Results 1 to 3 of 3

Thread: Tiếng Việt Đa Dạng - G.S Nguyễn Hữu Phước

  1. #1
    Senior Member delta's Avatar
    Join Date
    Oct 2007
    Posts
    1,697

    Default Tiếng Việt Đa Dạng - G.S Nguyễn Hữu Phước

    Tiếng Việt Đa Dạng


    Tại Sao Có Sở “Ba Son” và Vườn “Bồ Rô”?


    LTS. – Đoạn này được trích từ tác phẩm Tiếng Việt Đa Dạng của Giáo Sư Nguyễn Hữu Phước, với sự cho phép của tác giả.

    Thành phố Sài Gòn có hai từ gốc Pháp khá đặc biệt. Nhưng không ai biết chắc nguyên ngữ của chúng là gì.

    Từ đầu là cơ sở đóng và sửa chữa tàu tên là xưởng “Ba Son.” Ông Vương Hồng Sển có đưa ra mấy giả thuyết về nguồn gốc của từ nầy.

    Trước hết có lẽ nó là tên của một người thợ (anh Ba Son). Kế đó nó có thể bắt nguồn nơi tên “mare au poisson (đầm hay hồ cá) mà ra vì khi xưa, có một con kinh nhỏ gần đó, có nhiều cá và người ta hay đến đó câu. Sau nầy kinh đã được lấp rồi nhưng tên Việt hóa vẫn còn tiếp tục được sử dụng.

    Tiếp theo là giả thuyết nói rằng từ “ba son” có nguồn từ chữ “bassin de radoub” tức cái ụ tàu, vì sách xưa có ghi là người Pháp đã dùng một chi phí lớn để xây cái bassin de radoub nầy.

    Sau hết, cũng theo ông Sển, thì có một nhân vật khác của nam VN giải thích rằng từ “ba son” là do nguyên ngữ “reparation” (có nghĩa sửa chữa) mà ra.

    Từ đặc biệt thứ hai là từ Vườn Bồ Rô. Đây là công viên nổi tiếng của Saigon. Theo Phụng Nghi trong quyển Saigon Trong Mắt Tôi thì công viên nầy dưới thời Pháp thuộc có tên Parc Maurice Long và dân Pháp gọi nó là Jardin De Ville hay Công viên thành phố. Dưới thời VNCH tên chánh thức của nó là Vườn Tao Đàn. Hiện nay nó là Công Viên Văn Hóa.

    Cũng theo Phụng Nghi ghi lại lời của ông Vương Hồng Sển thì từ “bồ rô” trước có lẽ do nguyên ngữ “préau” mà ra, vì préau có nghĩa là sân có lợp nóc. Ông Sển cũng có ghi ra ý kiến của một người khác là từ “bồ rô” có thể do chữ “bureau” mà ra vì các phu làm vườn cuối tháng phải lên văn phòng hay lên “bureau” để lãnh lương; hoặc giả Bureau là tên của ông xếp coi công viên nầy.

    Dầu có nguồn từ nguyên ngữ nào, “Vườn Bồ Rô” vẫn đã là nơi có nhiều kỷ niệm của một số lớn dân Sài Gòn, và tên đó vẫn là một tên quen thuộc đối với những người lớn tuổi.

    Một cụm từ Việt gốc Pháp khá đặc biệt

    Cụm từ nầy chỉ nghe nhiều trong văn nói hơn thấy nhiều trong văn viết. Đó là cụm từ “mêm xối xiên” (même chose chien: cùng loại hay giống như con chó).

    Theo Ông Vương Hồng Sển, chuyện truyền rằng ngày xưa có một người dốt tiếng Pháp đem một con dê mập béo làm quà Tết biếu quan tây để đút lò đêm giao thừa. Quan hỏi: ông cho tôi con gì đó? Bị hỏi bất ngờ, ông đó không nhớ ra tên tiếng Pháp của con dê. Ông mới diễn tả bằng số từ ngữ hạn hẹp, sai văn phạm, của ông: “Lũy mêm xối xiên, dà na bắp, dà na cót” (lui même chose chien, il y a barbe, il y a corne: nó giống con chó, có râu, có sừng). Chuyện nầy thực hư ra sao không biết được.

    Theo ông Lãng Nhân, cụm từ nầy chỉ món ăn độc đáo của VN là món “giã cầy” vì nó là món thịt heo nấu giống thịt cầy nó “mêm xối xiên” mà, ăn tạm khi không tìm ra thịt chó vậy. Cả hai thuyết trên về nguồn gốc của cụm từ nghe đều hay cả. Cụm từ nầy, tuy rằng bắt đầu do một người ít học dùng, sau đó lại là cụm từ được phổ thông một thời. Người ta dùng trong văn nói với giọng bông đùa, hơn là trong văn viết trong thập niên 1950 và 60.


    G.S Nguyễn Hữu Phước


  2. #2
    Senior Member delta's Avatar
    Join Date
    Oct 2007
    Posts
    1,697

    Default Re: Tiếng Việt Đa Dạng - G.S Nguyễn Hữu Phước

    Từ Gốc Pháp: “Cua gái” phải “Ga lăng”

    LTS. – Đoạn này được trích từ tác phẩm Tiếng Việt Đa Dạng của Giáo Sư Nguyễn Hữu Phước, với sự cho phép của tác giả.

    Từ “cua”

    Những học sinh, sinh viên ngày xưa thường nói là phải biết cách “nịnh đầm” khi đi cua gái (faire la cour à une fìlle : tán tỉnh một người phái nữ) thì dễ được sự chú ý của các cô hơn. Chúng ta có nhiều từ cua khác sau đây:

    Cua (cours): lớp học như trong từ cúp cua (couper le cours): trốn học.

    Cua (court): còn có nghĩa là ngắn. Hớt cua là hớt tóc ngắn; hớt “ma nin cua” là hớt tóc ngắn kiểu Manila.

    Thêm vào còn có cua (courbe) là đường cong; thí dụ đi tới ngã ba thì quẹo cua về phía phải; hoặc xe chạy lẹ quẹo cua gắt quá có thể bị lật.

    Liên hệ đến âm “cua” nhưng hoàn toàn khác nghĩa chúng ta có công cua (concours) là thi tuyển; và có đít cua (discours) là diễn văn. Khi xưa tôi có nghe nói đùa đại khái rằng buổi lễ không có gì quan trọng, chẳng cần “đít cua đít còng” gì cả (con cua và con còng là hai con vật có “họ hàng” và đều sống dưới nước). Đây là việc đem chuyện nọ xọ chuyện kia cho vui mà thôi.

    Từ “băng”

    Băng với nhiều nghĩa khác nhau.

    Băng (banque) đầu tiên là ngân hàng. Có tiền thì nên giữ ở nhà băng để kiếm chút lời (có bảo kê).

    Thêm vào có băng (bande) là một nhóm người có cùng một khuynh hướng; từ băng đảng thường chỉ một nhóm người làm những việc không tốt.

    Sau hết chúng ta có băng (bande) chỉ miếng vải nhỏ, dài, hoặc một cuộn phim (film). Cùng nghĩa với từ băng sau cùng nầy chúng ta có băng đô (bandeau) tức miếng vải quấn trên đầu; và băng đơ rôn (banderole) chỉ tấm vải lớn, dài, có viết chữ.

    Từ băng (banc): chỉ cái ghế dài hay cái ghế ngồi trong xe, đã nói bên trên.

    Từ “ga”

    Ga (gare) là trạm xe hỏa đã nói bên trên.

    Chúng ta còn có từ ga (gaz): là loại vải thưa để bọc ngoài vết thương.

    Từ thứ hai đồng âm là ga xăng (gaz): xăng đã đốt thành hơi tống mạnh làm máy xe chạy.

    Cái bàn đạp để tăng giảm tốc độ của xe hơi cũng gọi là ga. Từ nầy cũng do nguyên ngữ gaz vừa nói .

    Muốn xe chạy nhanh thì nhấn thêm ga. Xe chạy hết ga là chạy với tốc lực tối đa của xe đó. Gọi nó là ga xăng vì nó điều khiển mức độ xăng bôm vào máy xe.

    Sau hết còn có từ ga hay hố ga (regard): chỗ nước đọng xuống trước khi chảy vào cống chánh. Nhờ cái hố ga nầy mà rác rến, hay các vật nặng khác như đất, sỏi, đọng lại đây và được vớt đem bỏ. Nếu không có hố ga ở mỗi miệng cống, các vật khác hơn nước có thể chui thẳng vào ống cống, và có thể làm nghẹt cống. Từ nầy không thông dụng.

    Vì sự liên tưởng xin nhắc đến một từ gốc Pháp khác: ga lăng (galant). Ga trong ga lăng không liên hệ gì tới những từ ga bên trên. Ga lăng là một hành vi hay cử chỉ đẹp của phái nam dành cho phái nữ như nhường cho người nữ đi trước, mở cửa xe cho họ lên và đóng cửa xe lại; hoặc khi có ai mời người nữ lên diễn đàn thì một nam nhân sẽ đưa cánh tay ra cho người nữ nắm và dìu người nữ đi lên v.v.

    Các thanh niên mới có người yêu nên học những hành động ga lăng nầy để hy vọng giữ bồ được lâu. Còn các đấng mày râu nên tiếp tục thi hành những cử chỉ nầy nếu đã trót dại học theo lối tây phương, và luôn thực hành từ lúc còn niên thiếu, để được tiếng khen là người biết nịnh đầm.


    GS. Nguyễn Hữu Phước

  3. #3
    Senior Member delta's Avatar
    Join Date
    Oct 2007
    Posts
    1,697

    Default Re: Tiếng Việt Đa Dạng - G.S Nguyễn Hữu Phước

    Ngày Xưa Đi Học: “Ô thì đội nón, ơ thì mang râu”


    LTS. – Đoạn này được trích từ tác phẩm Tiếng Việt Đa Dạng của Giáo Sư Nguyễn Hữu Phước, với sự cho phép của tác giả.

    Ngày xưa, trong việc học chữ quốc ngữ tôi nhớ có câu:

    I T (đọc: tờ) giống mốc cả hai

    I ngắn có chấm, tờ dài có ngang;

    O tròn như quả trứng gà

    Ô thì đội nón, ơ thì mang râu

    Quốc ngữ chưa xong, lại được học thêm những từ Hán Việt. HV, hay chữ TH đọc giọng VN, được dạy và học từng từ một trong số 3,000 từ cần thiết căn bản:

    “Thiên: trời (thiên có nghĩa là trời); địa: đất; thất: mất; tồn: còn; tử: con, tôn: cháu; lục: sáu; tam: ba”; v.v.

    Học HV (chúng tôi gọi đùa là học “hán”) được một thời gian ngắn lại cho học tiếng... Tây. Tiếng Tây thời của tôi được dạy bắt đầu từ “lớp nhì một năm” tức lớp bốn ngày nay ở tiểu học. Lẽ dĩ nhiên là “khó ơi là khó”, học chữ Tây khó làm sao. Lại phải học thuộc lòng từng từ một.

    Câu chuyện vui bắt đầu. Có một em bé nhà ở trong ruộng, cha mẹ là nông dân, thất học. Em phải đi bộ 5 kí lô mét mới đến trường. Em lên lớp nhì và bắt đầu học tiếng tây. Tối về nhà đốt đèn dầu lên tuy leo lét, nhưng cũng đủ để đọc và học bài. Cha mẹ em thì vào bên trong nằm trên giường, nói chuyện nho nhỏ về lúa thóc, mùa màng. Ông bà chia xẻ sự vui mừng vì con bắt đầu lên lớp và bắt đầu học tiếng Tây. Bên ngoài em bé siêng học, đọc đi đọc lại:

    Cha tôi là “mông pe rờ ( mon père)

    Mẹ tôi là ma me rờ (ma mère).

    Em còn học thêm cả chục chữ mới nữa. Đọc mãi mà vẫn chưa thuộc, em bắt đầu ngủ gục, miệng vẫn tiếp tục đọc:

    Cha tôi (mông pe)....rờ ..; mẹ tôi,

    Mẹ tôi (ma me) ... rờ;

    Chữ “mông pe” và chữ “ma me” em đọc nhỏ dần. Sau đó chỉ nghe:

    Cha tôi ...........rờ; mẹ tôi .....

    mẹ tôi ........rờ; cha tôi, cha tôi ......rờ; mẹ tôi.

    Ba mẹ nó bên trong, hoàn toàn ở trong bóng tối. Lúc đó hai ông bà thật sự có “săn sóc” “nâng niu” nhau chút chút. Ông nói thì thầm vào tai bà: “Bà ơi, nó học tiếng tây tiếng u gì mà lại thành thầy bói; sao nó biết tụi mình đang “mần ăn” vậy bà? Thằng nhỏ thông minh thiệt!!!

    Sẵn đây tôi xin viết ra luôn một bài lục bát hỗn hợp (ba rọi) khác. Tác giả của bài thơ nầy là ai chúng tôi không biết. Ông diễn tả cách học tiếng Tây như tôi vưà nói bên trên.

    Phrăng xe pra tic thực hành,

    Pháp văn mỏa học không rành không thông

    Mỏa xin chú bác ton-ton

    Làm ơn chỉ dạy lơ xông một bài.

    Trong bài thơ trên chúng ta có Francais (chữ c còn thiếu cái râu): Pháp văn; pratique: thực hành; moi: tôi; tonton: chú bác; lecon (chữ c còn thiếu cái râu): bài học.

    Thơ Pháp được dịch ra tiếng Việt hay ngược lại thì nhiều lắm. Những bài thơ “ba rọi” kiểu nầy tuy rất ít nghe thấy, nhưng trong ca dao VN cũng có dấu vết của những câu ba rọi (5) :

    Giấy Ba ri (Paris) tay đề thơ nhạn

    Mực Ba ke (paker) kính gởi thăm nàng.

    Hoặc:

    Đồn rằng mình giỏi tiếng Tây
    Ta hỏi cái nầy mình biết làm sao?
    Quả dứa thì gọi thế nào?
    Ổi kia, chuối nọ làm sao hỡi mình?
    Quả dứa thì gọi na na (annas),
    Ổi thì ngồ-ý ao (goyave) chuối là ba nan (banane)
    Măn dê (manger) thì gọi là ăn
    Boa lô (boit l’eau) uống nước, đi nằm: cu xê (coucher)
    Con gà thì gọi bu lê (poulet),
    Con vịt ca nác (canard), lợn là cu xong (cochon);
    Bồ câu là thật bi dông (pigeon),
    Con tôm cờ vết (crevete), bố là baba (papa).
    Các bài thơ trên đã ghi dấu một giai đoạn khá đặc biệt trong sự phát triển của tiếng Việt.



    GS. Nguyễn Hữu Phước

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts