Tai Biến Mạch Máu Não - Stroke

Tai biến mạch máu não là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba sau bệnh tim và ung thư tại các nước đã phát triển. Tại Mỹ, người ta ước tính khoảng hơn 400.000 bệnh nhân bị tai biến mạch máu não được xuất viện hàng năm. Ðây là bệnh gây tai biến nghiêm trọng trong ngành y tế, bệnh nhân cần phải được nhập viện điều trị cũng như được chăm sóc trong quá trình hồi phục và cũng gây thiệt hại trong nền kinh tế do làm giảm số người trong lực lượng lao động.

Các nguyên nhân bệnh lý nào gây ra tai biến mạch máu não?

Tai biến mạch máu não là do quá trình bệnh lý tại mạch máu của hệ thống não bộ, bắt đầu từ động mạch cổ chia ra các nhánh đi lên não bộ. Các quá trình bệnh lý có thể do:

Nghẽn tắc mạch máu do xơ cứng động mạch, viêm nhiễm động mạch ...
Cục máu đông từ động mạch hoặc tim bị đẩy lên hệ thống mạch máu não và làm thuyên tắc các nhánh mạch máu não.
Giảm lượng máu đến nuôi não vì giảm áp lực máu hoặc tăng độ nhầy / đậm đặc của máu.
Bể mạch máu thuộc hệ não bộ.

Hậu quả của các quá trình bệnh lý này ra sao?

Tai biến mạch máu não là một sự chấn thương hệ thần kinh não bộ cấp tính do một trong những quá trình bệnh lý nêu trên và sẽ biểu hiện bởi những triệu chứng thiếu máu não hoặc xuất huyết não.

Có khoảng 80% tai biến mạch máu não là do thiếu máu não.

Có khoảng 20% tai biến mạch máu não là do xuất huyết não.

Não bộ là một cơ quan trong cơ thể, giống như tất cả các cơ quan khác của cơ thể, cần được nuôi dưỡng qua hệ thống mạch máu, nhưng có điểm dị biệt với cơ quan khác ở chỗ khi một phần tế bào não bị chết thì không có khả năng tạo nên tế bào não mới thay thế mô não chết, do đó việc phòng ngừa tai biến mạch máu não xảy ra là ưu tiên hàng đầu để tránh "một tổn thương xảy ra" và "một tổn thương không thể phục hồi".

Các nguy cơ nào gây ra tai biến mạch máu não?

Các nguy cơ thường dẫn đến tai biến mạch máu não là: Cao huyết áp (high blood pressure), cao cholesterol (hypercholesterolemia) trong máu, hút thuốc lá, rối loạn nhịp tim do rung nhĩ thất (arrhythmia), nhồi máu cơ tim (heart attack).

Sự thiếu máu não được phân loại như thế nào?

Sự thiếu máu não được chia làm hai loại chính:

Nghẽn tắc mạch máu do hẹp lòng mạch máu (thrombolic)
Nghẽn tắc mạch máu do cục máu đông (embolic)
Làm sao biết các triệu chứng của tai biến mạch máu não xảy ra?

Sự thiếu máu não này xảy ra ở các mức độ nặng nhẹ khác nhau, thường xảy ra khá đột ngột, nhưng có thể có triệu chứng báo trước ở các trường hợp nghẽn tắc do hẹp lòng mạch máu. Các triệu chứng báo trước này có thể thoáng qua (Transient ischemic attacks): bệnh nhân bị yếu liệt trong một thời gian ngắn rồi hồi phục hoàn toàn, nếu không được điều trị sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề hơn tức là bị yếu liệt không thể phục hồi.

Hội chứng thiếu máu não thoáng qua thường do nghẽn tắc tại động mạch cổ trong (internal carotid artery) nằm tại phần cổ của cơ thể, hoặc do cục máu đông làm nghẽn lưu thông máu trong một thời gian ngắn rồi bị tan đi trả lại sự lưu thông bình thường.

Nếu sự nghẽn tắc kể trên kéo dài, sự lưu thông mạch máu não, không được phục hồi thì mô não sẽ bị chết và các triệu chứng yếu liệt sẽ không phục hồi.

Não bộ là cơ quan phức tạp và tinh vi nhất của con người, là cơ quan thần kinh trung ương của cơ thể, gửi các nhánh thần kinh đến toàn bộ cơ thể và chi phối các hoạt động con người có ý thức lẫn hoạt động phản xạ vô ý thức.

