thăm cha mẹ chồng với anh vào những ngày nghỉ cuối tuần. Thỉnh thoảng, tôi cũng đi nhà thờ với chồng cho anh biết tôi hoàn toàn kính ngưỡng Giê-Su Ki-Tô, dù tôi không phải là người Thiên Chúa Giáo. Tôi cũng đối xử tốt với bạn bè của chồng tôi mỗi khi họ đến thăm, cho anh thấy tôi không chống đối sự giao tiếp với người ngoài, dù rằng bạn của tôi hầu hết đều là đồng tu.

    Từ khi lập gia đình, tôi đã xem đời sống thế tục và việc tu hành quan trọng như nhau. Thật ra, tôi thấy rằng mình cần phải chú ý đồng đều cả hai để mọi việc trôi chảy, tốt đẹp hơn. Tu pháp Quán Âm cho tôi niềm hạnh phúc và hứng khởi bất tận bên trong, do đó đã tạo nên ảnh hưởng tốt và làm đẹp thêm hạnh phúc hôn nhân. Mối tình sâu đậm của vợ chồng tôi đã khiến tôi cảm thấy yên tâm tu hành. Tuy nhiên tôi biết rằng nếu chỉ tập trung vào một khía cạnh cuộc đời, tôi sẽ dần dần làm hỏng cả hai.

    Nếu biết điều hành hai phương diện tâm linh và thế tục trong cùng một lúc, chúng ta sẽ không có trở ngại gì cả giữa hôn nhân và tu hành. Tu hành nhất tâm bất loạn trở thành một việc giản dị, nhưng trong phạm vi hôn nhân cần phải có thêm một vài phẩm tính, như khả năng giao tế, làm việc nhà nhanh chóng, biết sống thơ mộng v.v... Thật ra, Sư Phụ đã dạy chúng ta mọi chi tiết để đạt được những khả năng này trong các bài thuyết giảng của Ngài.

    Tuy nhiên, tôi học hỏi từ tấm gương sống của Sư Phụ nhiều hơn là từ những lời giảng. Sư Phụ không bao giờ che dấu giọt lệ, tiếng cười; Ngài ôm người khác để bày tỏ lòng thương mến, cho chúng ta biết rõ những gì Ngài thích hoặc không thích, và luôn luôn ăn mặc xinh đẹp để làm vui mắt chúng ta. Ngài không bao giờ nói: "Tôi bỏ cuộc" và không bao giờ bỏ rơi chúng ta một mình ở đời này, dù cho hoàn cảnh của Ngài có khó đến đâu. Cách Ngài đối xử với đệ tử, trong tình thương và kiên nhẫn, cho chúng ta một tấm gương tuyệt hảo để biết cách đối xử với người bạn đời mình.





    131

  3. #3
    Member .GreenRose's Avatar
    Join Date
    May 2009
    Posts
    58

    Default Re: TRÊN ĐƯỜNG TU HỌC

    Người Trợ Giáo Tâm Linh




    Do sư huynh đồng tu Sunny, San francisco, California, Hoa Kỷ - (Nguyên văn tiếng Anh)




    Sáng nay, vợ tôi hết sức vui mừng, vì nàng đã thành công trong việc giữ không cho tôi đến dự thiền nhất hằng tuần tại Trung Tâm. Nàng cố tình để tôi hiểu lầm rằng hôm nay là thứ sáu, do đó đã khiến tôi lỡ mất cuộc thiền ngày thứ bảy!

    Dù vợ tôi tu pháp Thiền Phương Tiện, tư tưởng của chúng tôi về đời sống hoàn toàn khác nhau. Thí dụ như, nàng luôn luôn muốn tôi hết sức chú tâm vào công việc, nhưng tôi không chú tâm đến việc kiếm tiền như trước thời gian tu pháp Quán Âm. Theo ý nàng, quan điểm này của tôi thật đáng chán, vì vậy nàng thường mắng mỏ tôi. Dù rằng tư tưởng của hai chúng tôi khác nhau, do tôi tu pháp Quán Âm, chúng tôi vẫn sống hòa hợp với nhau.

    Mỗi ngày, vợ tôi hay "khảo" tôi trong mọi mặt của đời sống. Và nếu tôi còn giữ bản ngã vì bất cứ lý do gì, nàng lập tức biến thành "địa ngục" của tôi. Nhưng nếu tôi thực hành giáo lý Sư Phụ vững vàng và thành công, nàng cho phép tôi được ở Thiên đàng một thời gian. Qua sự huấn luyện của nàng, tôi đã học tha thứ, và thể nghiệm được cách yêu thương kẻ thù. Nàng chọn tôi làm bạn đời, và cuối cùng đã trở thành người huấn luyện tâm linh của tôi mà không cần thẻ! Nàng đóng góp rất nhiều cho việc tu hành của tôi, và cũng chịu đau khổ trong khi đóng vai trò trợ giáo cho tôi. Tôi giả định rằng, cách nàng đối xử với tôi cũng giống như cách Sư Phụ huấn luyện các vị xuất gia tại Miaoli. Ðôi khi, tôi nghĩ rằng nàng được Sư Phụ đưa đến để giúp tôi phát triển trên đường về Nhà. Khi nhận ra điều này, thay vì than thở, tôi thật sự tán thưởng nó.

    Dù chưa muốn thọ Tâm Ấn, nàng vẫn vui vẻ nấu thức ăn chay cho tôi. Nàng cũng thành tâm ủng hộ sự tu hành của tôi, ngày càng nhiều. Sự thay đổi thái độ của nàng lúc gần đây đã khiến tôi thật sự kinh ngạc, vì tôi không bao giờ nghĩ rằng một người cứng đầu như nàng lại có thể trở thành một người ăn chay, sau khi nàng mới gắn hàm răng giả.

    Một thời gian ngắn ngủi trước, nàng thể nghiệm được cảm giác "vãng sinh", khi 19 cái răng của nàng bị nhổ bỏ trong cuộc giải phẫu. Từ đó, thái độ nàng về đời sống đột nhiên thay đổi, và nàng bắt đầu thích học hỏi tâm linh.

    Tôi biết nàng đang được Sư Phụ nâng cao tâm thức, và tôi nhớ Ngài có nói: "Một em bé sơ sinh không thể chạy được!" Mỗi người có một đẳng cấp và thời điểm riêng, và tôi nghĩ sớm muộn gì, vợ tôi cuối cùng sẽ bước vào con đường tôi đang theo.

    Ngay từ những ngày đầu tiên, tôi đã đối xử với vợ bằng tình thương Sư Phụ. Và bà đã thay đổi rất vi tế mà tôi không hay. Thỉnh thoảng, tôi cảm thấy rất nản chí, đến nỗi muốn bỏ cuộc đối với bà, nhưng lòng tin vào giáo lý Sư Phụ đã thắng được tư tưởng phủ định trong tâm. Tôi đã thể nghiệm được lực lượng vĩ đại của tình thương vô điều kiện, và thật sự tin tưởng rằng, vợ tôi là sứ giả của Thượng Ðế, được gửi đến để dạy tôi bài học tâm linh. Từ nàng, tôi đã học được lòng từ bi tha thứ, cũng như sự quan trọng của tính kiên nhẫn và chờ đợi. Vì tin tưởng mãnh liệt vào luật nhân quả, tôi tin rằng sự khảo nghiệm dữ dội mà tôi chịu đựng từ nàng trong kiếp này là để trả nợ, với tiền lời, cho những điều tôi đã thiếu nàng từ nhiều kiếp trong quá khứ. Với sự hiểu biết này, tôi khám phá được rằng tha thứ bất cứ ai, kể cả kẻ thù, xét cho cùng, thật ra cũng không khó lắm!





    131

  4. #4
    Member .GreenRose's Avatar
    Join Date
    May 2009
    Posts
    58

    Default Re: TRÊN ĐƯỜNG TU HỌC

    BÀI HỌC HÔN NHÂN




    Do sư huynh đồng tu Ðức Vũ Indiana, Hoa Kỳ (Nguyên văn tiếng Anh)




    Thời gian mới lớn cũng như những năm còn trẻ, tôi có rất nhiều bạn gái, nhưng vẫn tiếp tục đợi một người tình lý tưởng, một người "bạn linh hồn" thơ mộng theo đúng như những ước nguyện và tưởng tượng của tôi. Tuy nhiên, dù trải qua bao lần hẹn hò gặp gỡ, tôi chưa hề cảm nhận được tình yêu trong tim, mà chỉ muốn thỏa mãn cái "ta" đàn ông của mình mà thôi.

    Tôi biết chút đỉnh về tử vi, và năm 30 tuổi, tôi gặp một người con gái (vợ tương lai của tôi) có sao "Hồng Loan" chiếu mệnh có nghĩa là "phẩm chất đẹp bên trong", cùng nhiều sao khác cho biết chúng tôi sẽ trở thành chồng vợ! Do đó, hai năm sau chúng tôi lấy nhau. Nhưng tiếc thay, không bao lâu thì chúng tôi bắt đầu có chuyện! Những xáo trộn trong gia đình, nhiều chuyện đau lòng, bực bội xảy ra. Hoàn cảnh càng tệ hại hơn nữa sau khi chúng tôi có hai đứa con. Tư tưởng chúng tôi khác biệt rất nhiều bởi tính tình, sở thích, sinh trưởng trong những hoàn cảnh khác nhau v.v... chúng tôi hoàn toàn trái ngược! Tuy sống chung, nhưng xa xôi như hai thế giới. Sau 10 năm phấn đấu cho hôn nhân đừng đổ vỡ, chúng tôi tìm được một mục đích chung: Thanh Hải Vô Thượng Sư! Cả hai chúng tôi đều yêu mến Ngài và tha thiết muốn tu hành. Một năm sau, cả gia đình tôi thọ pháp.

    Sư Phụ đến với gia đình chúng tôi, sưởi ấm những con tim đau khổ. Kể từ đó, Ngài luôn luôn là động lực thúc đẩy phía sau, dạy chúng tôi chịu đựng, kiên nhẫn và tha thứ lẫn nhau. Qua nhiều thể nghiệm tu hành, Pháp Môn Quán Âm đã giúp bản ngã chúng tôi dịu xuống, phát triển tình thương yêu bác ái và một tấm lòng thông cảm, khiến vợ chồng chúng tôi gần gũi nhau hơn. Có một hôm, tôi nằm mơ thấy vợ tôi khăn gói bỏ nhà đi. Lòng tôi bỗng nhiên buồn bã, và tình thương dâng lên trong tim. Tôi gọi nàng trở lại. May mắn thay, nàng trở về! Sư Phụ đã làm sống dậy tình yêu trong tim tôi; bầu không khí gia đình từ từ vui tươi, yêu thương và hòa thuận nhau hơn. Một câu nói đùa nhưng khá sâu sắc, rằng nếu không nhờ hôn nhân thì có lẽ đàn ông suốt đời nghĩ rằng họ không bao giờ có lỗi!!

    Cuối cùng, tôi nhận thấy hôn nhân quả thật là một trường học, trong đó tôi tập thương người khác mà từ trước tới giờ tôi không biết. Thiền quán ánh Sáng và Âm Thanh dạy dỗ tôi từ bên trong khiến cuộc đời tôi thay đổi mỗi ngày. Hồi tưởng lại 10 năm trước khi tu pháp Quán Âm, tôi không thể tưởng tượng nổi con người tôi hồi đó. Giờ đây tôi hiểu rằng không có hôn nhân nào là "toàn mỹ", và không có hôn nhân nào mà không cần phải xây dựng thường xuyên. Hôn nhân là một phần quan trọng trong sự phát triển tâm linh, một nền tảng vững chắc để bước lên bậc thang tu hành hướng về sự giác ngộ hoàn toàn, và cũng là điều mà chúng ta cần phải cải thiện, thay vì đòi hỏi nó phải theo đúng ý mình. Tôi nhận thức được rằng đàm luận với nhau để hiểu nhau luôn luôn là điều quan trọng nhất hầu có một sự hài hòa hợp tác giữa đôi bên, vì lỗi lầm thông thường nhất giữa vợ chồng tôi là một người hay "đoán" hoặc tự ý "diễn dịch" điều người kia nghĩ, nói, hoặc làm.

    Năm 1998, tôi viết bài thơ dưới đây như để nối lại lời thề ước với vợ tôi. Xin tặng tất cả những người chồng đã từng có con tim "gỗ đá" như tôi.








    131

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts