Tiếng Việt thương yêu


Tiếng Việt đáng yêu vô cùng. Tiếng tôi gọi mẹ đầu tiên là tiếng Việt, tiếng tôi chào bố đầu tiên là tiếng Việt, tiếng tôi nói đầu tiên với người yêu là tiếng Việt, tiếng nựng con đầu tiên của tôi cũng là tiếng Việt thân thương. Hầu như mọi người Việt Nam đều yêu tiếng mẹ đẻ của mình.

Từ những năm xa, nhà thơ Huy Cận đã tâm tình: “Nằm trong tiếng nói yêu thương/Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời”. Cũng lâu lắm rồi, nhạc sĩ Phạm Duy đã viết lời Tình ca: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời...”.

Ôi tiếng Việt yêu dấu ngàn năm! Tiếng Việt tình tứ, long lanh trong những câu ca dao, dân ca. Tiếng Việt uyển chuyển, tinh tế trong những câu Kiều. Tiếng Việt bình dị, rạch ròi trong vần thơ thầy Đồ Chiểu: “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương”. Có lần giở chồng báo cũ từ thời xa lắc trong thư viện quốc gia, tôi sững sờ bắt gặp một câu ca dân gian: “Giang sơn một gánh cheo leo/Qua sông nỉ nước, qua đèo nỉ non”. Chữ “nỉ nước” đi cặp với chữ “nỉ non” sao mà tuyệt thế. Lại có lần ở chốn quê nghèo, tôi lặng người khi tình cờ nghe một lão nông đứng trước giàn mồng tơi mà ứng khẩu đọc: “Ở gần sao chẳng sang chơi/Để anh kết ngọn mồng tơi bắc cầu”.

Mới đây tới Vân Nam xứ bạn, đi qua những vườn lựu đầy hoa, tôi lại nhớ thơ Nguyễn Du: “Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông”. Thân tình quá! Đúng là lửa từ những cây lựu kết thành bông, thành trái giữa mùa hè chói lọi nắng hồng. Lại có lần tôi đến nước Úc, lạ thay một bà già đứng bên lề đường đón tôi vào nhà. Hóa ra vì hoàn cảnh phải theo con gái sang tận châu Đại Dương để trông cháu, lúc rảnh bà thường ra đường đón đồng hương để được trò chuyện bằng tiếng Việt. Kỳ lạ hơn nữa, bà còn dạy tiếng Việt cho các cháu bé và chỉ dẫn đứa cháu gái sinh ra trên đất Úc mới chừng 5 tuổi mỗi ngày đều đặn chép nắn nót một trang Truyện Kiều vào cuốn vở lớn trắng bong, để nó khỏi quên chữ và tiếng nước mình.

Bà già ấy, cũng như tôi, như nhiều người, đều yêu tiếng Việt đến tận cùng đời mình như thế. Nhưng tôi không chỉ yêu mà còn thương lo cho tiếng Việt. Bởi lẽ ngày nay vẫn có một số người coi nhẹ thứ ngôn ngữ từng nghe từ thuở nằm nôi. Trên đài, trên báo thôi thì mặc sức dùng tiếng Anh thay cho tiếng Việt. Nào là diễn đàn tuổi teen, nào là vấn đề “hot”, nào là khu resort Phú Quốc, nào là cuồng nhiệt với V.League, live show ca nhạc...

Thật buồn đến héo ruột khi tiếng mẹ đẻ cứ vô tình bị làm nghèo, làm hỏng đi! Sâu thẳm lòng tôi mãi đồng vọng cảm xúc thơ của Lưu Quang Vũ:

“Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết

Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi

...Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển

Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?

...Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá

Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình...”.


TRẦN ĐỒNG MINH