-
Nguyễn Bỉnh Khiêm
Trạng Trình
Nguyễn Bỉnh Khiêm
Tiên sinh húy là Bỉnh Khiêm, hiệu là Bạch vân cư sĩ người làng Trung am, huyện Vĩnh lại, tỉnh Hải dương. Tiên thế nhà ngài có âm đức, đời ông là Văn Tỉnh được phong tặng Thiếu bảo Tư quận công, được ngôi dương cơ, hợp vào kiểu đất của Cao Biền. Ðời thân phụ ngài là Văn Ðịnh được phong tặng làm Thái bảo Nghiêm quận công. Mẹ ngài là Từ Thục phu nhân họ Nhữ, nguyên là con gái hộ bộ thượng thư Nhữ văn Lan, ở làng An Tử, huyện Tiên Minh. Bà ấy thông kinh sử, giỏi văn chương, mà lại tinh nghề tướng số.
Bà ấy kén chồng đến ngoài hai mươi tuổi thấy ông Văn Ðịnh có tướng sinh ra quí tử mới lấy. Về sau, lại gặp một chàng trẻ tuổi đi qua bến Hà, ngạc nhiên nói rằng: "Tiếc thay ! Khi trước không gặp người này! " Hỏi ra thì chàng ấy là Mạc Ðăng Dung (về sau làm vua nhà Mạc).
Bỉnh Khiêm sinh năm Tân Hợi đời Hồng Ðức (niên hiệu vua Lê Thánh Tôn); đẫy đà to lớn, mặt mũi khôi ngô, chưa đầy tuổi tôi đã biết nói.
Một khi Văn Ðịnh ẵm trên tay, bỗng dưng nói rằng "Mặt trời mọc về phương Ðông". Văn Ðịnh lấy làm kỳ dị. Ðến năm ngài lên bốn tuổi, phu nhân dậy ngài học chính văn trong kinh truyện dậy đến đâu thuộc lòng đến đấy. Bà ấy lại dậy học thuộc lòng vài bài thơ nôm.
Một bữa, phu nhân đi vắng, Văn Ðịnh kéo một cái dây đùa với con, rồi ngâm đùa một câu rằng: "Nguyệt treo cung, nguyệt treo cung". Ðương đọc dở dang thì Bỉnh Khiêm tiếp: "Vén tay tiên hốt hốt rung". Văn Ðịnh thấy con thông minh, mừng lắm, về khoe tài với phu nhân. Phu nhân nói rằng:
- Mặt trăng là phận bày tôi, sao ông lại dậy con điều ấy?
Văn Ðịnh thẹn thò xin chịu lỗi, nhưng bà ấy vẫn còn căm tức, xin từ về, nhất định không ở đấy nữa, về sau bà ấy già đòi ở nhà bố mẹ đẻ. Nhưng tục truyền bà ấy tức ông Văn Ðịnh lên Sơn Tây, lấy chồng khác sinh ra ông Phùng Khắc Khoan (xem bài Trạng Bùng).
Khi Bỉnh Khiêm còn để hai trái đào, cùng bọn trẻ tắm ở bến Hàn, có người đi thuyền trông thấy nói rằng:
- Tiếc thay cho thằng bé này, bộ da dầy lắm chỉ làm được Trạng nguyên, Tể tướng thôi!
Khi ngài bé thì ở nhà, đến lúc lớn, nghe tiếng ông Bảng Nhỡn Lương đắc Bằng hay chữ, mới vào Thanh Hóa theo học ông Bảng Nhỡn.
Lương đắc Bằng vốn ở làng Hội Trào, huyện Hoàng Hóa, nguyên có một chi họ lạc sang ở Vân Nam, đời đời làm quan bên Tàu. Khi Ðắc Bằng sang sứ nhà Minh gặp một người cùng họ là Lương nhữ Hốt cho một quyển "Thái Át thần Kinh". Ðắc Bằng đem về học tập cho nên tinh nghề lý số, việc gì cũng tính biết được trước.
Nguyễn Bỉnh Khiêm học hết được phép thuật của ông Lương Ðắc Bằng. Khi ông Ðắc Bằng mất, dặn lại Nguyễn Bỉnh Khiêm về sau phải trông nom con mình là Lương hữu Khánh.
Trong năm Quang Thiêu (Lê Chiêu Tôn) có việc biến loạn, Nguyễn bỉnh Khiêm ở ẩn một chỗ, không muốn cần tiếng tăm với đời. Bấy giờ Trịnh Tuy, Mạc Ðăng Dung cũng cố ý muốn tranh quyền, đánh nhau luông mấy năm. Ngài tính số Thái Ất, biết có nhà Lê lại khôi phục được.
Ngài có làm bài thơ cảm hứng sau này:
Non sông nào phải buổi bình thời
Thú đánh nhau chi khéo nực cười
Cá vực, chim rừng, ai khiến đuổi?
Núi xương sông tuyết, thảm đầy vơi
Ngựa phi chắc có hồi quay cổ (1)
Thú dữ nên phòng lúc cắn người (2)
Ngán ngẫm việc đời chi nói nữa
Bên đầm say hát, nhởn nhơ chơi.
Về sau nhà Mạc chiếm giữ kinh thành, bốn phương hơi yên ổn, các bạn bè nhiều người khuyên ngài ra làm quan. Ngài bất đẵc dĩ phải ra thi đỗ Trạng Nguyên năm Ðại Chính thứ nhà Mạc. Bấy giờ ngài đã bốn mươi tư tuổi.
Vua nhà Mạc cắt ngài làm Tả thị lang, Ðông Các đại học sĩ. Ngài làm quan được tám năm, trước sau dâng sớ hạch mười tám người lộng thần, nhân có chàng rể là Phạm Ðạo cũng kiêu hoạnh, ngài sợ phải vạ lây, mới từ quan cáo về dưỡng lão.
Khi ngài trí sĩ rồi, làm nhà chơi mát ở mé dưới làng gọi là Bạch Vân Am, lại bắc hai nhịp cầu gọi là Nghênh phong và cầu Tràng Xuân, thường thường ra chơi hóng mát. Lại làm một cái quán Trung tân ở bên sông Tuyết Giang, dựng bia ký sự mình. Khi thì ngài bơi thuyền chơi ở bể Kim Hải và bể Úc hải, khi thì đi chơi ở các núi An tử, núi Ngọa vân và núi Ðồ sơn. Ði đến đâu làm thơ ngâm vịnh đến đấy, hoặc gặp chỗ nào có cây cối mát, chim kêu ríu rít thì lấy làm khoái chí lắm, nhởn nhơ cả ngày.
Ngài tuy ở nhà, nhưng vua nhà Mạc vẫn coi ngài quí trọng, nhà nước có công việc gì to thì sai sứ đến hỏi tận nhà, hoặc khi mời về Kinh mà hỏi. Ngài bàn định lắm điều ích lợi cho nhà nước, nhà Mạc phong ngài làm Lại bộ thượng thư, Thái phó Trình quốc công vì thế ta thường gọi là Trạng Trình. Năm Ất dậu, ngài phải bệnh, Mạc Hậu Hợp sai sứ đến thăm và hỏi việc hậu sự.
Ngài bảo rằng:
- Ngày sau nước có việc, ở xứ Cao Bình tuy nhỏ nhưng cũng có thể hưởng phúc được vài đời nữa.
Ðến sau nhà Mạc mất nước, chạy lên Cao Bình, quả nhiên còn giữ được bốn đời rồi mới tuyệt.
Ngày 28 tháng một năm Ất Dậu, ngài mất, thọ 95 tuổi. Học trò gọi ngài là "Tuyết giang phu tử".
Ngài học tinh về thuật số, phàm các việc tai, tường họa, phúc cùng là ngày mưa, ngày nắng, việc gì cũng biết trước.
Có một người học trò tên là Bùi Sinh, ngài bảo người ấy về sau tất phú quí. Ðến khi Bùi Sinh gần bảy mươi tuổi vẫn còn nghèo hèn, cho là ngài đoán số mình sai; ngài cười không nói gì. Một hôm ngài bảo Bùi Sinh mượn một chiếc thuyền đánh cá cho bơi ra bến Hồng Ðàm ở bể Vạn Ninh, đợi đến giờ ấy... hễ gặp cái gì thu lấy dem về, chắc được thưởng to. Bùi Sinh tuân lời, quả nhiên gặp một bà cụ già, áo mũ chỉnh tề, đi thuyền bị bạt phong đến đấy.
Bùi Sinh đem về phụng dưỡng tử tế. Ðược vài hôm có ông tổng đốc Quảng Ðông sai người sang nói với vua ta rằng: Thái phu nhân chơi bể bạt phong, xem thiên văn thì thấy ở phương Nam xin nhà vua vì nghĩa láng giềng cho kiếm giúp. Ngài sai Bùi Sinh đem bà cụ ấy dâng lên, vì thế được phong tước là Thao quận Công.
Năm Thuận bình thứ 8 nhà Lê (1556) vua Trung tôn mất, không có con, bấy giờ Trịnh Kiểm đang cầm quyền có bụng hồ nghi, không nghĩ ra thế nào. Hỏi Phùng Khắc Khoan cũng không biết thế nào cho phải, mới sai người lén ra Hải Dương để hỏi ngài, ngài chẳng nói gì chỉ ngoảnh lại bảo người đầy tớ.
- Năm nay mất mùa, thóc giống không tốt, chúng mày nên tìm giống cũ mà gieo mạ.
Nói rồi, sai tiểu quét dọn đốt hương để ngài ra chơi chùa và bảo tiểu.
- Giữ chùa thờ phật thì ăn oản.
Ðó là có ý khuyên Trịnh Kiểm tìm lấy dòng dõi nhà Lê mà lập lên, mà phải cứ giữ đạo làm tôi ăn mày phật thì mới hưởng phúc.
Sứ giả về nói với Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm hiểu ý, mới đón vua Anh Tôn lập lên, quả nhiên dựng lại được cơ đồ nhà Lê mà họ Trịnh cũng đời đời vinh hiển.
Khi ấy đức Dụ tổ triều Nguyễn ta (Ðức Nguyễn Hoàng) đang có hiềm với Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm có ý muốn ám hại, đức Dụ tổ lo sợ, không biết làm thế nào để tránh khỏi nạn, mới sai người ra hỏi ngài. Bấy giờ ngài đang chống gậy chơi trong vườn cảnh. Trong vườn, có vài mươi ngọn núi non bộ, lại chồng đá làm một rặng núi ngang. Trên núi cây cối rườm rà, có đàn kiến đang bò trên tảng đá, ngài nhìn xem đàn kiến, rồi tủm tỉm cười nói:
- Một dãy núi Hoành Sơn (núi ngang) kia, có thể yên thân được muôn đời.
Người kia thấy nói vậy. Về nói với đức Dụ Tổ. Ðức Dụ Tổ biết ý, mới xin vào trấn thủ trong xứ Thuận Quảng (trong ấy, có dãy núi Hoành Sơn), quả nhiên mỗi ngày một thịnh, mở ra cơ nghiệp Nguyễn triều.
Học trò ngài rất nhiều nhưng chỉ có Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khanh, Nguyễn Dữ, Trương thời Cử làm nên to mà có danh hơn cả. Phùng, Lương thâm thúy về nghề lý học, cùng làm danh thần lúc nhà Lê trung hưng.
Khi trước ông Phùng Khắc Khoan thuê nhà đến học ngài. Lúc học giỏi rồi, ngài đang đêm đến chơi ở nhà trọ, gõ cửa mà bảo rằng:
- Gà đã gáy rồi, sao không đứng dậy mà thổi cơm ăn, còn nằm mãi làm gì?
Lời ấy có ý giục ông Khắc Khoan vào Thanh Hóa giúp nhà Lê. Ông Khắc Khoan biết ý thế mới cùng Nguyễn Dữ vào giúp nhà Lê, làm đến công thần.
Ngài làm thơ phú rất nhiều, đến nay vẫn còn một tập thơ đề là "Bạch vân am thi tập" và một quyển sấm ký bây giờ vẫn gọi là "Sấm Trạng Trình".
(Theo Phan Kế Bính)
(1) Ứng về sau nhà Lê khôi phục đuợc nước.
(2) Ứng về sau nhà Trịnh giữ quyền nhà Lê.