Mùa hè của Như

AT - Hè, không về nhà, Như quyết định đi làm thêm. Đầu tiên Như lên phòng Công tác sinh viên, mấy anh chị biểu ở đây chỉ làm giấy giới thiệu đi về quê làm công tác ánh sáng văn hóa hè thôi. Như cũng muốn đi Mùa hè xanh tình nguyện lắm nhưng ngặt nỗi mẹ dọa năm sau không cho Như ở trọ lại Long Xuyên nữa mà phải đi đi về về, Như thì không muốn như thế đâu.

Ba cho Như xuống Long Xuyên ở trọ, một tuần chạy về nhà ở Châu Thành một lần, và theo lời ba là để giữ sức khỏe học tập cho tốt. Về chuyện này, ba mẹ cãi nhau một trận tưng bừng. Mẹ Như nói con gái con đứa ở xa nhà tụ tập học đòi đàn đúm hư thân mất nết. Ba la lên như vậy thì con gái người ta ở trọ hư hết trơn hết trọi rồi sao. Mẹ lại tung ra đòn thứ hai: Nó đi rồi, ai làm tàu hủ phụ tui?

Ba bênh vực Như tới cùng: Thì tui chứ còn ai vô đây nữa? Nghe mà thấy thương ba quá chừng, đúng là ba của Như mà (nhìn cái trán “dồ” của Như với ba là biết liền); nhưng Như cũng thương mẹ nữa. Thiệt ra, ở nhà Như phụ mẹ nhiều việc nhưng bài vở, thi cử cứ làm Như lo lắm. Hồi phổ thông Như học đâu có thua đứa nào trong lớp, lên học đại học rồi, thấy mình chả là cái “đinh” gì. Cả một học kỳ Như trầy trật với bài vở. Băn khoăn dùng dằng đến lúc hết học kỳ một, bị gãy môn Dẫn luận ngôn ngữ, chính xác nói như tụi bạn ở lớp là rớt thủ khoa 4 điểm rưỡi, thì Như “dứt khoát” luôn.

Xuống Long Xuyên, Như chi xài tiện tặn. Dặn mẹ làm tàu hủ ít thôi; hơn nữa lúc này giá cả lên thấy ớn, cái thứ gì cũng mắc mỏ thấy ghê, mẹ bán cũng không có lời gì nhiều, mà cực cái thân. Như tuyên bố chắc nịch cái kiểu ngang tàng của sinh viên năm nhất còn tràn đầy sinh lực và nhiệt huyết, rằng Như sẽ đi làm thêm.

Mà Như đi làm thật. Học kỳ hai, sắp xếp một tuần ba buổi tối, Như đến kèm cho hai chị em, một đứa lớp hai, một đứa lớp ba. Công việc cũng phải đầu tư công sức nhưng xem ra chẳng sá gì so với con đường đầy mưa nắng nối từ Châu Thành xuống Long Xuyên, lấy đi bao giọt mồ hôi của Như. Như có thể tự trang trải chi phí mà không phải xin tiền mẹ đều đều mỗi tuần, chỉ những lúc đột xuất cần nhiều tiền, Như mới về “nhỏ to tâm sự” với mẹ. Đúng như mong muốn, kết quả học tập của Như tăng lên rất rõ mà quan trọng là Như không có cảm giác “suy nhược, kiệt sức” như học kỳ một nữa.

Nhưng đến hè thì Như mất việc. Bọn trẻ theo gia đình đi nghỉ hè ở Sài Gòn. Mà Như phải chuẩn bị cho năm học tới với bao nhiêu là sách vở giáo trình đang chờ đợi được rinh từ nhà sách về. Vậy là Như quyết định mình sẽ đi làm thêm, không dạy kèm thì mình làm việc khác, miễn là lương thiện đàng hoàng là được rồi. Cực nhọc, vất vả ? Như chịu được hết. Ừ mà biết đâu, đi làm có tiền, Như mà mua cho ba mẹ mỗi người một món quà, xem ba mẹ hổng hết hồn nữa là Như chịu thua đó.

Chuấn bị tinh thần cho bất cứ công việc nào, vậy mà Như không nghĩ rằng mình sẽ đi làm một công việc rất là bất ngờ - làm Ôsin.

Mọi việc đến cũng tình cờ lắm. Hôm đó đang đứng lẩm nhẩm đọc tờ giấy cần tuyển người dạy kèm dán trên cột đèn mà mưa gió thổi bất nhơn làm tờ giấy rách mất chỗ ghi số điện thoại liên hệ, thì Như gặp Vui. Trời ơi, đúng là vui bốc trời luôn. Hai đứa học chung với nhau từ năm lớp 7 lận, rồi đến dang dở năm lớp 10 thì đùng một cái Vui nghỉ học mất tiêu. Nhà Vui còn nghèo hơn nhà của Như.

Đến hỏi, má Vui biểu nó không có tiền nên đi ở đợ cho người ta rồi. Là hồi đó má Vui nói vậy chứ bây giờ người ta không gọi là ở đợ nữa đâu, nghe có vẻ phân chia giai cấp lắm. Như nghe người ta gọi nghề này bằng một cái tên nghe rất là “Phù Tang”, rất là “kimono”. Đó là Ô-sin.

Hai đứa gặp nhau thật là bất ngờ. Trước hết, nhỏ Vui lui ra một chút, nhíu mắt lại nhìn Như rồi hỏi:

- Như “dồ” phải hông ?

Như trố mắt, ai mà “điểm huyệt” ngay trân cái biệt danh trán “dồ” của mình vậy nè trời, nhưng khi nhỏ Vui nhe “hàm răng phản chủ” ra thì Như rú lên:

- Vui “bàn nạo” hả ?! Đi lạc đâu đây vậy nè ?

Rồi hai đứa ôm nhau nhảy cà tưng giữa đường; rồi lôi nhau vào quán nước mía; rồi bắt đầu chíu chít nói bao nhiêu là chuyện kỷ niệm hồi nảo hồi nào. Từ hồi học chung với nhau, Như còn nhớ, hai đứa rất thân thiết với bao trò nhảy dây, chơi chuyền chuyền, chơi năm mười bắt trốn, kể cả trò tán lon của con trai. Và nhỏ Vui lẹ làng bao giờ cũng thắng. Những khi đó thì nó luôn luôn nhe cái hàm răng hô của mình ra để cười hết cỡ. Tụi nó biểu Vui là “con gái Bến Tre”, có cái hàm răng để dành nạo dừa nên gọi là Vui “bàn nạo”. Nhưng Như thì thấy hàm răng của Vui rất dễ thương và Như khó mà quên được cái nụ cười ấn tượng ấy.

Hỏi ra, thì Vui ở không cách nhà trọ của Như bao xa. Từ lúc nghỉ học đến nay, Vui vẫn đi làm Ô-sin, qua mấy đời chủ với bao chuyện vui buồn. Nhưng lạ là cái nụ cười đó vẫn không hề tắt, và nhờ nó mà Như nhận ra Vui vẫn là nhỏ bạn tiếu lâm và vui vẻ ngày nào của mình.

Nhưng tuần trước thì Vui chạy qua tìm Như, nụ cười đâu không thấy mà chỉ là một khuôn mặt buồn xo. Nó nhìn Như đầy “hoàn cảnh”:

- Như ơi, tao có một chuyện khó khăn cần mày giúp đỡ !

Như nhiệt tình:

- Tao sẵn sàng. Tao chỉ muốn giúp đỡ sao cho mày lại đi học chung với tao.

Vui cười nhưng không tươi lắm:

- Cái đó hơi bị khó à nghen ! Như vậy thì cái mà tao nhờ mày chắc là không đến nỗi.

Như nghiêm túc:

- Ừ, tao sẽ cố hết sức, mày nói đi!

Vui đi thẳng vào vấn đề không úp mở:

- Mày ở đợ, ý quên, làm Ô-sin giúp tao một thời gian nghen!

Như trố mắt nhìn Vui. Không để Như ngạc nhiên, nhỏ Vui nói liền một hơi:

- Mẹ tao bị té gãy tay. Cũng không nặng lắm nhưng phải nghỉ làm việc một thời gian. Tao sẽ về ngay bây giờ nhưng khi nghe cô chủ biểu tao tìm giúp cô một nữ sinh viên nào hiền lành và chịu khó để giúp cô một thời gian, tao nghĩ ngay tới mày. Hôm rồi mày cũng đang cần tìm việc, đúng không? Mày giúp tao dăm bữa nửa tháng gì đó, khi nào mẹ tao khỏi thì tao quay trở lại. Như ơi, cô chủ này tốt lắm mà tao thì cần có việc làm, tao sợ tao nghỉ, nhà không ai phụ thì cổ kêu người khác. Mày giúp tao nghen, Như?

Như nắm chặt tay nhỏ bạn, gật đầu, và một ý nghĩ lóe lên trong lòng, Như nói một cách rõ ràng và nghiêm túc:

- Tao đồng ý giúp mày với một điều kiện.

Mắt nhỏ Vui sáng lên mừng rỡ và nó lại ngoác miệng cười:

- Bất cứ điều kiện gì! Mày nói đi!

Như làm ra vẻ bí mật:

- Khi nào mày quay trở lại đi, tao sẽ nói. Chỉ biết mày đồng ý là tao yên tâm rồi. Ngoéo tay đi!

Vui nhìn cảnh giác, rồi cũng ngoéo chặt tay Như:

- Mày không chơi ép tao đó nghen, con quỉ!

Thật ra cái điều kiện mà Như định đặt ra với Vui, Như cũng bất chợt mới nghĩ ra lúc nãy đây thôi. Chắc chắn Như sẽ làm tốt vai trò mà Vui nhờ Như rồi vì đây cũng là dịp để Như trải nghiệm thêm vốn sống.

Và Như cũng biết rằng, công việc mình làm trong mùa hè này sẽ không mang đến cho Như một ít tiền như Như đã mong, nhưng chắc chắn nó sẽ mang đến cho Như rất nhiều niềm vui vì, Như quyết định rồi, và Vui cũng đồng ý rồi, đó là Như sẽ dành hết tiền lương lại cho Vui chăm sóc đỡ đần cho mẹ. Lúc đó chắc chắn con nhỏ Vui “bàn nạo” sẽ nhe hàm răng ra nhưng không phải để cười đâu, mà là để khóc hu hu cho mà xem. Ừ, để rồi coi Như nói có trúng không cho biết…

TRẦN TÙNG CHINH (ĐH An Giang)