Não bộ chia ra nhiều vùng khác nhau và có những chức năng riêng biệt như:

Bán cầu não trái chi phối hoạt động của nưœa người bên phải.
Bán cầu não phải chi phối hoạt động của nửa người bên trái.
Bán cầu não trái được coi là bán cầu ưu thế (bán cầu trội) của cơ thể vì nó điều khiển nửa người bên phải và đa số mọi người đều thuận tay phải, nó giữ các chức năng quan trọng như chức năng nói và hiểu biết. Các chức năng kể trên được định khu trong não bộ theo từng vùng riêng biệt, và mỗi vùng này đều có các nhánh mạch máu đến nuôi riêng biệt, do đó tùy theo nhánh mạch máu nào bị tắc nghẽn mà vùng não đó bị ảnh hưởng và chức năng của cơ thể bị tê liệt gây nên những biểu hiện như liệt tay và chân ở một bên người đồng đều, liệt tay nhiều hơn chân, méo mặt, không nhắm được một bên mắt, mất cảm giác nửa thân người, một mắt bị mờ / mù thoáng qua, mất tiếng nói, tiếng nói không rõ ràng, mất sự hiểu biết tiếng nói v.v...

Các xét nghiệm nào thường làm khi bị tai biến mạch máu não?

1. Tìm vùng tổn thương và mức độ tổn thương:

bằng CT scan hoặc MRI (magnetic resonance image)

2. Tìm động mạch bị hẹp và tắc nghẽn

Siêu âm động mạch cổ trong tại vùng cổ (Duplex carotid ultrasound)
Chụp động mạch não bằng cộng hưởng từ trường MRA (Magnetic resonance angiogra phy)
Siêu âm động mạch não (Transcranial doppler)
Chụp động mạch trực tiếp với thuốc cản quang (Arteriography)
Bác sĩ có thể làm gì để điều trị tai biến mạch máu não?
Thuốc chống đông hoặc làm loãng máu (Anticoagulants) - có hai dạng:
Tiêm chích Heparin
Thuốc uống: Warfarin, Aspirin, Ticlopidine, Dipyridamole ...
Giải phẫu: làm rộng lòng đôïng mạch cổ trong. Nếu động mạch cổ trong bị hẹp hơn 70 - 75% thì có thể giải phẫu.
Giai đoạn phục hồi diễn tiến ra sao?

Khi tai biến mạch máu não xảy ra, người bệnh cần nhập viện điều trị, khi tình trạng bệnh đã ổn định thì sẽ được tập vật lý trị liệu như tập đi lại, vận động các vùng chân tay đã bị yếu liệt, để phục hồi chức năng tối đa có thể đạt được. Tuỳ theo mức độ tổn thương ít hay nhiều trong não mà sự hồi phục chức năng sẽ được nhiều hay ít. Ngoài ra còn có tập nói và nuốt nếu tai biến mạch máu não ảnh hưởng lên các chức năng này.
Bằng cách nào có thể phòng ngừa tai biến mạch máu não?
Ngăn ngừa tai biến mạch máu não xảy ra sớm là điều tốt nhất và ưu tiên hàng đầu vì sự phòng ngừa làm cho người bệnh độc lập về những hoạt động trong cuộc sống hàng ngày, có thể tự đi lại, làm việc, tự săn sóc bản thân, tạo nên bầu không khí lành mạnh trong gia đình. Cần tập thể dục mỗi ngày tùy theo sức lực của từng người, khoảng 30 phút mỗi ngày. Nếu hút thuốc lá thì nên cai, dù chỉ mới hút trong thời gian ngắn hay đã hút lâu năm. Bác sĩ gia đình sẽ hướng dẫn cách bỏ thuốc lá.
Kiểm soát bệnh cao huyết áp: nên ăn lạt tức là kiêng giảm lượng nước mắm, nước tương, muối (ăn lạt không phải là ăn chay). Dùng thuốc đều đặn mỗi ngày, theo dõi với bác sĩ gia đình, theo dõi huyết áp tại nhà mỗi ngày, nếu có sự thay đổi lớn về con số huyết áp thì nên hỏi ý kiến bác sĩ gia đình ngay, dùng thuốc giảm cholesterol trong máu nếu bị cao cholesterol.

Nguy cơ gây ra tai biến mạch máu não

hút thuốc lá
cao áp huyết
cao mỡ trong máu
rối loạn nhịp tim
bị nhồi máu cơ tim

Bác Sĩ Vũ Chung

** Bác sĩ Vũ Chung Chuyên khoa Bệnh Nội Thương. Bác sĩ Chung tốt nghiệp Y khoa tại Ðại Học Y Khoa Sài gòn; tu nghiệp Chuyên khoa Bệnh Nội Thương tại Brookale University Medical Center, New York. Bác sị Chung hiện đang hành nghề tư tại San Jose, California.