Thế Giới Phòng Trà Ca Nhạc Sài Gòn


Phòng trà “Tiếng Dương Cầm” nằm trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (quận Tân Bình, Sài Gòn) của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. (Hình: Văn Lang )

Văn Lang

SÀI GÒN - Người Sài Gòn, có một thời, nghèo kinh khủng! Nhưng nghèo thì nghèo, người Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung, không bao giờ “nghèo” âm nhạc.

Sài Gòn, trải bao thăng trầm của thời cuộc, vẫn là thành phố năng động nhất và luôn là thị trường âm nhạc tiên phong của người Việt Nam.

Ðặc biệt khi bạn tới thành phố này, muốn tìm hiểu mức sống, phong cách sống, cũng như thị hiếu âm nhạc đa dạng của người Sài Gòn thì không gì hơn bạn nên chịu khó lui tới các quán cà phê, từ hạng bình dân cho tới hạng sang, bạn sẽ thấy, sẽ biết người Sài Gòn sống như thế nào và nghe gì? ... Nếu bạn chịu khó “rảo” trên những con đường nhỏ yên tĩnh ở khu quận 3, quận 1... rất có thể nhờ một “cơ may” run rủi nào đó bạn gặp lại một gương mặt “xưa” của làng ca nhạc Sài Gòn một thời vang bóng.

Từ thời khó khăn, người ta đã thấy la liệt những bảng hiệu cà phê, quảng cáo cà phê nhạc “compact disc,” nhưng khi kinh tế khá giả thì nhạc máy mau chóng lỗi thời và Sài Gòn trở lại “thời xưa” của mình: ca nhạc phòng trà.

Ca nhạc phòng trà Sài Gòn, khi trở lại thì cũng không hoàn toàn giống như trước 1975, vì thời thế thay đổi, con người, phong cách cũng “xô bồ” hơn, có những cái do cơ chế chính trị, cũng có những cái do cơ chế thương mại. Ca nhạc phòng trà Sài Gòn như một trào lưu “thời thượng, ”có những cái mọc lên rồi lại lặng lẽ “lặn” vào quên lãng với những lý do rất khác nhau. Chẳng hạn như phòng trà “Catinat, “nằm trên đường Tự Do (cũ) của nhạc sĩ Phú Quang, người nhạc sĩ đến từ Hà Nội nhưng lại thành công ở Sài Gòn. Phòng trà này biến đi mà không để lại một ấn tượng gì, mặc dù ở đây cũng hát nhạc tiền chiến, nhưng có lẽ không nắm bắt được thị hiếu của dân Sài Gòn (cuối cùng người ta chỉ nhớ đây là một phòng trà ở vào một “vị trí” quá tốt, có những “người mẫu” tiếp thị rượu nhẹ “Spy” rất đẹp, vậy thôi!)

Ngoài ra cũng có những phòng trà rất “đình đám” nhưng rồi cũng “biến mất” vì lý do bị “mất” mặt bằng kinh doanh. Như phòng trà ca nhạc “M&Tôi,” nằm xéo phía bên kia Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ, bị lấy lại mặt bằng kinh doanh để xây cao ốc. Cũng tương tự là phòng trà ca nhạc của cô ca sĩ kiêm diễn viên điện ảnh Ngô Thanh Vân, về từ Na Uy. Phòng trà của cô nằm gần Sài Gòn Centre, xéo bên kia là tượng của người anh hùng Trần Hưng Ðạo đứng chỉ xuống bờ sông Sài Gòn. Ðịa điểm này bị lấy lại để xây “Vietcombank Tower,” và còn nhiều phòng trà ca nhạc mọc lên rồi “biến” đi vì những lý do kinh tế.

Ngoài những phòng trà nêu trên, có thể kể ra một loạt những tên tuổi “hạng trung”của phòng trà ca nhạc Sài Gòn (chúng tôi muốn nhắc tới hạng trung, vì đây sẽ là những phòng trà trụ lại lâu dài vì giá cả phải chăng cũng như có “gu” riêng hợp với giới thưởng ngoạn tương đối đa dạng của người Sài Gòn). “Hạng trung” đầu tiên phải kể tới phòng trà ca nhạc của ca sĩ Mỹ Hạnh tại số 2B đường Lê Duẩn (gần sở thú). Phòng trà “Tiếng Dương Cầm” nằm trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (quận Tân Bình) của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Phòng trà chuyên hát nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nằm trên đường Âu Cơ. Phòng trà ca nhạc “Tâm Giao” nằm trên đường Ngô Thời Nhiệm, đây là một không gian nhỏ và ấm cúng, hợp với khung cảnh”tâm sự. “Phòng trà ca nhạc Planet nằm trên đường Lê Văn Duyệt (cũ). Phòng trà ca nhạc Yesterday nằm ở số 50 Nguyễn Thông, quận 3. Phòng trà ca nhạc Ân Nam nằm ở số 52 Trương Ðịnh, nơi đây có hai “dòng nhạc,” nhạc sôi động theo phong cách Tây Ban Nha được trình diễn ở mặt tiền, còn ca nhạc thính phòng Việt Nam thì được đưa xuống “tầng hầm” cho... yên tĩnh. Ngoài ra còn nhiều những phòng trà ca nhạc mini, nếu bạn chịu khó “rảo” trên những con đường nhỏ yên tĩnh ở khu quận 3, quận 1... rất có thể nhờ một “cơ may” run rủi nào đó bạn gặp lại một gương mặt “xưa” của làng ca nhạc Sài Gòn một thời vang bóng, người nghệ sĩ già trong cô đơn gởi gắm tâm sự của đời mình trên những phím dương cầm cũ, mặc dòng đời bên ngoài mải miết trôi... Âm nhạc và thưởng ngoạn đôi khi là một sự tình cờ, một phút lơ đãng của một điều gì mà đôi khi ta không định nghĩa nổi. Nếu lang thang trên đường Trần Huy Liệu, quận 3, cần một phút thư giãn, bạn thử ghé café Relax tìm một chút thư giãn trong không gian hòa tấu của tiếng đàn piano. Còn nếu bạn là người yêu thích những giai điệu “da diết” của những khúc jazz buồn thì hãy ghé qua số 28 Lê Lợi, Sài Gòn. Ðây là “Club Jazz” của “Tuấn saxophone.” Nhạc Jazz ở đây là một thứ có “đẳng cấp” thực sự, lâu lâu bạn có thể có được một” bữa tiệc âm nhạc” nếu như có một tay Jazz quốc tế nào đó “lai vãng” Sài Gòn. Tuấn có được những mối quan hệ tốt với làng nhạc Jazz thế giới. Ở đây cũng là điểm trình diễn thường xuyên của người một thời được mệnh danh là nữ hoàng nhạc Jazz của Sài Gòn: nữ ca sĩ Tuyết Loan...

Sài Gòn là điểm gặp gỡ của nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới, do đó tính cách của người Sài Gòn rất năng động. Âm nhạc Sài Gòn thể hiện rất rõ điều này. Hàng đêm khi mặt trời vừa tắt nắng, đèn đường bật sáng cũng là lúc bắt đầu nhộn nhịp cảnh sống về đêm của người Sài Gòn. Sân khấu ca nhạc hàng đêm ở Sài Gòn đều sáng đèn và luôn luôn đông khách, từ Thứ Hai cho tới Chủ Nhật. Một Việt kiều làm trong ngành biểu diễn ở Mỹ về đã nói với tôi: “Không đâu lý tưởng bằng thị trường âm nhạc ở Sài Gòn! Ở Mỹ các “show” diễn âm nhạc chỉ có vào hai ngày cuối tuần.”

Ðêm đêm khi sân khấu ngoài trời đông nghẹt các “fan” ham mộ trẻ của thể loại nhạc Rock, Hip-hop, Rap... hò reo cuồng loạn thì trong các phòng trà ca nhạc Sài Gòn vẫn thánh thót tiếng dương cầm, da diết tiếng violin, chậm rãi buông đều tiếng ghita... và người nữ ca sĩ trong tà áo dài Việt Nam vẫn bước lên sân khấu hát về “thân phận con người”, “thân phận quê hương và tình yêu...”