Mấy nhịp cầu "treo"


TTC - Qui hoạch cứ treo! Ai cũng nói nhưng không ai giải quyết!” (Ông PHẠM XUÂN ÁI, nguyên trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách TP.HCM).

Bình lựng

Ở đâu mà dính qui hoạch treo thì kể như bà con ở đó bị thúi hẻo: Không được xây, không được sửa, không được bán, cũng như không được cho. Bởi thế, nói đến qui hoạch treo là dân sợ như cha chết, riêng các quan vẽ ra bản qui hoạch lại mừng như... bố chết sống lại.

Trong thời buổi đất đai là vàng thì thông tin đích thị là kim cương mà! Bởi thế, nghịch lý là đang có nhà trở nên trắng tay và đang “trắng tay” bỗng có nhà... lầu cùng “manh nha” một lượt. Khi có Chỉ thị 30 về xóa qui hoạch treo thì dân lại mừng như bố chết sống lại. Họ càng mừng hơn khi lãnh đạo thành phố lúc ấy hùng hồn tuyên bố: “Sẽ xóa hết qui hoạch treo vào tháng 6-2004!”.

Tiếc thay, lời hứa ấy lại bị... treo vì chả thấy qui hoạch treo nào bị xóa, mà lại có dấu hiệu xuất hiện thêm nhiều qui hoạch treo mới. Đương khi thất vọng thì cái tin Bộ Tài nguyên & Môi trường vi hành để giải quyết dứt điểm qui hoạch treo vào tháng 6-2007 như Nghị quyết của Quốc hội, đã làm bà con như đang chết được hồi sinh. Vái giời cho nghị quyết chuyến này không bị treo nữa để bà con đừng chết nữa.

Nghệ thuật sống

* Người tạm cư thông minh nhất là người đừng thắc mắc chuyện phải mua nền đắt, mà chỉ hỏi xem quyết định đền bù có rẻ như bèo không.

* Người tạm cư biết lo xa nhất là người không hỏi nơi ở rộng hay hẹp bao nhiêu, mà hãy hỏi bao giờ thì có điện nước.

*Người tạm cư tháo vát nhất là người không quan tâm đến chuyện nước tầng trên rỉ xuống tầng dưới, mà hãy tìm cách bơm được nước sinh hoạt từ dưới lên.

*Người tạm cư khôn khéo nhất là người đừng hỏi vị trí đắc địa không, mà hãy tìm hiểu nơi ấy có dễ hành nghề... bán kẹo kéo không.

Cuối cùng, nếu bạn không xót tiền, chấp nhận với chật hẹp, thanh thản khi thiếu điện nước, hài lòng với ẩm ướt và sung sướng khi... thất nghiệp thì bạn đúng là con người hoàn toàn. Thế là quá hạnh phúc so với những người chưa được bố trí đang bị treo chỗ tạm cư.

Các kiểu treo trời ơi

*Hẻm treo: Hẻm 575, tỉnh lộ 10 (Tân Bình, TP.HCM) rộng có 3 mét, thế mà cơ quan địa chính đã treo bảng “Lộ giới 16m” rồi... bỏ thí suốt 7 năm nay, báo hại bà con ở đây bị chôn chân tại chỗ.

* Dự án treo: Dự án thành lập trường đại học Đông dược được Bộ Y tế bàn tới bàn lui đã nhiều năm nhưng vẫn chưa xây, hiện đang... bàn tiếp.

* Tiền treo: Cụ Phạm Văn Cơ ở Quảng Trị đã cứu được nhiều người chết đuối. Năm 2004, chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định tặng bằng khen và thưởng 1 triệu, rồi... treo luôn tới nay, khiến cụ mong ngày mong đêm.

* Tên treo: Để xóa bỏ mê hồn trận về số nhà và tên đường trùng lắp lộn xộn ở TP.HCM, năm 1988 UBND thành phố đã ra Quyết định 1958/QĐ để thực hiện. Vậy mà sau hơn 8 năm, tình trạng này đã không được giải quyết mà ngày càng bi bét hơn. Được biết, thành phố có 3 cơ quan cùng quản lý vấn đề này.

Đến hẹn lại treo

Có những ngành, có những cán bộ đến thời điểm phải đăng đàn thì lại lặp lại các câu, các động tác đã xài từ trước. Đó là:

* Một số Bộ trưởng xoa dịu chất vấn bằng các câu hứa mang tính hẹn hò. Mô típ này cũng hay được vài đại biểu HĐND thành phố áp dụng khi cần “câu giờ”.

* Đó là chuyện “đến hẹn lại xin” của ngành điện. Cứ xuân thu nhị kỳ, ngành lại có tờ trình xin Chính phủ cho phép tăng giá điện. Tuy nhiên, việc này rất nhạy cảm với nền kinh tế quốc dân nên Chính phủ phải “treo” đòi hỏi quen thuộc này.

* Năm nào ngành giao thông và y tế cũng có tháng “An toàn Giao thông” và tháng “Vệ sinh An toàn Thực phẩm”, nhưng biện pháp triển khai vẫn cũ mèm nên tình hình chả khả quan hơn năm trước. Thực chất của tháng này chỉ là tháng... treo băng-rôn mà thôi.

Chỉ tiêu thập kỷ

Năm 2004, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường hứa với cử tri: Sẽ hoàn thành việc cấp sổ đỏ trong năm 2005. Nay việc không xong, Bộ trưởng đã “rào” trước với Quốc hội: “Chưa thể nói trước khi nào cấp xong sổ đỏ!”. Một cử tri bình luận: “Kiểu nói “huề cả làng” như thế ai mà chả nói được!”.

Luật treo: Có cháu rồi mới có ông

Theo thông lệ, các dự án luật sau khi được Quốc hội thông qua thì sẽ có hiệu lực thi hành, thế nhưng ở ta nó không đi ngay vào cuộc sống, mà lại phải treo một thời gian chờ có nghị định của Chính phủ cụ thể hóa những điều chưa rõ.

Để chi tiết hơn, thì nghị định lại chờ thông tư của Bộ giải thích cho kín kẽ. Nếu chưa thông thì các bậc lại tiếp tục... chờ nhau giải thích. Vậy là trước khi bát phố, ông phải chờ bố sửa soạn, còn bố lại phải chờ con mạcki- dê chỉnh tề rồi mới dắt tay nhau dung dăng dung dẻ. Bởi thế, nhiều bộ luật khi vào đến cuộc sống đã bị lạc hậu, thậm chí có luật chưa xài đã bỏ.

LINH XUÂN
Tuổi Trẻ Cười