Results 1 to 4 of 4

Thread: Loa Kèn hay hoa Huệ Tây?

  1. #1
    Senior Member delta's Avatar
    Join Date
    Oct 2007
    Posts
    1,697

    Default Loa Kèn hay hoa Huệ Tây?


    1. Hoa Loa Kèn hay hoa Huệ Tây?



    1. Hoa Loa Kèn hay hoa Huệ Tây?

    Câu trả lời là cả hai cái tên này đều đúng. Huệ Tây là tên gọi chung cho các loài hoa thuộc họ Liliaceae (cũng có sách ghi là họ Hành Tỏi). Tuy nhiên phần lớn các hoa thuộc họ này có một đặc điểm chung là hoa loe ra nhìn như cái kèn, vì thế mà có tên là hoa Loa Kèn – tên đặt theo hình dáng bông hoa. Điều này lý giải cho câu hỏi: Vì sao bức tranh rất nổi tiếng của hội hoạ hiện đại Việt Nam có tên Thiếu nữ bên hoa huệ của cố hoạ sĩ Tô Ngọc Vân lại vẽ một cô gái mặc áo dài trắng bên bình hoa… Loa Kèn.

    Gọi một số loài hoa thuộc họ Huệ Tây là Loa Kèn không sai, và thực tế ở nhiều địa phương Việt Nam người ta thường gọi các cây thuộc họ Amaryllidaceae (trước đây là giống Amaryllis, sau tách ra từ họ Huệ Tây thành họ Amaryllidaceae) là Loa Kèn kèm thêm màu như loa kèn đỏ, loa kèn hồng…

    Tuy nhiên, nếu bạn đến Việt Nam và nhắc đến hai từ "Loa Kèn" thì những người dân Việt Nam đều nghĩ ngay đến một loại hoa màu trắng nở rộ vào tháng tư. Đây là cái tên và loài hoa đã đi vào tâm thức con người Việt Nam. Vậy loài hoa đã ăn sâu vào tâm trí của rất nhiều những người con đất Việt ấy thực tế như thế nào?

    Đó là một loài hoa có tên tiếng Anh là Easter lily và tên khoa học là Lilium Longiflorum, loại Easter lily gốc có màu trắng tinh khiết pha thêm chút xanh về phía đài hoa chứ không phải loại đã lai tạo (Hybrid).

    Loa kèn Việt Nam:

    2. Thuỷ Vu có được coi là hoa Loa Kèn?

    Nếu xét về hình dáng, câu trả lời là có. Tuy nhiên nếu bạn đi hỏi những người đang sống ở Việt Nam, tôi phỏng đoán rằng bạn hỏi 10 người, sẽ có 7 người nói rằng đó không phải Loa Kèn. Loa kèn trong tâm tưởng người Việt là loại hoa mà tôi đã nói ở trên. Người ta gọi những loại hoa khác trong họ Liliaceae là Loa Kèn vì ít ra nhìn nó còn giống loại Loa Kèn mà người ta vẫn nghĩ tới.

    Thật ra không có gì cần phải tranh cãi nhiều vì một loài hoa hoàn toàn có thể có nhiều tên lắm chứ. Và tôi cũng phải nói luôn tôi không khẳng định là bạn sai hay tôi sai. Tôi và bạn có thể đúng nếu dựa trên các tiêu chí đánh giá khác nhau. Tôi chỉ muốn bổ sung thêm một vài ý kiến nhỏ, và thêm một vài cái tên khác nữa cho một loại hoa, cũng là một vài cách nhìn nhận khác. Được chứ?

    Thuỷ Vu


    3. Thuỷ Vu có thuộc họ Liliaceae?

    Xin thưa rằng không, cho dù tên tiếng Anh của loài hoa này là Calla lily. Thuỷ Vu thuộc họ Araceae với tên khoa học là Zantedeschia.

    Trên thực tế, không phải chỉ riêng Thuỷ Vu được "hiểu nhầm" là thuộc họ Liliaceae mà còn một số loài hoa khác nữa cũng được "hiểu nhầm" như vậy. Có thể kể ra đây:

    Calla Lily (Zantedeschia)
    Glory Lily (Gloriosa)
    Daylilies (Hemerocallis)
    Lily of the Valley (Convallaria)
    Toad Lily (Tricyrtis)

    Họ Liliaceae là một họ lớn, sau này đã được chia nhỏ vài lần. Sau khi chia nhỏ, trong họ còn khoảng 13 giống với 400 cây loại thân thảo. Cũng có một số tài liệu nói rằng trên thực tế họ này chỉ có khoảng 80 giống gốc và hàng ngàn giống lai tạo.

    Do kiến thức có hạn, tôi cảm thấy rất khó để phân biệt dựa trên những đặc điểm thực vật xem những loại Lily "nhầm tên" kia có quan hệ cụ thể họ hàng gì với họ Liliaceae không, chỉ muốn góp một chút hiểu biết nhỏ mong được chia sẻ và trao đổi thêm.

    Hoa loa kèn tháng tư

    (Phan Đan)

    Một vệt trắng hình lưỡi mác
    Trên nền xanh
    Đổ gập xuống nỗi kinh ngạc
    Hoa loa kèn,

    Ngữ pháp lập thể của cây trombone thực vật
    Thổi trong bóng chiều
    Rung những sợi lông mi vàng óng
    Bay qua khung cửa sổ,

    Không có ai bên bàn
    Trên tường không có bức phiên bản Tô Ngọc Vân
    Không có cả tiếng khóc
    Của chiếc lọ men rạn,

    Phố vắng hút theo tiếng kèn siêu âm
    Tôi là con ong lạc lối
    Tìm câu chuyện cổ tích Andersen
    Ngủ trong đoá hoa lớn của mùa hè,

    Giấc mơ tháng Tư gọt từ đá
    Trồi lên những vòm cửa gothic
    Sao em dầy vò mãi hai bàn tay gầy guộc
    Madonna Lily?



  2. #2
    Senior Member delta's Avatar
    Join Date
    Oct 2007
    Posts
    1,697

    Default Re: Loa Kèn hay hoa Huệ Tây?



    Hoa loa kèn tháng tư




    (Lưu Việt Thảo)

    Ngày còn nhỏ xíu, ngắm bức tranh Thiếu nữ bên hoa huệ của danh hoạ Tô Ngọc Vân, tôi từng thắc mắc: "sao lại là hoa huệ? Phải là loa kèn mới đúng chứ". Cha tôi rằng: "hoa này người Pháp mang tới trồng ở Việt Nam, các cụ gọi là hoa huệ Tây, để phân biệt với loài hoa huệ thường hay dùng để cúng. Sau này, người ta thấy hình dạng hoa giống chiếc loa kèn, nên gọi luôn thành thế".

    Hoa loa kèn tháng tư- thứ hoa chỉ rộ lên một mùa trong một năm rồi thôi. Lỡ qua mất mùa hoa thì cũng đành để người ta phải chờ đợi một tri âm. Những ngày nắng mới, Hà nội oi nồng, chỉ có những nụ loa kèn trắng xanh, nghiêng mình trên miệng giỏ rong ruỗi sau xe đạp hay lắt lẻo nằm chơi trên đôi đầu quang gánh đi khắp phố phường. Và chỉ cần một cơn gió nồm sớm luồn qua khung cửa, là đã thấy cả một trời hương. Mùa hoa cũng là mùa ve sầu bắt đầu râm ran trên những ngọn bàng, ngọn sấu. Mới chỉ kịp để mắt trông theo thì loa kèn đã thôi không còn nở nữa.

    Hoa loa kèn gắn với tuổi thơ Hà Nội của bao nhiêu đứa trẻ cũng như tôi? Ngày bé rình hoa nở ngắt nhuỵ phấn vàng bôi lên má búp bê. Rồi lớn lên, nâng niu trên tay những nụ hoa giấu kín những ước mơ đầu đời. Cha tôi hay mua loa kèn cắm trong chiếc bình gốm men ngọc. Ông bảo: "màu ngọc men tông xuyệc tông với màu hoa lá". Còn tôi lại thích ngắm những đoá loa kèn xoè cánh trắng trong chiếc bình đất nung. Màu nâu của bình gợi lên màu đất ấp ủ, nuôi nấng trăm ngàn loài hoa thảo mộc. Hoa đã đẹp thì hãy để chúng đẹp một cách tự nhiên nhất, dù vẫn biết rằng cắm một bài hoa giữa mọt căn phòng cũng là một cách đem thiên nhiên vào đời sống vốn nhiều hệ luỵ...

    Năm tháng qua đi, bao hình sắc nhạt nhoà, nhưng những nụ hoa loa kèn thì cứ trắng tin khôi như thủa nào. Vẻ tinh khôi không thể che dấu hay bôi xoá.

    Sài Gòn tháng tư. Trời xanh không một gợn mây. Tôi chạy xe trên đường Lê Thánh Tôn, ngang những hàng hoa bên hông chợ Bến Thành. Lẫn giữa trăm ngàn sắc màu của những loài hoa đắt tiền, những đoá loa kèn khiêm nhường và kiêu hãnh. Tôi gặp lại Hà Nội của tôi, tuổi thơ của tôi trong bóng dáng những đoá hoa. Tôi không dám hỏi người bán hàng về xuất xứ của những bông hoa loa kèn nọ. Tôi sợ phải nghe một câu trả lời. Tôi chỉ muốn tự an ủi, vỗ về giấc mơ tôi bằng những đoá hoa mà thôi.

    Tháng tư, một người nhạc sỹ đã trả hết nợ trần gian, về làm cát bụi. Những lời hát của ông cũng tinh khôi như những đoá hoa loa kèn bởi nó chắt từ con tim nhân hậu. Chính ông, bằng những lời hát của mình đã dạy tôi biết yêu Sài Gòn, biết nhặt niềm vui để sống mỗi ngày.

    Tôi muốn mang những đoá hoa trinh trắng đặt trên mộ ông để tỏ lòng tri ân và cũng bởi ông từng yêu Hà Nội vô cùng

  3. #3
    Senior Member delta's Avatar
    Join Date
    Oct 2007
    Posts
    1,697

    Default Re: Loa Kèn hay hoa Huệ Tây?



    Mùa hoa loa kèn




    Ngô Văn Phú


    Du nhập vào Việt Nam đầu thế kỷ 20, hoa loa kèn (còn gọi là huệ tây) trở nên rất hợp với Hà Nội. Hoa loa kèn mùa rất ngắn, nở vào dịp cuối xuân đầu hạ, nhưng để lại nhiều ấn tượng trong lòng người Hà thành.

    Khi Hà Nội còn một chút rét se se, có khi lai rai mấy buổi mưa phùn. Mùa xuân còn muốn lưu lại. Nhưng chen vào đó một ngày thoáng nóng bức đầu hè. Nắng sáng hơn, trời sáng hơn. Ra đường, bỗng reo lên một tiếng như thể lần đầu tiên phát hiện: Hà Nội, đã mùa hoa loa kèn.

    Hình như hoa này là của người Hà Nội... Xưa các cụ từng yêu hoa hồng, hoa cúc, và có người cũng đã chỉ thích hoa huệ. Khoảng đầu thế kỷ trước, trong phòng khách của người Hà Nội thường có độc bình hoặc song bình, đó là để cắm hoa huệ lúc đến mùa. Huệ ta cũng đẹp, hoa vẫn như vương mầu hoang dại, thô tháp từ cành từ lá. Nhưng huệ ta cánh trắng, nhị vàng ươm, thơm đậm mà ngát... Thứ hoa này chơi cũng được, mà cúng cũng được. Huệ thường phải mua cả chục... Có thế, mới đủ mùi thơm cho một căn phòng...

    Loa kèn cũng là một thứ huệ, huệ tây. Loa kèn có lẽ là một thứ hoa di thực... Tôi hỏi những ông già sống từ hồi đầu thế kỷ trước, mỗi khi loa kèn nở, rằng huệ tây có ở nước ta tự bao giờ? Có cụ nói: khoảng những năm hai mươi, có cụ bảo khoảng những năm ba mươi, cùng với hoa phăng (hoa cẩm chướng). Hoa phăng, thực ra gọi đủ là oeillet de France (cẩm chướng của Pháp), sau này quen gọi tắt là hoa phăng... Hoa phải trồng bằng hạt, đem từ Pháp sang, đến gần đây cũng thế... mà trước đây chỉ có Ðà Lạt mới trồng được, chắc là hoa phăng thuần chủng... Huệ tây có lẽ trồng đầu tiên cũng từ Ðà Lạt, vì nơi đây có khí hậu ôn đới, sau mới di thực sang các tỉnh khác. Hoa loa kèn với Hà Nội là một thứ hoa sang, quyền quý... Trong các thứ hoa di thực, du nhập, như các thứ hồng, cẩm chướng, violet, v.v., loa kèn dễ được nhập hồn với người Hà Nội nhất... Trước Cách mạng Tháng Tám, hầu như huệ tây là thuộc thú chơi của nhà giàu, có một chút gì hướng ngoại, hướng về phương Tây. Chẳng là nước Pháp xưa vốn được gọi là vương quốc của huệ tây (Royaume de lis). Với người Pháp, huệ tây là biểu thị của lòng trong trắng, trinh tiết. Người đàn bà đẹp thì được khen là có nước da mầu hoa huệ... Nhiều cô gái Pháp được mang cái tên rất dễ thương Li-li, đó cũng là cha mẹ vốn rất yêu huệ tây mà đặt tên con như thế... Những người tù Pháp thì xăm hoa huệ tây trên cánh tay...

    Huệ tây được lớp trẻ trước Cách mạng Tháng Tám rất quý, chẳng thế mà họa sĩ Tô Ngọc Vân đã để lại bức danh họa lừng lẫy: Thiếu nữ bên hoa huệ... Thật hạnh phúc cho cô gái nào được làm người mẫu, ngồi bên hoa huệ tây ngày ấy. Dáng ấy, người ấy, đã trở thành biểu trưng cho cái thanh lịch của Hà Nội, không chỉ đương thời...

    Trước đây, mùa loa kèn, tôi chỉ được nhìn các bà, các cô Hà Nội đi chợ mua hoa về cắm, chứ chưa được nhìn kỹ. Duy có lần đến thăm một người bạn gái, gặp mùa huệ tây, hầu như bữa ấy tôi thần người, ngắm mãi bình hoa ngưỡng mộ từ lâu. Một căn buồng nhỏ. Cả nhà đi sơ tán. Bình huệ tây đặt trên một chiếc bàn nhỏ, bộn bề sách vở, mà sao vẫn đẹp thế. Cánh hoa trắng ngần thành điểm sáng của cả căn phòng. Mùi hoa sang trọng lan tỏa. Chén trà rất ngon, xanh mầu mật ong đã rót... Chợt một hồi còi báo động nổi lên... Tự nhiên, bốn mắt chúng tôi nhìn nhau, rồi cùng lặng thầm cúi xuống. Tay tôi và tay em cùng đang ôm lấy tách trà... Chúng tôi cùng ngồi bên hoa huệ, ở cái tuổi trẻ thật trong trắng của năm Hà Nội hiên ngang đánh Mỹ... Cái phút thiêng liêng ấy, bỗng trở nên đồng cảm. Và, tôi không đừng được đưa tay ra nắm lấy bàn tay ngần trắng, một làn da mầu huệ...
    Sau này đêm nào ngủ, gặp mùa huệ tây, tôi cũng đặt hoa trong phòng, và mới thấy thêm một điều... Các loại hoa mầu trắng thường rất đẹp dưới ánh trăng, và cái thơm của huệ, của quỳnh, của nhài dưới trăng, thứ hương của hoa giấu mình hay thấp thoáng trong đêm, mới thật đúng với chất của loài hoa trắng...

    Có đêm, tôi tắt đèn, đặt bình hoa trên một bàn nhỏ, dưới ánh trăng đầu tháng tư, thưởng hoa một mình. Và sau đó ngủ trong ánh trăng khuya, để hoa và trăng dẫn mình vào giấc ngủ...

    Và, tôi lại nhớ cái đêm chiến trận. Thật bất ngờ tôi đã có được những phút có một không hai, bên bình huệ tây và bên người đẹp.

  4. #4
    Senior Member delta's Avatar
    Join Date
    Oct 2007
    Posts
    1,697

    Default Re: Loa Kèn hay hoa Huệ Tây?

    Mùa hoa loa kèn



    (Ngô Quân Miện)


    Bàn tay trắng muốt em cầm
    Một cành hoa nối mùa xuân - mùa hè
    Mưa phùn vừa dứt, tiếng ve
    Cháy ran lên giữa trưa nhòe bóng cây
    Em đi, áo mỏng phô bày
    Da thơm dịu thoáng giữa ngày dịu xanh
    Mùa hoa đi vụt qua nhanh
    Mùi hoa chưa kịp cho anh được cầm

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts