Results 1 to 3 of 3

Thread: Tuỳ Bút của Phú Yên

  1. #1
    Member
    Join Date
    Jul 2005
    Posts
    67

    Default Tuỳ Bút của Phú Yên

    Hoa Lê Thúi Trong Ngày Cá Tháng Tư


    Cái con đó là bà chúa xạo. Nó nói gì cũng không đúng đâu vào đâu cả, nhưng khổ nỗi nghe nó nói ai cũng tin liền nên được thể nó làm tới; miết rồi thành thói quen! Hễ mở miệng ra là phải xạo trước cái đã. Khi nó không xạo, đó là chuyện lạ lùng.

    Hoa là cái tên cúng cơm của nó, mang họ Lê, đệm chữ Thúy. Dáng người coi cũng khá, nghĩa là từ trung bình cho đến nhỉnh hơn một xíu, nên dù có tật nói xạo nhưng không bị bạn bè cho chầu rìa, lẻ loi một mình. Điểm nổi bật đặc biệt của Thúy Hoa là cái miệng. Miệng Thuý Hoa liếc sơ thì tưởng là miệng rộng, nhưng nhìn kỹ lại thì không có cái nét - tan hoang cửa nhà - như câu ca dao diễn tả; chỉ tại hai vành môi đỏ hơi hơi dầy và cong, chu ra. Có đôi lúc, tôi tưởng tượng đến vành môi đó, tự chấm điểm, suy xét xem với cặp môi cong dầy có làm tăng hay giảm đi cái nét dễ nhìn của Thúy Hoa không; rốt cuộc tôi đã tự thú nhận: vành môi của Thúy Hoa độc đáo lắm, không dứt ra được.

    Vượt biên qua đến Mỹ, tôi lại gặp Thúy Hoa. Đúng ra là một sự tình cờ, tôi đã tìm ra tông tích của nó. Khởi đi từ lúc tôi biết lần mò tìm những website của người Việt để nghe nhạc, đọc thơ văn, hoặc theo dõi các tin tức thời sự... và lâu dần tôi bắt đầu vào những diễn đàn nghị luận, trao đổi kiến thức. Ở những diễn đàn này, dĩ nhiên không tránh khỏi cái chuyện tranh cãi... và một lần tôi để ý đến danh hiệu HoaLeThuy. Tôi để ý biết HoaLeThuy xuất hiện hàng ngày, cứ vào khoảng từ 7, 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều là... biến. Trên diễn đàn ai cũng tấn mũi dùi vào HoaLeThuy, không phải ghét mà có lẽ thiên hạ muốn chọc giận thì đúng hơn. Càng giận HoaLeThuy càng viết bừa bãi với cối với chầy và có tật tự hào lộ liễu về công việc HoaLeThuy đang làm - hình như là một viên chức xã hội của quận hạt nào đó. Rồi thiên hạ châm biếm danh hiệu HoaLeThuy thành Hoa lê thúi!; lúc đó HoaLeThuy mới la toáng lên vì đụng chạm đến tên cúng cơm của cha mẹ đặt cho. Tôi ngờ ngợ với kiểu cách la toáng đó, tôi liền gởi vài dòng nhắn tin riêng cho HoaLeThuy, thì ra... Lê Thúy Hoa ở Việt Nam thuở nào. Tôi hàn huyên gợi nhớ tất cả kỷ niệm thuở xưa với nó, nó lại láo xạo bảo: chẳng nhớ gì, chồng con còn lo chưa xong, hơi đâu nhớ chuyện tàm xàm. Tôi như củ khoai sượng, khoai sùng!.

    Qua những lần hàn huyên bằng email với nó, tôi được biết thêm, đời sống của Thúy Hoa bị nhiều cú sốc, điên đầu - bởi cái tật chúa xạo. Lúc còn ở Việt Nam, tuổi nhỏ, cái tật chúa xạo của nó chưa bị thấm đòn đau của bạn bè chung quanh, tưởng bở làm tới. Qua đến Mỹ, vẫn còn mửng cũ, người đời không tha, đã thế nó lại thêm tự ái, không biết sửa mình nên chịu sống trong hỗn loạn trầm tư, toàn những trách móc người này, kẻ nọ. Tôi có nói như vậy với Thuý Hoa, nhưng để trả lại, nói bảo tôi rằng: đừng ham làm thày đời của nó! Nó biết cố vấn cho bao nhiêu người, chẳng lẽ nó không hiểu nó. Tôi tái, chín cả người, im lặng mà chuồn êm.

