PDA

View Full Version : C - CHẾT RỒI, TA ĐI VỀ ĐÂU?



Dan Lee
11-17-2013, 01:06 PM
CHẾT RỒI, TA ĐI VỀ ĐÂU?


Renzo Allegri là một thông tín viên của nhiều tuần báo có uy tín nên có nhiều dịp tiếp xúc với nhiều nhân vật thuộc mọi tầng lớp trên khắp các nước. Ông đã được gặp Mẹ Têrêsa (Calcutta) vài lần. Một hôm, trong cuộc phỏng vấn, ông đã hỏi Mẹ rằng Mẹ có sợ chết không. Sở dĩ có câu hỏi đó vì năm 1986 Mẹ đã mấy lần phải vào điều trị tại bệnh viện vì chứng đau tim. Mẹ Terêsa nhìn thẳng vào mắt người phỏng vấn giữ im lặng một lát. Mẹ không trực tiếp trả ởi câu hỏi mà Mẹ lại hỏi Renzo:
• – Quê ông ở đâu?
Renzo trả lời rằng “ở Milan”, thì Mẹ hỏi tiếp:
• – Khi nào ông trở về nhà?
Chính chiều nay, con hy vọng như vậy. Con sẽ đáp chuyến máy bay chót của ngày hôm nay và ngày mai con sẽ được gặp gia đình vào ngày thứ bảy, ngày nghỉ cuối tuần.
• – Tôi biết ông sẽ vui thích lắm khi được trở về với gia đính, gặp gỡ người thân.
• – Vâng, con đã xa gia đình cả tuần nay rồi!
Mẹ Têrêsa gật đầu tán thưởng: “tốt lắm, ông sẽ rất hạnh phúc. Hãy về gặp vợ con, những người thân yêu nhất và sống hạnh phúc trong mái ấm gia đình”.
Mẹ trầm ngâm trong giây phút rồi tiếp tục: “Ờ, ông thấy chứ, tôi cũng sẽ hạnh phúc chẳng khác gì nếu như tôi sẽ chết đêm nay. Chết đi là tôi được trở về nhà, mái nhà ấm cúng mà tôi sẽ gặp Chúa Giêsu, người yêu thắm thiết nhất của tôi. Mọi sự tôi làm ở thế gian này là để phục vụ cho tình yêu Chúa Giêsu. Bởi vậy, từ bỏ thế gian này là tôi trở về nơi vĩnh phúc. Vả lại, trên đó tôi sẽ gặp lại cả trăm ngàn người thân yêu khác đang chờ tôi, những người khi ở trần thế này đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay của tôi. Đã trên bốn mươi năm tôi tận hiến đời tôi cho những kẻ khốn cùng, đau yếu. Tôi ôm ấp họ lúc sinh thì. Họ đã qua đi trong nụ cười thương mến của tôi, bàn tay tôi đã vuốt mắt cho họ. Tại sao tôi lại sợ chết? Tôi mong chết lắm chứ! Tôi chờ cái chết vì trước sau gì tôi cũng được Thiên Chúa cho tôi trở về quê hương vĩnh cửu”.
Renzo thật ngạc nhiên, vì trong những cuộc phỏng vấn trước, bao giờ Mẹ cũng nói rất ngắn gọn, thế mà lần này Mẹ nói thật nhiều, nói một cách hết sức hăng say.
Mẹ Têrêsa đã an giấc vào ngày 5 tháng 9 năm 1997 qua một cơn đau tim. Mẹ thọ 87 tuổi. Trước đó Mẹ đã chọn người thay thế Mẹ, điều hành các tổ chức truyền giáo bác ái.
Đặt vào trường hợp của mọi người, trong chúng ta, nếu có ai hỏi ta một câu như Renzo đã hỏi Mẹ Têrêsa thì ta sẽ trả lời sao? Ta sẽ trả lời như Mẹ Têrêsa chăng?
Không đâu! Trừ những đấng thánh như Mẹ Têrêsa, trong chúng ta chẳng ai dám cả gan nói rằng: “Tôi mong chết lắm, vì chết đi tôi sẽ về nơi vĩnh phúc gặp Chúa Giêsu”.
Vậy chết rồi, chúng ta sẽ đi về đâu?
Ta phải phân tích dài dòng mới tìm ra được câu trả lời đúng. Giáo hội công giáo được chia ra làm ba, tạm gọi là ‘giáo hội nhánh’ gồm có:
1. Giáo hội chiến đấu (nơi trần thế)
2. Giáo hội chiến thắng (trên nước trời),
3. Giáo hội chịu đau khổ (nơi luyện tội).
Kẻ chết, lìa khỏi trần thế, là không còn ở giáo hội chiến đấu nữa. trừ những đấng Thánh, những linh hồn ưu tuyển như Mẹ Maria, như Thánh cả Giuse v.v…, chẳng ai có thể vào thẳng nước trời, gia nhập giáo hội chiến thắng. Vậy chỉ còn một nơi là ‘giáo hội chịu đau khổ’ để mà đến, nghĩa là nơi luyện tội, ta thường gọi là ‘luyện ngục’.
Người kẻ trộm lành cùng chịu đóng đanh một lượt với Chúa Giêsu, trong ăn năn thống hối đã van xin cùng Chúa và được Chúa hứa: “quả thật ta nói cùng ngươi, hôm nay ta sẽ cho ngươi cùng ta đến chốn Pa-ra-đi” (Verily, I say unto thee, today shalt thou be with me in paradise. Luke 23:43)
Tiếng ‘paradise’ không thể dịch là Thiên Đàng. Ta có thể tạm dịch là chốn thanh nhàn hay ‘lâm-bô’ nơi tạm giữ các Thánh tổ tông đã qua đời trước khi nhân loại được cứu chuộc bởi sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Ta nhớ rằng Chúa Giêsu nói hai tiếng ‘hôm nay’ nghĩa là hôm mà, sau khi chết Chúa chỉ mới xuống ngục tổ tông (lâm-bô) báo tin mừng cho các Thánh đang được tạm giữ ở đó. Ba ngày sau, Chúa mới sống lại rồi lên trời.
Ba ‘giáo hội nhánh’ (chiến đấu, chiến thắng và chịu đau khổ) luôn luôn gắn bó với nhau như ba chị em để dẫn đưa các linh hồn về hưởng vinh quang Thiên Chúa đến muôn đời.
Xem như vậy thì rõ ràng là sau khi chết, mọi người trong chúng ta đều đến nơi luyện tội. Chính vì vậy mà phần phụng vụ trongThánh Lễ bao giờ cũng có lời cầu nguyện cho kẻ chết.
Thiên Chúa là tình yêu nhưng sự công thẳng của Chúa rất khắt khe. Dù kẻ chết chỉ còn mắc một tội nhẹ cũng vẫn bị đoán phạt nghiêm khắc. Một tội mà người trần thế chúng ta coi là tội nhẹ, thì đối với Thiên Chúa vẫn là một xúc phạm nặng nề đến tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu ấy là tuyệt đối, con cái của người phải giữ cho linh hồn được tinh tuyền thì mới đẹp lòng Người.
Thế nào là tinh tuyền? Sự tinh tuyền không chỉ biểu lộ ở bề ngoài hấp dẫn mà là ở sự trọn lành bên trong. Hãy tưởng tượng một viên ngọc quý, nhìn bề ngoài thấy óng ánh, sáng láng đẹp mắt; người không rành về ngọc tưởng rằng nó toàn vẹn, nhưng dưới con mắt của người thợ tráng ngọc chuyên môn thì viên ngọc đó rất có thể bị khám phá ra có tì vết. Dù chỉ một vết tì ố nhỏ mà thôi, người thợ ấy vẫn chê rằng viên ngọc không toàn vẹn.
Mắt người đời nhìn theo bề ngoài, nhưng Thiên Chúa nhìn thấu suốt tận tâm can sâu thẳm.
Dò sông, dò biển dễ dò,
Lòng người nham hiểm ai đo cho tường?
Ta không đo được, nhưng Chúa thấy hết. Xem thí dụ về người pha-ri-si và người thâu thuế lên đền thờ cầu nguyện: Người pha-ri-si dương dương tự đắc xưng tụng mình rằng: “Lạy Chúa, tôi không phải như người khác tham lam bất nghĩa, tôi kiêng ăn một tuần hai lần, nộp đủ một phần mười các món lợi của tôi…”. Còn người thâu thuế thì đứng thật xa tận góc cuối đền thờ, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót lấy tôi vì tôi là kẻ có tội”. Kể dụ ngôn ấy rồi, Chúa Giêsu phán với các môn đệ rằng: – Người thâu thuế này trở về nhà mình được xưng là công bình hơn người Pha-ri-si kia”.
Đó là tình yêu và sự công thẳng của Thiên Chúa. Nói về luyện ngục thì giáo lý công giáo có khẳng định:
1. Luyện ngục là có thật để giam cầm những limh hồn chưa sạch tội.
2. Các linh hồn ấy được hưởng công đức của những người trong giáo hội chiến đấu (nơi trần thế) tạo lập được qua việc dâng của lễ hy sinh, sự chịu đựng đau khổ, các lời cầu nguyện với ý chỉ cho các linh hồn nơi luyện tội.
Hai điều trên được ghi trong sách Catechism of the Catholic church. Trong phúc âm cũng có ghi: “quả thật, ta nói cùng ngươi, ngươi còn trả thiếu một xu thì chưa ra khỏi đó được” (Thou shalt not go out from thence till thou repay the last farthing. Matt 5:26). Một linh hồn đền tội chưa đủ, chỉ còn sót một tội hết sức nhỏ cũng chưa thể ra khỏi luyện ngục được.
Jacinta Marto được Đức Mẹ Fatima cho thấy hỏa ngục, Vicka được Đức Mẹ Mễ-Du (Madjugrie) cho thấy cả hỏa ngục và luyện ngục. Nhiều thụ khải khác cũng được Đức Mẹ cho thấy hai nơi giam cầm ấy, đã kể về hỏa ngục là nơi có lò lửa nóng vô cùng thiêu đốt, linh hồn bị đẩy vào đó, lúc trở ra hình thù coi gớm ghiếc. Các linh hồn mắc tội nặng, không ăn năn thống hối bị sa hỏa ngục, chịu thiêu đốt đời đời bởi lửa không hề tắt. Còn nơi luyện tội thì các thụ khải thấy đó là nơi âm u tối tăm, chỉ nhìn thấy các linh hồn vật vờ, mờ ảo, dáng vẻ âu sầu.
Vậy các linh hồn nơi luyện tội có bị thiêu đốt như ở hỏa ngục không? Sự thiêu đốt có khác nhau thì khác như thế nào?
Các nhà thần học, các thánh như thánh Bellarmine, Augustine, Gregory, Anselm và Bernard đều xác nhận có sự thiêu đốt, nhưng sự thiêu đốt nơi luyện tội thì chịu đựng được hơn. Chân phước Peter Faber thì nói rõ hơn:
• Lửa luyện tội thiêu đốt từ trong nội tâm của linh hồn bị giam cầm.
• Lửa hỏa ngục thì do lò lửa không hề tắt thiêu đốt từ bên ngoài thấu vào trong.
• Luyện ngục là nơi chuyển tiếp để đưa linh hồn lên cõi vĩnh phúc sau khi đã thanh tẩy.
Trong một cuốn sách dầy 300 trang của cha Shouppe, cha viết về luyện ngục rằng các linh hồn ở đây chịu hai sự đau đớn song song:
• Một là sự đau đớn ray rứt vì ước ao mà chưa được diễm phúc hưởng tôn nhan Thiên Chúa,
• Hai là sự đau đớn cảm nhận giống như khi còn sống bị đau đớn phần xác.
Sức nóng của lửa luyện tội như thế nào?
Nữ tu Têrêsa Foligno từ luyện ngục hiện về đã để dấu tay mình trên cánh cửa bằng gỗ, mặt gỗ in vết cháy như một bàn tay bằng sắt nung đỏ rực ấn vào đó. Cánh cửa có in dấu này còn được lưu giữ tại Foligno, gần Assisi nước Ý. Đây là một chứng minh về sức nóng ghê gớm của lửa luyện tội, cũng chứng minh rằng lửa ấy thiêu đốt từ nội tâm nên sức thiêu đốt ấy vẫn tồn tại khi linh hồn hiện về, nghĩa là không ở trong luyện ngục.
Một linh hồn hiện về với thầy Stanislauss Chocosca ở Balan đã nói như sau: – nếu đem lửa thế gian mà so sánh với lửa luyện tội thì lửa thế gian chỉ được coi như một cơn gió thoảng.
Lửa luyện tội ghê gớm quá! Có phải rằng mọi linh hồn nơi luyện ngục cùng bị thiêu đốt như nhau hay không? Tại sao linh hồn hiện về với thầy Stanislauss có thể nói chuyện một các thản nhiên như vậy?
Thánh Magdalen de Pazzi được thị kiến cảnh luyện ngục đã thấy các linh hồn chịu đựng rất thản nhiên mà chính bà cũng không ngờ nổi. Các linh hồn kiên nhẫn chịu đựng bởi lẽ:
• Sự công thẳng của Thiên Chúa là tuyệt đối, do đó sức thiêu đốt (sự thiêu đốt từ nội tâm kẻ có tội) nhiều hay ít, cao hay thấp, là tùy theo mức độ phạm tội khi còn ở thế gian của từng người.
• Các linh hồn vững tin rằng ở luyện ngục thì đã thoát hẳn sự cám dỗ của quỷ satan.
• Sự giam cầm chỉ là tạm thời tùy mức độ, chắc chắn sẽ có ngày được đưa về Thiên Đàng.
• Các linh hồn ở luyện ngục được sự nâng đỡ của Chúa Giêsu và Đức Mẹ dù họ không được nhìn thấy các đấng.
Thánh Thomas đi xa hơn, phân tích rằng luyện ngục được chia ra hai nơi: một nơi để giam cầm chung các linh hồn phạm tội đã ăn năn nhưng chưa đủ để được rỗi; một nơi dành cho các linh hồn được hưởng đặc ân, sự đau đớn được giảm bớt bởi nhiều lẽ khác nhau. Từ nơi đặc biệt này các linh hồn thường được hiện về như vài trường hợp đã kể ở trên.
Tôi đã đọc chuyện thật của một nữ tu sống trong dòng rất lành thánh nhưng chẳng hiểu bởi lý do nào mà chị không ưa một chị khác cùng dòng. Thậm chí khi chị bệnh nặng gần chết cũng không cho chị bạn được đến để ủi an. Khi chị chết thì chị bạn kia đau khổ lắm, liên lỉ cầu nguyện cho. Bởi thế chị được hưởng sự giam cầm nơi dành cho các linh hồn được đặc ân. Rồi một hôm chị được phép hiện về sau khi đã được cứu rỗi để cám ơn chị nữ tu bạn đã cầu nguyện cho mình.
Tại sao Nhất Tâm chọn viết đề tài về luyện ngục này?
Ngày nay con người chạy theo sự tiến bộ của khoa học, người ta ít ai còn biết kính sợ Thiên Chúa, ít ai còn vâng theo những điều Chúa Giêsu đã phán dậy, như vậy còn được bao nhiêu người tin rằng có luyện ngục? Nếu ai có xem chương trình 60 minutes của đài truyền hình ngày chủ nhật mồng 5 tháng 4, 1998 ắt phải đau lòng khi đọc một biểu ngữ của một kẻ đòi quyền phá thai với những lời lẽ vô cùng xúc phạm “KEEP YOUR ROSARIES OUT OF OUR OVARIES”; còn nhiều, nhiều nữa những lời lẽ thô bạo của bọn thú vật đi hai chân này. Bọn này không hề nghĩ đến chuyện chúng có linh hồn, và chết rồi linh hồn của chúng đi về đâu!
Có những nhóm người lấy cớ đi rao giảng tin mừng, nhưng họ đã lái theo chiều hướng của họ. Họ ngụy biện rằng “Thiên Chúa là tình yêu”. Đã là tình yêu thì ta yêu Thiên Chúa là đủ rồi, sao lại phải kính sợ. Thiên Chúa đã yêu loài người mà lại đem hỏa ngục và luyện ngục ra mà hù dọa là đi ngược với tình yêu rồi còn gì. Họ phủ nhận những trừng phạt và bảo rằng Chúa là tình yêu, Chúa tha hết. Thế rồi nhiều giáo phái quái đản mọc ra, người ta sống buông thả, tội lỗi ngập trời. Cứ xem tin tức hằng ngày, có ngày nào không có tin hãm hiếp, giết nguời, đồng tính luyến ái phô diễn tục tĩu trong diễn hành Mardi Gras, chế diễu đủ hạng người. Bởi vậy mới có hiện tượng El Nino đem lửa từ trời xuống gieo thiên tai cảnh cáo, một vẩn thạch đang tiến về trái đất đường kính tới một ngàn năm trăm mét sẽ rớt xuống trái đất vào tháng 10 năm 2025, người ta (các nhà khoa học) còn chờ 4 năm nữa mới đoán được rõ nó sẽ rớt xuống vùng nào và đang tìm cách lái nó đi hướng khác. Lái đi đâu thì cũng rớt xuống trên đầu nhân loại!
Ta hãy quay về với chân lý của Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu. Chính vì tình yêu thương nên mới có luyện ngục. Nhớ lại chuyện bọn giả hình dẫn một người phụ nữ ngoại tình đến để thử Chúa Giêsu: tha hay ném đá cho chết? Chúa hỏi: Ai thấy mình không có tội thì ném trước đi. Lần lượt họ “phú lỉnh” vì anh nào cũng tội lỗi hết.
Chúng ta ai mà chẳng có lần phạm tội. Chưa sạch tội thì không được vào nước trời. Nếu không có luyện ngục để cứu vãn qua thanh tẩy thì chẳng lẽ ném hết vào hỏa ngục? Như thế là Satan thắng!
Luyện ngục là nơi Chúa tạo cho các linh hồn có cơ hội được thanh tẩy để vào cõi trường sinh nhưng một điều chúng ta đều hiểu rõ là khi chết đi thì sau khi kẻ chết chịu sự phán xét riêng bởi Chúa Giêsu, linh hồn được đưa vào luyện ngục rồi, thì chính linh hồn ấy không còn tự mình lập công chuộc tội được nữa. các linh hồn ấy phải nhờ cậy vào ‘giáo hội chiến đấu’ để được cứu rỗi.
Chúng ta chiến đấu bằng cách nào để giải thoát cho các linh hồn nơi luyện tội?
• Cầu nguyện, ăn chay, bố thí, dâng của lễ hy sinh. Ta noi gương và làm những gì mà Chúa Giêsu đã dậy và đã làm để cứu chuộc nhân loại.
Nhờ những sự lập công ấy của ‘giáo hội chiến đấu’ mà Thiên Chúa nguôi cơn thịnh nộ. Chúa công thẳng, hay thương xót và thứ tha.
Về riêng mỗi cá nhân chúng ta, làm cách nào để tự cứu rỗi nhờ thời gian đang ở trong giáo hội chiến đấu này.
Nếu không phải là đấng thánh, mỗi người trong chúng ta không thể nào thoát khỏi nơi luyện tội. Chúng ta chỉ có thể lập công để hy vọng thu ngắn thời gian bị giam cầm. Phương thế duy nhất và dễ dàng nhất là chúng ta hãy chạy đến cùng Mẹ Maria. Chỉ có Mẹ Maria mới có thể cầu bầu hữu hiệu để rút ngắn thời gian thanh tẩy linh hồn nơi luyện tội mà thôi.
Chúng ta chạy đến cùng Mẹ qua chuỗi Mân Côi và cỗ áo Đức Mẹ Camêlô mầu nâu (thường được gọi là áo Đức Bà). Hai báu vật ấy là dấu hiệu bảo đảm mạnh mẽ nhất để Đức Mẹ nhận ta làm con cái người và ra tay cứu giúp.
A) Chuỗi Mân Côi: chuỗi Mân Côi là phương tiện cầu nguyện dễ dàng nhất và hữu hiệu nhất. Khi lần chuỗi Mân Côi, ta nhắc lại cuộc đời cực Thánh của Đức Mẹ, các mầu nhiệm nhập thể, giáng sinh, đời sống và khổ nạn cũng như mầu nhiệm sống lại và lên trời của Chúa Giêsu Kitô. Kinh lạy cha là kinh do chính Chúa Giêsu dạy đọc. Kinh kính Mừng thì nửa đầu là lời Thánh Thần chúc tụng ngợi khen Mẹ Maria, kinh làm cho Mẹ Maria thấy trọn niềm hoan lạc. Kinh sáng danh tán tụng Chúa là Đấng hằng có đời đời, chúng ta đọc để khẳng định chủ quyền tuyệt đối của Thiên Chúa đối với vũ trụ. Vậy kinh Mân Côi làm đẹp lòng Thiên Chúa và đẹp lòng Đức Mẹ.
Giới trẻ và những người ‘cấp tiến’ chê rằng có vài kinh mà cứ lặp đi lặp lại hoài, nhàm chán quá.
Đọc kinh không phải là đọc bằng miệng như một cái máy nói. Khi đọc kinh Mân Côi, ta suy gẫm từng lời, vả lại mỗi kinh ta đọc lên là một bông hồng thoát ra từ miệng, Thiên Thần đứng ngay bên mà dâng từng bông một lên Đức Mẹ đấng đó đang đứng trước mặt ta mà ta không nhìn thấy bằng ‘mắt thịt’ nhất là nửa sau của kinh kính mừng được Đức Mẹ chuyển cầu lên Thiên Chúa mỗi khi chúng ta xin Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con. Vậy càng nhiều bông hồng dâng lên Mẹ, càng nhiều lời chuyển cầu của Mẹ lên Thiên Chúa thì còn gì hạnh phúc cho bằng. Biết cách lần chuỗi thì không bao giờ nhàm chán.
Năm 1973, tại Akita (Nhật Bản) Đức Mẹ đã nói với thụ khải là nữ tu Sasagawa về tương lai của giáo hội rằng: “rồi đây các nhà thờ sẽ trống vắng chỉ còn lại vũ khí duy nhất là chuỗi Mân Côi” (churches will be devastated and the only arms left will be the Rosary).
B). Áo Đức Mẹ: đây là thứ áo dệt từ Trời mà Đức Mẹ đem xuống ban cho nhân loại qua thành Simon stock năm 1251. Mặc áo này là mang dấu hiệu dâng mình cho Trái Tim vẹn sạch Mẹ Maria, chắc chắn sẽ được thoát lửa hỏa ngục. Khi Đức Mẹ hiện ra lần chót tại Fatima ngày 13 tháng 10 năm 1917, Đức Mẹ đã cầm trên tay chuỗi Mân Côi và áo Đức Mẹ mầu nâu. Năm 1950 được hỏi về điều này, chị Lucia đã nói rằng “Đức Mẹ muốn mọi người mặc áo Đức Bà và lần chuỗi Mân Côi”.
Thánh Đa-Minh xưa có nói tiên tri rằng: “Mai này bởi chuỗi Mân Côi và áo Đức Bà, Mẹ Maria sẽ cứu nhân loại”.
• Ai mặc ‘áo Đức Bà’ này thì Đức Mẹ sẽ nhận người ấy làm con cái, sẽ ấp ủ hồn xác ngày đêm để chở che và khi chết, chính Mẹ sẽ đến luyện ngục vào ngày thứ bảy kế sau đó để đem linh hồn về Thiên Đàng -Đức Mẹ đã hứa như vậy.
Bây giờ rất ít người mặc áo Đức Bà vì sợ thiên hạ thấy và chê rằng ‘quê mùa cục kịch’.
Ai chê mặc ai, Nhất Tâm cứ theo gương đương kim giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô đệ nhị. Đức Thánh Cha nói Ngài kính yêu Đức Mẹ Camêlô từ khi còn nhỏ tuổi. Ngài đã mặc áo Đức Bà từ thuở đó, cho đến bây giờ vẫn mặc, vì lòng kính yêu Mẹ.
Ước gì mọi người trong chúng ta, ai ai cũng làm hai việc trọng đại là siêng năng lần chuỗi Mân Côi và mang trên mình áo Đức Mẹ Camêlô mầu nâu để rồi, khi ta từ bỏ trần gian, gặp Chúa Giêsu trong cuộc phán xét riêng, khi ấy có Mẹ của người đứng bên. Mẹ Maria sẽ nhận ra con cái của Mẹ và khen:”well done, my child, well done!” để làm đẹp lòng Mẹ, Chúa con sẽ cho ta vào chốn thanh nhàn, nơi giam giữ đặc biệt của luyện ngục (theo thánh Thomas). Đến thứ bảy, Mẹ sẽ cứu ta ra khỏi luyện ngục và đem về trời. Nếu được chết vào chiều thứ sáu thì sướng biết mấy! Vì chỉ phải ở luyện ngục có một đêm.
Lạy Thiên Chúa, xin hãy ban ơn Thánh Thần soi sáng cho mọi người trong anh chị em chúng con biết thi hành mệnh lệnh của Đức Mẹ:
• ăn năn thống hối,
• tôn sùng Trái tim vẹn sạch Mẹ Maria,
• lần hạt Mân Côi cách sốt sắng và luôn luôn mang trên mình áo Đức Mẹ Camêlô mầu nâu.]


Nhất Tâm