LẤY TÌNH THƯƠNG XÓA HẬN THÙ
12
LẤY TÌNH THƯƠNG
XÓA HẬN THÙ
Sư Phụ Thanh Hải giảng tại
San Diego , California , U.S.A.
Ngày 23 tháng 3 , năm 1991
Trước khi bắt đầu buổi thuyết pháp , xin quý vị cùng Sư Phụ nhắm mắt lại và lắng tâm hồn mình một đôi phút giây , để cầu nguyện cho thế giới của chúng ta và những người bất hạnh nhất trên cõi đời này , bao gồm những người Việt Nam tỵ nạn .
Cám ơn quý vị .
Cám ơn sự hiện diện đầy đủ của quý vị . Quý vị là những vị Phật sống , những vị Phật tương lai . Mặc dầu quý vị hiện nay đã là Phật , nhưng nói Phật tương lai bởi vì có nhiều vị chưa biết mình là Phật . Sư Phụ đã nói qua trong rất nhiều buổi thuyết giảng khác là tất cả mọi người đều bình đẳng như Đức Phật Thích Ca , đều bình đẳng như Sư Phụ . Nhưng vì mình mãi bận rộn trong việc sinh nhai , trong những kiến thức của trần gian , trong cách suy nghĩ , cách làm việc của thế tục , cho nên mình quên mất sự vĩ đại của chính mình . Pháp Môn Quán Âm không có gì khác hơn là dùng sức lực nhiệm mầu của mười phương chư Phật để làm cho quý vị , trong một phút giây nhận thức được trí huệ vô cùng sáng suốt mà đời đời sẵn có trong chúng ta .
Mấy hôm gần đây , sau khi Sư Phụ đi thuyết pháp nhiều nơi , lúc này ở Mỹ hơi lâu , cả một tháng hay hơn một tháng , cho nên rất nhiều người tìm đến Sư Phụ . Có người tìm đến hợp tác , có người tìm đến để tỏ tình thân hữu , có những tôn phái Việt Nam đã nổi tiếng từ bao chục năm nay , có những vị thầy khả kính , có những vị đại đức hòa thượng cao tuổi đạo , kinh điển thông suốt và đạo cao đức trọng , đến với Sư Phụ để chứng tỏ sự hợp nhất của những người tu hành , để chứng tỏ rằng "đồng thanh tương ứng , đồng khí tương cầu", để chứng tỏ rằng những người tri kỷ thì hiểu nhau . Và có những đoàn thể chính trị hoặc đoàn thể xã hội , tôn giáo của những tôn giáo bạn - kêu là tôn giáo bạn , đối với Sư Phụ thì là một , nhưng đối với cuộc đời thì là tôn giáo bạn - cũng đến với Sư Phụ . Sư Phụ rất mừng vui , rất hoan hỷ , cảm thấy rằng ít ra sự hòa hảo , hòa hợp giữa những người tu hành , hoặc những người trong cộng đồng Việt Nam đã mọc mầm , đã nẩy mầm lên một chút . Rồi sau này , nhờ sự vun bón , nhờ sự tưới nước , sẽ lớn khôn thành những cây cổ thụ , để làm gương , làm bóng mát che cho toàn cõi thế giới , che cho tất cả chúng sanh . Đó là một điều làm cho Sư Phụ vô cùng hoan hỷ , vô cùng vui mừng , còn hơn thâu nhận được nhiều đệ tử nữa . Vì những người kêu là đệ tử thì đời đời kiếp kiếp họ đã tu hành rồi , họ đã có duyên với Sư Phụ rồi , nên nói là họ nghe liền , họ theo liền . Còn những người chưa phải là đệ tử , theo một đường hướng tu hành khác , thờ phượng một tông phái khác , một tôn giáo đều khác mà họ cũng chấp nhận được Sư Phụ , hòa hợp được với Sư Phụ , đó là một điều vinh hạnh khó kiếm vô cùng . Sư Phụ rất mừng trong mấy ngày nay .
LẤY TÌNH THƯƠNG XÓA HẬN THÙ
Nhưng cũng có một số người vẫn chưa hiểu được hợp nhất trong vũ trụ , chưa hiểu rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh , họ còn đứng bên ngoài lề và chỉ trích này kia , kia nọ . Nhiều người cũng nói với Sư Phụ rằng : "A , Sư Phụ ! Coi chừng ông đó , coi chừng bà đó , coi chừng đoàn thể nọ , coi chừng đoàn thể kia !" Sư Phụ hỏi : "Tại sao phải coi chừng người ta ?" Họ nói rằng : "A ! Người ta muốn lợi dụng Sư Phụ làm gì đó !" Sư Phụ nói rằng : "Ta đâu có gì để ai lợi dụng . Sư Phụ đâu có gì quan trọng để người ta lợi dụng làm được những chuyện gì". Bất cứ ai muốn thành công trên cõi đời này , dù là trong lãnh vực tôn giáo hay chính trị , xã hội , đều có thiên định mà thôi , đều phải có đức hạnh , đều phải có sự đồng ý của tạo hóa mới được . Quý vị đừng nghĩ rằng những người làm ác là không có sự đồng ý của tạo hóa . Cũng có sự đồng ý của tạo hóa . Bởi vì những nạn nhân bị họ sát hại , hoặc làm những điều không lành , trước kia đã có làm những việc không tốt , cho nên luật nhân quả đồng ý cho những người làm ác đó báo thù , hoặc làm mãn ý họ theo quan niệm của họ . Đó là một sự chọn lựa mà thôi . Nhưng còn một sự chọn lựa cao cả hơn là mình tha thứ , mình không báo thù nữa . Thí dụ như những con vật bị giết trong cõi đời này cũng là những nạn nhân , đồng thời cũng là những hung thủ trước kia ; bây giờ những con vật đó phải trả quả đó , và phải chịu nhồi da xẻ thịt để rửa sạch những nghiệp chướng khi xưa .
Nếu mình không trừng phạt những con vật đó , mà lấy lòng thương phổ độ chúng , thì sự tiến hóa của chúng sẽ nhanh hơn , sẽ thoải mái hơn , mà không có sự đau khổ . Cũng như những kẻ thù của mình cũng vậy , nếu như mình lấy tình thương đối đãi với người ta , thì người ta khỏi phải trả quả báo cho mình , là điều thứ nhất ; thứ hai , cuộc sống người ta thăng hoa thêm , linh hồn của họ còn tiến đến bờ giác ngộ nữa . Như vậy có hai sự trả thù trên cõi đời này mà mình có thể lựa : sự trả thù bằng cách lấy ân báo ân , lấy oán báo oán . Còn một sự trả thù nữa cao hơn , vĩnh viễn hơn : trả thù một lần thì người đó tiêu luôn , không còn trở về báo thù báo hận nữa , không còn bao giờ trở thành người thù của mình nữa , mà vĩnh viễn trở thành một người bạn . Đó là dùng tình thương của Phật Trời để cứu họ , dùng Pháp Quán Âm , tức là tận dụng tình thương bao la của trời đất để cứu độ tất cả những người dù tội lỗi hay hiền lương . Chỉ dùng một thứ thuốc mà chữa tất cả mọi thứ bịnh . Còn như mình trả thù thì mình chỉ dùng một thứ thuốc chữa một bịnh mà thôi , còn những bệnh khác khó chữa .
Khi những đoàn thể , hoặc những vị đại đức cao tăng , những người tu hành của những tôn phái khác đến với Sư Phụ , hoặc đến thăm Sư Phụ , hoặc mời Sư Phụ đến thăm , có rất nhiều người hảo tâm nói với Sư Phụ rằng : "Ai da , Sư Phụ đừng có đi đến đó ! Đừng giao tiếp với những người đó , đừng có làm bạn với mấy người đó , mấy người kia . Uy tín của Sư Phụ sẽ giảm bớt đi , vì họ là những người bị cộng đồng ghét bỏ , vì họ là như thế nọ , như thế kia ..." Sư Phụ nói rằng : "Sư Phụ là người tu hành , không nhìn đống rác của người ta , mà Sư Phụ chỉ nhìn vào Phật tâm vĩnh viễn sáng suốt , vô cùng từ bi , vô cùng cao thượng của người ta mà thôi" (Mọi người vỗ tay). Điều này rất hợp lý , và rất thông minh . Thí dụ như quý vị đến thăm một người nào , cứ chúi mũi vào đống rác của người ta , có phải là tự mình làm hôi thúi cho chính mình không ? Và làm mất đi mỹ cảm của con mắt và mũi của mình nữa . Cứ nhìn vô đống rác hoài thì thế nào cũng hôi , cũng dơ , cũng mất đẹp . Tại sao mình không vô nhìn phòng khách của người ta , nhìn tượng Phật người ta trưng trong nhà , nhìn thánh chúa hay thánh giá , hoặc những gì tượng trưng cho sự cao đẹp sạch sẽ , quang đãng , vinh dự trong nhà của người ta , mà cứ chúi mũi vào thúng rác ? Nhà ai không có rác , phải không ? Thì đó là lỗi của mình . Nếu mình còn mang thùng rác đó về nhà mình nữa , thì xin lỗi , ráng chịu ! (Mọi người vỗ tay).
Khi mình đến với một người nào , hoặc đến nhà ai mà người ta có nhã ý mời mình , mình là khách của người ta , mình là khách của tâm hồn họ . Họ đến với mình tức là họ mở cửa , họ đón mình bằng cái tâm của họ . Con người và người với nhau phải đối xử cao thượng , phải nhìn cái tốt của người ta . Để chi ? Để cái tốt của họ hòa với cái tốt của mình thành một , để cùng nhau tiến hóa , để cùng nhau tiến lên . Mình khuyến khích người ta những điểm tốt thì người ta sẽ phát triển những điều đó . Còn mình cứ nhìn đống rác hoài thì mình sẽ bị hôi lây , mà người đó cũng không có thì giờ tiếp đãi mình một cách long trọng , không có thì giờ để người ta giới thiệu cho mình tất cả những đồ đạc quý giá trong nhà người ta , những thứ mà họ chỉ dành cho bậc thượng khách coi mà thôi . Mình phải làm thượng khách , mình phải trọng chủ nhà , mình mới được trọng vọng .
LẤY TÌNH THƯƠNG XÓA HẬN THÙ
Ông chủ nhà của mọi người là Phật , là Thiên Chúa . Muốn người bạn của mình tiến bộ thì phải luôn luôn nhìn vào tánh cao thượng của họ mà thôi , không nhìn lỗi lầm của họ . Đó là bí quyết thành công duy nhất trên cõi đời này . Tại sao những người đó lại đối xử với Sư Phụ rất tốt , rất cao cả ? Vì Sư Phụ chỉ nhìn vào sự cao cả của họ , khơi dậy tính cao thượng của họ , mà không khơi dậy những tính tầm thường khác . Còn tại sao những người đó đối đãi với những người khác một cách tầm thường , thô lỗ hoặc tranh đua ? Bởi vì người kia khơi dậy trong tâm họ sự tranh đua . Quý vị có thấy rõ ràng không ? Thí dụ bây giờ Sư Phụ không làm chính trị gì cả , không tranh giành ngôi vị tổng thống hay thượng nghị sĩ gì với ai hết , thì những người làm chính trị đến với Sư Phụ , họ đâu có sợ Sư Phụ , đâu có sợ Sư Phụ ra ứng cử làm họ thua , họ mất mặt đâu ? Trái lại , họ biết rằng nếu họ làm tốt , Sư Phụ sẽ ủng hộ họ một cách thật tình , vô điều kiện , dùng mãnh lực tinh thần của Sư Phụ ủng hộ họ , nên họ thích , họ không sợ , kêu bằng thí vô úy , hiểu chưa ? Tất cả mọi người đến với mình , mình phải khơi dậy tâm từ trong chính mình , phải làm như Quán Thế Âm Bồ Tát làm , thí vô úy cho chúng sanh . Thí vô úy là như thế nào ? Tức là ai đến với mình , mình cũng đem lại sự an vui , sự an ủi , sự khích lệ , chớ không làm cho họ lo sợ .
Có nhiều người nói rằng thấy Sư Phụ thì run . Điều này không phải là sợ , chắc là sao đó , chắc là cảm thấy có việc gì mình làm không phải , hoặc là thấy mình chưa đi đúng đường đạo , cho nên cảm thấy mắc cở , lương tâm cắn rứt nên run , chứ không phải Sư Phụ dữ . Lực lượng của Sư Phụ không phải là lực lượng của những kẻ vũ phu , đi đánh đập để hăm dọa người khác , mà là lực lượng tinh thần , lòng thương yêu bao dung tất cả mọi người , từ những người rất tội lỗi đến những người rất đạo đức . Quý vị cũng như Sư Phụ mà thôi , nếu mỗi ngày mình gặp bất cứ một người nào đến ngoài cửa mà mình nghĩ rằng họ là Thượng Đế , là Phật , thì những người đó sẽ là Thượng Đế , sẽ là Phật . Không riêng gì một mình Sư Phụ thành Phật mà tất cả mọi người đều là Phật , nếu lúc nào mình cũng giữ tâm đó trong tâm .
Trong Phật giáo có câu nói rằng : "Con dao đồ tể mà mình bỏ xuống là lập tức thành Phật liền", thì đừng nghi ngờ Pháp Quán Âm một đời giải thoát . Sư Phụ chỉ nói một đời giải thoát thôi chứ ta chưa nói một đời thành Phật , mà đã la ó um xùm . Còn những câu của Phật giáo như : "Bỏ dao đồ tể xuống là lập tức thành Phật", thì sẽ như thế nào ? Quý vị còn la ó tới mức nào nữa ? Còn Pháp Môn Quán Âm , tuy nói một đời giải thoát , nhưng mình phải làm việc , phải trường chay , trì giới , phải ngồi thiền , phải cộng tu , phải nghe những lời giảng dạy của Sư Phụ , hoặc huynh trưởng , là những người đã tu trước mình một chút , chớ không phải có cấp bực trong sự tu hành của Sư Phụ . Do công lao của mình tu hành mà được một đời giải thoát , mình có thể tu tắt . Cũng như ở ngoài đời mình có thể học khóa cấp tốc . Mình đi du lịch đến một nơi nào dùng phương tiện xe hơi , xe lửa , tàu bè thì lâu nhưng nếu mình dùng máy bay thì nhanh hơn . Nhưng mình có bằng lòng trả cái giá tiền đó không ? Nếu mình đủ điều kiện trả giá tiền đó thì mình đi lẹ hơn , có bao nhiêu đó thôi . Còn nếu quý vị muốn đi hai , ba ngàn năm sau mới thành Phật thì OK . Hai ba ngàn năm sau , bốn năm ngàn năm sau mới giải thoát thì cứ từ từ , ăn chay một tháng 2 kỳ , hay một năm nửa ngày gì đó , rồi chắc là trăm triệu ức năm thế nào cũng thành Phật . Không có người nào không thành Phật hết , nhưng mà bao lâu ? Chừng nào ?
LẤY TÌNH THƯƠNG XÓA HẬN THÙ
Trước khi Sư Phụ đến đây , không biết nói chuyện với quý vị bằng cách nào , không biết nói gì đây ? Nhưng khi đến đây , gặp quý vị rồi , Phật tánh trong tâm hồn của quý vị sống dậy , tính cao thượng của quý vị biểu lộ , gia trì cho Sư Phụ , cho Sư Phụ biết rằng quý vị muốn nghe những gì . Cho nên những lời Sư Phụ nói ra là của quý vị cả . Ta không có công lao gì hết , ta chỉ là một máy thu âm tốt , thu hình tốt , thu tất cả tinh hoa của vũ trụ , tất cả tinh hoa của trời đất , của chúng sanh để phát ra cho họ nghe thôi . Thí dụ máy thu âm , đâu phải tự phát ra tuồng cải lương mùi mẫn đâu , phải thâu chớ ! Thâu từ đâu ? Thâu từ tổng đài , thâu từ những nghệ sĩ nổi danh , những người nghệ sĩ được quần chúng thương mến , rồi phát ra .
Hôm nay , quý vị đến nghe Sư Phụ giảng , tức là quý vị nghe chính trí huệ của quý vị nói đó ! Những gì mà quý vị nghe , hiểu được liền , là trí huệ của quý vị đã đến tới mức đó , còn nếu nghe chưa được , thì biết rằng mình còn nghĩ những chuyện khác , đẳng cấp của mình còn ở dưới một chút . Đại khái là như vậy , không phải Sư Phụ nói sai hoặc là Sư Phụ nói đúng , mà sự chờ đợi của quý vị , sự khai mở trong tâm hồn của quý vị tới mức độ nào thì quý vị sẽ nhận được những mà mình muốn nghe .
Có nhiều người ngồi nghe pháp cả tiếng đồng hồ mà chỉ nhớ được một hai câu mà mình thích , rồi nghĩ rằng : "À , Sư Phụ nói trúng ý tôi !" Nhớ có một hai câu rồi khoái , nghĩ rằng Sư Phụ chỉ nói với một mình mình thôi , rồi người đó nghĩ Sư Phụ chỉ nói cho tôi nghe thôi (Sư Phụ cười). Phải vậy không ? Phải hén ! Khoái quá cười ! (Mọi người cười và vỗ tay).
Có nhiều người hỏi tại sao kêu là Vô Thượng Sư ? Sư Phụ nói Vô Thượng Sư là ông thầy không có cao (Sư Phụ cười). Vô là không , thượng là cao , sư là thầy , tức là ông thầy không cao . Sư Phụ chỉ có 1 thước 50 gì đó thôi (Mọi người cười và vỗ tay). Đặt Vô Thượng Sư là phải rồi , thấp nhứt đó ! Đối với người Việt Nam đâu có nhỏ bằng Sư Phụ đâu ! Ít lắm , phải không ? Nên nói ông thầy không cao là đúng rồi , hoặc là không có ông thầy nào cao hơn hết cũng phải . Không có ông thầy nào cao hơn thì cũng phải , bởi vì sao ? Bởi vì tâm ta là Phật rồi , còn ai cao hơn ta nữa , có hiểu như vậy không ? (Mọi người cười và vỗ tay).
Sư Phụ muốn liên kết việc Sư Phụ nói lúc trước , là khi mình đã biết đạo rồi , , đã nhận thức được Phật tánh của mình rồi , mình thấy tất cả chúng sanh đều là Phật hết , không có gì phải kêu ngạo . Cho nên kêu Vô Thượng Sư , Vô Hạ Sư cũng vậy thôi , không có thấm gì cả . Chỉ tiếc rằng không có tên gì hay hơn để mà kêu (Mọi người vỗ tay).
LẤY TÌNH THƯƠNG XÓA HẬN THÙ
Thường thường , chúng ta thường dính mắc trong những hình dáng như vậy để mà phán đoán một người , hoặc để bám víu một hình ảnh nào đó thôi , không phải muốn tìm chân lý . Mỗi ngày cứ vẽ một ông Phật trong tâm mình , ông Phật phải như thế nọ , như thế kia , ông thầy tu phải như thế nọ , như thế kia . Cho nên có những vị thầy hồi xưa làm những việc phi phàm để phá chấp chúng sanh . Thí dụ Ngài Tế Công , Ngài đâu có ăn thịt uống rượu đâu , nhưng Ngài làm dáng ra như vậy để mà kêu ngạo những người ăn thịt , uống rượu , trong tâm bỏ không được . Còn dáng vẻ bề ngoài , người ta không chấp , không dính dấp vô , hiểu chưa ? Những người thành Phật không dính vô trong đó , không dính vô dáng dấp bề ngoài . Còn những người chưa hiểu gì hết thì đi tới đâu cũng nhìn bề ngoài mà thôi : "Ồ , sao tóc dài quá vậy ? Sao tóc ngắn quá vậy ? Sao bận áo tay rộng mà không bận áo tay chật ? Sao bận đồ tây mà không bận đồ tu ?" Đại khái là như vậy . Thậm chí có người nói rằng : "Những người này không xứng đáng làm thầy tu , phải lột áo ! Những người kia xứng đáng làm thầy tu , phải bận thêm áo !" Nếu bận áo mà làm được thầy tu thì dễ quá !
Người xuất gia là người như thế nào ? Là người đã xuất ra khỏi tam giới , ra khỏi được tham , sân , si , làm nhưng mà không làm , cứu hết cả càn khôn vũ trụ , nhưng mà phủi tay như không có gì . Đó mới đúng thật là người xuất gia . Người xuất gia như vậy mặc chi cũng được hết , ở đâu cũng là chùa cả , bạn cùng Phật , Thánh mỗi ngày , mỗi đêm . Đó mới đúng là người xuất gia , chớ không phải căn cứ vào cái áo , hoặc hành động của người đó , hoặc truyền thống của người đó , hoặc ông thầy của người đó mà định được người đó là như thế nào . Đức Thích Ca Mâu Ni Phật , thành Phật xong , Ngài đâu có cạo đầu , Ngài để chỏm đó chớ ! A , không phải , để búi tỏi !
Hồi xưa , Ngài đâu có ở chùa . Đức Phật Thích Ca đâu có ở chùa . Mỗi ngày Ngài du phương , đi khất thực , nhưng lợi dụng sự khất thực đó để hóa độ chúng sanh , chớ không phải Ngài đi ăn xin vì thiếu tiền . Hiểu không ? Ngài là một vị hoàng tử , nếu muốn làm vua thì tha hồ mà xài , dầu không làm vua đi nữa , muốn hoàng gia cung cấp thứ gì cũng được . Nhưng ngài chọn con đường khất sĩ , vì Ngài đã đi tu rồi . Lúc đó truyền thống của những người xuất gia tu hành là phải đi khất sĩ , mượn sự đi đây đi đó như vậy , tạm dung thân nhờ những sự bố thí của thí chủ , để có cơ hội đi chỗ này chỗ kia , kết duyên hoằng hóa , hoằng pháp và nói những điều hay lẽ phải cho những người đó nghe . Họ chỉ bố thí cho những hột cơm thôi , nhưng Phật bố thí pháp hỉ , bố thí pháp cao thượng , làm cho họ đời đời an vui , đời đời no ấm .
Trong Thánh Kinh cũng nói rằng có một lần Đức Chúa Giê Su đi tới giếng , khát nước , Ngài xin nước uống của một người đàn bà đang kéo nước lên . Người đàn bà đó nói : "Tại sao Ngài xin nước của tôi ? Tôi là một người ở giai cấp khác !" Nhưng Đức Chúa Giê Su nói rằng : "Ta uống nước của ngươi rồi , ta sẽ cho ngươi nước cam lồ , đời đời không bao giờ khát nữa , uống xong không bao giờ khát nữa !" Đại khái cũng như Đức Phật dùng phương tiện khất thực để hóa độ cho những người có duyên thôi . Xưa kia , việc truyền thông rất là khó khăn , giao thông xe cộ không có phương tiện , nếu Đức Phật ngồi im một chỗ , đợi mọi người biết mà đến với Ngài thì quá khó khăn , quá khó khăn ; không như ngày nay , một người biết là một trăm , một ngàn người biết được . Cho nên Đức Phật phải hạ mình , nhọc thân , nhọc thể đi khất thực từ nơi này đến nơi kia đặng cho chúng sanh nhìn thấy . Họ nhìn thấy Đức Phật tức là họ sẽ nhìn thấy tâm Phật của họ . Một cây duốc chưa cháy mà đứng gần cây đuốc khác , một lát hai cây cũng cháy hết , có hiểu không ? (Mọi người vỗ tay).