    Bây giờ đang là ngày cá tháng tư - ngày April 1st - toàn nước Mỹ có lệ chơi trò xí gạt người chung quanh; Tôi lại nhớ đến nó, Thúy Hoa, cái con chúa xạo; cơ hội của bà chúa xạo, xạo thêm hay lại tỏ ra rất thành thật, bơi ngược dòng... cá tháng tư?..




    Phú Yên
    *April 1,2005
    Đừng tin tôi nhé, cuộc đời ...

  2. #2
    Member
    Join Date
    Jul 2005
    Posts
    67

    Default Re: Tuỳ Bút của Phú Yên

    Tôi Đi Buôn Cờ Quốc Tế

    Lời nói đầu:- Trước tiên tôi muốn nói cùng bạn đọc gần xa, rằng, những ý tình tôi trang trải trong bài tùy bút này chỉ là một chia sẻ thực tế với bạn đọc trong thời gian "ăn lương thất nghiệp" ; Còn lỡ như có vị nào xét rằng tùy bút của tôi vi phạm "chính trị", thì tôi cũng rất cám ơn vì đó cũng là điều hãnh diện, bởi trình độ viết của tôi đã được bạn đọc đánh giá cao. Xin được gởi lời cảm ơn trước.

    -O-

    Ngày một ngày hai không còn là tiếng đồn rỉ tai nữa, mà hôm nay bất kể lúc nào và chỗ nào có từ hai công nhân thì chỗ ấy có lời bàn ra tán vào về một ngày "động đất" của hãng; mà "động đất" kỳ này không phải là nhỏ đâu đấy! Trên nét mặt người công nhân nào cũng đầy vẻ lo lắng cho số phận của họ, nhất là lời tiên tri không nói rõ thời điểm, nên mọi người càng phập phồng chờ đợi.

    Ngày "động đất" của hãng đã đến. Buổi sáng sớm của ngày thứ Sáu cuối tháng 10. Công nhân vào làm, nhưng được ngồi chơi, chờ lệnh của xếp lớn, và sau đó từng người công nhân được gọi tên vào văn phòng của xếp, nhận một xấp hồ sơ xong, đem vào phòng nhân viên để ký giấy nghỉ việc, cùng xác nhận quyền lợi khi bị hãng xa thải, chẳng hạn như - được hãng đền bù như thế nào, nộp đơn hưởng tiền thất nghiệp ra sao...

    Hôm ấy, tôi có tên trong danh sách công nhân bị hãng cho thôi việc. Đây là lần đầu tiên tôi bị thất nghiệp trên xứ Mỹ này, nhất là sau 18 năm làm việc liên tục cho hãng, nay bị gọi tên, quả là một "cú đấm" vào mặt, đau và bất ngờ. Mặt tôi cứ đờ ra, ký tên nhận hồ sơ, và quyền lợi xong, ra xe chạy thẳng về nhà. Về đến nhà, không nói không rằng, tôi nằm vật ra giường như cái xác không hồn. Đến chiều, Vợ lay dậy ăn cơm, tôi uể oải. Vợ thấy làm lạ, thắc mắc; tôi mới nói cớ sự hãng đã cho nghỉ việc. Từ nay tôi trở thành kẻ thất nghiệp. Vợ tôi không nói gì, dù chỉ là một lời an ủi: "Trời sinh voi, sinh cỏ" để tôi bớt nặng nề trong suy nghĩ của kẻ đang vướng cảnh bị thất nghiệp.

    Thời buổi này, đi đâu cũng nghe người ta than thất nghiệp. Đọc báo chí, xem tin tức trên truyền hình, thống kê tỉ lệ thất nghiệp của tiểu bang California với mũi tên nhắm lên trời, kinh tế thị trường chứng khoán mỗi ngày đâm đầu xuống... hố, thảm! bởi thế tôi ăn tiền thất nghiệp đúng 1 tháng rồi mà vẫn chưa tìm được công việc... như cũ. Tôi biết rằng, với khả năng kinh nghiệm nghề nghiệp theo như bản "résume" tôi gởi đi xin việc... chỉ là cho vui, chứ hãng nào dám mướn. Mướn giới trẻ mới ra trường, lương tiền thấp, và năng động hơn, giới chủ nhân đâu cần gì phải kiếm những người đầy kinh nghiệm nhưng kém năng động trong sinh hoạt, người Mỹ gọi là "team work".

    Qua hết tháng thứ hai trong tình huống thất nghiệp, tôi cảm thấy như người bất khiển dụng. Tôi nghĩ về một cách kiếm tiền, giờ giấc tự do, tự mình làm chủ mình, đi làm nghề buôn. Thật là sáng kiến hay! nhưng buôn gì? Mở một cửa tiệm nho nhỏ, vốn bỏ ra cũng ít ra 100K, đâu phải là chuyện dễ bàn! May mắn sao, tôi lang thang "online" trên in-tờ-nét, tìm kiếm được một số đại lý phân phối cho người buôn bán hàng lẻ. Tôi quyết định ngay mặt hàng tôi muốn buôn là các loại cờ trên thế giới. Tôi không cần cửa tiệm. Tôi sẽ bán dạo, bằng cách tìm một góc ngã tư có khoảng trống rộng rãi, đậu chiếc xe van lại và treo các lá cờ của từng quốc gia trên thế giới quanh chiếc xe van để chào hàng. Khách nào muốn mua chỉ cần thắng xe lại, nói tên cờ và tính tiền nhanh chóng.

    Khi tôi đặt hàng mua cờ của các quốc gia trên thế giới. Đại lý giao hàng cho tôi gồm cả cờ đỏ sao vàng, lá cờ của nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Tôi biết, bán lá cờ đỏ sao vàng ở vùng đất của người Việt tị nạn cs thì chỉ có ma đến mua. Tiền vốn nằm một chỗ không sanh lời là tiền chết! nên tôi đề nghị bỏ lá cờ đỏ sao vàng ra danh mục đặt mua. Đại lý họ bảo: "Dễ dàng thôi, đâu có gì là khó..." Vấn đề là số tiền kết toán tôi phải trả sẽ cao hơn nếu tôi không chịu nhận lô hàng mà đại lý đã đóng sẵn. Tôi nghĩ bụng bảo dạ, cứ nhận lô hàng ấy về, bán không có ma nào mua thì... làm giẻ chùi đồ cũng tốt, dại gì chịu trả thêm tiền, vô lý! Tuy nhiên, tôi cũng không quên hỏi mua "South Vietnam Flag". Đại lý cho biết là họ không có "South Vietnam Flag" trong danh mục cờ quốc tế. Tôi nằng nặc rằng, đại lý phải có "South Vietnam Flag", tôi diễn tả "South Vietnam Flag" là lá cờ màu vàng, ở giữa có ba hàng kẻ đỏ nằm ngang; tôi còn nói thêm rằng lá cờ ấy đã có số lượng khách mua rất là cao, tại sao đại lý lại không có... Người quản lý hôm ấy khất với tôi ngày mai ông ta sẽ liên lạc lại, và có lẽ tôi sẽ có mặt hàng ấy trong thời gian ngắn nhất.

    Ban đầu tôi đi bán cờ chỉ trong vạn phần bất đắc dĩ, nhưng dần dà lại trở thành một thích thú đam mê; bởi người bán cờ không phải chỉ biết treo cờ, gói cờ và tính tiền với khách - mà - người bán cờ cần phải học hỏi lịch sử của lá cờ, và ngay cả những chi tiết đáng chú ý về quốc gia của lá cờ tiêu biểu. Người bán hàng đạt được trình độ hiểu biết về mỗi lá cờ càng nhiều thì càng được lòng khách chiếu cố, thương vụ ắt sẽ tăng hơn. Chẳng hạn trong dịp lễ Chiến Sĩ Trận Vong, tôi có một bà khách ghé hỏi mua cờ Việt Nam. Tôi lúng túng quá, không biết phải trao cho khách cờ vàng hay cờ đỏ (mà cờ đỏ thì tôi lại phải chui vào hốc xe van để lôi ra!); tôi bèn hỏi lý do bà mua cờ Việt Nam, thế là bà tâm sự về thằng con trai gia nhập lính Thủy Quân Lục Chiến trong thời chiến tranh VN, đã mất tích, nay vẫn chưa có xương cốt gì gởi về. Bà đã đi thăm Việt Nam hồi ba năm trước, bà có thấy lá cờ đỏ sao vàng treo ở các cột cờ trên đất nước Việt Nam. Bà muốn mua lá cờ Việt Nam để làm kỷ niệm, treo trong phòng của đứa con trai quá cố! Tôi thầm kêu trời như bọng trong bụng! và hú hồn, nếu không khéo lại kéo cả cờ đỏ, cờ vàng ra khoe cho bà khách chọn lựa một cách "mù quáng" thì... tội nghiệp vong linh người quá cố. Tôi vui vẻ, trịnh trọng lấy ra Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, bà khách nhìn với vẻ ngạc nhiên, bà chưa kịp tỏ ý từ chối, thì tôi đã giải thích thật tường tận về nguồn gốc của lá Cờ Vàng. Mặt bà khách thật rạng rỡ, miệng nở nụ cười tươi và luôn miệng: "It's so beautiful". Tôi còn nói cho bà khách biết một cách trung thực rằng, người Việt định cư tại các quốc gia tự do trên thế giới đều trân trọng Lá Cờ Vàng; Lá Cờ Vàng là biểu tượng của những người Việt yêu chuộng tự do. Bên cạnh đó, tôi cũng giải thích thật rõ ràng về lá cờ đỏ mà bà khách đã thấy bay phất phới ở đất nước XHCN Việt Nam phát sinh từ đâu và do đâu mà có trên trường Quốc Tế. Bà khách nâng Lá Cờ Vàng còn nằm trong gói plastic, lên miệng hôn và áp vào bên chiếc má da nhăn, tròn phính. Bà khách nắm tay, cám ơn tôi vì tôi đã giải thích thật đầy đủ ý nghĩa cho bà hiểu; bà còn tặng tôi ít tiền, gọi là tiền "tip". Trong lòng tôi tràn ngập niềm vui. Niềm vui ấy chỉ có một mình tôi biết tại sao và ý nghĩa như thế nào, trong khi tôi chỉ là một anh buôn cờ bán quạt.

    Và như thế tôi không còn mặc cảm vô tích sự. Tôi đang có một công việc làm thật là lý tưởng.



    Phú Yên
    9.14.2007

  3. #3
    Member
    Join Date
    Jul 2005
    Posts
    67

    Default Re: Tuỳ Bút của Phú Yên

    Một Cõi Thơ


    1.

    Ả trao cho tôi một danh thiếp nhưng miệng vẫn tự giới thiệu:

    -Tên em là Nancy Đào Lê, em mở văn phòng bảo hiểm ở trong khu chợ Anbertson nằm góc đường số Mười Một. Mời anh khi nào ghé ngang văn phòng của em cho biết.

    Rồi Ả chìa tay ra xin bắt tay, nên tôi cũng nở nụ cười lịch sự, vừa bắt tay Ả vừa nói:

    -Cám ơn cô Nancy. Vâng! nhà tôi gần khúc đường Mười Một nên thường ghé khu chợ Anbertson lắm, thể nào rồi cũng gặp lại cô, chào cô nhé!

    -Vâng, xin chào anh!...

    Đó là lần đầu tiên tôi gặp Ả nơi cuối phố thương mại. Người Việt ở thành phố này ít ỏi hơn mọi thành phố khác, nên đồng hương gặp nhau hỏi han cởi mở với nhau là chuyện thường tình, nhất là Ả có bi-dzi-nét thì chuyện xã giao như thế cũng chẳng có gì đặc biệt đối với Ả, với tôi.

    Hôm nay ngày thứ Bẩy cuối tuần, bố con tôi đem xe ra chùi rửa cả trong lẫn ngoài; bất ngờ tôi thấy tấm danh thiếp của Ả; Agent: Nancy Đao Le, Đại diện cho..., Chuyên môn về dịch vụ tài chánh và bảo hiểm... Đọc xong, tôi cất tấm danh thiếp ấy vào chiếc bóp da, và nghĩ bụng: chắc thế nào tôi cũng ghé lại văn phòng bảo hiểm của Ả, để hỏi một vài chi tiết liên quan đến bảo hiểm nhà, xe - mà tôi đang dự định chuyển đổi hãng bảo hiểm mới - nếu tiện lợi và tiết kiệm được tiền bạc, chứ gia đình tôi vừa di chuyển đến thành phố này, mà lại giữ mọi giao dịch bảo hiểm, ngân hàng... nơi thành phố cư ngụ cũ thì thật quá bất tiện khi hữu sự.

    2.

    Tôi dạo qua dạo lại trước văn phòng bảo hiểm của Nancy Đao Le, rồi mới đẩy cửa bước vào văn phòng. Vừa bước vào, tôi đã thấy Ả ngồi tại bàn giấy. Thấy tôi bước vào, Ả đứng dậy niềm nở:

    -Chào anh, anh cần Nancy giúp gì nào?

    Ả làm ra vẻ - tôi đã là khách hàng của Ả từ trước, hoặc như là Ả còn nhớ đến tôi!

    Tôi gật đầu, mỉm cười và chào:

    -Chào cô Nancy, tôi đến để nhờ cô định giá bảo hiểm...

    Nancy cắt lời:

    -Bảo hiểm nhân thọ hả anh?

    -Uh!... thưa không... tôi chỉ muốn định giá bảo hiểm cho nhà cửa và xe cộ thôi.

    -Vâng!... thế thì mời anh ngồi và cho Nancy biết những chi tiết liên quan đến căn nhà và chiếc xe mà anh muốn mua bảo hiểm. Nancy sẽ cho anh biết giá cả trong vòng 45 phút.

    Ả hỏi liên tiếp, không chờ tôi trả lời:

    -Bây giờ anh có bận việc gì không?... chắc không bận gì anh hả? Anh ngồi xuống đây đi, Nancy làm ngay, không lâu la lâu lắc đâu anh...

    Kể từ ngày hôm ấy, tôi trở thành khách hàng của Ả, là người đồng hương giúp người đồng hương.

    3.

    Trên tay tôi là một phong bì khổ dài,màu vỏ trứng gà. Xé ra, bên trong là một thiệp mời gấp thành ba mép, chữ in bằng màu mực tím, phông của thiệp mời là hình cánh hoa lily trắng, cách trình bày điệu nghệ, trở thành trang trọng. Thiệp mời từ văn phòng bảo hiểm của Nancy Đao Le.

    Ả ra mắt thi tập đầu tay vào Chủ Nhật tuần tới, tuần lễ rơi đúng vào đầu hè, dịp học sinh vừa kết thúc niên học, rất tiện cho thân hữu của Ả đến tham dự. Liếc qua thành phần ban tổ chức, tôi nhận thấy có ba, bốn Thi, Văn sĩ thường xuyên tổ chức ra mắt sách cho các tác giả trước đó, tại địa phương mang danh Thung Lũng Hoa Vàng. Phần phụ diễn văn nghệ, Ả cũng chọn lựa được những người có khả năng để giúp vui trong ngày ra mắt sách. Nancy Đào Lê, chuyên viên về dịch vụ bảo hiểm, tuần tới sẽ hiển nhiên trở thành nữ Thi Sĩ Mộng Đào với tác phẩm đầu tay Thơ Mộng.

    Tôi gấp thiệp mời, nhét trở lại phong bì và cất vào ngăn kéo tủ. Tôi tự hứa sẽ dành thì giờ để tham dự buổi ra mắt thi phẩm của Mộng Đào, tức Nancy Đào Lê, vào cuối tuần lễ tới.

    4.

    Hội trường, nơi tổ chức ra mắt thi tập Thơ Mộng là một nhà nguyện Tin Lành, cũng là nơi thường dùng cho sinh hoạt của cộng đồng địa phương, nên khung cảnh trang trí cũng được hơn những nơi khác và có chỗ ngồi cho 300 khách tham dự.

    Vì thành phố nơi tôi cư ngụ cách xa chỗ tổ chức, nên tôi phải chuẩn bị thời gian di chuyển, đến sớm hơn một chút so với giờ khai mạc đăng trong thiệp mời. Một số người trong ban tổ chức và nhóm văn nghệ đã có mặt. Khoảng 20 phút sau mới thấy lác đác khách đến tham dự; giờ ấn định đã điểm nhưng vẫn chưa bắt đầu được chương trình vì ban tổ chức còn chờ đợi thêm số khách nữa. Cuối cùng buổi ra mắt thi phẩm được khai mạc, dù trễ nhưng cũng có khoảng hơn 100 khách; Có thể nói theo lối bình dân: Buổi ra mắt sách được hơn 100 khách đến dự đã là xôm trò lắm.

    Hôm nay, Ả điệu đà với mái tóc -kiểu Khánh Hà - và được nhuộm màu vàng hung nên có vẻ xa lạ với tà áo lụa tím, đi kèm với chiếc quầy sa-tin trắng; Cách ăn nói của Ả có vẻ từ tốn hơn, những nụ cười và những cái gật đầu với khách làm tăng tính lịch thiệp của Ả. Trông nét mặt và ánh mắt, Ả đang rộn rã niềm vui, hạnh phúc bởi những lời chúc mừng đến không phải chỉ riêng thân hữu mà ngay cả những Thi Văn sĩ đã có tiếng tăm cũng vồn vã chúc tụng và khen tặng thi phẩm Thơ Mộng.

    Có cả một bài diễn văn dài, giới thiệu và phân tích tác phẩm, do Thi sĩ Hồng Hà từng đoạt giải văn học đảm trách. Rồi nhà văn Vi Ba đã có trên dưới 30 sách xuất bản, đứng ra giới thiệu tác giả Mộng Đào - là Ả.
    Dịp này, người ta mới biết ngoài khả năng làm thơ, Mộng Đào còn có tài về hoạ, những bức hoạ treo trong hội trường hôm nay là do hoa tay của Ả.

    Vần thơ trữ tình, súc tích bao nhiêu thì nét hoạ, màu sắc cũng đạt được trình độ mỹ thuật gợi cảm không kém; song éo le một nỗi không ai nhắc đến phu quân của Thi sĩ Mộng Đào - một ông Mỹ già, không có mặt trong buổi thơ hôm nay!

    5.

    Thi tập Thơ Mộng, tôi đang đọc từng trang, gồm 60 bài thơ đủ thể loại; Đề tài liên quan đến tình yêu đôi lứa, tình yêu con người và góc nhỏ dành cho quê hương. Ai nhận xét thi tập Thơ Mộng xoàng - tôi không ý kiến! Ai cho thi tập Thơ Mộng là tuyệt tác - tôi không phản đối! Bởi thơ hay, dở do tùy ý nơi người đọc nhận xét; với riêng tôi, Thơ Mộng đã để lại trong lòng tôi dư âm thơ của nó.

    Lật xem lại phần tiểu sử của nữ Thi sĩ Mộng Đào, tôi ngờ ngợ nữ Thi sĩ Mộng Đào không xa lạ gì với tôi; Tôi không phải "thấy sang bắt quàng làm họ" đâu, nữ Thi sĩ là người cùng xóm với tôi đấy chứ xa xôi gì. Tôi vội vã lật xem thật kỹ những tấm hình chụp ngày xưa của Thi sĩ Mộng Đào làm phụ bản trong tập thơ. Tôi đứng bật dậy và lẩm bẩm nhắc lại tên của người em lối xóm, thuở còn ở quê nhà - Lê thị Đào, con vú Bẩy ở cuối xóm. Đào hay phụ vú Bẩy đẩy xe đậu, nhãn nhục... bán ở cổng trường trung học. Bụi thời gian đã phủ dầy gần 40 năm rồi, nên tôi gặp em làm sao mà nhớ được.

    Lê thị Đào người em cùng xóm ở quê nhà; Sang Hoa Kỳ, em có tên khác là Nancy Đao Le, chuyên viên tài chánh và bảo hiểm; hèn gì tôi không thể nhận ra em; Và nay, em đã trở thành nữ Thi sĩ Mộng Đào, tôi phân vân - có nên - kể cho em nghe những gì tôi biết về Mộng Đào không?

    6.

    Thăng hỏi tôi, bên kia đầu điện thoại:

    -Ông đã đọc Thơ Mộng của bà Mộng Đào chưa?

    -Vừa đọc xong hôm qua - Tôi hỏi ngược lại Thăng:

    -Có diễn biến lạ à?

    -Có!... nhưng ông cho tôi biết nhận xét của ông về Thơ Mộng trước cái đã.

    Tôi hiểu sẽ có chuyện lạ, nên tóm tắt ý nghĩ tổng hợp về thi tập Thơ Mộng và chút ít những gì tôi vừa biết về Ả:

    -Ừ! thì... thơ viết khá rung cảm người đọc, nhưng... như vậy Thi sĩ Mộng Đào quả là có khiếu thơ đấy.

    Thăng nói như quẳng ý kiến của tôi đi:

    -Thôi đi ông!... đừng bắt chước mấy "lão" thi sĩ thích lăng xê thi sĩ nữ. Hễ là nữ mà làm thơ thì thơ con cóc cũng tán tụng là thơ có hồn - dù mấy "lão" biết tỏng đó là hồn... cóc tía!

    Tôi gắt lại:

    -Sao hôm nay "cậu" như khỉ ăn gừng vậy? Có gì thì từ từ nói, có ai đá vào bụng mỡ của "cậu" đâu nào.

    Thăng xuống nước:

    -Ông ơi!... ở đây họ đang bàn về quyển Thơ Mộng của bà Mộng Đào. Người ta đang cá độ: 1 ăn 10; Người ta bảo rằng bà Mộng Đào có tài thánh mấy cũng không làm được một bài nào trong số 60 bài thơ trong thi phẩm Thơ Mộng.

    Tôi hỏi nhanh:

    -Thế sao Thơ Mộng lại được đề danh Mộng Đào?

    -Sao không?... thời bây giờ tiền đẻ ra thơ. "Có tiền mua tiên cũng được" tục ngữ VN đã nói rõ từ xưa như thế rồi.

    -Có nghĩa là...

    -Có nghĩa là - Mộng Đào có sắc, có tiền - hai yếu tố ấy đủ biến thành thơ, thành bao nhiêu quyển thơ mà chẳng được.

    Tôi hỏi Thăng thêm:

    -Nhưng ai là... người bán thơ cho Mộng Đào?

    Thăng cười khúc khích trong điện thoại và nói:

    -Hi hi hi... Ông muốn biết... thì ông cứ làm một bữa tiệc, mời các tay Thi Văn sĩ ở đây đến... thảo luận về thơ của Mộng Đào, tức khắc các ông ấy sẽ nhắc đến tác giả chính thức của Thơ Mộng. Tôi biết rồi... nhưng tôi để tự ông tìm hiểu thì... có lý hơn.

    Tôi tức, gắt với Thăng:

    -"Cậu" không muốn nói, sao "cậu" lại gọi điện thoại cho tôi làm gì?

    Thăng lại cười:

    -Hà hà... tôi chỉ muốn chia sẻ một chút tin tức sinh hoạt văn hoá nghệ thuật ở địa phương với ông thôi; còn tác giả thật của Thơ Mộng thì... chính ra là ông Thi sĩ nghèo, đã có một thời gian ở địa phương này với chúng ta...

    Tôi im lặng; Thăng nói tiếp:

    -Khi nào ông tổ chức tiệc tân gia? đừng quên mời bằng hữu đến dự nhé. Thế nào tôi cũng ghé ông đó. Chào ông nghen...

    -"Bye" Thăng!

    7.

    Lê thị Đào, chỉ có thể là Nancy Đào Lê chứ không thể trở thành nữ thi sĩ Mộng Đào. Tôi cũng tin là như thế. Tiếng của Thăng cứ lảng vảng bên tai tôi: - Có sắc, có tiền - hai yếu tố đủ biến thành thơ!

    Vậy thì sẽ không biết có bao nhiêu ả thi sĩ Mộng Đào trong làng thơ hôm nay?...

    Chắc chàng Thi sĩ nghèo bán thơ... đang dò những tác phẩm với những tên như nữ thi sĩ Mộng Đào, để rồi chàng chúm chím cười... Ai biết được cái cười của chàng?

    Ai là nữ thi sĩ Mộng Đào? Nghĩ chỉ có Mộng Đào biết là lầm! Thời gian... là câu trả rõ nhất - cho mọi người sẽ biết.



    Phú Yên

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts