Những Trẻ Sơ Sinh Sinh Non

Hoàng Diên


Một em bé ra đời thường là một sự kiện đáng mừng trong một gia đình. Ký ức về chín tháng thường khá khó chịu chưa nói đến những cơn đau đẻ khủng khiếp bắt đầu phai nhạt dần, và tất cả mọi sự chú ý chuyển sang kỳ quan bé nhỏ nhăn nheo với 10 ngón tay và 10 ngón chân dễ thương không tưởng tượng được. Mọi người đều cố ngắm nghía xem em bé trông giống cha hay giống mẹ. Có những nụ cười khắp nơi và trong vòng một hoặc hai ngày sau, gia đình hạnh phúc sẽ rời bệnh viện để bắt đầu một cuộc phiêu lưu mới ở nhà.

Thật may mắn là những cảnh tượng đáng yêu này diễn ra trong hầu hết mọi trường hợp. Nhưng một sự khởi đầu vui vẻ sẽ nhanh chóng lụi tàn khi em bé ra đời sớm một vài tuần so với 40 tuần mang thai bình thường. Sinh non, theo định nghĩa của các bác sĩ là ra đời sớm từ ba tuần trở lên, đang là một nguyên nhân hàng đầu của sự mất khả năng phát triển ở trẻ em, kể cả bệnh liệt não và chậm phát triển, theo Tiến sĩ Eve Lackritz thuộc Trung tâm Phòng bệnh Kinh niên và Tăng cường Sức khỏe. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng gây mù mắt, bệnh phổi kinh niên và những dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân kết hợp mà không phải tất cả đều rõ ràng, ở Mỹ cứ 8 em bé là có 1 em ra đời sớm ít nhất là 3 tuần trước khi đến hạn. Đáng báo động hơn, tỷ lệ này cho thấy một sự gia tăng 27% so với năm 1980. Những tiến bộ trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh đã cứu được rất nhiều em bé mà lẽ ra không sống nổi. Và rất nhiều em bé đã rời phòng chăm sóc đặc biệt để lớn lên thành những con người khỏe mạnh, năng động. Nhưng không một lồng ấp nào dù kỹ thuật cao đến đâu có thể thay thế được tử cung của người mẹ. Như các bác sĩ và y tá điều trị cho những sinh linh cực kỳ mong manh này sẽ khuyên bạn, mục tiêu cuối cùng vẫn là giữ cho các em bé sơ sinh không phải cần đến những biện pháp bất thường khi vừa mới chào đời.

Phần lớn sự gia tăng số trẻ sinh non tại Mỹ có thể liên quan đến con số ngày càng tăng của những trẻ sinh đôi, sinh ba hoặc hơn nữa, kết quả của việc điều trị vô sinh. Nếu bạn mang thai một con, xác suất sinh non của bạn chỉ nhỉnh hơn 10%, theo Tiến sĩ Charles Lockwood thuộc Đại học Yale, và cơ hội mà bạn có thể sinh ra một em bé gọi là "quá non" (sinh sớm 32 tuần) là ít hơn 2%. Nhưng nếu bạn mang thai sinh đôi thì theo các dữ liệu gần đây nhất cho thấy, khả năng sinh con "quá non" của bạn tăng đến 58%, với 12% cơ hội sinh con rất sớm. Với những thai sinh ba, bạn hầu như không có cơ hội cho thai có đủ tuần tuổi và có đến 60% khả năng sinh con trước 32 tuần.

Các chuyên gia ở Mỹ thường cấy một số phôi thai vào tử cung khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) với hy vọng gia tăng khả năng một trong chúng sẽ "ăn" và nhờ đó gia tăng tỷ lệ thành công của bệnh viện. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy xác suất thụ thai thành công có thể như nhau, dù bạn cấy một, hai hay ba phôi thai. Nhiều nước châu Âu đã quyết định giới hạn các bệnh viện IVF của mình chỉ được cấy một hoặc hai phôi mỗi kỳ mang thai. Tiến sĩ Lockwood và các bác sĩ khác nghĩ rằng một sự hạn chế như thế cũng có thể khá hợp lý ở Mỹ.

Việc sinh sản với sự hỗ trợ bên ngoài không phải là vấn đề duy nhất. Từ lâu các bác sĩ đã biết rằng hút thuốc, nhiễm trùng tử cung, cao huyết áp và tiền sử sinh non cũng đóng một vai trò quan trọng gây nguy cơ sinh non rất lớn. Họ đang xem xét việc có thể những nhân tố khác như căng thẳng, ăn kiêng (cả trước lẫn sau khi thụ thai) và sự kích động cũng đóng một vai trò nào đó. Nhưng họ cũng phải đối diện với những bí ẩn y học. "Gần một nửa số ca sinh non không rõ nguyên nhân", theo Tiến sĩ Nancy Green, giám đốc y tế của tổ chức March of Dimes, hiện đang ở trong giai đoạn đầu của một chiến dịch 5 năm với chi phí 75 triệu để giải quyết vấn đề này. Bạn có thể làm mọi điều đúng đắn nhưng vẫn bị sinh non.

Các bác sĩ thừa nhận rằng một số ý tưởng tốt nhất của họ nhằm ngăn ngừa tình trạng sinh non đã không có tác dụng gì mấy. Một loại thuốc tên là Ritodrine, từng được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm phê chuẩn vào năm 1980, đã thành công trong việc tránh sinh non ở nhiều phụ nữ, nhưng các nghiên cứu sau đó cho thấy nó không có tác dụng tổng thể gì đối với sức khỏe hay sự tồn tại của em bé cả. Việc chữa trị nhiễm trùng tử cung, dù có nhẹ nhàng đến mức nào đi nữa, dường như cũng không tạo nên khác biệt gì về thời gian sinh con — điều này cho thấy có thể sự nhiễm trùng chỉ là một giai đoạn trong cả một quá trình rộng lớn và phức tạp hơn nhiều. "Chúng ta đang tiến hành một cách tiếp cận theo kiểu một nguyên nhân một lúc", Tiến sĩ Jay Iams thuộc Đại học Bang Ohio tại Columbus nói, "Nhưng thực tế lại không phải như thế". Thực vậy, nhiều nhà nghiên cứu tin rằng họ sẽ không thật sự nắm vững cách làm thế nào để tránh sinh non nếu không trả lời được một câu hỏi thậm chí còn cơ bản hơn nữa: Làm thế nào cơ thể phụ nữ quyết định được đã đến lúc cho em bé ra đời?

Có một biện pháp can thiệp đã chứng tỏ một vài hứa hẹn trong một số ca thử nghiệm ban đầu ở những phụ nữ từng bị tiền sử sinh non mà không có một nhân tố nguy cơ đã biết nào. Việc tiêm hormone progesterone cho những phụ nữ này một tuần một lần đã giảm bớt nguy cơ sinh non của họ đến gần một phần ba. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa hiểu rõ tại sao cách này lại có hiệu quả. Nhau thai sản sinh rất nhiều hormone, vì vậy nên có vẻ như nếu bổ sung thêm một chút hormone nữa cũng chẳng thay đổi gì mấy. Cách điều trị này chưa được nghiên cứu ở những phụ nữ mang thai nhiều hơn một con.

Cẩn trọng thì vẫn tốt hơn. Không ai muốn lặp lại những vấn đề như từng xảy ra với diethylstilbestrol (DES), một loại thuốc tổng hợp tương tự như estrogen được sử dụng vào những năm 1950-60 để ngăn ngừa sinh non nhưng lại biến thành một trong những nguyên nhân gây bất thường bộ máy sinh sản và gây ra một loại bệnh ung thư hiếm thấy. Tuy nhiên, không như DES, progesterone có một hồ sơ an toàn từ lâu. Và nó không được sử dụng trong những ngày đầu thai kỳ, khi những dị tật bẩm sinh dễ có nguy cơ xảy ra nhất. Điều mà progesterone còn thiếu là một nhà sản xuất quy mô, bởi vì loại thuốc này không được bằng sáng chế bảo hộ. Thay vì thế, nó thường được sản xuất theo từng số lượng nhỏ ở các nhà máy dược phẩm liên hợp.

Bất cứ ai từng chăm sóc cho một em bé sinh non đều biết có những rủi ro rất cao. Các bác sĩ có thể cứu sống một em bé nhỏ xíu bị xuất huyết não nghiêm trọng, với hai buồng phổi mỏng manh đến mức ngay cả một chiếc máy hô hấp mức độ nhẹ nhất cũng có thể gây tổn hại vĩnh viễn cho chúng. Nhưng họ có nên làm thế không? "Đó là khi nhi khoa sơ sinh trở thành một lĩnh vực khó khăn và đầy đạo đức", Tiến sĩ Myra Wyckoff thuộc Đại học Trung tâm Khoa học Y tế Tây nam Texas tại Dallas cho biết. Dù bạn trả lời câu hỏi này như thế nào đi nữa nhưng chắc chắn giải pháp tốt nhất vẫn là tìm cách hạn chế số trẻ sinh non.