(Zing) - Thời đại Joseon (1392-1910) hoàng kim được các nhà làm phim Hàn Quốc khai thác dưới một góc nhìn khá mới mẻ qua bộ phim mới rất hấp dẫn, "Bóng đêm Hoàng cung".
Bóng đêm" hay "Bóng đêm Hoàng Cung" ("Shadows in the Palace") đã đưa đạo diễn Kim Mee-jung trở thành ngôi sao sáng tại LHP San Sebastian ở Tây Ban Nha hồi tháng trước khi giành được giải thưởng Phim hay nhất và đánh bại ứng cử viên sáng giá "Gold Shell". Bộ phim phảng phất phong cách trinh thám của nữ văn sĩ người Anh Agatha Christie với nhiều diễn biến lịch sử cùng thời với phim "Nhà vua và thằng hề" (đạo diễn Kim cũng tham gia sản xuất bộ phim này).

Bối cảnh phim diễn ra vào thời Vua Jeongio (1752-1800), vị hoàng đế thứ 22 của dòng họ Joseon. Phim mở đầu bằng vụ tự tử của Wol-ryeong, cung nữ được đưa vào cung để hầu hạ Hee-bin, mẹ của người sẽ kế vị ngai vàng. Thái y Cheon-ryeong sau khi khám nghiệm tử thi đã phát hiện ra rằng đây là một vụ đầu độc và được ra lệnh phải giữ im lặng. Nhưng lương tri thức tỉnh khiến cô quyết tìm ra nguyên nhân thực sự của cái chết thương tâm này và càng đi sâu tìm hiểu, Cheon-ryeong càng biết được nhiều âm mưu đen tối cùng những bí mật đằng sau nó. Hee-bin cùng những kẻ thân cận của bà ta chính là chủ mưu trong vụ hãm hại này.

Bộ phim đã mang đến cho khán giả một cái nhìn hoàn toàn mới về triều đại phong kiến Hàn Quốc. Những câu chuyện thâm cung bí sử, những âm mưu thâm độc, những thủ đoạn dã man để loại bỏ kẻ thù được che giấu dưới vỏ bọc của một hoàng cung yên bình, tĩnh lặng. Hơn thế nữa là sự hé mở về cuộc sống của các cung nữ, cũng giống như quan thái giám, họ mãi chỉ là những chiếc bóng vô hình trong hoàng cung Joseon.

Cung nữ được lựa chọn đều là những thiếu nữ xinh đẹp nhất của các vùng và khi đã vào cung, họ đương nhiên trở thành vợ chưa cưới của nhà vua. Điều lệ hà khắc cùng những lễ giáo phong kiến buộc các cô gái trẻ phải giữ gìn sự trinh trắng đến hết cuộc đời và trong số hàng triệu cung nữ này may mắn lắm mới có một người lọt vào 'mắt xanh' của nhà vua và trở thành ái thiếp của người. Bộ phim khắc họa những cay đắng, tủi nhục và cả sự tuyệt vọng của các phi tần; cả tuổi thanh xuân họ chỉ sống như những nô lệ tình dục và khi đã hết thời thì những bức tường kiên cố và lạnh lẽo trong hậu cung chính là nhà tù giam hãm nốt phần đời còn lại của họ.

Hơn thế nữa, các cung nữ còn được tận dụng như một nguồn lao động sẵn có trong cung, từ những công việc rất phổ thông như nấu nướng, may vá, thêu thùa, hầu hạ các vương gia đến cả những việc đòi hỏi chuyên môn cao như chữa bệnh, bốc thuốc ... (như chúng ta đã xem trong bộ phim truyền hình rất nổi tiếng "Nàng Dae Chang Geum" đã được phát sóng trên VTV).

Nhưng "Bóng đêm" đã khai thác một khía cạnh hoàn toàn khác trong lịch sử phong kiến Hàn Quốc, đó là bức tranh về cuộc đời những cung nữ dám đứng lên bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý đến cùng như thái y Cheon-ryeong. Đạo diễn Kim cũng chia sẻ trong buổi họp báo tại nhà hát Seoul hồi đầu tháng 10 rằng: "Tôi muốn phá bỏ những định kiến từ lâu đã ở trong đầu của khán giả về hình tượng một nhà vua hay một cung nữ". Giới báo chí cũng hết sức ấn tượng khi đạo diễn Kim xuất hiện tại buổi họp báo trong trang phục của một cung nữ.

Nữ diễn viên chính Park Jin-hee (thủ vai Cheon-ryeong) bằng vai diễn này đã đạt tới đỉnh cao trong sự nghiệp 10 năm diễn xuất của mình. Nhân vật nữ thái y chính trực đã được Jin-hee thể hiện hết sức sinh động, đặc biệt là những diễn biến tâm lý khi các âm mưu và tội ác của những kẻ đầy quyền lực trong cung dần bị cô phanh phui. Vẻ duyên dáng cùng sự thông minh, quyết đoán của cô góp phần làm nên thành công lớn cho bộ phim.

Một bộ phim hấp dẫn bởi những tình tiết gay cấn, hồi hộp đến nghẹt thở song khán giả sẽ không cảm thấy nặng nề bởi đan xen suốt bộ phim lại có nhiều chi tiết hài hước, dí dỏm. "Bóng đêm" như một tia sáng rạng rỡ chiếu rọi cho buổi rạng đông của phim cổ trang trở lại với màn ảnh rộng cũng như màn ảnh truyền hình. Những nhân vật lịch sử dường như đã bị lãng quên, nay sẽ trở lại như một con sóng lớn trong đại dương của điện ảnh xứ Hàn.
(trích từ trang phim của zing.vn)