Cao Và Xa

Một thiền viện tập trung rất nhiều tăng đồ học tập. Ngày nọ, các tăng đồ đứng ngắm nhìn bức hoạ long hổ giao tranh vẽ trên bờ tường thiền viện.

Trong bức tranh, long đang cuộn mình ở trên mây, thế hướng nhào xuống; hổ đang thu mình ngồi trên núi, thế đang muốn ngóc lên. Tuy nhiên, qua mấy lần vẽ sửa, mọi người đều cảm thấy khí thế trong đó không đủ, không có sức cảm dẫn người xem.

Mọi người đang tranh luận sôi nổi thì thiền sư từ ngoài bước vào, mọi người xin thiền sư đưa ra ý kiến về bức vẽ của họ để tìm cách thay đổi. Thiền sư sau khi xem xét tỉ mỉ liền nói: “Vẽ rất đẹp nhưng đặc tính của long và hổ không nắm vững nên xem ra cảm thấy thiếu khuyết cái gì đó. Long trước khi công kích, đầu của nó tất sẽ hơi co về phía sau; hổ trước khi chồm dậy, đầu hơi cúi xuống thấp. Góc cong sau đầu long phải lớn; đầu hổ càng sát đất thì chồm lên càng nhanh, nhảy được càng cao”.

Mọi người nghe lời giả thích của thiền sư chợt hiểu ra, đồng thanh nói: “Thiền sư thực là đã hiểu ý đạo, thảo nào bọn con đều thấy thiếu khuyết cái gì đó, cảm thấy chúng bay không định, muốn nhảy mà không cao”.

Thiền sư mượn cảnh thuyết giáo: “Đạo lý của người tham thiền học đạo cũng giống vậy. Lùi một bước để chuẩn bị, nhảy mới được xa; sau khi khiêm tốn cảnh tỉnh bản thân, trèo mới lên được thật cao. Long là một loại linh thú, hổ là vua trong giống thú, đều giống nhau ở một điểm là lùi một bước để tiến, phủ phục để lấy cao, lấy khiêm tốn để cao thượng; lấy nguyên tắc này để tham thiền, tu đạo, đối nhân xửa thế không phải thích hợp lắm sao?”