Chữ "Cáo" & Chữ "Hịch"

Chữ “Cáo” trong Bình ngô đại cáo của Nguyễn Trãi và chữ “Hịch” trong Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo có gì khác và giống nhau?

- Chữ "cáo" trong Bình Ngô đại cáo và chữ "hịch" trong Hịch tướng sĩ là tên gọi của hai thể loại văn xuôi biền ngẫu thời xưa (văn học chữ Hán, xuất phát từ Trung Quốc). Cả thể văn cáo và thể văn hịch đều dùng cho các nội dung chính luận, thường do vua hoặc triều đình, hoặc tướng lĩnh lấy danh nghĩa triều đình soạn thảo và ban hành. Điểm khác nhau giữa hai thể văn này là:

Hịch có ý nghĩa kêu gọi hiệu triệu đông đảo công chúng nhằm vào một việc trọng đại nào đó. Hịch có thể do vua ban, hoặc do tướng lĩnh cấp cao vâng mệnh vua ban hành cho nhân dân hoặc quân đội cùng biết, để đồng lòng làm theo nội dung mà bài hịch đề ra.

Còn cáo là bài văn có ý nghĩa thông báo một thông tin có tầm quan trọng với đại đa số nhân dân. Thường khi vua muốn thông báo về những đổi mới trong chính sách quản lý nhân dân, những chủ trương chính trị trọng đại của toàn dân tộc như việc xác lập hòa bình, đánh đuổi giặc ngoại xâm và xây dựng vương triều mới... thì ban hành cáo. Cáo còn được dùng để thông tin những sự kiện có ý nghĩa hoàn tất, những chiến công, những kết quả của một công trình quan trọng nào đó...

Cả văn cáo và hịch đều không hạn chế số câu và số chữ, miễn tuân thủ luật đăng đối trong văn biền ngẫu là được. Văn phong hai thể loại này mang tính chính luận nên trang trọng, sắc bén, lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục.

Một số bài cáo mẫu có thể xem trong Kinh thư, như tác phẩm Thang cáo (được chép trong chương Thương thư của sách Kinh thư) và Vũ cáo hay đại cáo Vũ Thành (được chép trong chương Chu thư của sách Kinh thư).