Dùng kháng sinh cho trẻ em

Nhiều bà mẹ thắc mắc, trẻ bị sốt, cúm thường do nhiễm khuẩn, tại sao bác sĩ không cho dùng ngay kháng sinh? Tiến sĩ dược học Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y Dược TP HCM) giải thích, việc dùng kháng sinh lúc này không cần thiết vì có thể trẻ không bị viêm nhiễm.

Một số bệnh nhiễm khuẩn thường có triệu chứng sốt; nhưng không phải tất cả các trường hợp sốt đều do nhiễm khuẩn. Thí dụ, trẻ có thể bị sốt do mọc răng hay cảm nắng. Do vậy, khi trẻ sốt thì đừng vội cho dùng ngay kháng sinh mà hãy tìm cách hạ nhiệt bằng paracetamol hay đắp trán, lau mình với khăn nhúng nước mát.

Còn đối với cảm cúm là do siêu vi (còn gọi là virus) gây ra, kháng sinh không có tác dụng chữa trị. Có thể trẻ bị viêm mũi, viêm hầu họng nhưng là do virus và chưa có biến chứng thì kháng sinh chẳng những không hiệu quả mà còn gây kháng thuốc về sau. Trong trường hợp này, nếu trẻ bị sốt, chỉ nên cho dùng thuốc hạ nhiệt, kèm theo hút sạch mũi, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý 0,9%. Nếu nghi ngờ trẻ bị nhiễm khuẩn, nên đến bác sĩ để khám, định bệnh chính xác và chỉ định dùng kháng sinh khi cần thiết. Chỉ có bác sĩ mới xác định được trường hợp nhiễm virus kèm theo bội nhiễm vi khuẩn (triệu chứng viêm nhiễm kéo dài không bớt, có xu hướng nặng thêm). Lúc này, rõ ràng dùng kháng sinh là cần thiết.

Một số phụ huynh cũng băn khoăn ràng, việc dùng kháng sinh bắt buộc phải đủ liều, nhưng ở những lần khám bệnh khác nhau, bác sĩ lại chỉ định cho dùng thuốc khác nhau. Chẳng hạn có lần bác sĩ cho dùng 3 lần ngày, lần khác lại là 2 lần/ngày, có khi chỉ dùng 1 liều duy nhất trong ngày. Theo tiến sĩ Đức, tuy bác sĩ chỉ định cho dùng thuốc với số lần khác nhau như thế nhưng vẫn là đúng liều. Bởi vì số lần phải tùy theo loại kháng sinh. Có loại bị đào thải ra khỏi cơ thể nhanh quá, phải dùng nhiều lần trong ngày, nhưng có loại được giữ lại trong cơ thể lâu hơn và duy trì tác dụng nên chỉ cần dùng một lần duy nhất. Chẳng hạn, erythromycin là kháng sinh thông thường, phải uống 3-4 lần/ngày, trong khi đó azithromycin là kháng sinh mới cùng nhóm macrolid với erythromycin thì chỉ cần uống 1 lần trong ngày.

Đợt điều trị thông thường đối với nhiều kháng sinh phải từ 5 ngày trở lên, vậy tại sao gần đây trẻ em bị viêm tai giữa được khám, bác sĩ cho uống kháng sinh chỉ trong 3 ngày? Đó cũng là băn khoăn của các bậc cha mẹ. Dược sĩ Đức khuyên hãy cứ yên tâm theo chỉ định của bác sĩ và dùng đúng thời gian được hướng dẫn. Thông thường, dùng kháng sinh đủ thời gian phải là 5 ngày trở lên. Tuy nhiên, một số kháng sinh mới có thể rút ngắn thời gian điều trị. Như azithromycin có thể dùng trong 3 ngày, cho hiệu quả điều trị một số bệnh nhiễm khuẩn tương đương với một số kháng sinh khác phải uống trong 10 ngày.