Results 1 to 2 of 2

Thread: Thi hào Nguyễn Du viết Truyện Kiều khi nào?

  1. #1
    Senior Member Sóng Ngầm's Avatar
    Join Date
    Nov 2006
    Posts
    129

    Default Thi hào Nguyễn Du viết Truyện Kiều khi nào?

    Thi hào Nguyễn Du viết Truyện Kiều khi nào? - PGS Lê Thanh Lân (TPO)

    Nguyễn Du http://www.thivien.net/viewauthor.php?ID=81
    Truyện Kiều http://www.thivien.net/viewpoemgroup.php?ID=20
    Ban đầu người ta tin rằng Truyện Kiều được viết vào khoảng 1813 đến 1820 vì hiểu chữ “hành thế” trong câu: “Du trường ư thi, vưu thiện quốc âm, Thanh sứ hoàn, dĩ Bắc hành thi tập cập Thúy Kiều truyện hành thế” ở Đại Nam chính biên liệt truyện là sáng tác.
    Thực ra “hành thế” chỉ có nghĩa là lưu truyền trong đời, tức là được mọi người biết đến. Vả lại, “tận tín thư, bất như vô thư”, không nên quá tin vào sách, GS Đào Duy Anh  http://dongtac.net/spip.php?article260 viết “sách Liệt truyện, tuy là quốc sử, cũng không đủ cho ta tin” (xin xem sách của Đào Duy Anh: Khảo luận về Truyện Thuý Kiều, 1958).
    Bởi vì ở đó tên các sách Thuý Kiều truyện và Bắc hành thi tập chỉ là tên gọi tục; chính xác thì hai áng văn này phải được gọi là “Đoạn trường tân thanh” và “Bắc hành tạp lục” http://www.thivien.net/viewpoemgroup.php?ID=25

    Rất nhiều bằng cứ cho thấy Truyện Kiều được viết trước đó rất lâu.

    Chúng tôi sẽ dẫn những bằng cứ này ngược dòng thời gian lùi sâu vào quá khứ.

    Học giả Hoàng Xuân Hãn http://vietsciences.free.fr/vietnam/...angxuanhan.htm có nhắc đến Phạm Quý Thích http://www.thivien.net/viewauthor.php?ID=293 là người đầu tiên đề thơ về Kiều trên đường vào Kinh. Ông Vũ Thế Khôi (Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi http://www.hannom.org.vn/default.asp?CatID=327 -Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây- nguyên Trưởng khoa Tiếng Nga trường ĐH Ngoại ngữ, nay là ĐH Hà NộI) cho biết bài “Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường…” http://www.thivien.net/viewpoem.php?ID=2597 thật ra có tên là “Thính Đoạn trường tân thanh hữu cảm” có trong tập “Lập Trai tiên sinh di thi tục tập”, ký hiệu A 2140.

    Mới đây, Hà Thị Tuệ Thành (Khoa Ngôn ngữ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), tiếp tục công việc của ông Vũ Thế Khôi, tìm thấy bài này trong Lập trai Phạm tiên sinh thi tập, kí hiệu A-400 và qua đó xác định được Phạm Quý Thích viết bài thơ này vào năm 1811 (xin xem bài tham luận tại Hội thảo Quốc tế về chữ Nôm, Huế, 31/5 đến 2/6/2006). Truyện Kiều phải được viết trước đó.

    Học giả Hoàng Xuân Hãn đã cho biết: Nguyễn Lượng (hiệu Châu Sơn Tiều Lữ, còn có hiệu là Châu Giang sau này sẽ cùng Vũ Trinh là hai người đầu tiên bình Kiều”) bị chết vào khoảng 1807. Vì có sự phê bình của ông ấy nên biết rằng Truyện Kiều được viết vào đầu đời Gia Long hoặc trước đời Gia Long (xin xem tạp chí Văn học, số 3-1997). PGS Ngô Đức Thọ http://www.hannom.org.vn/default.asp?CatID=428 thấy “Đại Nam nhất thống chí” viết Nguyễn Lượng bị chết năm 1807 đúng như Học giả Hoàng Xuân Hãn nói.

    Liên quan đến Nguyễn Lượng, gần đây Phan Thanh Sơn và Hà Thị Tuệ Thành nhận thấy trong lời bình bằng chữ Hán của ông có bốn chữ “bách chủng hoan ngu”. Chắc chắn ông không dám viết chữ CHủNG vào thời Nguyễn vì vào năm 1803 Gia long đã có lệnh cấm dùng chữ CHỦNG, khi viết phải thay bằng chữ THỰC (xin xem tạp chí Văn hóa Nghệ An số 71, 25/2/2006).

    Trương Chính nhận xét rằng trong Truyện Kiều có những câu “nghịch ngôn” như:

    “Bó thân về với triều đình / Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu?”

    “Chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” (xin xem tạp chí Văn học số 6 (12/1963).

    Những câu này chỉ có thể được sáng tác trước thời Nguyễn.

    Ông Nguyễn Khắc Bảo http://www.hannom.org.vn/default.asp?CatID=412 nhận thấy bản “Liễu Văn Đường” 1871 còn sót các chữ đáng lẽ phải kiêng dưới thời Nguyễn. “Câu 853: Tuồng chi là giống hôi tanh. Câu 1310: Thang lan rủ bức trướng hồng tẩm hoa.

    Câu 2750: Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày. Trong đó những chữ Chủng là tên vua Gia Long hồi nhỏ, và chữ Lan là tên mẹ cả của vua Gia Long tức Huy Gia từ phi” (xin xem tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 6 (56) 2000).

    Đến nay, hầu như ai cũng thừa nhận: Truyện Kiều được hoàn thành trước tiên; sau đó Nguyễn Thiện (1763 - 1818, nhà thơ Việt Nam, Quê: làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) http://dictionary.bachkhoatoanthu.go...3JkPQ==&page=8 theo văn Kiều mà nhuận sắc “Hoa tiên”, và cuối cùng Nguyễn Huy Hổ (hiệu: Liên Pha; 1783 - 1841, nhà thơ Việt Nam, Quê: huyện La Sơn, nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) http://dictionary.bachkhoatoanthu.go...3JkPQ==&page=8 theo văn Hoa tiên mà viết “Mai đình mộng ký”. Tác phẩm sau cùng hoàn thành vào năm 1809.

    Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn http://ngonngu.net/index.php?p=46 đã chứng minh rằng “Hoa tiên”, tác phẩm thứ hai được nhuận sắc trong khoảng mười năm cuối thế kỷ 18. Trong Hoa tiên có bài thơ chữ Hán trong đó có chữ CHỦNG, tên của Gia Long (xin xem báo Văn nghệ, số 22).

    Đây chính là một lý do để ta tin rằng Truyện Kiều, tác phẩm thứ nhất phải được viết trước việc nhuận sắc Hoa tiên vài năm.

    Trước đây, nhiều người cho rằng nhờ chuyến đi sứ Nguyễn Du mới được tiếp xúc với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân để sau đó viết Truyện Kiều. Điều này không đúng.

    Có nhiều giả thuyết về thời điểm Kim Vân Kiều truyện vào nước ta: học giả Hoàng Xuân Hãn đoán rằng có thể do Nguyễn Nễ (có tên là Đề và là anh ruột Nguyễn Du) hoặc Đoàn Nguyễn Tuấn (anh vợ Nguyễn Du) cùng đi sứ thời Tây Sơn, khoảng 1792-1793 mang về.

    PGS Thạch Giang http://www.hannom.org.vn/default.asp?CatID=148 lại cho rằng, có thể trong chuyến đi sứ năm 1763, Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (hiệu: Thạc Đình; 1713 - 89, nhà thơ Việt Nam; Quê: làng Trường Lưu, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn (nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) http://dictionary.bachkhoatoanthu.go...yVhMW5o&page=1 / http://forum.hatinhonline.com/index.php?showtopic=6432 đã mang “Hoa tiên” và “Kim Vân Kiều truyện” từ Trung Quốc về tàng trữ tại Phúc Giang thư viện.

    Nhờ đó Nguyễn Huy Hổ có điều kiện đọc Hoa tiên, Nguyễn Du do lui tới Phúc Giang thư viện học tập, nấu sử sôi kinh sớm được đọc Kim Vân Kiều truyện để sáng tác Truyện Kiều.

    Song, điều này thì chắc chắn: ở truyện “Liên Hồ quận quân” trong cuốn “Lan Trì kiến văn lục”, viết vào khoảng 1793-1794 của Vũ Trinh, có câu: “Thúy Kiều gieo mình sông lớn”.

    Trước năm 1794 Vũ Trinh đã biết đến Kim Vân Kiều truyện. Chắc chắn, Nguyễn Du đã được tiếp cận với Kim Vân Kiều truyện không muộn hơn Vũ Trinh (theo Nguyễn Hoàng Sơn, báo Văn nghệ, số 35+36, 2/9/2004)...

    Những chứng cứ trên cho phép ta hình dung:

    Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân đã vào nước ta vào những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ 18. Nhờ đó Nguyễn Du sớm được đọc và theo đó mà viết Truyện Kiều. Nguyễn Thiện theo văn Kiều mà nhuận sắc Hoa tiên vào mười năm cuối thế kỷ 18.
    Nguyễn Huy Hổ theo văn Kiều và văn Hoa tiên mà viết Mai đình mộng ký, hoàn thành vào năm 1809. Như thế Truyện Kiều xong trước việc nhuận sắc Hoa tiên nên phải được viết vào những năm cuối đời Lê đầu đời Tây Sơn, trùng với kết luận của GS Nguyễn Tài Cẩn rút ra được từ việc phát hiện chữ húy thời Lê - Trịnh trong một số bản Kiều Nôm.
    PGS Lê Thanh Lân (TPO)

  2. #2
    Senior Member Sóng Ngầm's Avatar
    Join Date
    Nov 2006
    Posts
    129

    Default Re: Thi hào Nguyễn Du viết Truyện Kiều khi nào?

    Về các căn cứ để xác định thời gian Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều

    Nguyễn Thế Quang



    Việc xác định thời gian Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều có ý nghĩa lớn trong việc tìm hiểu tác giả cũng như giá trị tác phẩm. Đến nay chúng ta chỉ gặp được một tư liệu trong Đại Nam liệt truyện do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn: “Du rất giỏi về thơ và thơ Quốc âm rất hay, khi sang sứ nước Thanh về có tập thơ Bắc hành và truyện Thuý Kiều lưu hành ở đời”. Nhiều người tin theo điều đó. Thế nhưng từ năm 1943, sau khi ông Hoa Bằng công bố Tựa Kim Vân Kiều án của Nguyễn Văn Thắng, học giả Đào Duy Anh đã đặt lại vấn đề thời gian sáng tác Truyện Kiều. Sau đó các nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Hãn, Thạch Giang, Trương Chính, Vũ Đức Phúc, Đào Thái Tôn, Nguyễn Quảng Tuân và gần đây nhất, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn có hàng loạt bài bàn về vấn đề này và các ý kiến vẫn chưa thống nhất. Bạn đọc rất quan tâm đến vấn đề đó. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin nêu một vấn đề: Tính chính xác của các căn cứ chủ yếu mà một số nhà nghiên cứu đã nêu lên.

    1. Ý kiến của học giả Đào Duy Anh: Trong bài “Nguyễn Du viết Đoạn trường tân thanh vào lúc nào” (Báo Thanh nghị số 32, tháng 3-1943) học giả đưa ra hai căn cứ.

    a. Căn cứ thứ nhất “Sách Liệt truyện nói rằng Nguyễn Du đi sứ về thì có Bắc hành thi tập và Thuý Kiều truyện hành thế. Nhưng sách Liệt truyện sơ tập soạn ở đời Tự Đức, sau năm Tự Đức thứ 5, tức là sau khi Nguyễn Du mất đến 30 năm cũng có thể chép sai được (Thực lục cùng có chỗ chép sai, huống là Liệt truyện)”.

    - Sách Đại Nam liệt truyện do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn. Đây là cơ quan có nhiều tài liệu về quan chức triều Nguyễn trong đó có tài liệu gốc về Nguyễn Du: Thư từ riêng, một số ghi chép như dạng nhật ký, đặc biệt có một bản thảo Truyện Kiều với những chỗ xoá chữ này thay chữ kia (theo Cụ Nguyễn Đình Ngân - Giám đốc Văn hoá Viện Trung Bộ). Cơ quan Quốc sử quán gồm những người có học vấn cao, làm việc nghiêm túc, khi viết tiểu sử, hành trạng, tính cách của quan chức họ “tham bộ, khảo sát, đính chính”, “tìm lấy nguyên nhân từ trước, cốt yếu về sau, việc xét đúng.” Cơ quan đó viết sau khi đi sứ về Nguyễn Du có Truyện Kiều chắc là có cơ sở. Một bộ sách viết về tiểu sử hàng trăm nhân vật từ vua chúa đến quan lại tất nhiên không tránh được một số sai sót. Thế nhưng cho rằng “Thực lục có chỗ chép sai” để rồi cho ý kiến trên của Liệt truyện sai là một quy nạp không đầy đủ, thiếu chính xác.

    b. Căn cứ thứ hai: Lời của Nguyễn Văn Thắng trong bài “Tựa Kim Vân Kiều án... Kịp đến Quan Đông Các nước ta phu diễn ra Quốc âm”. Học giả cho rằng Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều lúc làm Đông các học sĩ (1805-1809).

    Căn cứ này cũng không chính xác. Khi Nguyễn Du mất, Nguyễn Văn Thắng mới 18 tuổi. Trong chế độ phong kiến việc phong chức cho ai không có phương tiện thông tin đại chúng, không có văn bản bố cáo cho toàn dân thì liệu cậu thanh niên “Lênh đênh giang hồ mây trôi bèo dạt” này có hiểu kỹ con đường quan lộ của Nguyễn Du không? Không hiểu thời đó có quy định nào chỉ ghi tên chức vụ tác giả đúng theo lúc tác phẩm ra đời, hay Nguyễn Văn Thắng cẩn thận đến thế? Nếu con người cẩn thận đến vậy, sao lại đếm Đoạn trường tân thanh chỉ có một 1575 câu? Dựa vào bản “có khắc nhiều chữ sai lầm” chỉ lấy một chi tiết đó mà vội cho rằng Nguyễn Du viết Truyện Kiều khi làm Đông các học sỹ đã đúng chưa? Về việc này tôi thấy học giả Hoàng Xuân Hãn có một lý giải rất đáng chú ý: “Ông ấy gọi Cụ Nguyễn Du là Hầu Đông các chứ không nói là Hầu Cần chánh” cái titre, Cần chánh là Vua Gia Long cho Cần chánh học sĩ để mà đi sứ. Lúc đi sứ, người ta thường cho một cái titre cao hơn titre thường, nhưng ra ngoài người ta chỉ biết chức Hầu Đông các”(1).

    Như vậy căn cứ này của học giả Đào Duy Anh cũng không chính xác.

    2. Ý kiến của học giả Hoàng Xuân Hãn: Trở lại bài “Học giả Hoàng Xuân Hãn nói về Truyện Kiều”, chúng tôi lần lượt trao đổi về các căn cứ mà Cụ Hoàng nêu ra.

    a. Căn cứ thứ nhất: học giả cho rằng Đoạn trường tân thanh “Có những lời phê bình của hai người là ông Vũ Trinh và ông Nguyễn Thành hai người bạn của Cụ Nguyễn Du. Nhưng hai người bạn ấy chỉ có thể là bạn trong cái đời trốn tránh Tây Sơn. Sự phê bình có phần chắc là đời Tây Sơn, trước đời Gia Long nữa...

    - Tại sao có thể cho rằng họ “Chỉ có thể là bạn trong cái đời trốn tránh Tây Sơn?”. Dưới thời Tây Sơn, Vũ Trinh không chịu ra làm quan trốn ẩn ở Bắc Ninh, Nguyễn Du phải trốn tránh khắp nơi ở Thái Bình, sau chạy về Tiên Điền, họ có thể gắn bó đến mức nào? Còn thời Gia Long, Vũ Trinh và Nguyễn Du đều làm quan trong triều, tính đến lúc Vũ Trinh bị giam tháng 2-1816 thì hai người này ít nhất có 7-8 năm (1805-1809, 1813-1816) cùng làm việc ở Huế, họ không thể làm bạn với nhau được ư? Ý kiến trên của học giả không đúng.

    b. Căn cứ thứ hai: Cái thứ hai là ông Vũ Trinh sống lâu nhưng ông ấy đã bị tội trong đời Gia Long rồi, bị tội vì Nguyễn Văn Thành. Ông Nguyễn Thành là Tri phủ, hình như tri phủ Yên Trường, tức là vùng Ninh Bình bây giờ bị chết vào độ 1807 thì phải, nếu tôi nhớ không lầm.

    - Vũ Trinh bị tội vào tháng 2 năm 1816, nếu Nguyễn Du viết Truyện Kiều sau khi đi sứ về (tháng 4-1814) thì Vũ Trinh vẫn có thể viết lời bình chứ sao? Còn Nguyễn Thành là ai, ở đâu, chết lúc nào, học giả không có tư liệu chính xác mà chỉ nhớ “hình như” thì làm sao người đọc tin ở chứng cứ này được. Ở một số tài liệu khác cho biết người viết lời bình cùng Vũ Trinh là Nguyễn Lượng chứ không phải là Nguyễn Thành, và Nguyễn Lượng mất năm 1817(2).

    Từ căn cứ không cụ thể trên đây học giả cho rằng Truyện Kiều “được viết đầu đời Gia Long hoặc trước đời Gia Long. Tôi chắc cũng không phải đời Gia Long, bởi vì đời Gia Long Cụ Nguyễn Du đã bị gọi ra làm quan, tri phủ Thường Tín hay tri phủ gì ở ngoài Bắc. Lúc đã ra làm quan rồi thì không có thì giờ ngồi viết Kiều”. Đây cũng là một suy luận rất không thực tế. Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Nguyễn Trãi, Nguyễn Gia Thiều... viết các tác phẩm của mình đều vào thời gian làm quan đấy chứ!.

    c. Căn cứ thứ ba: Học giả nêu thêm một chứng cứ lớn: Cụ Phạm Quý Thích đề từ Truyện Kiều. Căn cứ vào bài thơ này học giả cho rằng: “Có một tập Cụ kế chuyện đi từ Bắc vào Huế vì Vua Gia Long mời Cụ ra làm quan”. Cụ làm bài thơ trên “Tôi nhớ như đầu đời Gia Long 1805-1806 quãng ấy”.

    - Chỉ mới “nhớ như” Như vậy mà học giả lấy đó làm căn cứ thì cũng khó tin. Các tài liệu về Phạm Quý Thích đều ghi Cụ vào kinh năm 1811, Cụ không vào kinh năm 1805-1806. Còn lúc Gia Long lên ngôi Cụ được triệu đến giao cho chức “Thị trung học sĩ ” ở Bắc Thành hay Phú Xuân hiện chưa có tài liệu nào khẳng định. Bài đề từ Truyện Kiều nằm trong “Hoa đường nam hành thi tập” gồm 307 bài thơ vịnh cảnh vào kinh đô Huế, tặng bạn bè, thuật hoài, mừng viếng... Tập thơ và bài thơ viết thời gian nào chưa xác định được. Ông Nguyễn Quảng Tuân thì cho rằng không có tài liệu nào nói Phạm Quý Thích đề từ Truyện Kiều trên đường vào kinh. Vậy thì căn cứ này cũng chưa đủ độ tin cậy.

    Như vậy, căn cứ của học giả Hoàng Xuân Hãn nêu trên không phù hợp với thực tế, chưa được chính xác, không có sức thuyết phục.

    3. Ý kiến của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn: Mấy năm gần đây, giáo sư đã dày công nghiên cứu các văn bản Truyện Kiều và có nhiều bài viết xác định thời gian sáng tác Truyện Kiều: “Về bản Kiều Thái Bình” (Tạp chí Hán Nôm, 6-2004), “Thử tháo gỡ một số điểm đáng băn khoăn trong các bản Kiều Nôm cũ” (Nghiên cứu Văn học, số 3-2005), “Lịch sử Truyện Kiều về khoảng 900 câu khởi thảo đầu tiên” (Nghiên cứu văn học, số 11-2005). Giáo sư dựa vào niên đại Cảnh Hưng 40 (1779); dựa vào khảo sát ngôn từ Giáo sư cho là kị huý cùng với cách dùng từ địa phương mà cho rằng Nguyễn Du viết Truyện Kiều trước đời Gia Long (1802) trải qua nhiều giai đoạn “Giai đoạn thai nghén bắt đầu bằng việc tóm lược toàn bộ cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân khoảng 1779, giai đoạn khởi thảo 900 câu đầu tiên khoảng 1783-1785, giai đoạn hoàn thành cơ bản diễn âm tại quê hương vợ ở Thái Bình 1787-1790, giai đoạn tổng duyệt và sửa chữa tại vùng quê Tiên Điều khoảng 1796-1802...”.

    Tôi đã có bài trao đổi về ba bài này(3) ở đây tôi chỉ tóm tắt về sự không thể chính xác của các căn cứ trên.

    a. Căn cứ thứ nhất: Về niên đại ghi ở hai cuốn sách,. Căn cứ thông tin của Giáo sư Nguyễn Thạch Giang thấy cuốn “Vương Thuý Kiều truyện - Cổ Hoan Nghi Tiên, Nguyễn gia tàng bản” chép năm Cảnh Hưng 40 (1779) ở nhà Cụ Tôn Thất Hân, và cuốn Kiều ở Thái Bình ngoài bìa ghi “Minh Mệnh lục niên ngũ nguyệt, ngũ nhật Nguyễn Du phóng tác” mặt sau bìa ghi “bản này chép lại từ bản có niên hiệu Cảnh Hưng 40 (1779)”, Giáo sư cho là Nguyễn Du “Tóm lược toàn bộ cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân khoảng 1779”.

    - Nếu cuốn Vương Thuý Kiều truyện ghi như trên thì cũng không thể khẳng định là Nguyễn Du tóm tắt. Đó là cuốn sách chép tay của người nào đó trong họ Nguyễn ở Tiên Điền mà lúc ấy có rất nhiều người học cao có thể tóm tắt, còn cậu bé Nguyễn Du mới 14 tuổi đang ở Thăng Long cư tang mẹ (bà mất tháng 8-1778). Gán cho Nguyễn Du chép là không hợp lý. Cuốn Truyện Kiều phát hiện ở Thái Bình mà Trung tâm nghiên cứu Quốc học tặng thì Giáo sư chỉ có bản phô tô. Các nhà nghiên cứu ở Trung tâm nghiên cứu Quốc học đang nghi đó là bản chép sau này và các dòng ghi ở bìa là người sau tự viết thêm để bán tăng giá. Từ một văn bản chép tay không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng, giữa lúc nguỵ thư nhan nhản mà Giáo sư đã lấy đó làm căn cứ thì căn cứ ấy không thể được chấp nhận vì không chính xác.

    b. Căn cứ thứ hai: Sự kị huý. Dựa vào một số bản Truyện Kiều, Giáo sư cho rằng Nguyễn Du kị huý vua Lê - chúa Trịnh và cho rằng thi hào viết trước thời Gia Long.

    - Việc kị huý mỗi thời mỗi khác, ngay nhà Nguyễn từ thời Gia Long đến thời Minh Mệnh cũng đã khác (xin xem Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Quyển 121, Tập 8. Nxb. Thuận Hoá, 1993, tr.144-172). Hiện nay qua hơn 40 bản Kiều đều in, chép từ thời Tự Đức về sau Giáo sư đã thấy nhiều chỗ băn khoăn “Tuỳ câu, tuỳ chữ, tuỳ bản biện pháp kị huý đưa ra có thể không thống nhất như nhau”. Vậy trong khi không có bản gốc của Nguyễn Du thì căn cứ việc kị huý của một số văn bản để khẳng định thời gian Nguyên Du viết Truyện Kiều là điều khó có thể chính xác.

    c. Căn cứ thứ ba: Tiếng địa phương. Giáo sư căn cứ vào ngữ âm địa phương xứ Nghệ để cho rằng “Nguyễn Du khởi thảo 900 câu đầu tiên khoảng 1783 - 1785” ở Thăng Long.

    - Đây cũng là điều không thể xác định được. Trong ngôn ngữ giao tiếp có tiếng phổ thông, có tiếng địa phương. Sự giao thoa giữa các ngôn ngữ đó tuỳ thời, tuỳ người đậm nhạt khác nhau, rất khó xác định thời gian cụ thể. Cụ Nguyễn Du: Cha người Nghệ, mẹ người Bắc Ninh, sinh ra và trưởng thành ở Thăng Long, rồi về sống ở Thái Bình đến 32 tuổi mới về xứ Nghệ, rất khó xác định lúc nào Cụ dùng tiếng Bắc, lúc nào Cụ dùng tiếng Nghệ. Truyện Kiều là tác phẩm văn học được viết theo tiếng phổ thông, có một số từ, tiếng địa phương xứ Nghệ nhưng bản viết gốc của Nguyễn Du không còn, không thể xác định được Nguyễn Du dùng tiếng Nghệ hay người Nghệ sao chép sửa lại bằng tiếng Nghệ. Vả lại nếu có bản viết tay của Nguyễn Du thì cùng không thể dựa vào tiếng địa phương khẳng định được thời gian sáng tác vì bất kỳ lúc nào, ở đâu Cụ cũng có thể viết theo tiếng Nghệ hoặc viết theo tiếng Bắc. Vì thế việc căn cứ tiếng Nghệ ở một số bản, câu nào đó để xác định thời gian Nguyễn Du viết Truyện Kiều trước thời Gia Long ở Thăng Long là điều không thể chính xác được.

    Như vậy trong ba căn cứ mà Giáo sư nguyễn Tài Cẩn dùng thì căn cứ (a) là không chính xác, căn cứ (b) và căn cứ (c) không thể thực hiện được.

    Tóm lại, căn cứ của ba học giả trên đều chưa chính xác, chưa đủ độ tin cậy, thiếu sức thuyết phục. Các nhà nghiên cứu Vũ Đức Phúc và Đào Thái Tôn có những bài viết đồng tình với các ý kiến này và cố tìm những dấu hiệu văn bản phù hợp để minh hoạ thêm. Giáo sư Trương Chính căn cứ vào cuộc đời tác giả và nội dung tác phẩm Truyện Kiều mà cho rằng thời dưới chân núi Hồng, Nguyễn Du còn có chút hùng tâm và Truyện Kiều “Có nhiều đoạn chứng tỏ rằng Nguyên Du đang còn chút hùng tâm” mà cho rằng Nguyễn Du viết Truyện Kiều trước 1802(4).

    Như vậy các nhà nghiên cứu trên đều có cái chung là hoài nghi sự khẳng định của Quốc sử quán triều Nguyễn, nêu ý kiến mới của mình nhưng người thì cho là viết trước khi đi sứ (1809), người thì cho viết trước khi Gia Long lên ngôi (1802). Chưa có sự thống nhất vì các vị chỉ dựa vào dấu vết văn bản và suy luận từ cuộc đời tác giả và tác phẩm. Văn bản thì không có gốc, người viết về Nguyễn Du thì không ghi thời gian cụ thể, Truyện Kiều có đến hơn 40 bản in, sao chép nhiều chỗ khác nhau theo văn bản nào cũng không chuẩn; mối quan hệ giữa lịch sử, cuộc đời tác giả và tác phẩm thì quá phong phú và phức tạp mà mỗi người đều có thể suy luận theo cách nghĩ riêng của mình. Kết luận khoa học thì phải có đầy đủ chứng cứ không phải một ngành mà nhiều ngành khoa học, các chứng cứ phải cụ thể, chính xác, phải được các cơ quan có năng lực và thẩm quyền kiểm định chắc chắn thì mới có sức thuyết phục. Đến nay chưa nhà nghiên cứu nào tìm được một căn cứ chính xác cả. Vì thế bài toán về thời gian Nguyễn Du sáng tác Truyền Kiều mà chúng ta tự nêu lên đến nay đã đi suốt nửa cuối thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI vẫn chưa giải nổi.

    Bạn đọc chúng tôi rất yêu quý Thi hào Nguyễn Du và tác phẩm của Người. Chúng tôi rất mong các nhà nghiên cứu sớm tìm ra lời giải với những căn cứ chính xác, thuyết phục hơn./.
    ______________

    (1) Học giả Hoàng Xuân Hãn nói về Truyện Kiều. Tạp chí Văn học, số 3-1977.
    (2) Đặng Cao Ruyên: “Nguyễn Lượng (1768 - 1817) hiệu Châu Sơn Tiều Lữ, còn có hiệu là Châu Giang sau này sẽ cùng Vũ Trinh là hai người đầu tiên bình Kiều” (Bể dâu trong dòng họ Nguyễn Du - Tổ hợp xuất bản miền đông Hoa Kỳ 2002, tr.101, 102).
    - Nguyễn Hoàng Sơn: “Chính Vũ Trinh (cùng Nguyễn Lượng 1768-1817) là tác giả những lời bình bên lề bản Kiều 1870” (Một phát hiện có ý nghĩa với việc nghiên cứu văn bản Truyện Kiều. Báo Văn nghệ, số 35, 36 2/9/2004, tr.45).
    (3) Nguyễn Thế Quang: Về thời gian Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều. Nghiên cứu Văn học, số 2-2006, tr..
    (4) Đào Thái Tôn: Thời điểm sáng tác Truyện Kiều, trong sách Nguyễn Du - sao mai lấp lánh. Sở Văn hoá Thông tin, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Tĩnh Xb, 2005, tr..


    Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 9/2007

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts