Giáng Sinh Úc Châu


Giáng Sinh Úc Châu, Ành Nguyễn Trung Tây

Nhìn tấm hình Giáng Sinh Úc Châu, người đàn ông cự nự,

— Ở đâu lại ra cái của này.

— Ở đâu ra? Chụp thì “nó” mới ra chứ ở đâu mà ra. Hình Giáng Sinh Úc Châu, bộ bác nhận không ra hay sao?

— Giời ạ! Thế này mà cũng gọi là hình Giáng Sinh.

— (Gân cổ) Sao lại không? Cũng Chúa Hài Đồng, Đức Mẹ, thánh Giuse, chú chiên bé tí ti vậy thôi.

— Biết, nhưng cây thông với tuyết trắng đâu mất tiêu rồi? Ông là chỉ được cái ưa tán hươu tán vượn.

— Ơ, cái bác này, sao lại ăn nói đến là vớ vẩn. Mình bây giờ đang ở đâu?

— Đang ở Úc.

— Úc tháng Mười Hai Giáng Sinh đang là mùa gì?

— Mùa hè…



Giáng Sinh mùa hè 2007 lại về với Nam Bán Cầu Úc Châu. Hai bên đường phố xá, những ngọn đèn xanh đỏ trên những mái nhà thị dân Úc Châu đêm đêm về bắt đầu chớp tắt. Ngập tràn trong thương xá, nơi công cộng là những cây thông xanh ngăn ngắt dựng đứng cao ngất với nơ đỏ, kẹo sọc đỏ, giây kim tuyến. Trong thương xá vẫn là những ông già Noel râu bạc trắng như tơ mặc áo đỏ ngồi trên ghế chụp hình Giáng Sinh với trẻ em.

Nhưng không giống như mùa Giáng Sinh Bắc Bán Cầu, Giáng Sinh Nam Bán Cầu Úc Châu không có tuyết trắng đổ, không có bầu không khí lành lạnh, cho nên những bài thánh ca với những câu, “I’m dreaming of a white Christmas”, hay “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời” không còn thích hợp với cư dân Úc Châu nữa. Bây giờ Giáng Sinh Úc Châu đang là “I’m dreaming of a hot Christmas”, hay “Đêm hè trời nóng Chúa sinh ra đời”. Bởi thế, không lạ chi nếu trên những tấm thiệp Giáng Sinh Úc Châu, không ai thấy tuyết trắng bám trắng trên cây thông xanh. Giáng Sinh Úc Châu, nếu địa phương hóa theo tinh thần Vatican II, sẽ có cây gum thổ sản của sa mạc Úc Châu, dưới chân cây gum là Hài Nhi Thánh, Thánh Giuse, Mẹ Maria và chú chiên bé tí ti. Xa xa là cây cỏ, đất đỏ, và đồi núi mang đậm nét thổ của châu Úc.

Hồi xưa Chúa ở trên cao sống nền văn hóa khác với văn hóa cõi trần. Văn hóa nhân gian là văn hóa địa cầu. Người địa cầu nói tiếng Việt, nói tiếng Anh, nói tiếng thổ dân Úc, và nhiều tiếng khác. Người trần gian ăn cơm uống trà xanh như người Việt, hoặc ăn meatpie uống beer chai Victoria Bitter như người Úc, hoặc ăn thịt uống nước suối như thổ dân Úc. Nhưng văn hóa thiên đàng thì sao? Nét nào là nét đặc trưng văn hóa thiên đàng?

Chắc chắn thần học gia sẽ còn phải viết hàng ngàn hoặc hàng triệu cuốn sách khác để trả lời cho những câu hỏi mang đậm nét thần học về văn hóa thiên đàng, nhưng một cách ngắn gọn, tác giả có thể liệt kê một nét đặc trưng về văn hóa thiên đàng, đó là, thiên đàng không có thể xác như trần gian. Chính bởi thế,

(1). Văn hóa thiên đàng không có tiếng nói như tiếng nói của con người.

(2). Văn hóa thiên đàng không phải là văn hóa ẩm thực như văn hóa trần gian.

Nhưng bởi thương con người vất vả lao đao với cực nhọc bùn đen tội lỗi, Con Chúa bỏ văn hóa thiên đàng khoác vào thiên thể thân xác của văn hóa trần gian. Và bởi Con Trời làm người, ngài nói tiếng Do Thái, ăn bánh mì, và uống rượu y như tất cả mọi người Do Thái khác. Đó là lý do thánh Phaolô đã nói,

Đức Giêsu Kitô, Tuy là Thiên Chúa, nhưng không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,nhưng đã hoàn toàntrút bỏ vinh quang,mặc lấy thân phận nô lệtrở nên giống phàm nhân,sống như người trần thế (Phil 2:6-7).

Nếu Đức Giêsu không từ bỏ văn hóa thiên đàng, khoác vào người văn hóa trần gian, con người sẽ không bao giờ cảm nghiệm được tình yêu bao la trời cao dành riêng cho con người.

Trong tinh thần hòa nhập đó, mầu nhiệm vĩ đại trong lịch sử ơn cứu độ đã xảy ra cách đây hai ngàn năm tại phố nhỏ Bethlehem, “Ngôi Lời đã làm người, và định cư giữa chúng ta” (Jn 1:14). Trong tinh thần địa phương hóa đó, công đồng Vatican II kêu gọi người tín hữu tiếp tục duy trì và phát huy đức tin Kitô trong nét độc đáo có một không hai của từng địa phương.

Trong tinh thần hòa nhập của mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể và địa phương hóa của Vatican II, hình Giáng Sinh Úc Châu cũng chập chững bước vào đời.



— Bác đã hiểu chửa?

— Hiểu cái gì?

— Ơ, cái bác này đến là hay. Nói suốt từ nãy giờ khô cả nước miếng…

www.nguyentrungtay.com
LM Nguyễn Trung Tây, SVD