Results 1 to 2 of 2

Thread: Tại sao là Phong Thủy? - Nguyễn Phúc Vĩnh Tung

  1. #1
    Senior Member delta's Avatar
    Join Date
    Oct 2007
    Posts
    1,697

    Default Tại sao là Phong Thủy? - Nguyễn Phúc Vĩnh Tung

    Tại sao là Phong Thủy?

    Khi cuốn Phong Thủy Và Cuộc Sống Hôm Nay phát hành vào tháng 6 năm 1999, sự đón nhận của độc giả khắp nơi làm ngạc nhiên nhiều người. Sách tái bản sau ba tháng và đã in lại lần thứ ba trong vòng một năm đầu.

    Bởi vậy, có người hỏi:

    – Tại sao lại là Phong Thủy?

    Phải, chúng ta đã bước vào một thiên niên kỷ mới, một vệ tinh thám hiểm của Hoa Kỳ đã đáp xuống Hỏa tinh, mà chúng ta lui lại tìm hiểu một khoa học đã có từ bốn ngàn năm trước để làm gì?

    Trong chúng ta, hẳn đã có nhiều người từng lao tâm khổ lực để tạo dựng sự nghiệp, nhưng một ngày nào đó, tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Cũng như có nhiều người đã hy sinh cả công danh, tài sản để mong muốn một mái ấm gia đình, một tình yêu chân thật, nhưng cuối cùng cũng chỉ là những chua xót, đắng cay.

    Rồi một lúc nào đó, trong một giây phút tâm tư thật lắng đọng, có bao giờ chúng ta tự hỏi những điều khúc mắc của chính bản thân mình, hay là của những người chung quanh. Phải, có bao giờ chúng ta đặt mình vào những hoàn cảnh như sau để chia xẻ với người trong cuộc những ưu tư và sự đau khổ vì không tìm ra câu trả lời:

    – Một bà mẹ ở thành phố Garden Grove có người con trai đang học giỏi, được giấy ban khen của tổng thống, nhưng từ ngày nhà bên cạnh làm một cái giàn hoa giấy, những cây nhọn gác trên giàn hoa chỉa ngay vào phòng của người con, cậu bé đâm ra lười biếng, chỉ thích chơi game, bỏ bê việc học hành.

    – Chủ một tiệm ăn ở thành phố Seattle, loại tiệm có bếp đặt ngay giữa, thực khách ngồi chung quanh. Loại nhà hàng này rất đông khách ở miền Tây-Bắc Hoa Kỳ, nhưng tiệm của ông từ ngày khai trương đến nay chỉ toàn là lỗ, mặc dù ông đã làm đúng theo khuôn mẫu như những tiệm khác, chỉ có điều là cái toilet trong tiệm của ông lại ở ngay góc Đông-Nam của tiệm.

    – Một bà ở Toronto, Canada không biết tại sao vừa dọn vào căn nhà mới có hai tháng là mất việc, mặc dù đã làm tại công ty này hơn 10 năm rồi. Căn nhà mới khang trang và đẹp hơn căn nhà cũ nhiều, chỉ có phần ở hướng Bắc bị khuyết.

    – Một căn nhà xinh đẹp ở trong một khu sang trọng của thành phố Westminster, miền Nam California, đã đổi chủ bốn lần, và trong bốn đời chủ đó thì ba người vợ chết, một người chồng chết, tất cả xảy ra trong thời gian ở tại căn nhà này.

    Và còn biết bao nhiêu trường hợp khác, mà người trong cuộc chỉ còn biết tự hỏi "Tại sao?".

    Khi chúng ta nỗ lực để tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp cho mình, cho những người thân yêu của mình là chúng ta đã "tận nhân lực". Và cái giây phút mà chúng ta nhìn lại cuộc đời và tự hỏi "Tại sao?", thì đó là lúc chúng ta đã "tri thiên mệnh".

    Những khoa học thực tiễn như Vật lý học, Hóa học, Tâm lý học, Chính trị học v.v... là những phương tiện giúp cho chúng ta "tận nhân lực". Nhưng chỉ có những khoa học huyền bí như Tướng Mệnh, Tử Vi, Phong Thủy v.v... mới giúp con người "tri thiên mệnh".

    Như vậy, tại sao chúng ta chọn khoa Phong Thủy để khảo cứu? Lý do đơn giản là trong các khoa học huyền bí vừa nêu trên, thì Phong Thủy là một khoa học rất gần với cuộc sống thực tiễn hằng ngày của chúng ta, và điều quan trọng hơn là khoa Phong Thủy thể hiện được cái quan niệm sống tích cực, phấn đấu, vì "Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều".

    Thật vậy, trong lúc khoa Tử Vi đặt căn bản trên giờ, ngày, tháng và năm sinh để quyết định số mệnh của một người, như thế, thì làm sao chúng ta có thể thay đổi được? Nhưng khoa Phong Thủy thể hiện được lòng mong ước thay đổi phần nào số mệnh của con người. Chẳng hạn, khi ở trong một căn nhà mà Phong Thủy không tốt, chúng ta có thể sửa chữa hoặc đổi căn nhà khác.

    Và lý do sau cùng là khoa Phong Thủy ngày hôm nay đã được đơn giản, dễ hiểu và rất gần với cuộc sống hằng ngày. Phong Thủy có thể giúp cho cuộc sống vợ chồng chúng ta đầm ấm hơn, hạnh phúc hơn, giúp cho con cái chúng ta ngoan ngoãn hơn, học hành tiến bộ hơn, và giúp cho công việc làm ăn, kinh doanh của chúng ta có kết quả tốt đẹp hơn.

    Do đó, có thể nói, sự thành đạt của mỗi người phải hội đủ ba yếu tố: "Trời, Đất và Ta."

    – Trời: có thể xem là "Thiên Thời", biểu tượng cho thiên mệnh, là yếu tố mà chúng ta không thể thay đổi.

    – Đất: là "Địa Lợi", là căn bản của khoa Phong Thủy, là yếu tố mà chúng ta có thể tác động được. Và cuối cùng là:

    – Ta: biểu tượng cho" Nhân Hòa", cho lòng mong muốn thay đổi phần nào số mệnh, cho sự nỗ lực cá nhân của mỗi người.

    Trong ba yếu tố đó, chúng ta có thể chủ động được hai, Địa Lợi và Nhân Hòa, phần Địa Lợi là yếu tố mà chúng ta có thể chọn lựa được một cách dễ dàng nếu chúng ta có một sự hiểu biết căn bản về khoa Phong Thủy.

    Bởi vậy, những trang sách này, sẽ là chìa khóa giúp mỗi người tự mình mở cửa bước vào khu vườn đầy màu sắc huyền nhiệm của một khoa học huyền bí mà người Trung Hoa đã biết, đã áp dụng gần bốn ngàn năm nay, và cũng là những lời giải đáp cho các điều thắc mắc nêu trên.

    Cuộc đời có những điều nằm ngoài tầm tay với của mình, Phong Thủy chỉ là một trợ lực, một tác động ngoại thân, nhưng nếu có lòng tin, biết đâu, cuộc đời sẽ có những thay đổi tốt đẹp từ đây


  2. #2
    Senior Member delta's Avatar
    Join Date
    Oct 2007
    Posts
    1,697

    Default Re: Tại sao là Phong Thủy? - Nguyễn Phúc Vĩnh Tung

    Nguồn Gốc Khoa Phong Thuỷ

    Thật ra cho đến ngày hôm nay, chưa có một tài liệu nào cho chúng ta biết chính xác ai là người đã sáng tạo ra khoa Phong Thủy. Những tài liệu đưa ra từ trước đến nay về vấn đề này chỉ là những giả thuyết hay do sự suy diễn của mỗi cá nhân mà thôi. Và kể cả câu hỏi về thời gian mà khoa Phong Thủy xuất hiện, chúng ta cũng không có câu trả lời chính xác, mà cũng chỉ là những phỏng đoán theo tiến trình lịch sử của Trung Hoa là nơi đã phát sinh khoa Phong Thủy.

    Một trong những giả thuyết cho rằng khoa Phong Thủy ra đời cùng với thời gian mà người Trung Hoa khám phá ra đặc tính của nam châm và xử dụng để làm la bàn tìm phương hướng, đó là thời gian mà người ta ước đoán là khoảng năm 2600 trước Công Nguyên. Bởi vậy, chúng ta chỉ lưu ý đến tiến trình của khoa Phong Thủy và những người đã có công hoàn chỉnh bộ môn này với những dữ kiện có thể tin tưởng được.

    Lão Tử, vị giáo chủ của đạo Lão, là nhân vật đầu tiên mà đa số những người tìm hiểu về khoa Phong Thủy nghĩ rằng ông đã có công góp phần không ít cho bộ môn này trong buổi sơ khai. Tuy không có một tài liệu chính xác nào lưu lại, nhưng người ta tin tưởng Lão Tử đã dựa vào Kinh Dịch để đặt nền tảng cho khoa Phong Thủy vào khoảng năm 600 trước Công Nguyên.

    Bậc thầy thứ hai là Hồng Phạm, trong thời nhà Hán, người đã lập ra hệ phái Cửu Tinh Bát Môn, dựa vào chòm sao Đại Hùng Tinh là 7 sao có thật trên vòm trời mà hồi đó ông đã phát hiện được, cộng thêm với hai sao tượng trưng là Tả Phù và Hữu Bật làm thành nhóm Cửu Tinh mà chúng ta sẽ đề cập đến trong cuốn sách này.

    Và trong suốt thời Tam Quốc phân tranh, một người được xưng tụng với danh hiệu Vạn Thế Biểu Sư chính là Khổng Minh Gia Cát Lượng (181 - 234 sau Công Nguyên). Ông là một chiến thuật, chiến lược gia kỳ tài và là một bậc tôn sư về môn Phong Thủy, ông đã áp dụng những nguyên tắc căn bản của môn này vào lãnh vực binh bị, như việc lập doanh trại, địa thế nơi đóng quân v.v... làm cho khoa Phong Thủy được người đời tin tưởng và nghiên cứu để học hỏi nhiều hơn.

    Vào khoảng năm 200 trước Công Nguyên, tức là những năm đầu của nhà Hán cho đến thời Hán Sở tranh hùng, qua tài liệu khảo cổ, chúng ta thấy di tích một vài tác phẩm nói về cách chôn cất và cách đặt mộ phần, tức là khoa Phong Thủy Âm Trạch sau này. Nhưng tiếc thay, những tác phẩm nói trên đều viết bằng loại cổ tự Trung Hoa, cách diễn tả khó hiểu và bị mất mát quá nhiều, lại thêm tình trạng "tam sao thất bổn", nên người đời sau không thể dựa vào đó để tham khảo được gì.

    Khoảng năm 618 sau Công Nguyên, tức là vào đời nhà Tần, đã xuất hiện nhiều nhà Phong Thủy nổi tiếng, họ như những bậc tôn sư của thời đại, có công hoàn chỉnh và phổ biến sâu rộng khoa Phong Thủy trong nhân gian. Và cũng từ thời điểm này, khoa Phong Thủy chia ra làm nhiều hệ phái như Cửu Tinh Bát Môn, Ngũ Hành Chính Thống, Huyền Không Ngũ Hành, Hồng Phạm Ngũ Hành v.v... và phân ra làm hai lãnh vực: Âm trạch, chủ về mộ phần và Dương trạch, chủ về nhà cửa, cơ sở thương mãi. Rồi cũng từ đó, khoa Phong Thủy đã trở thành những nguyên tắc không thể thiếu sót trong cuộc sống của người Trung Hoa cho đến ngày hôm nay.

    Bước vào thế kỷ hai mươi, khoa Phong Thủy không còn là tài sản riêng của người phương Đông nói chung, mà đã được người phương Tây nghiên cứu, học hỏi và áp dụng. Theo đà tiến hóa của xã hội với thời gian, Phong Thủy hôm nay chỉ còn áp dụng nhiều trên hai lãnh vực nhà ở và cơ sở thương mãi. Phần mồ mả, còn áp dụng chăng, có lẽ chỉ ở các nước Á Đông, và tại những vùng chưa đô thị hóa mà thôi. Riêng phần áp dụng khoa Phong Thủy vào hai lãnh vực nhà ở và cơ sở thương mãi, vì để theo đúng bối cảnh sinh hoạt hiện tại, những nguyên tắc của khoa Phong Thủy ngày càng được biến đổi cho phù hợp với thực tế, ngày càng đơn giản và gần gũi với cuộc sống hơn

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts