Sách Đa-ni-ên - Chương 2 Bắt đầu kỳ dân ngoại ... (tiếp theo)
Chương 2 - Bắt đầu thời kỳ dân ngoại đến lần tới thứ hai của Chúa Cứu Thế, tức vị vua
(Tiếp theo)
Cầu nguyện: "Lạy Chúa, chúng con rất muốn chuẩn bị cho sự trở lại của Chúa. Sự khát khao của chúng con là Hội Thánh của Ngài được hoàn thành, vương quốc Ngài được xây dựng xong và Ngài sắp đến. Lạy Chúa, xin hiện đến với chúng con tối hôm nay thật mới! Xin hãy nói với chúng con và hãy mở Lời Ngài trong sách Đa-ni-ên. Amen".
Đối với chúng ta thì mục đích không phải là giải nghĩa sách Đa-ni-ên hay kiến thức Kinh Thánh, mà nhiều hơn nữa là vương quốc của Đức Chúa Trời. Thật quan trọng đối với Đức Chúa Trời làm sao, rằng nước Ngài đến trên trái đất này. Ngài muốn trị vì trên trái đất này. Vì thế, chúng ta muốn gìn giữ những gì mình đã thấy ở trong lòng.
Khi Chúa đến lần thứ nhất, thông điệp của Ngài là: "Các ngươi hãy ăn năn, vì Vương Quốc Các Tầng Trời đã đến gần!" (Ma-thi-ơ 4:17). Ngày nay, Hội Thánh là dân của Ngài, dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời (Ga-la-ti 6:16). Hội Thánh cũng là núi Si-ôn, Giê-ru-sa-lem trên trời (Hê-bơ-rơ 12:22). Một mặt, Hội Thánh ngày nay đã là Vương Quốc Của Các Tầng Trời; mặt khác, Chúa đang chuẩn bị chúng ta để tiếp nhận vương quốc này khi nó đến. Đừng chỉ nghĩ rằng, chúng ta có thể đơn giản sống thật vô tư, rồi nhận được vương quốc. Vì vậy, hiểu Lời Chúa và gìn giữ Lời trong lòng rất quan trọng đối với chúng ta.
Chúng ta cũng phải nhận ra rằng, sự đến của Chúa gần kề như thế nào. Chúng ta đang sống ngày nay trong một thời kỳ đặc biệt mà Kinh Thánh gọi là "sự cuối cùng". Đó là lý do vì sao Chúa nói ở cuối sách Ma-thi-ơ ở câu 28:20 rằng: "Và nầy, Ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế". Vì thời đại này sẽ có một kết thúc, và chúng ta đang sống trong thời gian của sự hoàn thành đó.
Sự ứng nghiệm thời kỳ của các dân tộc (ngoại bang)
Trong Lu-ca 21:24, chúng ta đọc: "Họ sẽ bị ngã dưới lưỡi gươm, sẽ bị đem đi làm phu tù giữa các dân ngoại, thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày đạp, cho đến chừng nào các kỳ dân ngoại được trọn". Các thời kỳ dân ngoại đã được trọn vào năm 1967, khi Y-sơ-ra-ên tái chiếm lại phía đông Giê-ru-sa-lem trong Cuộc chiến sáu ngày. Nếu thời kỳ của các dân ngoại đã được trọn rồi, một câu hỏi được đặt ra là Chúa còn chờ đợi điều gì nữa. Tại sao Ngài vẫn chưa quay lại? Tại sao ba năm rưỡi cuối lại không nối tiếp kết thúc của thời kỳ của các dân ngoại? Chỉ có một lý do: Chúng ta vẫn chưa sẵn sàng và chưa đủ tiêu chuẩn để lãnh nhận vương quốc.
Giai đoạn sau năm 1967 đến thời điểm mà Chúa trở lại, chắc chắn không phải để cho chúng ta theo đuổi nhiều mục tiêu riêng của mình. Thay vào đó, Chúa chờ đợi việc xây dựng Hội Thánh được hoàn tất. Chúng ta, những người đang ở trong Hội Thánh, phải được trưởng thành hoàn toàn. Trong nhận thức của chúng ta về Chúa và trong kinh nghiệm với Ngài, chúng ta hiện vẫn chưa đến đúng mức. Nó vẫn còn thiếu sự hợp tác chặt chẽ với Chúa. Cũng như vào thời Nô-ê, Chúa phải đợi cho đến khi "chiếc thuyền" được làm xong, mặc dù thời kỳ đã chín muồi. Vào thời điểm đó, thế gian cũng đã chín muồi cho việc phán xét của Chúa, nhưng nước lụt chỉ đến khi Nô-ê đã xây dựng xong chiếc thuyền. Đức Chúa Trời phải đợi đến lúc đó. Chúng ta có tự hỏi mình rằng: Đức Chúa Trời phải đợi bao lâu nữa cho đến khi Hội Thánh sẵn sàng không? Chúng ta cần phải ý thức rõ rằng, sự kết thúc của thời đại này phụ thuộc vào chúng ta rất nhiều. Thời gian thực ra đã chín muồi từ năm 1967, nhưng Chúa vẫn phải đợi cho đến khi Hội Thánh được hoàn thành và chúng ta trưởng thành để lãnh nhận vương quốc. Thông qua tiếng phán của Chúa trong Hội Thánh, Ngài thúc giục chúng ta phải tiến nhanh hơn nữa, nhưng chúng ta thường quá lười biếng, thậm chí muốn thưởng thức thế gian thêm một chút nữa. Anh em nghĩ Đức Chúa Trời chưa chuẩn bị sẵn hòn đá mà không được tạo bởi tay con người sao (xem Đa-ni-ên 2:34)? Chúa muốn quay trở lại, chấm dứt các vương quốc của thế gian và thiết lập vương quốc Ngài. Thời gian thực sự ngắn ngủi. Chúng ta phải làm gì ở gian đoạn cuối của thời kỳ này để làm Chúa mau đến hơn?
Đòi hỏi vô lý của nhà vua
"Trong năm thứ hai đời vua Nê-bu-cát-nết-sa, vua thấy chiêm bao, thì trong lòng bối rối và mất giấc ngủ. Vậy vua truyền đòi các pháp sư, thuật sĩ, thầy phù thủy, và người Canh-đê để cắt nghĩa chiêm bao cho vua. Họ bèn đến chầu trước mặt vua. Vua nói cùng họ rằng: Ta đã thấy một chiêm bao; và lòng ta bối rối, muốn biết chiêm bao đó. Những người Canh-đê nói cùng vua bằng tiếng A-ram rằng: Tâu vua, chúc vua sống đời đời! Xin thuật chiêm bao cho những kẻ tôi tớ vua, và chúng tôi sẽ giải nghĩa. Vua trả lời cho những người Canh-đê rằng: Lệnh ta đã công bố. Nếu các ngươi không nói cho ta biết chiêm bao đó thể nào và lời giải nó làm sao, thì các ngươi sẽ bị phân thây, nhà các ngươi sẽ trở nên đống phân" (Đa-ni-ên 2:1-5).
Chắn chắn Nê-bu-cát-nết-sa đã không quên giấc mộng. Thế thì tại sao ông lại đòi hỏi người khác biết giấc mộng của mình? Làm sao mà các nhà thông thái và nhà chiêm tinh có thể biết được nhà vua đã nằm chiêm bao thấy gì? Đây chính là chủ quyền của Đức Chúa Trời: Nê-bu-cát-nết-sa đã phải đòi hỏi điều không thể được để Đa-ni-ên được triệu tập.
Chúng ta cũng phải là những người tự giữ mình tinh sạch cho Chúa và hữu dụng cho Ngài. Đặc biệt là những người trẻ phải học để giữ mình trong sạch. Những người là thanh thiếu niên hôm nay giữ mình trong sạch và có ước muốn được Chúa dùng, có cơ hội tốt trung tín với Chúa đến cuối cùng như Đa-ni-ên. Lòng chúng ta không kiên định. Vì thế, thật không dễ đối với Đức Chúa Trời để tìm thấy những người trung tín với Ngài cho đến cuối cùng.
Đức Chúa Trời đã cộng tác với Đa-ni-ên và đã sử dụng tình huống này bằng quyền năng và sự biết trước mọi chuyện của Ngài. Các nhà thông thái trong vương quốc không thể giải nghĩa giấc chiêm bao của nhà vua. Và thế là Nê-bu-cát-nết-sa đã ra lệnh giết họ. Khi Đa-ni-ên nghe điều này, ông yêu cầu được đưa đến nhà vua: "Tức thì Ða-ni-ên vào, xin vua cho mình một hạn nữa, hầu có thể giải nghĩa điềm chiêm bao đó cho vua" (câu 16 và câu 24). Chúng ta cũng có một sự tin cậy như vậy không? Từ đâu mà Đa-ni-ên có sự tin cậy và chắc chắn này? Ông đã kinh nghiệm Đức Chúa Trời một cách phong phú. Như vậy, ông cũng có lòng tin và sự tin tưởng rằng mình có thể giải được giấc mộng. Ông nhận ra được tình huống này đã được Đức Chúa Trời sắp đặt theo chủ quyền của Ngài. Ngày nay, Đức Chúa Trời cũng cần những người như vậy.
Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật đã tiết lộ cho Đa-ni-ên bí mật này
"Ðoạn, Ða-ni-ên trở về nhà, và tỏ sự ấy cho các bạn mình là Ha-na-nia, Mi-sa-ên và A-xa-ria. Người xin họ cầu Ðức Chúa Trời ở trên trời dủ lòng thương xót họ về sự kín nhiệm nầy, hầu cho Ða-ni-ên và đồng bạn mình khỏi phải chết với các nhà thông thái khác của Ba-by-lôn" (Đa-ni-ên 2:17-18). Trước tiên, Đa-ni-ên chia sẻ yêu cầu của vua với ba người bạn của ông? Và họ đã phản ứng ra sao? Họ đã cầu nguyện. Đa-ni-ên là một người của sự cầu nguyện. Ông đã có thói quen cầu nguyện một ngày ba lần, có lẽ nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, ba lần trong ngày, ông đã dành riêng thời gian để cầu nguyện, mặt hướng về Giê-ru-sa-lem (Đa-ni-ên 6:10). Nếu không có sự thông công thường xuyên với Đức Chúa Trời thì không thể có mối quan hệ sống như vậy với Ngài được.
"Vậy sự kín nhiệm được tỏ ra cho Ða-ni-ên trong sự hiện thấy ban đêm" (câu 19). Đức Chúa Trời đã không bày tỏ cho Đa-ni-ên trước nhưng đợi cho đến khi Đa-ni-ên cầu nguyện. Nguyên lý này chúng ta cũng phải học. Chúng ta không cần một tâm linh của sự hiểu biết, mà cần một tâm linh của sự khôn ngoan và khải thị. Trong Tân Ước, tất cả đều diễn ra bởi sự khải thị. Làm thế nào mà chúng ta có thể biết được những bí mật ẩn kín trong lòng Đức Chúa Trời, nếu chúng ta không nhận được khải thị từ Ngài? Do đó, chúng ta cũng phải cầu xin Chúa ban cho khải thị trong lúc cầu nguyện - không phải chỉ riêng cho chúng ta, mà để hoàn tất kế hoạch của Ngài.
Sau khi Đức Chúa Trời ban cho ông khải thị, ông nói: "Ðoạn Ða-ni-ên cất tiếng nói rằng: Ngợi khen danh Ðức Chúa Trời đời đời vô cùng! vì sự khôn ngoan và quyền năng đều thuộc về Ngài. Chính Ngài thay đổi thì giờ và mùa, bỏ và lập các vua; ban sự khôn ngoan cho kẻ khôn ngoan, và sự thông biết cho kẻ tỏ sáng. Chính Ngài tỏ ra những sự sâu xa kín nhiệm; Ngài biết những sự ở trong tối tăm và sự sáng ở với Ngài. Hỡi Ðức Chúa Trời của tổ phụ tôi! Tôi cảm ơn và ngợi khen Ngài, vì Ngài đã ban cho tôi sự khôn ngoan và quyền phép, và bây giờ Ngài đã khiến tôi biết điều chúng tôi cầu hỏi Ngài, mà tỏ cho chúng tôi biết việc của vua" (câu 20-23).
Chúng ta có lòng kính trọng đối với Đức Chúa Trời hằng sống của mình không, Đấng mà không có gì che dấu được, Đấng thay đổi thời gian và thời điểm, Đấng bỏ và lập các vua? Vào cuối thời đại này, chúng ta phải là những người đói khát Đức Chúa Trời hằng sống, tìm kiếm và giữ mối quan hệ như thế với Ngài.
"Vậy nên Ða-ni-ên đến nhà A-ri-ốc, là người vua đã truyền cho diệt những nhà thông thái của Ba-by-lôn; và nói cùng người như vầy: Ðừng diệt những nhà thông thái của Ba-by-lôn; nhưng hãy đưa tôi vào trước mặt vua, thì tôi sẽ giải nghĩa điềm chiêm bao cho vua!" (câu 24). "Ða-ni-ên ở trước mặt vua trả lời rằng: Sự kín nhiệm mà vua đã đòi, thì những nhà thông thái, thuật sĩ, đồng bóng, chiêm tinh đều không có thể tỏ cho vua được. Nhưng có một Ðức Chúa Trời ở trên trời tỏ ra những đều kín nhiệm; và đã cho vua Nê-bu-cát-nết-sa biết điều sẽ tới trong những ngày sau rốt. Vậy, chiêm bao của vua và các sự hiện thấy của đầu vua đã thấy trên giường mình là như vầy" (câu 27-28).
Từ đâu mà Đa-ni-ên đã biết điềm chiêm bao này? Từ Đức Chúa Trời tuyệt diệu ở trên trời! Nê-bu-cát-nết-sa đã được ấn tượng sâu sắc về sự giải thích của Đa-ni-ên và về Đức Chúa Trời của ông, Đấng có thể tiết lộ tất cả điều này. Việc đó đã làm cho Nê-bu-cát-nết-sa tin rằng Đức Chúa Trời của Đa-ni-ên là một Đức Chúa Trời đặc biệt. Nếu chúng ta ngày nay cũng có một mối quan hệ như thế với Đức Chúa Trời hằng sống, chúng ta cũng có thể làm chứng cho Ngài. Nhưng nếu không có mối quan hệ với Đức Chúa Trời hằng sống của mình, không kinh nghiệm Ngài và cũng không biết Ngài một cách tuyệt vời như vậy, thì chúng ta cũng không thể làm chứng cho Ngài trước loài người.
Thông qua điềm chiêm bao, Đức Chúa Trời đã cho cả thế gian biết diễn tiến lịch sử của các quốc gia và cũng cho thấy vương quốc Ngài sẽ đến trên trái đất vào cuối thời đại này. Vậy thì anh em muốn ở đâu? Ở trên trời hay ở trái đất? Vương quốc thiên thượng sẽ đến và lấp đầy trái đất. Giấc mộng này cũng là một viễn tượng cho chúng ta thấy sự kết thúc của thời đại này. Bây giờ chúng ta đã biết nó rồi, vậy chúng ta phải làm gì?
"Bấy giờ vua Nê-bu-cát-nết-sa sấp mặt xuống, lạy Ða-ni-ên..." (câu 46). Cuối cùng, cái đầu vàng sấp mình xuống trước Đa-ni-ên.
Hai cái chân dài trong giấc chiêm bao của Nê-bu-cát-nết-sa không chỉ tượng trưng cho đế chế La Mã, mà còn cho sự phát triển của tôn giáo trong đế chế này. Tại đế quốc Tây La Mã phát triển Giáo Hội Công Giáo La Mã, ở đế quốc Đông La Mã phát triển Giáo Hội Chính Thống Giáo. Theo thời gian, Hội Thánh sau một thời gian dài đã sa ngã, trở thành một tổ chức tôn giáo thế tục - trở thành kiệt tác của Sa-tan. Một mặt chúng ta thấy sự phát triển của các vương quốc chính trị của thế giới này, mặt khác chúng ta thấy kẻ thù Đức Chúa Trời cho đến ngày nay cố gắng hủy diệt vương quốc của Đức Chúa Trời bằng những việc tôn giáo thuộc Ba-by-lôn của hắn. Vì thế, dân Đức Chúa không phải chỉ ra khỏi thế gian mà cũng phải ra khỏi Ba-by-lôn. Chúng ta không phải chỉ được tự do khỏi thế gian này mà cũng phải được giải thoát khỏi tôn giáo (kể cả Thiên Chúa giáo, Cơ Đốc giáo). Đó là một trận chiến thuộc linh.
Vua Nê-bu-cát-nết-sa công nhận rằng, Đức Chúa Trời của Đa-ni-ên là Đức Chúa Trời của các thần và là Chúa của các vua
"... Và truyền dâng lễ vật cùng đồ thơm cho người. Ðoạn, vua cất tiếng nói cùng Ða-ni-ên rằng: Quả thật, Ðức Chúa Trời các ngươi là Ðức Chúa Trời của các thần, và là Chúa của các vua; là Đấng tiết lộ điều kín nhiệm, vì Ngài đã ban cho ngươi khả năng giải bầy sự kín nhiệm này" (câu 46-47).
Lời chứng của Đa-ni-ên và của các bạn ông được ban thưởng
"Vua bèn tôn Ða-ni-ên lên sang trọng và ban cho người nhiều lễ vật trọng. Vua lập người cai trị cả tỉnh Ba-by-lôn, và làm đầu các quan cai những nhà thông thái của Ba-by-lôn. Ða-ni-ên cầu xin vua, thì vua lập Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô cùng cai trị tỉnh Ba-by-lôn, còn Ða-ni-ên thì chầu nơi cửa vua" (câu 48-49).
Nê-bu-cát-nết-sa đã lập Đa-ni-ên làm người cai trị. Đa-ni-ên không chỉ nghĩ đến bản thân mà còn nghĩ đến ba người đồng hành. Bốn người anh em này đã được "xây dựng" cùng nhau và là một bằng chứng cho Chúa. Bốn anh em trẻ này, những người giữ mình trong sạch, quan trọng hơn cả điều tiên tri trong chương này. Họ đã hoàn toàn cho kế hoạch của Đức Chúa Trời và do đó cũng hữu dụng cho Ngài.
Qua sách Đa-ni-ên (chương 9), chính các nhà thông thái từ phương Đông cũng biết được nơi sinh của Chúa Giê-su - nếu không thì từ đâu họ biết được điều đó? Ngày nay, Đức Chúa Trời cũng cần nhiều người như Đa-ni-ên. Nguyện xin Chúa chinh phục được một thế hệ trẻ và cũng giữ gìn mọi anh em lớn tuổi hơn để họ trung tín đến cuối cùng. Họ cũng rất quan trọng như thế hệ trẻ. Nguyện xin Chúa khích lệ tất cả chúng ta để tiến lên và để tăng tốc thời điểm Ngài trở lại. Chẳng phải tất cả chúng ta đều có khao khát rằng, Chúa có thể trở lại sớm sao?