Rau má


Rau má được dùng trong thực phẩm như một loại rau gia vị (ăn sống), rau ăn (luộc, nấu canh) hoặc nước giải khát (cả cây giã nhuyễn với nước và đường). Ðặc biệt ở miền Nam, nhân dân rất ưa chuộng rau má, nhiều người ăn quen đâm nhớ.

Khi bị sốt nóng, nhức đầu, rôm sảy, mụn nhọt, kiết lỵ ra máu, lấy rau má (30g) để tươi, rửa sạch, giã nát, thêm nước sôi để nguội, vắt lấy nước, rồi hòa 10g bột sắn dây, thêm đường, uống.
Rau má 30g phối hợp với rau sam 30g, rễ sắn dây 20g, thái nhỏ, phơi khô, sắc với 200ml nước còn 50ml uống làm một lần trong ngày chữa cảm sốt, khát nước, đi đái nước tiểu đỏ, mẩn ngứa, táo bón. Trong trường hợp bị đái rắt, đái buốt, đái ra máu, có thể dùng rau má 40g, nõn tre 40g để tươi, giã nát với vài hạt muối, gạn lấy nước uống.

Ðể chữa ngộ độc lá ngón, nấm độc, say sắn, đồng bào Thái (Tây Bắc) thường dùng rau má 50-100g giã nát, hòa với nước chè đặc, thêm đường thật ngọt, uống làm một lần.

Toa căn bản (phương thuốc phổ biến vào năm 1950 ở miền Ðông Nam Bộ) có rau má 8g, rễ cỏ tranh 8g, cỏ mần trầu 8g, cỏ nhọ nồi 8g, cam thảo nam 8g, ké đầu ngựa 8g, lá muồng trâu 4g, củ sả 4g, vỏ quýt 4g, gừng tươi 2g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc uống làm hai lần trong ngày. Thuốc điều hòa cơ thể với 6 tác dụng chính là nhuận gan, nhuận tiểu, nhuận tràng, nhuận huyết, giải độc và kích thích tiêu hóa