Nguồn gốc hình thành Kinh Dịch

Theo các sách Hán cổ, Kinh Dịch được ra đời từ thời Ngũ Đế trong lịch sử Trung Quốc. Vua Phục Hy trong một lần đi trị thuỷ trên sông Hoàng Hà thấy một con Long Mã nổi lên. Trên lưng con Long Mã xuất hiện 9 vân, Vua Phục Hy căn cứ vào đó vạch ra một vạch liền gọi là Dương, một vạch đứt gọi là âm. Hai vạch này gọi là lưỡng nghi.

Trên mỗi nghi lần lượt thêm một vạch được tứ tượng, trên tứ tượng vạch thêm một vạch nữa sinh ra bát quái tức tám quẻ đơn.
Vua Phục Hy lại đem 8 quẻ đơn này xếp chồng lên nhau hoàn vị và hình thành nên 64 quẻ kép. 64 quẻ này chưa có tên và chưa có lời. Đến đời nhà Chu, vua Văn Vương đặt tên cho 64 quẻ kép là Càn, Khôn, Truân,... đến Vị Tế. Sau đó ông đặt lời cho từng hào trong mỗi quẻ gọi là lời quẻ. Mỗi quẻ có tượng quẻ và chiêm của quẻ mục đích là để bói xem việc lành dữ ra sao.

Đến Chu Công là con trai của Văn Vương gọi 6 vạch là 6 hào, thứ tự các hào trong quẻ gọi là ngôi của hào đại diện cho các giai tầng trong xã hội như: hào đầu là thứ dân, hào hai là tư mục, hào ba là quan khanh đại phu, hào bốn là ngôi vị đại thần trong triều đình, hào năm là ngôi vua, hào sáu đại diện cho các bô lão. Chu Công cũng đặt lời cho 6 hào gọi là hào từ. Mỗi hào từ cũng có tượng hào và chiêm của hào để người xem biết việc lành dữ ra sao.

Kinh Dịch chỉ thực sự được hoàn thiên cho đến thời Xuân Thu. Khổng Tử là người kế thừa và phát triển Kinh Dịch một cách đầy đủ nhất. Ông bổ sung “Thập dực” để giải thích và phát triển thêm những lời thoán của Văn Vương và hào từ của Chu Công. Thập Dực bao gồm Thoán Truyện, Tượng Truyện, Hệ từ và Văn Ngôn.

Đến đời Hán, các nhà Dịch học đem Thoán truyện , Tượng truyện, Hệ từ, Văn Ngôn hợp vào Kinh Dịch nguyên thuỷ của Văn Vương và Chu Công gọi là Chu Dịch.
Tóm lại Kinh dịch bao gồm các quẻ của Phục Hy, lời quẻ của Văn Vương, lời hào của Chu Công và Thập Dực của Khổng Tử.