Page 3 of 3 FirstFirst 123
Results 41 to 46 of 46

Thread: Pappilon-Người tù khổ sai

  1. #41
    ~~~ Lãng du ~~~ quachtinhdaica's Avatar
    Join Date
    Apr 2007
    Location
    Là gió thôi, đi rồi đến, đến rồi lại đi
    Posts
    2,266

    Default Re: Pappilon-Người tù khổ sai

    Quán tre

    Pascal Fosco từ khu mỏ bốc-xít xuống. Y là một trong những kẻ đã âm mưu dùng võ khí cướp bưu điện Marseille. Tòng phạm với y đã bị chém đầu. Pascal là người tốt nhất trong bọn chúng tôi. Tuy là thợ máy giỏi, anh chỉ kiếm được bốn đô-la một ngày, nhưng vẫn tìm cách nuôi một hay hai tù nhân gặp khó khăn.
    Khu mỏ đất nhôm này ở rất sâu trong rừng. Xung quanh mỏ, hình thành một làng của công nhân và kỹ sư. Trên bến, chất quặng được đổ suốt ngày xuống nhiều tàu để chở đi. Tôi chợt nảy ra ý nghĩ tại sao ta không mở quán ở cái nơi khỉ ho cò gáy này nhỉ? Tối đến, những người sống ở đấy chắc buồn đến chết.
    - Đúng đấy. - Fosco nói với tôi, - quả là chẳng có quái gì để giải trí.
    Và vài hôm sau, một cái thuyền nhỏ, sau hai ngày ngược sông, đã đưa Indara, Quých-Quých, anh Cụt và tôi đến mỏ Mackenzie.
    Nơi các kỹ sư, quản đốc, và thợ chuyên môn ở thì gọn gàng sạch sẽ, có những căn nhà nhỏ đủ tiện nghi, nhà nào cũng chăng lưới thép để muỗi không vào được. Trong làng thì lại tồi tàn quá. Không có nhà nào bằng gạch, đá hay xi-măng, chỉ có những túp lều vách đất và tre, mái bằng lá cọ rừng, hoặc lợp tôn kẽm là cùng. Bốn quán nước có bán cả thức ăn, đều dơ bẩn khủng khiếp mà vẫn đông nghịt khách. Các thủy thủ đánh lộn với nhau để mua một ly bia không ướp lạnh. Không quán nào có tủ lạnh.
    Pascal nói có lý, có rất nhiều việc làm được ở chốn hẻo lánh này. Nói cho cùng thì tôi đang ở trên đường vượt ngục; đây vẫn là một chuyến phiêu lưu, nên tôi không thể sống bình thường như các bạn khác được. Làm việc là để kiếm sao vừa đủ sống, chứ tôi chẳng mấy để tâm. Vì ở đây hễ trời mưa là đường xá lầy lội, nên tôi chọn một địa điểm tương đối cao ở phía sau khu trung tâm. Tôi tin là dù trời mưa nơi tôi ở cũng không bị nước vào trong nhà hay xung quanh nhà.
    Trong mười ngày, được thợ mộc da đen ở mỏ giúp, tôi đã dựng lên một phòng hình chữ nhật dài hai mươi mét, rộng tám mét. Ba mươi bàn mỗi bàn có bốn ghế có thể chứa được một trăm hai mươi người ngồi thoải mái. Một cái bục cao để các nghệ sĩ lấy chỗ biểu diễn, một quầy rượu, rộng đúng bề ngang quán và có hơn một chục ghế cao. Bên cạnh quán rượu là một căn nhà khác có tám phòng, vừa đủ cho mười sáu người ở rộng sãi.
    Khi tôi về Georgetown để mua các dụng cụ, ghế, bàn v.v..... tôi mướn luôn bốn cô gái da đen đẹp người để phục vụ khách hàng. Daya đã làm ở tiệm ăn, cũng quyết định theo chúng tôi. Một người phu sẽ gõ trên cây đàn piano mà tôi mới thuê được. Chỉ còn lo việc tiết mục trình diễn.
    Sau nhiều khó khăn vất vả và ba hoa hươu vượn, tôi cũng thuyết phục được hai cô gái Nam Dương, một cô Bồ Đào Nha, một cô Tàu và hai cô tóc nâu bỏ nghề làm điếm để trở thành nghệ sĩ thoát y. Một tấm rèm đỏ cũ mèm mua lại ở một tiệm lạc-son được dùng làm màu sân khấu.
    Tôi tổ chức đưa tất cả những người này lên khu mỏ bằng một chuyến đi đặc biệt trên một chiếc thuyền của ngư dân Tàu. Một tiệm rượu nhận bán chịu cho tôi đủ các thứ đồ uống có thể có được. Tiệm đó tin tôi, tôi sẽ trả tiền hàng tháng những gì tôi đã bán được, sau khi kiểm hàng. Và tiệm đó sẽ gửi dần cho tôi những thứ rượu tôi cần. Một cái máy hát cổ lỗ sĩ và những đĩa hát đã mòn sẽ phát nhạc khi anh nhạc sĩ đàn pianô của tôi ngưng hành hạ cây đàn. Đủ loại áo ngoài, váy lót bít tất đen và màu, nịt treo tất, còn rất tốt, tôi chọn mua vì màu sắc sặc sỡ của chúng tại nhà một người ấn đã gom từ đóng đồ bỏ đi của một gánh hát rong, sẽ là “trang phục” của các “nghệ sĩ” tương lai của tôi.
    Quých đã mua gỗ cây và giường. Indara thì mua ly tách và những gì cần cho một tiệm rượu, tôi lo rượu và vấn đề nghệ thuật. Gói gắm xong những việc đó trong một tuần, phải cố gắng cật lực. Cuối cùng rồi cũng xong, dụng cụ và người chiếm cả một thuyền.
    Hai hôm sau, chúng tôi đến nơi. Sự có mặt của mười cô gái ở giữa rừng thẳm này là một cuộc cách mạng thật sự. Mỗi người xách theo một gói đồ đã leo lên “Quán tre”, tên tôi đặt cho hộp đêm của tôi. Những cuộc tập dượt bắt đầu. Dạy các “nghệ sĩ” của tôi cởi áo quần không phải là dễ. Trước hết tôi nói tiếng Anh và những lời chỉ dẫn của tôi không được hiểu kỹ, sau nữa là vì các cô chỉ quen thay quần áo thật mau cho xong rồi tống khách đi cho nhanh. Còn bây giờ thì trái hẳn, các cô càng làm từ từ bao nhiêu, lại càng hấp dẫn bấy nhiêu. Đối với mỗi cô, lại phải có một chiến thuật khác. Cách làm cũng phải phù hợp với quần áo. Cô nàng “Hầu tước phu nhân” mặc coóc-xê hồng và váy phồng, trong là quần rộng viền đăng-ten trắng, thoát y chầm chậm, sau tấm bình phong có cái gương to phản chiếu để khán giả có thể ngắm lần lượt từng mảng da của nàng.
    Rồi cô “Mau lên” một cô gái có cái bụng phẳng nhẵn, tóc nâu, da màu cà-phê nhạt, một bản mẫu tuyệt đẹp của một cuộc lai máu, chắc hẳn là giữa một gã da trắng với một cô da đen màu sáng. Nước da cô này như hạt cà-phê mới bắt đầu rang hơi vàng chút xíu càng làm nổi bật thân hình cân đối của cô. Mớ tóc dài xoăn tự nhiên rủ xuống đôi vai tròn trĩnh tuyệt vời của cô bộ ngực cao đầy đặn, tuy hơi nặng mà vẫn không kém phần hống hách, chĩa ra hai đầu vú màu chỉ hơi xẫm hơn màu da một chút, giương cao lên ngạo nghễ, đẹp vô cùng. Đấy là cô “Mau lên”. Tất cả quần áo của cô này đều mở bằng khóa kéo “féc-mơ-tuy”. Cô mặc quần cao bồi để trình diễn, đầu đội một cái mũ rộng vành và một cái áo ngắn, tay áo có tua bằng da. Theo tiếng nhạc quân hành, cô xuất hiện trên sân khấu và tháo giày bằng cách đá tung từng chiếc lên. Quần dài cô mặc xẻ hai bên. áo chẽn được mở ra thành hai mảnh bằng khóa kéo ở mỗi bên tay.
    Với khán giả, cách làm này tác động thật dữ dội vì bộ ngực trần bật lên, như cái lò xo bị nén quá lâu. Đùi và thân trần trụi, cô dang hai chân, tay chống nạnh, vẻ thách thức, cô nhìn thẳng vào đám khán giả, rồi lột mũ, ném lên một chiếc bàn gần sân khấu nhất. Hôm khai trương, Quán Tre đông tưởng muốn vỡ. Ban tham mưu của mỏ đến đủ mặt. Đêm vui kết thúc bằng khiêu vũ và khi các khách cuối cùng ra về thì trời đã sáng. Thắng lợi hoàn toàn, không thể nào ước mong được hơn thế. Cũng phải chi phí tốn kém nhưng giá cao nên bù lại được, và quán ở giữa rừng, cho nên tôi hoàn toàn tin chắc là có nhiều đêm không có đủ chỗ cho khách.
    Bốn cô gái chạy bàn của tôi phục vụ không xuể. Các cô này mặc váy rất ngắn, cổ áo khoét sâu, đầu buộc khăn ma-đra đỏ, cũng làm khách mê mẩn. Indara và Daya mỗi người giám sát một phía, khách trong quán gọi gì, thì đã có anh cụt tay và Quých ở quầy rượu cho đưa tới ngay. Còn tôi phải có mặt ở khắp nơi, chỗ nào trục trặc thì chỉnh đốn ngay, chỗ nào có gì lúng túng thì chỉ dẫn kịp thời.
    - Ăn chắc rồi - Quých nói khi chỉ còn lại các cô gái phục vụ, các nữ nghệ sĩ và chủ quán trong gian phòng rộng. Chủ và người làm ai cũng mệt lả nhưng vui mừng vì thấy kết quả. Tất cả mọi người sửa soạn đi ngủ.
    - Papillon, dậy đi chứ?
    - Mấy giờ rồi?
    - Sáu giờ chiều rồi. - Quých nói với tôi. - Cô công chúa của anh đã giúp chúng ta đấy. Nàng dậy từ hai giờ dọn dẹp xong xuôi sẵn sàng để đêm nay lại bắt đầu nữa.
    Indara mang một bình nước nóng đến. Sau khi tắm rửa, cạo râu tươi tỉnh và khoan khoái, tôi ôm ngang lưng Indara rồi cùng bước vào Quán Tre, mọi người xúm lại hỏi han rối rít.
    - Ông chủ ơi, tình hình khá chứ?
    - Em thoát y có được không? Theo ông chủ thì chỗ nào không được nào?
    - Em hát gần đúng, phải không ông? Cũng may là khán giả dễ tính cả.
    Cái nhóm mới thành lập này rất dễ mến. Lũ điếm biến thành nghệ sĩ này rất coi trọng công việc của mình và tỏ ra sung sướng từ bỏ được nghề cũ. Việc buôn bán không thể nào khấm khá hơn thế này được. Chỉ có điều khó khăn duy nhất là quá nhiều khách đàn ông lẻ loi mà quá ít đàn bà. Tất cả các khách hàng đều muốn được ngồi kèm một cô gái, nhất là một nghệ sĩ nếu không được cả đêm thì cũng phải lâu hơn bây giờ. Thế là họ ganh ty nhau. Thỉnh thoảng, lỡ ra có hai phụ nữ ngồi cùng một bàn, là khách hàng phản đối ngay. Các cô gái da đen cũng được quý chuộng, trước hết các cô cũng đẹp, nhưng chủ yếu là vì ở trong rừng này không có đàn bà. Tuy bận ở quầy, thỉnh thoảng Daya cũng chạy ra bàn và trò chuyện với tất cả mọi người.
    Khoảng hơn hai mươi khách được thường thức sự hiện diện của cô gái ấn này vì sắc đẹp của cô quả là hiếm có. Để tránh sự ganh tỵ và đáp ứng yêu cầu của khách đòi phải có một nghệ sĩ ngồi tại bàn mình, tôi bày đặt trò sổ số. Sau mỗi tiết mục thoát y hay ca hát, một bánh xe to có ghi số từ 1 đến 32, - mỗi bàn một số, riêng quầy rượu là hai số - sẽ quyết định cô gái vừa biểu diễn sẽ phải đến bàn nào. Muốn chơi xổ số, phải mua một vé, giá tương đương với tiền một chai whisky hay sâm banh.
    Tôi cho là làm như vậy có hai điều lợi. Thứ nhất là tránh được những sự khiếu nại. Ai trúng số sẽ được nghệ sĩ ngồi cả giờ tại bàn mình mà chỉ phải trả tiền một chai rượu, được phục vụ theo cách sau đây: trong khi nữ nghệ sĩ chỉ còn cái quạt lông che thân thì tôi cho bánh xe quay. Nó chỉ vào số nào thì cô gái đứng lên một cái mâm gỗ sơn bạc và bốn chàng trai khỏe mạnh nhấc bổng mâm lên, đưa tới cái bàn may mắn trúng số. Cô nàng mở chai sâm banh và, vẫn cứ trần truồng như vậy chạm cốc một lượt rồi xin lỗi và đi vào để năm phút sau trở lại ngồi vào chỗ, lần này ăn mặc đàng hoàng.
    Trong sáu tháng công việc chạy đều, nhưng mùa mưa đã qua, một loạt khách mới đến. Đó là những người đi tìm vàng và kim cương được tự do đi thăm dò trong rừng ở cái đất phù sa màu mỡ này. Đi tìm vàng và đá quý bằng những phương tiện cổ hủ cực nhọc vô cùng. Họ thường chém giết hay lấy cắp của nhau. Cho nên tất cả có vũ khí và khi đã có một túi vàng nhỏ hay một nắm kim cương là họ không cưỡng được sự cám dỗ, lao vào ăn tiêu như điên. Bán được một chai sâm-banh, mỗi cô gái cũng được hưởng một tỷ lệ khá lớn. Từ đó, vừa hôn khách, vừa đổ sâm banh hay whisky vào xô đựng đá cho chai mau hết, làm chỉ trong nháy mắt. Có vài người tuy đã uống rồi, nhưng vẫn thấy được cái mánh này và phản ứng dữ dội đến nỗi tôi phải cho gắn chặt bàn và ghế xuống sàn nhà.
    Với loại khách mới này, điều phải xảy ra đã xảy ra. Cô gái ấy được người ta gọi là “Hoa Quế” Da cô cũng giống màu cây quế thật. Cô gái mới tới này, được tôi vớt từ khu nghèo khổ của thành phố George, có lối thoát y làm cho khách phát cuồng lên.
    Khi đến lượt cô ta biểu diễn, phải đem một cái ghế tràng kỷ lên sân khấu, cô ta không chỉ cởi quần áo và những kỷ xảo đặc biệt tinh vi, mà sau khi đã trần như nhộng, lại còn nằm dài ra ghế và tự vuốt ve mơn trớn mình. Những ngón tay thon dài của cô lướt trên da thịt trần tụi của mình, mân mê thân thể mình từ tóc đến ngón chân. Không một chỗ nào trên thân thể mà cô lại không mó máy đến. Khỏi phải nói rõ cách phản ứng của những con người thô lỗ của miền rừng rú này, nhất là khi họ đã sặc sụa hơi men.
    Tính vốn vụ lợi. Hoa Quế bắt khách mua vé xổ số cho tiết mục của cô ta với giá hai chai sâm banh chứ không phải một như những cô khác. Sau khi mua vé nhiều lần hòng dành được Hoa Quế mà không được lần nào, một gã thợ mỏ vạm vỡ, có bộ râu đen rất rậm, khi cô gái ấn của tôi đi mời mọi người mua vé số cho lần thoát y cuối cùng của Hoa Quế, chỉ còn cách mua cả ba mươi vé xổ số (tức chỉ trừ hai vé của quầy rượu). Sau khi trả tiền sáu mươi chai rượu sâm~banh, tin chắc là mình sẽ trúng, chàng rậm râu tin tưởng chờ Hoa Quế thoát y rồi đợi quay số. Hoa Quế cũng bị kích thích rất mạnh vì từ tối đã uống quá nhiều. Khi cô ta biểu diễn lần cuối thì đã bốn giờ sáng. Ngấm rượu, cô lại càng tỏ ra dâm đãng và có những cử chỉ trắng trợn hơn bao giờ hết. Vù vù? Bàn cò quay đã bắt đầu chạy và con cò bằng sừng sẽ chỉ số trúng.
    Chàng rậm râu, sau khi xem cô bé Hoa Quế biểu diễn, đã bị kích thích đến tột độ. Anh chàng ngồi đợi, tin chắc là người ta sắp đưa cô ta trần truồng, trên cái khay bạc, đến cho y, chỉ che có cái quạt lông che thân, hai chai sâm banh được kẹp giữa hai cái đùi tuyệt đẹp. Nhưng tai hại thay, anh chàng mua ba mươi vé lại thua. Số 31 trúng, nghĩa là quầy rượu được. Thoạt tiên y chưa hiểu ra, mãi đến khi cô nghệ sĩ được nhấc lên đặt ở quầy rượu y mới vỡ lẽ. Thế là cái gã ngốc ấy phát điên lên, xô bàn nhảy ba bước tới quầy rượu. Y rút súng lục bắn ba phát vào cô gái, tất cả sự việc này diễn ra trong khoảng chưa đầy ba giây.
    Hoa Quế đã chết trong tay tôi. Tôi đến đỡ cô ta lên sau khi đánh gục thằng thú vật ấy bằng một cây dùi cui của quân đội Mỹ mà lúc nào tôi cũng mang trong người. Do tôi bị vấp phải một cô chạy bàn đang cầm khay nên tôi can thiệp chậm, làm thằng súc sinh có đủ thì giờ gây ra chuyện rồ dại này. Kết quả là cảnh sát bắt Quán Tre phải dẹp tiệm và chúng tôi phải trở về Georgetown.
    Chúng tôi ai trở về nhà người ấy. Indara cô gái ấn chính cống định mệnh chủ nghĩa, chẳng thay đổi tính nết chút nào. Với cô, sự sụp đổ này chẳng có gì quan trọng. Tìm việc khác mà làm, có vậy thôi. Các chú Tàu cũng thế. Chẳng có gì thay đổi trong nhóm, chúng tôi vẫn ăn ý với nhau. Chẳng ai trách một lời về cái sáng kiến kỳ cục của tôi lấy gái ra để mở số, cái sáng kiến đã là nguyên nhân của sự tai tiếng. Chúng tôi gom góp tiền nong dành dụm được, để trả tất cả các món nợ và đưa đỡ một món tiền cho bà mẹ Hoa Quế. Chúng tôi chẳng băn khoăn lo lắng gì. Tối nào chúng tôi cũng đến quán rượu, nơi các cựu tù nhân vẫn tụ tập. Các buổi tối vẫn vui, nhưng thành phố George trong hoàn cảnh chiến tranh bị hạn chế nhiều đã làm tôi mệt mỏi. Thêm vào đó nàng công chúa của tôi không bao giờ ghen nên tôi lúc nào cũng được tự do. Bây giờ cô nàng đeo tôi từng bước và ngồi hàng giờ cạnh tôi bất cứ tôi ở đâu
    Những khả năng buôn bán ở thành phố George trở thành phức tạp. Và có một ngày, tôi bỗng nảy ra ý muốn rời đất Guyane thuộc Anh này sang một nước khác. Chẳng có gì phải sợ, lúc này đang có chiến tranh, không nước nào trả chúng tôi về chỗ cũ, ít ra đấy cũng là điều tôi ước đoán.


    ~~~~~~Hữu duyên thiên lý


    năng tương ngộ ~~~~~~___




    ~~~~~~Vô duyên đối diện


    bất tương phùng ~~~~~~___


    -o-o-o-o-o-o-


  2. #42
    ~~~ Lãng du ~~~ quachtinhdaica's Avatar
    Join Date
    Apr 2007
    Location
    Là gió thôi, đi rồi đến, đến rồi lại đi
    Posts
    2,266

    Default Re: Pappilon-Người tù khổ sai

    Trốn khỏi Georgetown

    Le Guittou cũng tán thành. Anh ta cũng nghĩ rằng chắc phải có những nước tốt hơn và sống dễ chịu hơn ở Guyane thuộc Anh. Chúng tôi bắt đầu chuẩn bị một cuộc trốn chạy khỏi thành phố George. Đúng là đi khỏi đất Guyane thuộc Anh là phạm một tội nặng. Chúng tôi đang ở trong thời chiến mà không đứa nào trong bọn tôi có hộ chiếu.
    Chapar, sau khi được thả, đã từ Cayenne trốn đi và đã ở đây đã ba tháng. Y làm kem cho một hiệu bánh của người Tàu và được trả công một đô-la rưỡi một ngày. Y cũng muốn đi khỏi thành phố Georege. Một anh tù người Dijon, tên là Deplanque, và một dân Bordeaux cũng muốn tham dự cuộc vượt ngục. Quých và anh cụt thì thích ở lại. Cả hai thấy ở đây tốt hơn.
    Vì cửa sông Demerara bị kiểm soát rất ngặt nghèo và nằm trong tầm các ổ súng máy, phóng ngư lôi và đại bác, chúng tôi sẽ làm một tàu đánh cá y hệt một chiếc tàu đăng ký ở thành phố George và chúng tôi sẽ giả làm chiếc tàu đó để ra đi. Tôi tự trách mình đã không biết ơn Indara, và đã không đáp ứng lại cho xứng đáng với tình yêu tuyệt đối của nàng đối với tôi.
    Nhưng tôi không thể làm khác được, nàng cứ đeo dính lấy tôi, làm tôi khó chịu, tôi đâm bực bội. Những con người giản dị, rõ ràng là không kiềm chế nổi ham muốn của mình, không chờ người mình yêu phải đòi hỏi mới hiến thân: Cô gái ấn Độ này xử sự đúng như hai chị em Anh-điêng ở Guagira đã từng xử sự với tôi. Khi tình dục các cô nảy nở, các cô tự hiến mình. Và nếu ta không chiếm đoạt các cô thì đó là điều rất nghiêm trọng.
    Một nỗi đau thật sự, dai dẳng nảy nở trong bản ngã thầm kín nhất của họ và việc ấy làm tôi phát bẳn vì tôi không muốn làm khổ Indara cũng như hai chị em Anh-điêng kia, và tôi phải ép mình để trong vòng tay tôi, Indara được thỏa mãn đến mức tối đa. Cuộc đào tẩu của chúng tôi được chuẩn bị rất kỹ. Một chiếc thuyền rộng và dài có một lá buồm tốt, có cả buồm mũi và bánh lái loại tốt nhất được sửa soạn rất thận trọng để cảnh sát không để ý thấy được. ở Penitence Rivers, nhánh sông nhỏ đổ vào sông Demerara, chúng tôi dấu thuyền của chúng tôi về phía xuôi so với khu chúng tôi ở. Nó được sơn và mang số như một thuyền đánh cá đã đăng ký tại thành phố George. Nếu đèn pha chiếu vào thì chỉ thấy có thủy thủ là khác. Để gạt mọi người, chúng tôi không đứng lên, vì những người Tàu trên thuyền mà chúng tôi đội lốt đều nhỏ và gầy, còn chúng tôi thì cao lớn và khỏe mạnh.
    Mọi việc diễn ra êm ru, và chúng tôi ra khỏi sông Demerara êm thấm. Tuy vui mừng vì đã ra đến biển mà không bị lộ, điểm duy nhất làm tôi không tận hưởng trọn vẹn thành tựu này, là cái tội đã đi trốn như một thằng ăn trộm không báo trước được cho nàng công chúa ấn của tôi. Tôi không vừa lòng về mình. Cô em, bố cô và cả giòng giống cô chỉ làm điều tốt với tôi, còn tôi tôi đã bội bạc. Tôi không tìm những lý lẽ để biện minh cho thái độ của mình. Tôi chỉ thấy những gì tôi làm là không lịch sự và tôi không hài lòng về tôi chút nào. Tôi cố tình để lại trên bàn sáu trăm đô-la, nhưng những thứ tôi đã nhận được không thể trả bằng tiền bạc.
    Chúng tôi phải đi hướng Bắc - Bắc bốn mươi tám giờ. Tôi lại trở về với ý nghĩ trước đây của tôi là đến Honduras thuộc Anh. Muốn vậy, phải vượt biển hai ngày. Cuộc đào tẩu gồm năm người: Le Guittoun, Chapar, Barrière, một gã người Bordeaux, Deplanque, một gã người Dijon, và tôi Papillon, thuyền trưởng.
    Chúng tôi đi được độ ba mươi giờ thì gặp một trận bão kinh khủng tiếp theo là một trận gió xoáy. Sấm, chớp, mưa, sóng lớn hỗn độn, gió trên biển quăng quật điên cuồng, kéo chúng tôi đi một cách thảm hại, chúng tôi không sao chống đỡ nổi. Tôi chưa từng thấy, hay tưởng tượng thấy cảnh nào tương tự như thế. Theo kinh nghiệm bản thân, đây là lần đầu tiên, gió vừa thổi vừa xoay chiều đến độ các luồng gió alizé bị xóa sạch hoàn toàn và trận gió điên cuồng làm chúng tôi xoay tít như chong chóng. Cứ thế này độ tám ngày khéo chúng tôi lại trở về trại giam mất. Sau này, đến Trinidad, tôi mới được ông Agostini lãnh sự Pháp cho biết là cơn bão này rất đặc biệt. Nó đã cưa gãy hơn sáu ngàn cây dừa ở đồn điền ông. Cơn bão hình mũi khoan này đã tiện cả vườn dừa của ông ở ngang thân. Có những căn nhà bị bốc lên cao, đưa đi xa, rồi rơi xuống đất hoặc xuống biển. Chúng tôi mất hết: thực phẩm đồ đạc cùng những thùng nước ngọt. Cột buồm bị gãy ở độ cao hai mét và nghiêm trọng hơn cả là bánh lái cũng bị vỡ. Phúc làm sao, Chapar vớt được một cái chèo nhỏ trông như một thứ xẻng, và tôi đã dùng cái xẻng đó để lái thuyền. Ngoài ra chúng tôi phải ở truồng lột hết quần áo để ghép lại thành buồm. Tất cả áo vét, sơ mi, quần dài đều được đem ra dùng. Cả năm chúng tôi đều mặc xi-líp. Cái buồm làm bằng quần áo và víu lại với nhau bằng một cuộn dây thép nhỏ còn sót trên thuyền, được đem gắn vào mẩu cột buồm cụt, đã đẩy cho thuyền chúng tôi tạm đi được.
    Gió alizé lại thổi đúng hướng, và tôi lợi dụng nó, lái thẳng về phía Nam để tới bất cứ nơi nào, kể cả Guyane thuộc Anh. ở đây, hình phạt gì đối với chúng tôi cũng được hoan nghênh. Thái độ của tất cả các bạn chúng tôi trong và sau cái mà tôi không gọi là bão, vì gọi thế chưa hết ý, mà phải nói là cơn tai biến, cơn hồng thủy, hay cơn cuồng nộ, đều chững chạc. Chỉ sáu ngày sau, trong đó có hai ngày gió yên sóng lặng hoàn toàn, chúng tôi mới thấy đất liền. Với mẩu buồm thủng lỗ chỗ, nhưng vẫn được gió đẩy đi, chúng tôi không thể lái thuyền theo ý mình được. Cái giầm con cũng không giúp chúng tôi lái được vững vàng, chắc chắn. Lái phải ở trần, toàn thân chúng tôi cháy xém làm sức đề kháng của chúng tôi cũng giảm sút. Mũi đứa nào cũng tróc hết da, trơ cả thịt. Cả môi, chân, da giữa hai đùi và bắp vế đều cũng tróc hết da. Cơn khát nước hành chúng tôi đến nỗi Deplanque và Chapar uống cả nước mặn. Sau khi uống, hai đứa lại càng khổ hơn. Mặc dù khát và đói cùng cực, có một điều tốt là không ai, hoàn toàn không một ai kêu ca. Cũng không đứa nào khuyên nhủ đứa khác điều gì.
    Đứa uống nước mặn cũng như đứa dội nước biển lên người nói là cho mát rồi tự nhận thấy rằng làm như vậy các vết thương lại càng loét sâu hơn và khi nước bay hơi thịt da lại càng đau nhức hơn.
    Chỉ một mình tôi là còn một mắt mở được và lành lặn, mắt tất cả các bạn đều mưng mủ, và phải nhắm nghiền vì mi mắt cứ dính bết vào nhau. Mắt tuy đau nhưng vẫn phải rửa vì bắt buộc phải mở mắt để nhìn cho rõ. ánh mặt trời chiếu thắng đứng càng làm cho các vết thương của chúng tôi đau vô cùng, tưởng chừng không sao chịu đựng nổi. Deplanque sắp phát rồ, đòi nhảy xuống nước.
    Đã gần một giờ, tôi thấy lờ mờ đất liền ở phía chân trời. Tất nhiên, tôi hướng ngay về phía đó mà không nói gì, vì tôi chưa chắc là đúng. Chim chóc lượn quanh chúng tôi, như vậy là tôi đã không lầm. Tiếng chim đã báo cho các bạn tôi biết. Bị ánh nắng và sự mệt mỏi làm cho u mê đi, họ nằm dài ở lòng thuyền lấy tay che mặt cho đỡ nắng.
    Guittou sau khi súc miệng để cố nói cho được đã bảo tôi:
    - Papi, cậu có thấy bờ không?
    - Thấy rồi.
    Theo cậu đoán thì độ bao nhiêu lâu chúng tôi tới bờ được.
    - Độ năm bảy giờ nữa. Các cậu ơi, tớ cũng chịu hết nổi rồi. Tớ cùng bị phỏng da như các cậu, mông đít tớ còn trơ cả thịt và bị cọ sát với ghế và nước biển. Gió không mạnh, thuyền không đi nhanh được, cánh tay tớ luôn bị chuột rút, bàn tay tớ cũng tê cứng, từ lâu không nắm nổi giầm lái nữa. Các cậu có bằng lòng làm thế này không? Ta hạ buồm xuống, che làm mái để tránh nắng như thiêu như đốt này cho đến tối. Cứ mặc cho thuyền tự nó trôi vào bờ. Phải làm như vậy, nếu không, một cậu nào hãy ra cầm lái thay tớ.
    - Thôi đi Papi, đừng làm vậy. Cứ làm như cậu nói và tất cả vào ngủ trong bóng râm, chỉ để một người canh thôi.
    Tôi lấy quyết định chung của anh em lúc trời đang nắng, vào hồi mười ba giờ. Được thỏa thuận một cách tự nhiên như con vật, tôi nằm dài ra lòng thuyền, và thế là cũng được ở trong bóng râm. Các bạn tôi dành cho tôi nơi tốt nhất ở đằng mùi để hứng được gió. Người gác phải đều chìm ngay vào cõi hư vô. Mệt nhoài, lại có bóng râm che ánh nắng gay gắt, chúng tôi đã ngủ thiếp đi.
    Một tiếng còi thét lên làm chúng tôi choàng dậy.
    Tôi vén buồm lên, bên ngoài là đêm tối. Không biết mấy giờ? Khi tôi về chỗ ngồi, bên bánh lái, một làn gió mát mơn trớn thân thể bị tróc hết da của tôi, và tôi thấy lạnh. Nhưng khoan khoái biết bao vì không bị cháy da thịt nữa.
    Chúng tôi dỡ buồm ra. Sau khi lấy nước biển rửa mắt - may cho tôi là tôi chỉ bị một mắt đau và mưng mủ - tôi đã nhận thấy rất rõ đất liền ở bên phải và bên trái tôi. Chúng tôi đang ở đâu vậy? Tôi nên đi về phía nào bây giờ? Chúng tôi lại nghe tiếng còi rúc một lần nữa. Tôi biết là tín hiệu từ phía phải tới. Không biết người ta muốn nói cái quái vì với chúng tôi?
    - Cậu bảo chúng ta ở đâu nhỉ? - Chapar hỏi.
    - Thật sự tớ cũng không biết gì. Nếu miền này không phải là nơi trơ trọi và là một cái vịnh thì có lẽ chúng ta ở mỏm đầu của Guyane thuộc Anh, phần đất dài đến tận sông Orenoque là biên giới tự nhiên với Venezuela. Nhưng nếu miền đất bên phải lại bị cắt khỏi phía bên trái bởi một quãng hơi rộng, thì cái bán đảo này lại là một hòn đảo và đấy là Trinidad. Bên trái sẽ Venezuela, và chúng ta đang ở trong vịnh Ria. Trí nhớ của tôi về cái bản hải đồ mà tôi đã có dịp nghiên cứu đã cho tôi thấy được tình trạng nước đôi này. Nếu bên phải là Trinidad và bên trái là Venezu ela, chúng tôi sẽ chọn phía nào đây? Quyết định này liên quan đến vận mạng của chúng tôi. Với gió nhẹ như thế này, đi vào bờ không khó lắm. Lúc này, chúng tôi chưa đi về hướng nào cả. Đến Trinidad, là gặp “dân ăn thịt bò rán” cũng một chính quyền như ở Guyane thuộc Anh.
    - Chắc chắn sẽ được đối xử tử tế, - Guittou nói.
    - Phải, nhưng họ sẽ quyết định thế nào khi ta rời khỏi lãnh thổ của họ trong thời chiến một cách lén lút và không có giấy phép nữa?
    - Thế Venezuela thì sao?
    - Cũng chưa biết sẽ ra sao - Deplanque nói - Dưới thời Gomez làm tổng thống, tù nhân phải làm đường vô cùng cực khổ, rồi bị họ trả cho nước Pháp, ở đấy họ gọi tôi là dân Cayenne.
    - Nhưng bây giờ không như vậy nữa rồi, đang là thời chiến mà.
    - Theo như tôi nghe được ở Georgetown thì họ không tham chiến, họ trung lập.
    - Chắc không?
    - Chắc chứ!
    Nếu vậy thì rất nguy hiểm cho chúng ta. Chúng tôi đã nhận ra ánh sáng đèn trên bờ phải và cả bên bờ trái nữa. Lại tiếng còi, lần này hú ba lần. Những ánh đèn tín hiệu từ bờ biển bên phải hướng về chúng tôi. Đằng trước, hai mỏm đá nhọn rất to, đen ngòm nổi trên mặt biển. Chắc vì vậy mà họ hú còi để báo cho chúng tôi biết là có nguy hiểm.
    - ồ phao nổi kìa! Có cả một chuỗi dài. Sao ta không neo vào một cái để chờ trời sáng nhỉ. Hạ buồm xuống đi Chapar.
    Y hạ ngay những mẩu quần và áo sơ mi mà tôi gọi một cách hợm hĩnh là buồm. Tôi dùng giầm hãm thuyền, cho mũi tiến sát gần một cái “phao” đầu mũi thuyền, may còn một đoạn thừng buộc chắc vào vòng sắt nên bão không dứt dứt được. Chúng tôi đã neo xong thuyền không neo vào cái phao kỳ cục này vì nó nhẵn thín chẳng có chỗ nào để buộc, mà neo vào sợi dây cáp nối nó với một phao khác. Thuyền chúng tôi đã được buộc chắc vào sợi cáp hẳn là dùng để phân ranh giới một luồng nước gì đó. Chẳng bận tâm đến những tiếng còi từ bờ bên phải cứ tiếp tục réo lên, tất cả chúng tôi nằm trong lòng thuyền, dùng buồm đắp lên người để che gió. Người tôi bị gió lạnh ban đêm làm tê cóng đã ấm dần lên, rất dễ chịu, và chắc tôi là một trong những người đầu tiên đã ngáy lên như sấm.
    Khi tôi thức dậy, trời đã sáng rõ và rất quang đãng. Mặt trời đang mọc, sóng hơi to, và nước biển trong vắt màu xanh ve chứng tỏ đáy biển toàn san hô.
    - Ta làm gì bây giờ nào? Phải lên bờ chứ? Tớ chết vì đói và khát mất thôi.
    Đây là lần đầu tiên có người phàn nàn sau những ngày nhịn nhục, đến hôm nay đúng là bảy hôm.
    Chúng ta ở quá gần bờ, nên có lên bờ cũng chẳng có tội! - Chapar nói vậy.
    ở chỗ tôi ngồi, trông xa về phía trước, qua hai tảng đá to từ dưới biển nhô lên, tôi thấy rất rõ chỗ bờ biển bị nứt đôi. Như vậy bên phải đúng là Trinidad rồi, và bên trái là Venezuela. Hẳn là chúng tôi đang ở trong khu vực vịnh Paria, và nếu nước màu xanh chứ không phải vàng do đất phù sa của dòng sông Orenoque, thì như thế tức là chúng tôi ở trong luồng nước của cái lạch chảy giữa hai quốc gia rồi đổ ra biển.
    - Ta làm gì bây giờ? Các cậu biểu quyết đi, việc này rất quan trọng nên tôi không dám tự quyết một mình. Bên phải là đảo Trinidad của Anh, bên trái là Venezuela. Các cậu muốn đi phía nào? Căn cứ vào tình trạng thuyền của bọn ta và tình hình sức khỏe chung, chúng ta phải lên bờ càng sớm càng tốt, trong chúng ta có hai người đã được tự do là Le Guittou và Corbière còn lại ba người: Chapar, Deplanque và tớ có thể gặp nhiều nguy hiểm nhất, cho nên chúng tớ phải quyết định. Các cậu thấy thế nào? Đến Trinidad là khôn ngoan hơn, Venezuela là xứ lạ.
    Chúng ta chẳng cần phải tự quyết định dâu: chiếc hải thuyền kia sẽ quyết định cho chúng ta, - Deplanque nói.
    Đúng là có chiếc hải thuyền đang tiến nhanh về phía chúng tôi. Nó đã dừng lại cách chúng tôi ngoài năm mươi mét. Một người trên thuyền đó cầm loa. Tôi trông thấy một lá cờ, không phải là cờ Anh. Lá cờ có nhiều sao rất đẹp, cả đời tôi chưa thấy nó bao giờ.
    Chắc đấy là cờ Venezuela. Sau này là “cờ của tôi”, cờ của tổ quốc mới của tôi, đối với tôi và đối với bất cứ người bình thường nào khác đó là vật tượng trưng cảm động nhất, tập trung trong một mánh vải những đức tính cao quý nhất của một dân tộc lớn, dân tộc tôi.
    - Quien son vosotros? (Các anh là ai?)
    - Chúng tôi là người Pháp
    - Es tan locos? - (Các anh có điên không?)
    - Sao vậy?
    - Porque son amarados a minas (Vì sao anh neo thuyền vào mìn)
    - Vì thế mà các ông không dám đến gần phải không?
    - Phải, cởi dây ra ngay đi.
    - Xong rồi đây.
    Trong nháy mắt, Chapar đã cởi dây thừng ra. Chúng tôi đã neo thuyền vào một chuỗi mìn nổi, không hơn không kém.
    - Phúc tổ các anh không bị nổ tung lên đấy, - thuyền trưởng chiếc hải thuyền sang kéo thuyền của chúng tôi, giải thích với tôi như vậy. Rồi từ hải thuyền, họ chuyển cho chúng tôi càphê, sữa hộp và thuốc lá.
    - Các anh đến Venezuela đi, các anh sẽ được đối xử tử tế tôi bảo đảm với các anh như vậy. Chúng tôi không thể nào kéo các anh vào tận bờ được, vì chúng tôi phải cấp tốc đi đón một người bị thương nặng ở hải đăng Barimas. Nhưng các anh nhất thiết đừng cố đến Trinidad, vì mười phần chắc chín là các anh sẽ va phải mìn, thế là...
    Sau câu tạm biệt “Adios, buena suerte” (chúc các anh may mắn) chiếc hải thuyền quay đi. Họ để lại cho chúng tôi hai lít sữa. Chúng tôi sửa sang lại buồm. Đã mười giờ sáng rồi, dạ dày chúng tôi đã phỏng phao lên, do có cà phê và sữa, rồi phì phèo điếu thuốc trên môi, tôi cho thuyền xô ào vào bãi cát mịn, ở đó độ năm mươi người đã tựu tập để xem những ai đi trên chiếc thuyền kỳ lạ: cột buồm thì cụt, buồm là áo sơ mi, áo vét và quần ghép lại với nhau.


    ~~~~~~Hữu duyên thiên lý


    năng tương ngộ ~~~~~~___




    ~~~~~~Vô duyên đối diện


    bất tương phùng ~~~~~~___


    -o-o-o-o-o-o-


  3. #43
    ~~~ Lãng du ~~~ quachtinhdaica's Avatar
    Join Date
    Apr 2007
    Location
    Là gió thôi, đi rồi đến, đến rồi lại đi
    Posts
    2,266

    Default Re: Pappilon-Người tù khổ sai

    XIII. Nước Venezuela
    Các ngư dân ở Irapa

    Tôi đã khám phá ra một thế giới mới, những con người, một nền văn minh hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Những phút đầu tiên trên đất Venezuela vô cùng cảm động, và phải một tài năng hơn hẳn cái vốn liếng chữ nghĩa ít ỏi của tôi mới giải thích, diễn đạt, vẽ lên nổi cái không khí tiếp đón nồng nhiệt mà những người dân hào hiệp ở đây đã giành cho chúng tôi. Đàn ông, da trắng hay da đen, nhưng đa số là da màu sáng như màu da trắng bị rám nắng vài ngày, hầu hết mặc quần xắn đến đầu gối.
    - Tội nghiệp, sao trông các ông thảm hại đến vậy - cánh đàn ông nói.
    Làng dân chài nơi chúng tôi đến là làng Irapa, một công xã thuộc một bang tên là Sucre. Các cô gái và các thiếu phụ, hơi nhỏ người nhưng duyên dáng vô cùng, và cả các bà già nữa không trừ một ai, đều biến thành nữ y tá, xơ từ thiện hay mẹ bảo trợ chúng tôi
    Họ tập họp ở một căn nhà đã mắc sẵn năm cái võng len, kê sẵn bàn cho chúng tôi, họ lấy dầu ca-cao xoa lên thân thể chúng tôi từ đầu đến chân, không bỏ sót một centimét da bị tróc. Chúng tôi lả đi vì đói và mệt, vì phải nhịn ăn quá lâu ngày nên bị mất nhiều nước. Những người vùng ven biển này biết là chúng tôi cần ngủ nhưng cũng phải cho ăn chút ít một.
    Mỗi đứa chúng tôi nằm trên võng, vừa ngủ, vừa được các nữ y tá bất ngờ bón cho ăn từng miếng. Tôi quá mệt mỏi, khi được đặt lên võng, những chỗ da bị trơ thịt ra được xoa dầu ca-cao rồi, sức lực của tôi đã hoàn toàn tan biến đâu mất và tôi cứ mơ mơ màng màng ngủ, ăn và uống mà không biết gì hết.
    Một món gì giống cháo bột sắn ở quê tôi không được dạ dày rỗng tuếch của tôi tiếp thu. Mà không phải chỉ mình tôi như vậy. Tất cả chúng tôi đã nhiều lần nôn ra một phần hay tất cả những món ăn mà các bà các chị đã đưa vào mồm chúng tôi từng muỗng một.
    Dân trong làng này nghèo xác xơ. Nhưng tất cả mọi người, không trừ một ai, đều giúp đỡ chúng tôi. Ba ngày sau, do được tập thể này săn sóc và do tuổi còn trẻ, chúng tôi đã gần lại người. Chúng tôi ngồi dậy hàng giờ dưới mái lán lợp bằng lá dừa râm mát, các bạn tôi và tôi đã trò chuyện với người làng. Họ không dư dả để lo chúng tôi có quần áo mặc ngay một lúc. Và những nhóm nhỏ đã được hình thành. Nhóm này chuyên lo cho Guittou, nhóm nọ, cho Deplanque. Độ gần mười lo cho tôi.
    Những ngày đầu, họ cho chúng tôi mặc đủ thứ đồ hú họa, cũ kỹ nhưng rất sạch. Bây giờ, mỗi khi có điều kiện, họ mua cho chúng tôi chiếc áo sơ-mi mới, cái quần dài, sợi thắt lưng hay đôi giày vải. Trong số phụ nữ săn sóc tôi có những cô gái trẻ, dân tộc Anh-điêng pha trộn với máu Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha. Một cô tên là Tibisay, cô kia là Nenita. Các cô đã mua cho tôi một cái áo sơ mi, một cái quần dài, một đôi giày vải mà họ gọi là “aspargate”, đế giày bằng da, không có gót, phần che chân là sợi vải tết lại. Chỉ có cổ chân và gót chân được bao bọc còn ngón chân thì để hở.
    - Không cần hỏi các anh từ đâu đến. Cứ trông các anh xăm mình, chúng tôi cũng biết là các anh đã vượt ngục từ trại giam của Pháp.
    Điều đó lại càng làm tôi cảm động hơn. Chao ôi! Biết chúng tôi là tù vì đã phạm tội nặng, lại vượt khỏi một trại tù mà sách báo đã mô tả tình trạng khắc nghiệt của nó, những người dân bình thường này cho việc cứu trợ, giúp đỡ chúng tôi là tự nhiên sao? Khi người ta giàu có hay khá giả mà đi cho quần áo, khi gia đình và bản thân mình không thiếu thốn gì mà cho một người lạ ăn uống, thế cũng đã là tốt lắm rồi. Đằng này chia đôi một mẩu bánh ngô hay bánh sắn nướng lấy ở lò nhà, trong lúc chính mình và gia đình mình cũng chưa đủ ăn, rồi chia sẻ bừa ăn đạm bạc không đủ nuôi sống được gia đình mình, với những người xa lạ, hơn thế nữa, với những kẻ trốn tránh. công lý như chúng tôi, lại càng đáng khâm phục.
    Sáng nay, tất cả mọi người, đàn ông lẫn đàn bà, đều nín lặng. Họ có vẻ bực bội và lo âu. Có chuyện gì vậy? Tibisay và Nenita đang ở cạnh tôi. Sau mười lăm ngày, lần đầu tiên tôi đã có thể cạo râu. Chúng tôi ở cùng những con người hết sức tận tình này đã được tám ngày. Các vết bỏng của tôi đã lên da non cho nên tôi mới dám cạo. Vì bộ râu của tôi, các cô các bà chẳng biết tuổi tác của tôi ra sao. Khi thấy tôi còn trẻ. Họ rất mừng và nói thẳng điều đó ra một cách chất phác. Tôi đã ba mươi lăm tuổi nhưng trông chỉ độ hăm tám, ba mươi. Phải, đúng là những người đàn ông, đàn bà mến khách này có chuyện gì lo lắng cho chúng tôi, tôi cảm thấy thế.
    - Có chuyện gì vậy Tibisay, nói cho tôi nghe, có chuyện gì vậy?
    Các quan chức ở bên Quiria sắp tới đây: ở đây không có ủy viên dân sự. Chẳng hiểu tại sao, nhưng cảnh sát ở bên ấy đã được tin các anh ở đây. Họ sắp tới.
    Một người phụ nữ da đen, cao và đẹp, đi với một thanh niên mình trần, quần xắn tới đầu gối, đã đến gặp tôi. Anh thanh niên có một thân hình lực sĩ cân đối, chị da đen, “La Negrita” (ở Venezuela không hề có phân biệt chủng tộc hay tôn giáo và đấy là một lối gọi âu yếm rất thông dụng đối với phụ nữ da màu) đã hỏi tôi:
    - Ông Henri ơi (Senor Enriquez) cảnh sát sắp đến đây. Tôi không biết họ sẽ làm điều tốt hay xấu cho ông. Ông có muốn trốn một thời gian vào núi không? Em tôi có thể dẫn ông đến một căn nhà nhỏ mà không ai tìm được ông. Tibisay, Nenita và tôi có thể hàng ngày đem thức ăn cho ông và tin cho ông biết tình hình.
    Cảm động đến tột độ, tôi muốn hôn tay người con gái cao thượng này nhưng chị đã rút tay lại, và chị nhẹ nhàng giản dị hôn má tôi.
    Lát sau, một tốp người ngựa phi nước đại đến. Tất cả đều mang một con dao dài, loại dao đẵn mía, đeo bên trái như đeo kiếm, một thắt lưng to bản đựng đầy đạn và một khẩu súng ngắn to đựng trong bao đeo bên phải. Họ xuống ngựa. Một người mặt như Mông Cổ mắt xếch kiểu người Anh-điêng, da màu đồng đỏ, cao và gầy, chừng bốn mươi tuổi, đầu đôi mũ rơm to, tiến về phía chúng tôi.
    - Chào các ông. Tôi là xếp dân sự, cảnh sát trưởng đây
    - Chào ông.
    Còn các người kia, sao các người không báo cho chúng tôi biết là có năm người dân Cayenne vượt ngục đến ở đây? Người ta nói là họ ở đây đã được tám ngày. Trả lời đi!
    - Chúng tôi chờ khi nào họ đi lại được và các vết bỏng của họ lành đã.
    - Chúng tôi đến để dẫn họ về Guiria đây. Sẽ có xe tải đến ngay.
    - Ông uống cà phê nhé?
    - Được, cám ơn ông.
    Tất cả ngồi thành vòng tròn uống cà phê. Tôi nhìn cảnh sát trường và các nhân viên của ông. Họ không có vẻ ác. Tôi có cảm giác là họ phải làm theo lệnh của cấp trên mà không tán thành lệnh đó.
    - Các ông vượt ngục từ Đảo Quỷ phải không?
    - Không, chúng tôi từ Georgetown ở Guyane thuộc Anh đến.
    - Tại sao các ông không ở đấy?
    - Chỗ ấy kiếm ăn cực lắm.
    Ông ta mỉm cười nói:
    - Các ông cho là ở đây dễ chịu hơn là ở với người Anh?
    - Phải, vì chúng tôi cũng gốc La-tinh như ông.
    Một nhóm bảy, tám người tiến lại vòng tròn của chúng tôi. Đứng đầu là một người trạc năm mươi tuổi, tóc bạc trắng, cao hơn một mét bảy mươi lăm, da màu sô-cô-la rất sáng: Đôi mắt to đen biểu lộ trí thông minh và một sức mạnh tinh thần khác thường. Tay phải ông ta đặt trên cán con dao dài đeo bên đùi.
    - Ông cảnh sát trưởng định làm gì đối với những người này?
    - Tôi sẽ giải họ về nhà tù ở Guiria.
    - Sao ông không để họ sống với gia đình chúng tôi? Mỗi gia đình sẽ nhận một người.
    - Không thể được, vì đây là lệnh của tỉnh trưởng.
    - Nhưng họ có phạm tội gì trên đất Venezuela đâu?
    - Tôi công nhận điều đó. Dù sao đây cũng là những người rất nguy hiểm vì họ phạm tội rất nặng mới phải đi đày ở nhà tù khổ sai. Ngoài ra họ còn vượt ngục không có giấy tờ căn cước, chắc chắn cánh sát nước họ sẽ đòi họ khi biết họ ở Venezuela.
    - Chúng tôi muốn giữ họ lại với chúng tôi.
    - Không thể được, vì đây là lệnh của tỉnh trưởng.
    - Cái gì cũng có thể được. Ông tỉnh trưởng biết gì về những con người khốn khổ này? Không có ai là đồ bỏ. Dù có phạm tội gì, đến một lúc nào đó trong đời người ta, cũng có cơ hội phục hồi nhân phẩm để trở thành người tốt, có ích cho xã hội, có phải thế không các ông, các bà?
    - Đúng vậy - đàn ông, đàn bà đều đồng thanh đáp - các ông cứ để họ ở lại với chúng tôi, chúng tôi sẽ giúp họ làm lại cuộc đời. Tám ngày qua, chúng tôi đã hiểu họ khá đủ : chắc chắn đây là những người tốt.
    - Có những người văn minh hơn chúng ta đã giam họ vào ngục để họ không làm gì có hại, - viên cảnh sát trưởng nói.
    - Theo ông thì thế nào là văn minh, thưa ông cảnh sát trường? - Tôi hỏi - ông tưởng có thang máy, máy bay, xe điện ngầm, là người Pháp chúng tôi văn minh hơn những người đã tiếp đón và săn sóc chúng tôi? Ông nên biết rằng theo ngụ ý của tôi, văn minh của nhân loại là có được một tâm hồn cao thượng, sự thông cảm với con người. ở làng này, sống giữa thiên nhiên, đúng là người ta thiếu những lợi ích của nền văn minh máy móc, nhưng đối với con người, người ta lại có tâm hồn cao thượng hơn, có sự thông cảm hơn; tuy không được hưởng lợi ích của sự tiến bộ, họ lại có ý thức về lòng kính Chúa thương người cao hơn tất cả những kẻ tự nhận là văn minh ở trên đời này. Tôi quý một người thất học ở xóm này hơn là một cứ nhân văn học tại trường Sorbonne ở Paris, nếu anh cử nhân kia một ngày nào đó đầu óc giống như viên biện lý đã kết tội tôi. Một đằng là con người thật sự còn kẻ kia đã quên mất mình là người rồi.
    - Tôi hiểu anh. Nhưng tôi chẳng qua cũng là cái phận chỉ đâu đánh đấy. Xe đến rồi. Tôi xin tất cả hãy giúp tôi sao cho mọi việc đều êm đẹp.
    Mỗi nhóm phụ nữ ôm hôn người mà họ chăm sóc, Tibisay, Nenita La và Negrita vừa hôn tôi vừa khóc như mưa như gió. Đàn ông đều bắt tay chúng tôi, biểu lộ nỗi đau khổ của họ khi thấy chúng tôi phải vào tù.
    - Xin tạm biệt, dân làng Irapa, giòng giống cực kỳ cao thượng đã can đảm đương đầu với chính quyền của nước mình để bảo vệ những kẻ khốn khổ hôm qua còn xa lạ với mình. Miếng bánh mà tôi ăn ở nhà các vị, miếng bánh mà các vị đã dám nhịn để dành cho chúng tôi, miếng bánh tượng trưng cho tình nhân loại anh em, đối với tôi là tấm gương cao cả của thời xưa: “Không được giết người, hãy làm điều lành cho những người đang đau khổ dù có vì vậy mà phải thiếu thốn, hãy luôn luôn giúp người bất hạnh hơn mình”.
    Sau này nếu có ngày tôi được tự do, tôi sẽ cố sức giúp đỡ người khác, như những người đầu tiên tôi gặp ở Venezuela đã dạy tôi. Tôi còn gặp nhiều người như thế trong tương lai.


    ~~~~~~Hữu duyên thiên lý


    năng tương ngộ ~~~~~~___




    ~~~~~~Vô duyên đối diện


    bất tương phùng ~~~~~~___


    -o-o-o-o-o-o-


  4. #44
    ~~~ Lãng du ~~~ quachtinhdaica's Avatar
    Join Date
    Apr 2007
    Location
    Là gió thôi, đi rồi đến, đến rồi lại đi
    Posts
    2,266

    Default Re: Pappilon-Người tù khổ sai

    Nhà lao El Dorado

    Hai giờ sau, chúng tôi đến một khu làng lớn ở cửa biển, tự xưng là thành phố và lấy tên là “Guiria”. Xã trưởng đích thân trao chúng tôi cho cảnh sát địa phương. Tại Sở cảnh sát chúng tôi được đối xử cũng tạm được, nhưng lại bị hỏi cung, và người hỏi cung, chẳng hiểu biết gì, nhất định không công nhận là chúng tôi từ Guyane thuộc Anh, nơi chúng tôi đã được tự do, đến đây. Ngoài ra khi y bảo chúng tôi giải thích cho y biết tại sao chúng tôi đến Venezuela trong tình trạng cùng quẩn và kiệt lực đến thế này, sau chuyến đi ngắn ngủi từ phố George đến vịnh Paria, y cho là chúng tôi đã giỡn mặt y khi chúng tôi kể chuyện gặp bão ở biển.
    - Hai tàu chở chuối đã bị đắm mất tiêu cả người lẫn hàng, trong cơn gió lốc, một tàu hàng chở bốc-xít cùng bị đắm, tất cả thủy thủ đều chết, thế mà các anh trên cái thuyền dài có năm mét, bị mưa bão vùi dập, lại thoát được? Ai tin nổi chuyện này? Ngay người điên đi ăn xin ở chợ cũng không nghe được. Các anh nói dối.Có một cái gì ám muội trong những điều các anh vừa kể.
    - Xin ông cứ hỏi tin tức ở thành phố George thì biết.
    - Tôi không muốn người Anh cười tôi.
    Viên thư ký hỏi cung đần độn và ương bướng, đa nghi và kiêu căng, không biết đã báo cáo thế nào, và gửi báo cáo đi cho ai. Dù sao thì một buổi sớm kia, chúng tôi cũng bị gọi dậy từ năm giờ, bị xích tay và đưa lên xe đến một địa điểm xa lạ.
    Làng Guiria nằm trong vịnh Paria, đối diện với Trinidad như tôi đã nói. Nó còn có lợi thế là ở cửa sông Orenoque một con sông rất lớn, gần bằng sông Amazon. Năm đứa chúng tôi bị xích trong một chiếc xe tải trên đó còn có mười cảnh sát viên, đi về hướng Ciudad Bolivar, thủ phủ quan trọng của bang Bolivar. Chuyến đi trên những con đường đất hết sức nhọc nhằn cảnh sát cũng như tù, bị xóc lên xóc xuống, xô đi xô lại như những bao tải đựng hồ đào trên mái xe, còn lắc lư hơn ngồi trên cộ lết, cuộc hành trình kéo dài năm ngày. Đêm thì mọi người ngủ trên xe, sáng hôm sau lại tiếp tục phóng như điên đến một nơi nào chẳng biết. Cuộc hành trình đến sụn xương sống này, vượt qua hơn một ngàn ki-lô-mét cách bờ biển đến một vùng rừng nguyên thủy, theo một đường lộ bằng đất từ Guidad Bolivar đến El Dorado. Khi đến làng El Dordo, thì cả lính lẫn tù đều phờ phạc.
    Nhưng El Dorado là gì? Trước hết đó là niềm hy vọng của dân Tây Ban Nha đi chinh phục Châu Mỹ, thấy dân Anh-điêng ở vùng này có vàng, đã chắc mẩm là ở đấy có một núi vàng, hay ít ra cũng là núi nửa đất, nửa vàng. Cuối cùng, El Dorado chỉ là một làng nằm trên con sông đầy những giống cá chuyên ăn thịt, chỉ trong vài phút có thể ăn nghiến ngấu hết một con người hay một con thú, những con cá điện, gọi là trembladores, cứ lượn quanh mồi, người hay vật, truyền điện rất nhanh vào mồi để rồi hút máu của nạn nhân mà thịt xương đã bị giòng điện phân hủy. ở giữa sông có một hòn cù lao, và trên cù lao có một trại giam. Đó là nhà tù khổ sai El Dorado của xứ Venezuela. Khu giam tù khổ sai này là nơi cực nhọc, man rợ và vô nhân dạo nhất mà tôi được thấy trong đời, vì ở đây tù nhân bị đánh đập tàn nhẫn. Đó là một khuôn đất vuông vắn mỗi bề dài một trăm năm mười mét lộ thiên, có dây thép gai bao quanh. Gần bốn trăm nhân mạng nằm giữa trời trong mưa nắng vì quanh khu đất này chỉ có vài tấm tôn kẽm.
    Không nghe chúng tôi nói lấy một lời, không giải thích gì về quyết định này, họ tống chúng tôi vào trại giam El Dorado, ba giờ trưa, khi chúng tôi còn chết mệt vì chuyến đi xa và bị xích trong xe. Ba giờ rưỡi, chúng hỏi tên và ghi tên chúng tôi, họ gọi chúng tôi lại giao cho hai đứa trong bọn tôi mỗi đứa một cái xẻng, ba đứa kia mỗi đứa một cái cuốc. Năm tên lính, súng và roi gân bò trong tay, có một hạ sĩ chỉ huy, đứng vây quanh chúng tôi, buộc chúng tôi phải đến nơi làm việc, nếu không sẽ bị đánh. Chúng tôi hiểu ngay rằng đây là do chỉ huy trại giam muốn ra oai với chúng tôi. Lúc này mà kháng lệnh là rất nguy hiểm. Cứ làm đã, rồi sau sẽ hay.
    Đến chỗ làm việc của tù nhân, họ bắt chúng tôi đào một đường hào ra phía đường giao thông mà họ đang mở ở giữa rừng. Chúng tôi làm tùy theo sức từng người, không nói gì, cũng không ngẩng đầu lên. Chúng tôi nghe thấy tiếng chửi rủa và những tiếng đánh đập đã man mà tù nhân luôn luôn phải chịu đựng. Không một ai trong bọn chúng tôi bị đánh một roi gân bò.
    Buổi làm việc ngay khi vừa đến trại giam là để cho chúng tôi thấy rõ các tù nhân bị đối xử ra sao. Hôm ấy là thứ bảy. Sau giờ làm, còn đầy mồ hôi và bụi đất, chúng tôi bị đưa vào trại, vẫn không qua một thủ tục nào.
    - Năm thằng dân Cayenne lại đây. - Tên hạ sĩ giám thị gọi. Tên này là người lai, cao một mét chín mươi, tay cầm một cây roi gân bò. Nó là một tên đần độn thô lỗ chỉ chuyên giữ trật tự ở bên trong trại giam. Họ chỉ cho chúng tôi chỗ mắc võng ở nơi trống trải gần cổng ra vào trại giam, nhưng tại đấy cũng có một cái mái tôn, ít ra chúng tôi cũng được che nắng che mưa.
    Đa số tù nhân là người Colombia, số còn lại là dân Venezuela. Không một trại cải hối nào của tù khổ sai có thể ví với cái cảnh ghê tởm của trại lao động khổ sai này. Một con lừa bị đối xử như những người ở đây chắc phải chết mất. Nhưng gần như tất cả mọi người đều khỏe mạnh, vì thức ăn thức uống ở đây rất dồi dào và ngon lành.
    Bọn chúng tôi họp ngay một cuộc hội nghị quân sự nhỏ. Nếu có ai trong bọn chúng tôi bị lính đánh, tốt nhất là chúng tôi ngưng làm việc, nằm ra đất và dù bị đối xử ra sao cũng không đứng dậy. Thế nào cũng phải có một người chỉ huy đến và chúng tôi sẽ hỏi tại sao chúng tôi không phạm tội gì mà lại phải ở trong trại giam khổ sai này? Hai người đã mãn hạn tù là Guittou và Barrière đã lên tiếng đòi phải rả họ về Pháp. Rồi chúng tôi quyết định gọi hạ sĩ giám thị đến. Tôi sẽ nói chuyện với y. Y được mệnh danh là Negro Blanco (Mọi Trắng). Guittou đi kiếm y. Tên đao phủ tới, tay vẫn cầm roi gân bò. Cả năm chúng tôi vây quanh y.
    - Các anh muốn gì?
    Tôi nói:
    - Chúng tôi chỉ nói với anh một lời thôi, chúng tôi sẽ không phạm một lỗi gì trái với quy chế ở đây, do đó anh không có lý do gì để đánh bất cứ ai trong chúng tôi. Vì chúng tôi thấy anh đánh bất kể ai, đôi khi chẳng có lý do gì, chúng tôi mời anh đến để nói với anh rằng ngày nào anh đánh một người trong bọn chúng tôi anh sẽ chết ngay. Anh hiểu chưa?
    - Rồi, - tên Mọi Trắng nói.
    - Một kiến nghị cuối cùng nữa.
    - Gì thế - Y nói, giọng nghe đùng đục.
    - Nếu những gì tôi vừa nói với anh cần được nhắc lại cho người khác, thì người đó phải là một sĩ quan chứ không thể là lính được.
    - Đồng ý, - y nói rồi đi. Sự việc này xảy ra ngày chủ nhật là ngày mà tù nhân không phải đi làm. Một sĩ quan tới.
    - Tên anh là gì?
    - Papillon.
    - Anh chỉ huy những người dân Cayenne này à?
    - Chúng tôi có năm người, ai cũng là chỉ huy cả.
    - Thế thì tại sao người nói chuyện với giám thị lại là anh?
    - Vì tôi nói tiếng Tây Ban Nha khá hơn mọi người kia.
    Đấy là một đại úy quân cảnh vệ quố gia. Y nói với tôi rằng y không phải là chỉ huy đơn vị này. Có hai sĩ quan cao cấp nhưng họ không có mặt ở đay. Kể từ khi chúng tôi đến, y giữ quyền chỉ huy. Hai viên sĩ quan kia thứ ba mới về.
    - Anh đã nhân danh anh và nhân danh các bạn anh, dọa giết giám thị nếu các anh bị y đánh. Có đúng thế không?
    - Đúng thế đấy, và lời đe dọa đó cần được coi là một lời hứa chắc. Bây giờ tôi nói thêm cho ông biết là chúng tôi sẽ không bao giờ tạo ra lý do để các ông trừng phạt thể xác chúng tôi. Đại úy cũng biết là không có tòa án nào xét xử chúng tôi vì chúng tôi không phạm tội gì ở Venezuela cả.
    - Tôi không biết. Các ông đến trại không có giấy tờ gì hết, chỉ có một giấy của giám đốc ở làng viết là “những người này phải làm việc ngay sau khi đến nơi”.
    - Vậy thì ông hãy đối xử cho công bằng, vì ông là quân nhân, và ông phải đợi cấp chi huy của ông đến đã. Ông phải báo cho lính của ông biết và đối xử với chúng tôi khác với các tù nhân khác. Tôi nhắc lại để ông biết chúng tôi không phải và không thể là những kẻ bị đem ra tòa xử vì chúng tôi không hề phạm tội gì ở Venezuela.
    - Được, tôi sẽ ra lệnh như vậy. Tôi mong rằng các ông không nói dối tôi.
    Tôi có thì giờ nghiên cứu các tù nhân suốt buổi chiều chủ nhật đầu tiên này. Điều thứ nhất làm tôi ngạc nhiên là tất cả tù nhân đều khỏe mạnh về thể xác. Điều thứ hai là họ bị đánh như cơm bữa nên họ quen chịu đựng đến nỗi ngay cả chủ nhật là ngày nghỉ, họ có thể dễ dàng tránh được việc đó bằng cách giữ mình cẩn thận, nhưng hình như họ đi tìm một khoái cảm bệnh tật trong khi đùa với lửa một cách ngông cuồng. Họ không ngừng phạm những điều cấm kỵ: chơi xúc xắc vào nhà tiêu hôn hít một cậu pê-đê, ăn cắp của bạn, ăn nói thô tục với những người đàn bà trong làng vẫn mang quà bánh hay thuốc lá cho tù nhân. Mấy người đàn bà này cũng trao đổi hàng hóa với họ. Một cái rổ đan, một đồ vật chạm được đem đổi lấy ít tiền hay vài bao thuốc lá. Thế mà cũng có những tù nhân tìm cách cướp giật qua hàng rào dây thép gai những thức mà các bà đưa ra mời chào rồi chạy biến lẫn vào đám đông, không chịu đưa ra món hàng mà lẽ ra họ phải đem đổi. Kết quả là những hình thức roi vọt, được áp dụng bừa bãi chẳng đâu vào đâu đã làm cho da thịt họ chai lì, tạo nỗi khiếp sợ trong trại giam mà chẳng có lợi gì đối với trật tự xã hội, cũng như chẳng cải tạo được những con người khốn khố này.
    Nhà giam cấm cố ở đảo Sant-Joseph với cảnh im ắng của nó còn ghê rợn hơn thế này. ở đây, sự sợ hãi chỉ trong chốc lát, tù nhân có thể nói chuyện với nhau ban đêm, ngoài giờ làm việc và ngày chủ nhật, lại được ăn uống đầy đủ, cho nên rất có thể chịu đựng được án tù của mình, vốn không hao giờ quá năm năm. Chúng tôi hút thuốc, uống cà phê và trò chuyện với nhau cho qua ngày chủ nhật. Vài tù nhân người Colombia mon men đến gần. Chúng tôi gạt họ đi một cách nhã nhặn nhưng kiên quyết, phải để cho mọi người thấy chúng tôi là một loại tù đặc biệt, nếu không thì hỏng hết.
    Sáu giờ sáng hôm sau, ngày thứ hai, ăn xong bữa sáng thịnh soạn, chúng tôi đi làm cùng các tù khác. Sau đây là cách khởi đầu công việc, hai hàng người đứng đối diện với nhau, năm mươi tù nhân, năm mươi lính, mỗi tên lính phụ trách một tù nhân. Giữa hai hàng người là năm mươi dụng cụ, cuốc, xẻng hay rìu.
    Hai hàng người theo dõi nhìn nhau. Hàng tù nhân thì lo lắng, hàng lính thì hung hãn.
    Viên đội hô: “Tên Mỗ... lấy cuốc
    Kẻ khốn khổ đó hối hả vác cuốc lên vai, và đâm đầu chạy đi làm việc. Viên đội lại hô “numéro” có nghĩa là (đội viên số một, hai ba v.v....” tên lính mang số đó lao theo người tù và lấy roi gân bò quất y. Cảnh tượng hãi hùng này diễn ra môi ngày hai lần. Trên đường từ trại giam đến nơi làm việc, người ta có cảm giác đấy là những kẻ chăn lừa chạy theo đánh con lừa của mình chăn.
    Chúng tôi chờ đến lượt mình, lo sợ đến lạnh người. May thay, nó không như thế.
    - Năm người Cayenne, lại đây! Các anh trẻ, cầm cuốc, còn hai người già kia cầm hai cái xẻng đây.
    Chúng tôi bắt đầu đi không phải chạy nhưng cùng là rảo bước, có năm tên lính và một tên cai giám sát, và cứ thế chúng tôi đến công trường lao dịch của trại. Ngày lao động hôm nay dài và nản hơn ngày đầu tiên. Những người bị chú ý nhiều nhất đã kiệt sức, la hét như điên và quỳ xuống lạy van, xin lính đừng đánh họ. Buổi chiều, họ phải gom những mớ củi cháy dớ thành một đống lớn. Một số phải quét dọn ở phía sau. Mỗi tên lính dùng roi gân bò quật người tù y phải giám sát để người này nhặt các mảnh vụn rồi chạy đem đến khu trung tâm trại. Phải chạy như ma đuổi, một số tù phát điên thật sự và trong lúc vội vã đôi khi họ cầm củi ở đầu còn cháy đỏ. Tay bị bỏng, bị quất roi tới tấp, nhiều khi họ dẫm cả bàn chân đất lên đống than hồng hay một cành củi còn bốc khói ở dưới đất, cành tượng quái dị này kéo dài ba giờ. Không ai trong bọn tôi phải tham gia việc dọn sạch bãi đất mới khai quang này. Cũng là may, vì chúng tôi vừa cắm đầu cuốc đất, vừa nhắn nhau bằng những câu ngắn gọn là môi đứa chúng tôi sẽ nhảy xổ vào năm tên lính, kể cả giám thị, cướp súng của chúng và bắn vào lũ man rợ đó.
    Hôm nay thứ tư, chúng tôi không ra chỗ làm việc. Hai sĩ quan chỉ huy đội cảnh vệ quốc gia gọi chúng tôi lên bàn giấy. Hai quân nhân này rất ngạc nhiên khi thấy chúng tôi đến El Durado mà không có tài liệu gì chứng tỏ là có một tòa án nào đã gửi chúng tôi đến đây. Họ hứa với chúng tôi là ngày mai sẽ hỏi lên giám đốc cơ quan hình sự. Cũng không lâu la gì, hai viên thiếu tá chỉ huy đội cánh vệ trại giam này quá là nghiêm khắc, có thể nói là trấn áp, nhưng lại đứng đắn, vì họ đòi giám đốc trại phải đích thân đến giải thích cho chúng tôi rõ. Ông ta đã đến, cùng đi với người em rể tên là Russian và hai sĩ quan đội cảnh vệ quốc gia:
    - Francese. Tôi là giám đốc trại El Dorado đây. Các anh muốn nói với tôi điều gì vậy?
    - Trước hết, tòa án nào đã ra lệnh giam chúng tôi vào trại lao động khổ sai này? Bao nhiêu lâu và về tội gì? Chúng tôi đến Irapa ở Venezuela bằng đường biển. Chúng tôi không phạm một tội nhỏ nào. Vậy thì chúng tôi ở đây vì lẽ gì? Và các ông bắt chúng tôi phải làm khổ sai là nghĩa lý gì?
    - Trước hết, hiện nay đang là thời chiến, vậy chúng tôi phải biết rõ các anh là ai.
    - Đúng, nhưng điều đó không giải thích được việc chúng tôi bị tống vào trại giam này.
    - Các anh đã trốn tránh pháp luật của nước Pháp vì vậy chúng tôi cần phải biết rõ họ có đòi lại các anh không.
    - Tôi thừa nhận điều đó, nhưng tôi vẫn cứ hỏi: tại sao lại đối xử với chúng tôi như chúng tôi đang phải chịu án?
    - Bây giờ các anh tạm ở đây căn cứ vào điều luật về “vaguesét maleantes”* (*vegueset maleantes (tiếng Tây Ban Nha): luật đối với những người vô cư đi lang thang) trong khi còn điều tra thêm về các anh.
    Cuộc tranh luận sẽ còn kéo dài nếu một sĩ quan không đưa ý kiến riêng của mình ra để cắt đứt vấn đề.
    - Thưa ông giám đốc, thật ra chúng ta không thể đối xử với năm người này như các tù nhân khác. Trong khi chờ báo cáo về Caracas về hoàn cảnh đặc biệt này, tôi đề nghị sử dụng những người này vào việc khác chứ đừng bắt họ làm đường.
    - Những người này nguy hiểm lắm, họ đe dọa sẽ giết giám thị nếu họ bị đánh. Có đúng không?
    - Thưa ông giám đốc, chúng tôi không chỉ đe dọa người đó đâu: chúng tôi sẽ giết ngay bất cứ kẻ nào dại dột đánh một người trong chúng tôi.
    - Nếu là lính thì sao?
    - Cũng vậy thôi. Chúng tôi không làm gì để phải chịu một chế độ như thế này. Luật lệ và chế độ lao tù của nước chúng tôi có thể khủng khiếp và vô nhân đạo hơn của các ông, nhưng bị đánh như súc vật, chúng tôi quyết không chấp nhận.
    Viên giám đốc đắc ý quay về phía các sĩ quan của mình: “Các ông đã thấy họ là những người nguy hiểm chưa?” Viên thiếu tá lớn tuổi hơn ngập ngừng một chút rồi kết luận, làm mọi người kinh ngạc:
    - Những người Pháp vượt ngục này nói có lý, không điều gì ở Venezuela chứng minh được là họ phải chịu đựng các hình phạt tuân theo luật lệ của trại giam này. Tôi công nhận họ nói đúng. Cho nên có hai diện, thưa ông giám đốc: hoặc ông cho họ làm việc gì khác với các tù nhân thường, hoặc họ không đi làm việc. Để họ chung với mọi người, có ngày họ sẽ bị lính đánh thôi.
    -Chúng ta sẽ xét việc đó sau. Bây giờ, cứ để họ ở lại trại. Mai, tôi sẽ cho các ông biết phải làm gì.
    Viêm giám đốc cùng người em rể ra về.
    - Tôi cảm ơn các sĩ quan. Họ cho chúng tôi thuốc lá và hứa trong buổi điểm danh tối sẽ thông tri cho sĩ quan và binh lính là tuyệt đối không được đánh chúng tôi bất cứ vì lý do gì.
    Chúng tôi ở đây đã được tám ngày. Chúng tôi không phải làm việc. Hôm qua chủ nhật, đã xảy ra một sự việc khủng khiếp. Những người tù Colombia đã rút thăm để xem ái phải giết tên giám thị Mọi Trắng. Thăm rơi vào một người trạc ba mươi tuổi. Họ đã làm cho anh ta một cái muỗng bằng sắt, cán được mài trên nền xi- măng thành một mũi xiên rất nhọn, hai cạnh đều sắc. Người ấy đã can đảm nhận lời cam kết. Anh đâm tên Mọi Trắng ba nhát ở gần tim. Viên giám thị được cấp tốc đưa đi bệnh viện, thủ phạm giết người bị trói vào một cây cột ở giữa trại. Bọn lính đi tìm các vũ khí khác Như một lũ điên, chúng dùng roi vọt quất tứ tung.
    Trong cơn tức giận sôi sục, do tôi chưa cởi quần kịp cho nó soát, một tên lính đã quật một roi gân bò vào đùi tôi. Barriére liền cầm một chiếc ghế dài và giơ lên toan phang vào đầu nó. Một tên lính khác dùng lưỡi lê đâm suốt qua cánh tay anh trong lúc tôi cũng đá vào bụng tên lính đã đánh tôi làm y nằm sóng soài ra đất.
    Tôi vừa nắm lấy khẩu súng rớt dưới đất thì một có tiếng hô lớn:
    - Ngừng lại tất cả! Không được đụng đến mấy người Pháp. Anh người Pháp cũng bỏ súng xuống! - Đó là đại úy Floran đã gặp chúng tôi hôm đầu tiên chúng tôi đến trại.
    Ông ta can thiệp đúng vào lúc tôi sắp bắn vào đám lính. Không có ông, chúng tôi chắc có thể giết được một hai tên lính, nhưng chúng tôi cũng bỏ xác một cách ngu ngốc ở cái xứ Venezuela sơn cùng thủy tận này, trong khi chúng tôi đã đi gần tới đích.
    Nhờ có sự can thiệp kiên quyết của viên đại úy, bọn lính rời nhóm chúng tôi để đi hành hung chỗ khác. Và đến đây chúng tôi đã chứng kiến một chuyện ghê tởm cực kỳ khó lòng có thể tưởng tượng được.
    “Tội nhân” bị trói vào một cái cột ở giữa trại giam và bị ba người, một tên giám thị và hai tên lính, đánh liên tục đến nhừ tử, từ năm giờ chiều đến sáu giờ sáng hôm sau. Đánh đập một con người cho đến chết cũng mất khá nhiều thời gian. Những lúc ngừng đánh (chỉ mấy giây thôi), là để hỏi tội nhân xem tòng phạm là những ai, ai đã đưa cái muỗng, ai đã mài sắc nó. Anh ta không tố giác ai, mặc dầu người ta đã hứa với anh là hễ anh nói ra, cuộc tra tấn sẽ ngưng ngay. Anh ta ngất đi nhiều lần. Họ đổ hàng xô nước cho anh tỉnh lại. Mức độ cao nhất là lúc bốn giờ sáng. Những kẻ tra tấn thấy da thịt nạn nhân không phản ứng nữa dù chỉ là co lại khi bị đánh, nên họ đã dừng lại.
    - Nó đã chết chưa? - Một sĩ quan hỏi.
    - Không biết nữa.
    - Cởi trói ra, bắt nó quỳ sấp xuống
    Bị bốn tên lính giữ chặt, người tựa quỳ ở tư thế gần như bò bốn chân. Bấy giờ một tên đao phủ lấy roi gân bò quất một phát thẳng theo các khe giữa hai mông đít, đầu ngọn roi chắc còn đi xa tới quá bộ phận sinh dục. Cú đánh của kẻ tra tấn điêu luyện này làm tội nhân cuối cùng phải rên lên một tiếng. Viên sĩ quan nói:
    - Tiếp tục đánh. Nó chưa chết.
    Anh ta bị đánh cho đến sang. Trận đòn xứng đáng với thời Trung Cổ này, có thể làm chết một con ngựa, lại không làm tội nhân chết hẳn. Sau khi họ để anh ta yên một giờ không đánh, và sau khi họ dội vài xô nước vào người, anh ta vẫn còn sức để đứng dậy, tuy cũng được bọn lính đỡ thêm. Anh ta đứng thẳng một lát, không cần tựa vào ai, viên y tá đến cạnh, tay cầm một ly nước:
    - Uống tí thuốc xổ đi, mày sẽ hồi lại, - một sĩ quan ra lệnh.
    Tội nhân do dự rồi uống liều thuốc một hơi. Một phút sau, anh ta ngã vật ra, vĩnh viễn nằm xuống. Trong cơn hấp hối, từ miệng anh thốt ra một câu: “Đồ ngốc, chúng nó đầu độc mày rồi”.
    Tất cả các tù nhân, kể cả chúng tôi, không có ý định làm gì, dù động đậy một ngón tay. Mọi người, không trừ ai, đều khiếp sợ. Đây là lần thứ hai trong đời, tôi muốn chết đi cho xong. Trong khoảng vài ba phút, tôi chú ý đến khẩu súng của một tên lính đứng gần tôi cầm hờ hững. Tôi chỉ kìm lại được khi nghĩ rằng có thể chưa kịp lên qui-lát và bắn vào đám lính thì đã chết rồ i.
    Một tháng sau. Mọi Trắng lại trở về, và hơn bao giờ hết vẫn là nỗi khiếp sợ của trại giam. Tuy nhiên số nó đã được định đoạt là phải chết ở El Dorado. Một đêm, một người lính gác đã chĩa súng vào nó khi thấy nó đi qua.
    - Quỳ xuống, - người lính ra lệnh.
    Mọi Trắng tuân theo.
    - Cầu kinh đi, mày sẽ chết.
    Người đó để nó cầu một bài kinh ngắn rồi hạ nó bằng ba phát súng. Có những tù nhân nói rằng người lính kia ghê tởm thấy tên dao phủ này đánh các tù nhân quá ư man rợ nên đã giết nó. Lại có người kể rằng Mọi Trắng đã tố giác người lính nọ với cấp trên của anh ta, nói rằng nó đã biết anh ta từ hồi ở Caracas trước lúc đi quân dịch theo nó hồi ấy anh ta là một thằng kẻ cắp. Nó đã được chôn cất gần người tù tội nhân, chắc hắn đã từng là kẻ cắp nhưng cũng là một con người có lòng dũng cảm và một phẩm giá khác thường.
    Tất cả những sự việc ấy đã làm cho quyết định về chúng tôi bị chậm lại. Các tù nhân khác cũng không được đưa đi làm việc trong mười lăm ngày. Barrière được một bác sĩ trong làng chữa cho khỏi vết thương do lưỡi lê đâm.
    Lúc này chúng tôi đã được kính nể. Hôm qua Chapar đã đi làm đầu bếp cho giám đốc ở trong làng. Guittou và Barrière đã được trả tự do vì tin tức về chúng tôi đã được thông báo từ Pháp. Vì hai người đã mãn hạn tù nên họ được thả. Tôi đã khai một tên ý. Tên thật của tôi cùng với dấu tay và án tù chung thân của tôi đã được thông báo. Deplanque với án hai mươi năm cũng như án của Chapar đều được thông báo, vị giám đốc có vẻ tự hào khi cho chúng tôi biết tin tức nhận được từ bên Pháp, ông nói:
    - Tuy nhiên, vì các anh không làm việc gì xấu ở Venezuela, nên các anh chỉ bị giữ một thời gian, sau đó các anh sẽ được trả tự do. Nhưng muốn được vậy, các anh phải làm việc, có thái độ tốt: các anh đang ở trong thời kỳ cần theo dõi.
    Nhiều lần nói chuyện với tôi, các sĩ quan phàn nàn về việc khó kiếm ra rau tươi ở trong làng. Trại có một khu nông nghiệp nhưng không có rau, mà chỉ trồng lúa, bắp, đậu đen thôi. Tôi đề nghị sẽ trồng cho họ một vườn rau nếu tôi có hạt giống. ý kiến được chấp thuận ngay.
    Điều lợi nhất: Deplanque và tôi được ra khỏi trại, và vì có thêm hai người tù biệt xứ bị bắt giữ ở Luidad Bolivar, nên họ đã nhập bọn với chúng tôi. Một người tên Toto, là dân Paris, người kia dân Corse. Bốn chúng tôi đã làm hai căn nhà nhỏ bằng gỗ tốt, mái lợp lá cọ Deplanque và tôi ở một căn, hai cậu nọ ở căn kia.
    Toto cùng tôi làm những cái bàn cao, bốn chân bàn đặt trong những cái lon đổ dầy dầu hôi để kiến không lên ăn hạt giống. Chúng tôi đã có ngay những cây cà chua, cà tím, đưa tây và đậu xanh. Chúng tôi bắt đầu cấy lên trên những tấm ván vì cây con đã đủ sức chống được kiến. Để trồng cà chua mới, chúng tôi đào một cái hố lúc nào cũng có nước ở bên vườn. Làm như vậy cho cây luôn có độ ẩm và ngăn cách loại ký sinh vốn rất nhiều ở nơi đất chưa được khai thác này.
    - Cái gì thế này nhỉ,- Toto gọi tôi. - Anh thử xem hòn đá cuội này, nó sáng biết chừng nào.
    - Cậu rửa sạch đi xem.
    Rửa xong cậu ta đưa cho tôi coi. Đó là một viên thạch anh, to bằng gạt đậu. Rửa sạch rồi, mặt cắt của nó bóng hơn nhiều vì nó có một lớp vỏ kết rất cứng bao quanh.
    - Có phải là kim cương không nhỉ?
    - Câm miệng đi Toto, nếu là kim cương thì không phải ba hoa, mày không thấy nếu chúng ta may mắn vớ được một cái mỏ kim cương thì sẽ ra sao à? Giấu đi, để tối về xem sao.
    Buổi chiều, tôi dạy toán cho một viên hạ sĩ đang chuẩn bị thi lên cấp sĩ quan. Con người rất mực cao thượng và thẳng thắn ấy (anh đã chứng tỏ những đức tính ấy trong tình bạn dài hai mươi lăm năm với (tôi), bây giờ là đại tá Frsnciseo Bolsgno Utrera.
    - Franclsco, có biết cai gì đây không? Có phải thạch anh không?
    - Không phải -Sau khi xem xét rất tỉ mi anh nói - - Đây là kim cương. Anh giấu kỹ đừng cho ai trông thấy. Anh tìm thấy nó ở đâu?
    - Dưới gốc cà chua.
    - Lạ thật. Có phải anh lấy nước ờ sông lên tưới cà chua không? Khi múc nước sông anh có cào xuống đáy làm cho cát lẫn vào nước không?
    - Rất có thể như vậy.
    - Vậy thì đúng rồi. Viên kim cương này anh đã mang từ dưới sông Rio Caroni lên đấy. Anh có thể tiếp tục kiếm dưới sông đi, nhưng cũng để ý xem trong vườn có còn những viên khác không, vì không bao giờ người ta lại chỉ tìm được có một viên đá quý. Đã kiếm ra một viên ở đâu thì thế nào cũng còn những viên khác.
    Toto bắt tay ngay vào việc.
    Chưa bao giờ cậu ta làm nhiều như vậy, đến nỗi hai anh bạn kia, vốn không được chúng tôi kể lại việc này, phải nói:
    - Làm vừa vừa tôi Toto, xách nước sông kiểu đó thì chẳng bao lâu sẽ lao lực mà chết. Đã thế lại còn tha cả cát về nữa.
    - Đề cho đất tươi hơn các cậu ạ, - Toto đáp, - Đất có lẫn cát, lọc nước tốt hơn.
    Mặc cho chúng tôi trêu chọc. Toto cứ tiếp tục sách nước không ngừng. Một hôm vào lúc giữa trưa cậu ta bị ngã ngay trước chỗ chúng tôi đang ngồi ở bóng râm. Trong đống cát văng tứ tung, có một viên đá to bằng hai hạt đậu. Một lần nữa lớp vỏ bộc bị vỡ, nếu không cũng chẳng ai biết. Cậu ta vồ lấy viên đá một cách quá vội vã.
    - Này, có phải kim cương không? - Deplanque nói bọn lính bảo là dưới sông có kim cương và vàng đấy.
    - Bởi vậy tôi mới xách nhiều nước thế chứ. Các anh cũng thấy là tôi không ngốc chứ. - Toto nói, mãn nguyện vì đã biện minh được cho sự hăng hái của mình.
    Nói tóm lại trong sáu tháng Toto đã có được sáu bảy ca-ra kim cương. Tôi có độ mười hai ca-ra cộng thêm hơn ba chục viên đá nhỏ, và như vậy đã là hàng kinh doanh được rồi, theo lối nói lóng của dân thợ mỏ. Nhưng một hôm tôi kiếm được một viên hơn sáu ca-ra sau này đưa về Caracas dũa đi còn được gần bốn ca-ra. Hiện tôi vẫn còn giữ nó và đeo thường xuyên ở tay. Deplanque và Antartaglia cũng gom góp được vài viên đá quý. Tôi vẫn còn cái plan trong nhà giam cũ, và tôi đã cất cả vào đấy Bọn họ thì lấy những khúc sừng trâu nhọn đầu để làm chỗ giấu các vậy báu nho nhỏ ấy.
    Chẳng ai biết gì về việc này, trừ ông đại tá tương lai, lúc này dang là hạ sĩ Francisco Bolagno. Cà chua và các cây khác mọc đều, các sĩ quan trả tiền rất sòng phẳng số rau mà hàng ngày chúng tôi đem lên bếp của họ.
    Chúng tôi được tương đối tự do. Không có ai canh gác khi chúng tôi làm việc và ngủ ở hai căn nhà nhỏ. Chúng tôi không bao giờ đi vào trại giam. Chúng tôi được kính nể và đối xử tử tế. Tất nhiên mỗi lần gặp giám đốc là chúng tôi lại năm nỉ để ông cho chúng tôi được hưởng tự do. Lần này ông cũng đáp: “Sắp sửa rồi”. Nhưng chúng tôi ở đây đã được tám tháng mà vẫn chẳng có gì thay đổi. Tôi đã bắt đẩu tính chuyện trốn đi. Toto không chịu, cả mấy cậu kia cũng vậy. Để nghiên cứu giòng sông, tôi kiếm được một cuộn dây và cái lưỡi câu.
    Tôi bán cá cá, đặc biệt loại cá Caribes chuyên ăn thịt, có con nặng đến một ký, hàm răng bố trí như răng cá mập, và cũng khủng khiếp như thế.
    Hôm nay, có chuyện náo động, Gaston Duranton, còn gọi là thằng Khoèo, đã trốn biệt mang theo bảy mươi ngàn bolivar trong két sắt của giám đốc. Câu chuyện về gã giang hồ này khá độc đáo.
    Khi còn nhỏ, nó đã ở nhà trừng giới ở đảo Cleron, làm thợ ở xưởng giày tại đó. Một bữa, sợi dây cu-roa dùng để chuyển chiếc giầy đặt trên đầu gối đưa xuống dưới chân nó bị đứt. Nó bị gãy xương hông. Vì chữa chạy không chu đáo, cái xương hông chỉ liền có một nửa: suốt quãng dời niên thiếu và một phần tuổi trưởng thành chân nó cong queo, người nó vẹo một bên. Nhìn nó đi thật là khổ tâm. Thằng nhỏ gày ốm, thân hình vẹo vọ, khó nhọc kéo lê cái chân không còn điều khiển được nữa. Nó vào trại giam năm hai mươi lăm tuổi. Vì phải sống những thời gian dài ở các trại cải tạo, nên không có gì lạ khi ra khỏi đấy, nó trở thành kẻ cắp.
    Ai cũng gọi nó là thằng Khoèo. Không mấy người biết tên nó là Gaston Duranton. Nó khoèo, vậy người ta gọi nó là thằng Khoèo có sao đâu. Tuy vậy vẹo vọ như vậy, nhưng nó cũng vượt ngục ra khỏi trại giam và đến được Venezuela. Chuyện ấy xảy ra dưới thời lão độc tài Gomez. Rất ít tù khổ sai thoát khỏi sự đàn áp của lão ta. Chỉ có vài trường hợp ngoại lệ, trong đó phải kể đến trường hợp bác sĩ Bougrat vì bác sĩ đã cứu được tất cả dân chúng đảo ngọc trai “Margarita” khỏi bệch dịch sốt vàng da.
    Thằng Khoèo bị bọn “Sagrada”, tức đội cảnh sát đặc biệt của Gomez bắt và đưa đi làm đường ở Venezuela. Các tù nhân Pháp và Venezuela bị xích vào những hòn lê có in lõm hình hoa huệ Toulon. Mỗi khi tù nhân khiếu nại điều gì, thì người ta lại nói với hắn: “Nhưng mà những thứ dây xích, xì ga ma-ni, hòn lê này là từ trước của mày đem sang đấy chứ? Trông bông huệ kìa!”*(*Hoa huệ vốn là biểu trưng của Vương quốc Pháp kể từ triều đại nhà Capet)
    Tóm lại, thằng Khoèo trốn khỏi trại lưu động làm đường. Vài ngày sau, nó bị bắt, và bị đưa trả về nơi giam lưu động nọ. Trước tất cả tù nhân, nó phải nằm sấp trần truồng để chịu một trăm roi gân bò.
    Rất hiếm người chịu đựng nổi trên tám mươi roi. Điều may cho nó là nó gầy ốm, và khi nó nằm bụng sát đất roi không đánh vào gan, bộ phận dễ bị dập nếu bị đánh mạnh. Lệ thường ở đây, sau mỗi lần bị roi vọt hai mông đít bị băm nát, là phải xát muối vào vết thương rồi để nằm ngoài nắng. Nhưng người ta cũng lấy lá cây dày để che đầu cho nó, vì người ta chấp nhận chơ nó chết vì đòn roi chứ không thể để cho nó chết nắng được.
    Thằng Khoèo lại sống sót được sau nhục hình kiều thời Trung cổ này và lần đầu tiên nó đứng lên, thì lạ thay, nó không còn “khoèo” nữa. Trận đòn đã làm cho chỗ xương nối lệch lại trật khớp và trở về đúng chỗ. Lính và tù đều reo lên coi đó là một phép mầu, và chẳng còn ai hiểu ra sao nữa. ở cái đất nước mê tín này, người ta cho là Chúa đã thưởng cho nó và đã chịu đựng sự tra tấn một cách xứng đáng. Từ ngày ấy, nó không bị xích, cũng không phải đeo hòn lê nữa. Nó được che chở và chuyển sang việc phân phối nước cho các tù khổ sai. Thân hình nó đã mau nhờn nở nang và ăn được nhiều, nó trở thành một thanh niên cao lớn như lực sĩ. Nước Pháp biết là có những tù khổ sai phải làm đường ở Venezuela. Cho rằng những năng lực này sẽ được áp dụng tốt hơn hết ở Guyane thuộc Pháp, thống chế Franchet d’Esperey được cứ đi công cán để đề nghị với vị độc tài đang vui vì không phải bỏ tiền và cũng có nhân công - trả lại những người đó cho nước Pháp. Gomez chấp nhận, và một chiếc tàu đã cập bến Puerto Cabelle để đón những người này về. ở đấy, có những pha hài hước kinh khủng vì có những người từ các nông trường làm đường ở khắp nơi đến chưa biết chuyện thằng Khoèo.
    - A! Marcel khỏe chứ!
    - Cậu là ai nhỉ?
    - Thằng Khoèo.
    - Cậu rỡn mặt với tôi đấy hả! - Tất cả những ai được Gaston chào hỏi đều trả lời như vậy khi thấy chàng trai cao dẹp vừng vàng trên đôi chân thẳng tắp này. Thằng Khoèo còn trẻ và thích đùa nên luôn miệng gọi những ai nó quen trong khi mọi người xuống tàu, và dĩ nhiên, không ai thừa nhận là thằng Khoèo lại có thể đứng thẳng dậy được. ở trại tù khổ sai, tôi được chính nó và những tù khác ở đảo Royale kể lại chuyện này.
    Nó lại vượt ngục năm 1943, và trôi giạt về El Dorado. Vì nó đà sông ở Venezuela rồi, nên dĩ nhiên nó không để lộ chuyện nó còn là tù, và nó được giao việc nấu bếp thay cho Chapar chuyển sang làm vườn. Nó ở trong làng cùng với giám đốc, nghĩa là ở bên kia sông.
    Trong phòng làm việc của giám đốc có một cái két sắt đựng tiền của trại. Ngày hôm đó, nó lấy cắp bảy mươi ngàn bolivar, tương đương với gần hai mươi ngàn đô-la lúc bấy giờ. Do đó xảy ra chuyện náo động ở khu vườn chúng tôi: ông giám đốc, ông em rể và hai viên chỉ huy đội cảnh vệ làm rum beng lên. Ông giám đốc muốn đưa chúng tôi vào trại. Hai viên sĩ quan không chịu. Họ bảo vệ chúng tôi cũng là bảo vệ việc tiếp tế rau xanh của họ. Chúng tôi cuối cùng cũng thuyết phục được ông giám đốc là chúng tôi không cung cấp được cho ông tin tức gì cả; nếu chúng tôi biết được thì chúng tôi có thể cũng đã đi với nó, rằng mục đích của chúng tôi là được tự do ở Venezuela chứ không phải ở Guyane thuộc Anh, địa điểm duy nhất mà nó có thể đến được. Lần theo vết đàn kền kền đã ăn xác nó, người ta tìm thấy thằng Khoèo chết trong rừng cách trại bảy mươi ki-lô-mét, rất gần biên giới Guyane thuộc Anh.
    Cách giải thích thứ nhất, cách giản tiện thứ nhất, là nó đã bị người Anh-điêng giết. Về sau, có một người bị bắt ở Giudad bolivar trong khi đang đổi những tờ giấy bạc năm trăm bolivar mới tinh. Nhà Ngân hàng đã phát số tiền cho giám đốc trại El Dorado nắm được số hiệu của tập giấy bạc và thấy đấy chính là số tiền bị mất cắp. Tên kia thú nhận và tố giác hai tên khác. Nhưng không sao bắt được hai tên này. Đó là câu chuyện về cuộc đời và cái chết của anh bạn thân của tôi, Gaston Duranton, còn gọi là thằng Khoèo.
    Một số sĩ quan lén lút dùng tù nhân vào việc mò vàng và kim cương ở dòng sông Rio Caroni. Cũng có kết quả khả quan, không nhiều lắm nhưng cũng đủ để kích thích những kẻ đi tìm kim cương. Phía dưới vườn tôi có hai người làm việc suốt ngày với cái nón kiểu Tàu lật ngửa, đầu nhọn ở dưới, vành tròn ở trên. Vì kim cương nặng nhất nên nó lắng xuống đáy nón. Đã có một người chết vì đã lấy cắp của “chu”. Chuyện tai tiếng này làm việc khai thác “mỏ” lén lút phải chấm dứt.
    ở trại có một người, xăm khắp cả thân trên. Trên cổ có dòng chừ: “Đù mẹ thợ hớt tóc”. Tay phải y bị liệt. Miệng y méo xệch và cái lưỡi to thường thè lè ra, dớt dãi chảy dòng dòng làm ai cũng thấy là y bị chứng liệt nửa người. Y là người ở đâu? Không ai biết. Y đến đây trước chúng tôi. Y ở đâu tới? Có điều chắc chắn y là tù khổ sai hay là dân bị biệt xứ đã vượt ngục. Trên ngực y có xăm dòng chữ Bat d’Af (tức Bataillon d’Afrique - tiểu đoàn Phi châu viết tắt). Dòng chữ cái đó cũng như “Đù mẹ thợ cắt tóc” ở phía gáy, làm người ta biết ngay mà không sợ lầm rằng y là tù khổ sai.
    Lính và tù đặt tên cho y là Picolino. Y được đối xử tử tế và ngày ngày nhận ba lần xuất ăn chu đáo, có cả thuốc lá. Đôi mắt xanh của y rất sinh động, và cái nhìn của y không phải lúc nào cũng buồn. Khi y nhìn người nào y mến, đồng tử mắt y long lanh lên vì vui thích. Ai nói gì với y, y hiểu hết, nhưng y không nói được, cũng không viết được; tay phải y bị liệt còn bàn tay trái của y lại mất ngón cái và hai ngón khác nữa.
    Cái thân tàn ma dại này đứng bám lấy hàng rào dây thép gai hàng giờ liền, đợi tôi mang rau đi ngang, vì đấy là con đường ngày ngày tôi qua lại để mang rau đến bếp của sĩ quan. Buổi sáng, mỗi lần đem rau đến đó, bao giờ tôi cũng dừng lại nói chuyện với Picolino. Y đứng dựa vào dây thép gai, nhìn tôi bằng đôi mắt xanh rất đẹp, đầy sức sống, trong một thân thể gần như đã chết. Tôi ôn tồn nói chuyện với y, và y dùng đầu và mi mắt để lộ cho tôi thấy là y đã hiểu chuyện của tôi. Bộ mặt tê liệt của y lóe sáng lên một chút, và đôi mắt long lanh ấy muốn nói với tôi biết bao nhiêu điều Bao giờ tôi cũng cho y một vài món quà: một mớ cà chua, rau diếp, hay dưa leo, ăn ngay được với nước sốt dầu giấm, hay một quả dưa bỏ nhỏ, một con cá nướng lò than. Y không đói, vì thức ăn ở nhà tù Venezuela rất dồi dào, nhưng những món của tôi cũng lạ miệng so với bữa ăn chính thức. Cùng với quà tặng đó, bao giờ tôi cũng kèm theo vài điếu thuốc. Việc thăm hỏi ngắn ngủi của tôi với Picolino đã trở thành một thói quen cố định làm cho lính và tù gọi y là “Con trai của Papillon”.


    ~~~~~~Hữu duyên thiên lý


    năng tương ngộ ~~~~~~___




    ~~~~~~Vô duyên đối diện


    bất tương phùng ~~~~~~___


    -o-o-o-o-o-o-


  5. #45
    ~~~ Lãng du ~~~ quachtinhdaica's Avatar
    Join Date
    Apr 2007
    Location
    Là gió thôi, đi rồi đến, đến rồi lại đi
    Posts
    2,266

    Default Re: Pappilon-Người tù khổ sai

    Tự do

    Điều lạ thường, người dân Venezuela có sức lôi cuốn và hấp dẫn tôi đến mức tôi quyết định tin tưởng họ. Tôi không vượt ngục nữa. Là tù nhân, tôi chấp nhận hoàn cảnh bất thường này, hy vọng có ngày tôi sẽ được là một phần tử trong dân tộc họ. Nói ra có vẻ ngược đời. Tuy cách họ đối xử với tù nhân man rợ như vậy không khuyến khích tôi sống chung với họ được nhưng tôi hiểu rằng họ coi các hình phạt đối với thể xác là bình thường với tù nhân cũng như với lính. Lính phạm lỗi cũng bị quất roi gân bò. Rồi vài ngày sau, vẫn người lính đó lại nói chuyện với viên giám thị, cai đội hay sĩ quan đã đánh mình bình thường như không có chuyện gì xảy ra.
    Chế độ tàn bạo ấy là do tên độc tại Gomez thống trị nhiều năm trường đã để lại cho họ. Tập quán này còn tồn tại đến mức một người đứng đầu một đơn vị dân sự cũng phạt dân chúng trong phạm vi của mình bằng cách cho vài roi gân bò.
    Nhờ một cuộc cách mạng mà tôi đã đến gần với tự do hơn. Một cuộc đảo chính nửa dân sự, nửa quân sự đã làm tổng thống nước Cộng hòa, tướng Angarita Medina, một trong những người theo chủ nghĩa tự do lớn nhất của Venezuela, phải rút khỏi vị trí của mình. Ông ta quá tốt và quá dân chủ, đến nỗi không biết cách hay không nỡ chống lại cuộc đảo chính. Hình như ông dứt khoát không chịu để xảy ra một cuộc đổ máu giữa những người Venezuela với nhau chỉ để ông duy trì được chức vị của mình. Chắc chắn là người quân nhân dân chủ lớn này không hay biết những gì diễn ra ở El. Dorado. Dù sao thì một tháng sau ngày Cách mạng, tất cả các sĩ quan đều được thay đổi. Một cuộc điều tra về cái chết “của tội nhân” do thuốc xổ được tiến hành. Ông giám đốc cùng người em rề của ông biến mất, và một nhà cựu luật sư kiêm nhà ngoại giao đến thay thế.
    - Được rồi, Papillon, ngày mai tôi sẽ trả tự do cho anh, nhưng tôi muốn anh đem cậu Picolino khốn khổ ấy theo anh vì anh vẫn lo cho cậu ấy. Cậu ta không có giấy căn cước, tôi sẽ cấp. Còn giấy căn cước (cédula) của anh đây là hợp lệ, với tên thật của anh. Điều kiện như sau: anh phải sống một năm ở một làng nhỏ rồi mới được đến ở một thành phố lớn. Đây không phải là quản thúc mà là để người ta có thể xem anh sống ra sao và xem cách anh chống chọi với đời như thế nào. Nếu trong vòng một năm, người chủ sự hành chính ở vùng đó cấp cho anh giấy chứng nhận về hạnh kiểm tốt thế là ông ta đã chấm dứt tình trạng cư trú bắt buộc (confinamiente) của anh. Tôi cho rằng Caracas sẽ là một thành phố lý tưởng đối với anh. Dù sao anh cũng được phép cư trú hợp pháp ở nước này. Chúng tôi không cần biết quá khứ của anh. Chỉ cần anh chứng minh với mọi người là anh xứng đáng được trở thành một người đáng kính nể. Tôi hy vọng trong năm năm nữa, anh sẽ là đồng bào của tôi do anh xin nhập tịch để có một tổ quốc mới. Cầu Chúa sẽ ở bên anh! Cảm ơn anh đã cáng dáng cái thân tàn ma đại của Picolino. Tôi chỉ có thể trả tự do nó nếu có ai ký nhận sẽ đảm nhận nó. Mong rằng nếu được nằm bệnh viện nó sẽ khỏi được.
    Thế là bây giờ ngày mai, Picolino và tôi được trả tự do thật sự. Tim tôi nóng ran lên, tôi đã vĩnh viễn chiến thắng “Con đường của sự thối nát”, lúc đó là tháng 8 năm 1944. Tôi chờ đợi ngày này từ mười ba năm. Tôi lui về căn nhà nhỏ ở khu vườn. Tôi xin lỗi các bạn tôi, tôi muốn được ngồi lại một mình. Cảm xúc của tôi quá mãnh liệt, quá đẹp đẽ nên tôi không thể bộc lộ trước mặt người khác được. Tôi xem đi xem lại tấm căn cước mà ông giám đốc trao cho tôi: hình của tôi ở góc trái, trên là số 1728629, cấp ngày 3 tháng 4 năm 1944. Đứng giữa là tôi, phía dưới là tên tục. Phía sau là ngày sinh: 10 tháng 11 năm 1096. Giấy căn cước hoàn toàn hợp lệ, còn được giám đốc Sở Căn cước ký tên và đóng dấu đàng hoàng. Tình trạng: là “cư dân”. Từ “cư dân” thật là tuyệt vời, thế có nghĩa là tôi được cư trú ở Venezuela. Tim tôi đập mạnh. Tôi muốn quỳ xuống tạ ơn trời. Tôi không biết cầu nguyện, cũng chưa được rửa tội. Tôi cầu trời nào chứ? Vì tôi có theo đạo nào đâu? Chúa lòng lành của những người theo đạo Cơ đốc ư? Hay đạo Tin lành? Hay đạo của người Do Thái? Của người Hồi? Tôi sẽ chọn ông Trời nào để hiến dâng lời cầu nguyện mà tôi phải hoàn toàn tự đặt ra vì tôi không biết trọn vẹn một bài kinh nào? Nhưng tại sao hôm nay tôi lại phải hỏi xem nên cầu ông Trời nào nhỉ? Trong đời tôi đã chẳng luôn luôn cầu nguyện (cũng có lúc nguyền rủa nữa) Đức Chúa hài đồng Giêsu nằm trong cái giỏ cạnh bốn con lừa và con bò? Có phải trong tiềm thức, tôi còn thù oán các xơ bà tốt bụng ở Colombia chăng? Vậy thì sao không chỉ nghĩa đến Đức giám mục cao cả có một không hai ở Curacao, Đức Cha Irenée de Bruyne, hay xa hơn nữa, vị linh mục nhân hậu ở nhà tù Conciergerie?
    Ngày mai tôi sẽ được tự do, hoàn toàn tự đo. Năm năm nữa, tôi sẽ nhập quốc tịch Venezuela vì chắc chắn là tôi sẽ không phạm một lỗi nào trên đất nước đã cho tôi nơi ẩn náu và đã tin tôi. Trong đời, tôi phải lương thiện gấp đôi tất cả mọi người.
    Quả thật sở dĩ tôi không phạm tội giết người mà vẫn có một ngài chưởng lý, mấy tên cảnh sát và mười hai viên bồi thẩm bị thịt tống tôi đi tù, chẳng qua vì tôi là một kẻ du đãng. Vì tôi thật sự là một kẻ giang hồ nên người ta mới dễ dàng thêu dệt quanh nhân cách của tôi một mớ hổ lốn những điều bịa đặt. Mở két bạc của người khác không phải là một nghề đáng tin cậy, và xã hội có quyền cũng như có bổn phận phải tự bảo vệ. Sở dĩ tôi đã có thể ném vào con đường của sự - thối nát, - tôi phải thành thật thú nhận như vậy là vì tôi sống như một kẻ thường xuyên có khả năng rơi vào đấy. Cách trừng phạt tôi như vậy không xứng đáng với một dân tộc như dân tộc Pháp, xã hội có quyền tự vệ chứ không có quyền trả thù một cách hèn hạ như vậy - tất cả những việc đó lại là chuyện khác. Không thể xóa sạch quá khứ của tôi bằng cách lấy một mảnh giẻ lau đi, tôi phải tự khôi phục danh dự của mình đối với bản thân mình trước đã, rồi sau đó, đối với mọi người xung quanh. Vậy thì hỡi Papi, hãy cảm ơn Chúa lòng lành của những người Cơ đốc đi, hãy hứa với Người một điều gì cực kỳ quan trọng.
    Lạy Chúa, xin người tha tội cho con nếu con không biết cầu nguyện nhưng Người hãy trông vào con, Người sẽ thấy là con không đủ chữ nghĩa để bày tỏ lòng biết ơn của con đối với Người đã đưa con đến chốn này. Cuộc đấu tranh thật là khó khăn, vượt qua nỗi đắng cay mà người ta đã bắt con phải chịu không phải dễ dàng, nếu con vượt qua được tất cả mọi trở ngại và sống khỏe mạnh cho đến người lành hôm nay, chắc chắn là có bàn tay Người đã phù hộ cho con. Con biết làm gì đây để chúng tỏ con thành thật biết ơn Người?
    - Từ bỏ việc trả thù.
    Tôi đã nghe thấy hay tưởng chừng nghe thấy câu trả lời này? Tôi không rõ, nhưng nó đã tát mạnh vào mặt tôi khiến tôi phải công nhận là hình như tôi có nghe trả lời như vậy thật.
    - Không! Điều ấy thì không! Người đừng bắt con làm như vậy. Những kẻ đó đã làm con đau khổ quá nhiều. Làm sao con có thể tha thứ cho bọn cảnh sát gian xảo, cho tên làm chứng điêu toa Polein? Thôi không cắt lưỡi lão chưởng lý vô nhân đạo? Không thể được. Không, không và không! Con rất ân hận đã làm trái ý người nhưng bằng bất kỳ giá nào, con sẽ trả thù.
    Tôi đi ra ngoài, tôi sợ yếu lòng, tôi không muốn thoái chí. Tôi đi vài bước trong vườn. Toto sửa sang cho thân cây đậu cuốn quanh mấy cái sào. Toto, dân thủ đô Paris chứa chan hy vọng đối với hạ lưu ở đường Lappe, Antartaghia, tên móc túi, sinh ra ở đảo Carse nhưng trong nhiều năm đã nẫng túi tiền của dân Paris, và Deplanque, tên sát nhân người Dijon đã giết một thằng cũng làm ma-cô như nó, cả ba người đến gần tôi Họ ngắm tôi, mặt mày họ rạng rỡ vì thấy tôi cuối cùng đã giành được tự do. Chẳng bao lâu nữa cũng sẽ đến lượt họ.
    - Cậu không mang về chai rượu vang hay rượu rum nào để ăn mừng việc cậu đi à?
    - Xin lỗi, tớ bị xúc động quá nên quên. Các cậu tha thứ cho tớ nghe.
    - Không, Papi ơi, không có gì phải tha thứ cả, tôi sẽ pha cà phê nóng cho tất cả đây?
    - Anh Papi, anh bằng lòng nhé, bây giờ anh đã được hoàn toàn tự do sau bao nhiêu năm đấu tranh. Chúng tôi đều mừng cho anh.
    Tôi hy vọng rồi cũng đến lượt các cậu. Chắc chắn là như vậy rồi, - Toto nói. - Đại úy nói với tôi rằng cứ mười lăm ngày, ông lại trả tự do cho một người trong bọn ta. Được tự do rồi, anh định làm gì đây?
    Tôi do dự một hai giây, rồi tuy sợ bị những kẻ cùng cảnh tù đày kia thấy mình lố bịch, tôi cũng can đảm đáp:
    - Tớ sẽ làm gì à? Cũng chẳng có gì phức tạp lắm: tớ bắt đầu lao động và sẽ luôn luôn làm ăn lương thiện. Đất nước này đã tin cậy tớ, tớ mà phạm tội gì thì xấu hổ lắm.
    Tường sẽ nhận được một lời mỉa mai, ai dè cả ba người đều cùng thú thật:.
    - Tôi cũng vậy, tôi quyết định sẽ sống cho đúng đắn. Papillon ạ, anh nói đúng, sẽ khó đấy, nhưng phải làm như vậy và dân Venezuela cũng xứng đáng được chúng mình kính nể.
    Tôi không tin ở tai tôi nữa. Toto, tên lưu manh hạ lưu ở khu Bastille cũng có những ý nghĩ như thế ư? Thật là bất ngờ, Antartaglia suốt đời chỉ đi móc túi người khác cũng phản ứng như vậy sao? Thật tuyệt vời. Và Deplanque ma cô chuyên nghiệp lại không dự định tìm một người phụ nữ nào để lợi dụng khai thác họ ư? Cái đó còn lạ hơn. Tất cả chúng tôi cùng phá lên cười.
    - Chà! Lại có chuyện như vậy nữa sao. Thật là đáng giá ngàn vàng, nếu nay mai cậu trở về khu Montmartre, ra Quảng trường Trắng mà kể lại chuyện này thì chẳng ai tin đâu.
    - Những tay anh chị trong giới chúng ta sẽ tin đấy. Họ hiểu mà. Chỉ có bọn trưởng giả mới không chịu tin. Đại đa số dân Pháp không chịu thừa nhận rằng một người có quá khứ như chúng ta có thể trở thành người tốt về mọi mặt. Đấy là điều khác nhau giữa dân Ven ezuela và dân chúng ta. Tớ đã kể cho các cậu nghe luận điểm của một ngư dân nghèo ở Irapa: bác ta đã giải thích cho khu trưởng rằng không có người nào là đồ bỏ cả và phải tạo cơ hội cho người ta trở thành lương thiện. Những ngư dân hầu hết là mù chữ ở vịnh Paria, bên lề thế giới, lọt thỏm vào giữa cái cửa sông Orénoque mênh mông, có một triết lý nhân văn mà nhiều đồng bào của chúng ta không có nổi. Quá nhiều tiến bộ về máy móc, một cuộc sống bon chen, một xã hội chỉ theo đuổi một lý tưởng duy nhất là làm sao có được nhiều phát minh về máy móc, tiến tới một cuộc sống ngày càng dễ dãi hơn, tiện nghi hơn. Thường thức các phát minh về máy móc cũng giống như mút kem, chỉ lôi cuốn người ta thèm khát nhiều tiện nghi hơn nữa và đấu tranh liên tục để đạt tới cái đích đó. Những cái đó giết chết tâm hồn, lòng trắc ẩn, sự thông cảm, và sự cao thượng. Người ta không còn thì giờ để quan tâm đến người khác, lại càng ít thì giờ hơn để quan tâm đến những kẻ phạm tội. Ngay các nhà cầm quyền ở chốn này cũng khác ở nước ta, vì họ chịu cả trách nhiệm vê sự yên tĩnh công cộng. Dù họ có thể bị gặp nhiều điều phiền phức lớn lao nhưng họ cũng nghĩ rằng cứ phải làm liều một chút để cứu lấy một con người. Và như thế thật tuyệt vời.
    Tôi có một bộ đồ xanh nước biển do học trò của tôi bây giờ là đại tá, tặng: Anh ta đã vào trường sĩ quan được một tháng, sau khi lọt vào số ba người đỗ dầu trong cuộc thi tuyển. Tôi sung sướng thấy mình cũng góp phần vào thành công của anh bằng các bài tôi đã giảng cho anh. Trước khi đi, anh đã tặng tôi mấy bộ quần áo còn mới của anh, vừa khít với tôi. Tôi ra đi, ăn vận chững chạc nhờ Francisco Bolagno, hạ sĩ của quân cảnh vệ quốc gia, nay đã là chủ gia đình và đã là bố.
    Viên sĩ quan này, ngày nay đã là đại tá, trong hai mươi sáu năm liền đã dành cho tôi một tình bạn chân thành và không bao giờ phai nhạt. Ông là biểu trưng chân chính của tính cương trực, cao thượng, và của những tình cảm cao cả nhất mà một con người có thể có được. Tuy ở một địa vị cao trong thứ bậc quân sự, ông luôn luôn biểu lộ tình bạn trung thành của ông đối với tôi và sẵn sàng giúp tôi bất cứ việc gì. Tôi đã chịu ơn đại tá Francisco Bolagno Utrera rất nhiều.
    Phải, tôi sẽ làm hết cách để trở thành người lương thiện và giữ sao cho mình mãi lương thiện. Chỉ có một điều phiền phức là tôi chưa làm việc bao giờ, tôi không biết làm gì cả. Tôi phải làm bất cứ việc gì để kiếm sống. Cũng không dễ, nhưng chắc chắn là tôi sẽ làm được. Ngày mai tôi sẽ trơ thành một người như những người khác. Công tố viên! Ngươi đã thua ta rồi: ta đã thoát hẳn ra khỏi con đường của sự thối nát.
    Tôi trăn trở hồi lâu trên võng, thao thức trong đêm cuối cùng của cuộc đời tù tội long đong. Tôi ngồi dậy, đi ra thăm cái vườn mà tôi đã bỏ biết bao nhiêu công sức để săn sóc trong những tháng qua. Trăng sáng như ban ngày. Nước sông lặng lẽ chảy ra biển. Không có tiếng chim: chúng đang ngủ. Trời đầy sao, nhưng trăng sáng quá, phải đứng quay lưng lại phía trăng mới thấy được sao. Trước mặt tôi là bóng tối của rừng, chỉ có một điểm sáng mờ mờ là làng El Dorado. Cảnh tĩnh mịch sâu lắng của thiên nhiên làm cho tôi thư thái. Nỗi bồn chồn đã lắng dịu dần và đêm thanh vắng đã đem lại cho tôi sự thanh thản mà tôi đang cần. Tôi tưởng tượng thấy rất rõ nơi mà ngày mai tôi từ xà-lan đặt chân lên mảnh đất của Simon Bolivar, người đã giải phóng nước này khỏi sự thống trị của Tây Ban Nha và đã để lại cho các thế hệ sau những tình cảm nhân đạo và sự thông cảm đã làm cho tôi có thể bắt đầu được sống lại.
    Tôi đã ba mươi bảy tuổi, tôi còn trẻ. Thể trạng của tôi hoàn hảo. Tôi chưa bao giờ ốm nặng, thần kinh tôi hoàn toàn bình thường. Tôi dám nói vậy. Con đường thối nát mà không để lại trong tôi những dấu vết sa đọa. Tôi cho đó chủ yếu là do tôi không bao giờ thực sự thuộc về nó cả.
    Trong những tuần tự do đầu tiên, tôi không những phải tìm cách kiếm sống cho mình, mà còn phải săn sóc và nuôi sống Picohno. Đối với tôi, trách nhiệm ấy thật nặng nề. Tuy cậu ta là gánh nặng đối với tôi, tôi sẽ giữ lời hứa với giám đốc trại giam, cho đến khi nào đưa được Picolino vào bệnh viện, nơi có những người chuyên môn giỏi chữa bệnh cho cậu, mới thôi.
    Tôi có nên báo tin cho bố tôi biết là tôi đã được tự do không? Đã nhiều năm, ông cụ không biết gì về tôi. Không biết bây giờ ông cụ ở đâu? Những tin tức duy nhất mà ông cụ có được về tôi là do cảnh sát đến hỏi mỗi lần tôi vượt ngục. Không, tôi không được hấp tấp. Tôi không có quyền làm vết thương có sẽ đã thành sẹo sau bao nhiêu năm nay, lại rớm máu. Tôi sẽ viết thư cho ông cụ khi nào tôi đã ổn định, đã có một vị trí nhỏ vững vàng, không có vấn đề gì rắc rối, khi tôi đã có thể nói với ông cụ: “Thưa ba, con của ba đã được tự do, đã trở thành một người tốt và lương thiện. Con đã sống như thế này, bằng cách này. Ba không phải cúi đầu khi nghĩ về con nữa, và cũng vì thế cho nên con mới viết thư này để nói với ba là con luôn luôn yêu thương và tôn kính ba”.
    Đang có chiến tranh, không biết quân Đức có chiếm đóng làng chúng tôi không? Ardèche không phải là một vùng có chút gì quan trọng về chiến lược của nước Pháp. Chắc chúng cũng chẳng chiếm đóng hết cả tỉnh này. ở đấy phỏng chúng kiếm được cái gì ngoài hạt dẻ ra? Phải, chỉ khi nào tôi tự thấy mình đã xứng đáng tôi mới viết thư, hay nói cho đáng tôi mới viết thư, hay nói cho đúng hơn mới tìm cách viết thư về nhà.
    Tôi sẽ đi đâu bây giờ? Tôi sẽ định cư ở một làng gần mỏ vàng tên gọi là Le Callao. Tôi sẽ sống ở đó một năm - thời gian người ta đòi hỏi tôi phải sống trong một cộng đồng nhó. Rồi tôi sẽ làm gì? Ai mà biết được: Mi đừng đặt trước những vấn đề như vậy. Dù phải cuốc đất để kiếm miếng ăn, mi cũng phải làm, có thế thôi.
    Tôi phải tập sống tự do, việc này sẽ không dễ đâu. Mười ba năm rồi, không kể mấy tháng ở Georgetown, tôi không phải lo đến chuyện kiếm ăn. Dù sao hồi ở Georgetown, tôi cũng đã xoay xở được. Cuộc phiêu lưu vẫn tiếp tục, tôi phải nghĩ ra phương kế để mà sống, dĩ nhiên là không làm hại đến ai. Rồi sẽ tính sau! Nào, cứ đến Le Callao đã.
    Bảy giờ sáng. Anh nắng đẹp vùng nhiệt đới, bầu trời xanh không gợn một bóng mây, chim hót líu lo các ngói niềm vui sống. Các bạn tôi đã về tựu ở cổng vườn. Picolino mặc quần áo thường, cạo râu sạch sẽ. Tất cả mọi thứ: cảnh thiên nhiên, vật và người đều toát lên niềm vui và đều mừng cho tôi được tự do. Có một thiếu úy cùng đến với nhóm bạn bè tôi: anh ta sẽ cùng đi với chúng tôi đến làng El Dorado.
    - Chúng ta hây hôn nhau, rồi anh đi đi, - Toto nói. Như vậy sẽ tốt hơn cho tất cả mọi người.
    - Từ biệt các bạn thân mến, nếu có dịp đi qua Le Callao các bạn đến tìm tôi nhé. Nếu tôi có nhà riêng thì đó cũng là nhà của các bạn.
    - Từ biệt Papi, chúc anh gặp may mắn nhé!
    Chúng tôi đi nhanh xuống bến và lên xà-lan. Picolino đi khá vững vàng. Cậu ta chỉ bị liệt từ hông trở lên, chứ chân thì không sao. Mười lăm phút sau, chúng tôi đã qua sông.
    - Giấy tờ của Picolino đây. Anh bạn Pháp, chúc anh may mắn nhé. Từ giờ phút này anh được tự do Adios!
    Rứt bỏ những xiềng xích đeo đẳng mình đã mười ba năm cũng chẳng khó khăn gì. “Anh được tự do từ giờ phút này”. Người ta đã quay mặt đi, không giám sát anh nữa. Chỉ có thế thôi. Chúng tôi leo nhanh con đường đá cuội từ bờ sông đi lên. Chúng tôi chỉ có một gói nhó, ở trong có ba cái áo sơ-mi và một cái quần dài để thay đổi. Tôi mặc bộ com-lê màu xanh hàng hải, sơ-mi trắng, thắt ca-vát xanh cùng màu với áo ngoài.
    Nhưng dĩ nhiên làm lại cuộc đời không phải như khâu lại chiếc khuy áo. Và nếu giờ đây, hai mươi lăm năm sau, tôi đà có vợ, có một con gái, đã sống sung sướng ở Caracas, đã là công dân Venezuela, thì đó là do trải qua biết bao nhiêu chuyện khác, bao nhiêu thành công và đổ vỡ, nhưng là của một người tự do và một công dân đứng đắn. Sau này có lẽ tôi sẽ có dịp kể những chuyện đó, và còn nhiều chuyện ly kỳ nữa không thể kể ở đây.

    Hết.


    ~~~~~~Hữu duyên thiên lý


    năng tương ngộ ~~~~~~___




    ~~~~~~Vô duyên đối diện


    bất tương phùng ~~~~~~___


    -o-o-o-o-o-o-


  6. #46
    ~~~ Lãng du ~~~ quachtinhdaica's Avatar
    Join Date
    Apr 2007
    Location
    Là gió thôi, đi rồi đến, đến rồi lại đi
    Posts
    2,266

    Default Re: Pappilon-Người tù khổ sai

    Phù...
    Rốt cuộc cũng post xong tiểu thuyết này. Bạn nào đọc đến những dòng này, QT phục lăn và cám ơn rất nhiều. Nhớ liên hệ với QT vì chắc chắn chúng ta có chung sở thích. Hẹn gặp lại ở truyện khác!


    ~~~~~~Hữu duyên thiên lý


    năng tương ngộ ~~~~~~___




    ~~~~~~Vô duyên đối diện


    bất tương phùng ~~~~~~___


    -o-o-o-o-o-o-


Page 3 of 3 FirstFirst 123

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts