Hành Trình Đi Tìm Giới Tính

Đồng tính không phải là một tội, nhưng nó có thể khiến người ta mang mặc cảm tội lỗi. Phải làm gì nếu một ngày nào đó bạn nhận ra mình là người Đồng Tính?

Hành trình 1: Đi tìm nguyên nhân?

Không có một lý thuyết khoa học nào có thể giải thích một cách thuyết phục và chính xác nguyên nhân của Đồng Tính ái. Nhiều người cho rằng đó là một “căn bệnh”, nhưng nhiều người phản đối, vì nó không hề gây hại gì đến sức khoẻ.

“Đồng tính hay không, điều đó nằm trong suy nghĩ của bạn. Nó thuộc về phần lý trí nhiều hơn. Đại loại thế này, bạn đang lớn, đang phát triển bình thường, bỗng nhiên một ngày, bạn “say nắng”. Nhưng vấn đề đối tượng của bạn lại là một người cùng giới. Và thế là suy nghĩ “Tôi là người Đồng Tính” xuất hiện trong lý trí của bạn, buộc bạn hoặc phải chiến đấu, hoặc phải tìm cách chung sống với nó”. Đ.T (26t, gay) tự giải thích về mình.

Cũng giống như tất cả mọi người, Đ.T không thể tự lựa chọn giới tính cho riêng mình, nó giống như một vấn đề thuộc về tự nhiên và nó tự tìm đến bạn. Thời điểm nhận ra giới tính một cách rõ rệt nhất thường là thời điểm dậy thì, khi con trai và con gái bắt đầu có những cảm giác khác lạ với bạn bè, hay thậm chí với một người lần đầu tiên gặp mặt.

Theo các nhà khoa học, xác xuất của những người Đồng Tính thường chỉ rơi vào khoảng một vài phần trăm. Nhưng đó cũng chính là lý do khiến người ta cho rằng, Đồng Tính là bất thường và phi tự nhiên.

Hành trình 2: Sống chung hay chiến đấu? Kín hay lộ?

Cảm giác khi nhận ra mình Đồng Tính chưa bao giờ là cảm giác tích cực. Nó khiến người ta hoang mang, rồi lo lắng, nếu không chế ngự được, nó sẽ biến thành sự hoảng sợ và cuối cùng giết chết mọi cảm giác cũng như hi vọng. Một số người sẽ sống trầm cảm, một số khác thì phá phách. Điều quan trọng bây giờ bạn phải giải toả được cảm giác hoang mang, chấp nhận sự thật thì từ đó, bạn mới tìm được cách giải quyết.

“Bạn không nên tự gây sức ép cho mình rằng bạn cần phải nói với người thân và bạn bè rằng bạn là người Đồng Tính. Phản ứng của mọi người rất khác nhau và tỉ lệ những người đồng thuận với bạn trên thế giới này chưa phải là số đông. Trừ phi lúc đó bạn hoàn toàn cảm thấy thoải mái với giới tính của mình, cho dù người ta phản ứng thế nào thì bạn cũng không hề xấu hổ rằng mình là người Đồng Tính, thì bạn hãy nên nói. Lúc đó thì bạn mới tìm được lối thoát” X.M (25t, gay) đưa ra kinh nghiệm.

Việc công khai hay không công khai thường là việc khó khăn nhất của một người đồng tính. Cho dù chấp nhận sống chung hay chiến đấu với Đồng Tính, bạn vẫn nên lựa chọn thật kỹ người đầu tiên để nói ra bí mật này. Đó phải là người đáng tin cậy, và phải chắc chắn, họ sẽ không có những phản ứng tiêu cực. Tuy nhiên, nếu không thể tìm được một người như vậy, có thể gọi điện đến các trung tâm tư vấn để xin lời khuyên, hay đơn giản chỉ là chỉ là để tìm được sự thông cảm và chia sẻ.

Chiến đấu với Đồng Tính là một việc rất khó, nếu không muốn nói là cực khó. Và cho dù chấp nhận hay chiến đấu, bạn phải hiểu đó là cuộc chiến và cuộc sống của bản thân bạn chứ không phải nhờ một ai khác. Có rất nhiều trường hợp nhận ra mình là Gay, nhưng vẫn giấu giếm, cố lấy vợ và sinh con bình thường, mục đích là muốn tìm lại “cảm giác chính đáng” hoặc vì sức ép của gia đình.

Nhưng rút cuộc, họ vẫn không thể thoát khỏi ý nghĩ về một người đồng giới và hậu quả là gia đình tan vỡ và làm tổn thương nặng nề những người khác. Muốn chiến đấu với Đồng Tính, trước hết phải dám đối diện và chấp nhận nó đã.

Hành trình 3: Đối xử thế nào với sex?

Nhiều người cho rằng quan hệ giữa những người Đồng Tính chỉ xoay quanh “chuyện ấy”, nhưng sự thật không phải vậy. Giới gay hay lesbian có thể cảm nhận tình yêu như tình cảm nam nữ bình thường nên chuyện nghĩ đến sex kiểu gì cũng xảy ra. Nhưng bạn nên nhớ một điều, quyết định có QHTD với bất kỳ ai trong lần đầu tiên đều là một quyết định quan trọng, dù bạn là nam, nữ, gay hay lesbian.

“Với những người Đồng Tính, sẵn sàng thôi nhiều khi chưa đủ, mà còn cần thêm yếu tố tâm lý chấp nhận giới tính và tất nhiên cả những kiến thức về an toàn tình dục. Thêm nữa, QHTD đồng giới là một hành động khác với bình thường, khác với tự nhiên nên bạn lại càng phải suy nghĩ và cân nhắc hơn nữa”. T.A (23t, gay) nói.

Cần chú ý nhất đến vấn đề an toàn tình dục, nhất là HIV/AIDS. Nên nhớ HIV/AIDS lây lan trong cộng đồng Đồng Tính nhiều không kém gì giới tiêm chích ma tuý và mại dâm. Và khi bạn đang quan hệ tình dục một cách “phi tự nhiên” thì cơ thể bạn còn có thể hứng chịu thêm những căn bệnh khác nữa. Tốt nhất là nói không với QHTD.

Hành trình 4: Đi tìm sự hợp pháp

Tại xứ Wales, Scốt-len và Anh, luật pháp cho phép người Đồng Tính QHTD khi đủ 16 tuổi và phải dựa trên sự tự nguyện của cả hai bên. Tại Ai-len, con số được nâng lên 17 tuổi và ở một vài nơi khác trên thế giới, 18 tuổi mới là hợp pháp. Nhưng nên nhớ, đủ tuổi không đồng nghĩa với việc bạn đã sẵn sàng. Tại VN, chưa có luật pháp dành riêng cho người đồng giới, nhưng những điều luật về chống lạm dụng và xâm hại tình dục hoàn toàn áp dụng được với những người Đồng Tính.

Nhiều nơi trên thế giới, những người Đồng Tính ái vẫn không ngừng đấu tranh để có được những điều luật chấp nhận sự kết hôn đồng giới. Nhưng đây là một việc khó có thể xảy ra bởi theo nhiều nhà nghiên cứu xã hội học, nếu điều luật này được chấp nhận rộng rãi, đó sẽ là một bước ngoặt có thể gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển tự nhiên của hành tinh chúng ta.

Hiện đồng tính vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi toàn cầu, và những người Đồng Tính vẫn bị kỳ thị và đánh giá. Vậy, chúng tôi nghĩ việc đấu tranh với những điều tiếng xấu do một số những người Đồng Tính để lại, đi tìm lòng tin, tìm sự thông cảm và chia sẻ từ số đông và quyết định chấp nhận hay chiến đấu với Đồng Tính, đó có lẽ là việc quan trọng và cần thiết hơn, nếu một ngày nào đó, bạn nhận ra mình là người Đồng Tính!

Như TK, một gay 21 tuổi tâm sự: “Chúng tôi phải cố sống sao cho tốt. Đơn giản là vì phản ứng của mọi người khi biết một người là Gay sẽ rất tiêu cực và luôn luôn tiêu cực. Nếu tôi là một người sống tốt với mọi người, khi đó người ta sẽ ít để ý đến việc tôi là Gay hay không, người ta sẽ nhìn và cách sống tốt của tôi mà dễ chấp nhận tôi hơn”.

Theo Sinh Viên VN