PDA

View Full Version : L - Lời mời gọi sám hối



Dan Lee
01-20-2012, 10:55 PM
Chúa nhật III TN

Gn 3, 1-5.10; 1 Cr 7,29-31, Mc 1, 14-20

LỜI MỜI GỌI SÁM HỐI



Cuộc đời chúng ta, nhiều lần nhiều lúc chúng ta rơi vào tâm trạng trầm uất, hay buồn bực cứ muốn “chết phứt đi cho rảnh nợ”, chúng ta không phải là người duy nhất có ý tưởng quyên sinh như thế đâu. Từ rất lâu trước chúng ta, ngay trong Kinh Thánh, đã có những người nổi tiếng cũng ao ước “được chết đi cho rảnh nợ” rồi : Môsê, Êliah, Gióp và...Giôna.

Và nếu chúng ta rơi vào tâm trạng, cảm xúc rằng mình “vô tích sự”, chẳng làm được gì nên chuyện thì chúng ta hãy đọc sách ngôn sứ Giôna. Dù có ai cho là mình vô tích sự đến mấy, sách Giôna cho thấy người đó vẫn có thể rao giảng cho cả một thành phố lớn trở lại.

Thiên Chúa “nhờ” Giôna đi lên Ninivê mà rao giảng cho họ: Nếu họ không ăn năn sám hối, họ sẽ bị tru diệt.

Giôna không nghe lời. Ông không đi lên Ninivê. Vì ông không thích Ninivê. Thích sao được, vì lúc đó Ninivê là thành phố lớn của đế quốc Assur, kẻ thù truyền kiếp của dân Do thái ! Giôna biết Thiên Chúa sẽ không phạt Ninivê nếu Ninivê ăn năn sám hối.

Thay vì đi lên Nivnivê, ở trên miền Bắc, Giôna xuống tàu đi về hướng Tây, sang mãi tận Tharsis, miền Nam của Tây Ban Nha bây giờ.

Ông đi ngược hướng mà Thiên Chúa muốn, và đi càng xa càng tốt. Ông trốn Thiên Chúa ! Sách nói rõ: ông “trốn đi Tác-sít, tránh nhan Đức Chúa” (Gn 1, 3)

Trốn xuống tàu chưa đủ, ông còn trốn xuống tận đáy khoang tàu ! “Ông Giô-na thì đã xuống hầm tàu, nằm đó và ngủ say.” (Gn 1, 5)

Thiên Chúa nào có thua. Đã trốn như thế thì Thiên Chúa chiều lòng. Ngài đẩy ông xuống tận ... biển.

Một cơn bão nổi lên. Tàu đảo điên và gần như là chìm. Gặp hay nói đúng hơn đang ở trong khủng cảnh đó ai cũng sợ hãi, “kêu cứu đến thần của mình.” (Gn 1, 5). Thế nhưng lạ thay, chỉ mình Giôna “nằm đó và ngủ say” (Gn 1, 5).

Xem chừng Giona cũng là tay đáo để. Bão thế mà ông vẫn yên tâm ngủ say. Ông biết được kết cục chăng ? Hay ông “xí xọn”, muốn ăn vạ Thiên Chúa. Bão thì cứ bão, cho chìm thuyền chết luôn! Đây không sợ bão!

Mà ông không sợ bão thiệt. Khi người ta bốc thăm tra cứu nguyên do, thăm rơi vào trúng ông. Ông thành thật khai báo. Lý lịch trích ngang đầy đủ, tên họ, nguyên quán, tôn giáo, và cả đến tội lỗi của mình, tội “chạy trốn khỏi nhan Thiên Chúa”, mà ông cho rằng chính vì tội đó bão tố hoành hành như thế này. “Ông bảo họ: "Hãy đem tôi ném xuống biển thì biển sẽ lặng đi, không còn đe doạ các ông nữa; vì tôi biết là tại tôi mà các ông gặp cơn bão lớn này." (Gn 1, 12).

Thuỷ thủ làm theo lời, “ném ông Giôna xuống biển. Biển dừng cơn giận dữ” ( Gn 1, 15)

Sau khi Giona “chảnh chọe” bị ném ra khỏi tàu, thì cả thuyền... trở lại cùng Thiên Chúa: “Những người ấy sợ Đức Chúa, sợ lắm; họ dâng hy lễ lên Đức Chúa và khấn hứa.” (Gn 1, 16)

Cho dù đành đoạn trái lời Thiên Chúa là thế, mà trước khi rơi xuống biển Giôna cũng khiến cho cả thuyền trở lại đạo. Ít ra là vì thấy hình phạt Chúa dành cho Giona.

Tuy ông cưỡng lời Thiên Chúa, nghĩa là bất tuân, nhưng tình cảm giữa Thiên chúa và ông Giona xí xọn vẫn không hề sứt mẻ. Thiên Chúa nào có ghét bỏ ông. Ngài không hề bỏ rơi ông. Ông trốn Ngài thì trốn, chứ Ngài không quên ông. Bằng chứng ? “Đức Chúa khiến một con cá lớn nuốt ông Giôna. Ông Giô-na ở trong bụng cá ba ngày ba đêm.” (Gn 2, 1) Chúa không để ông chết chìm.

Sau đó bao lâu thì không biết, Thiên Chúa lại “nhờ đến” ông. “Có lời Đức Chúa phán với ông Giô-na lần thứ hai rằng: "Hãy đứng dậy, đi đến Ninivê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi." ( Gn 3, 1-2)

Lần này, Giôna không dám “nhí nhảnh” nữa.“Ông Giô-na đứng dậy và đi Ninivê, như lời Đức Chúa phán.” ( Gn 3, 1-3)

Có chi tiết thú vị cần lưu tâm là :

Lần trước Thiên Chúa nói rõ nội dung mà Giôna cần thông báo như sau: "Hãy đứng dậy, đi đến Ninivê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết rằng sự gian ác của chúng đã lên thấu tới Ta." (Gn 1, 2) Sự gian ác của Ninivê được vạch rõ.

Lần thứ hai này Thiên Chúa chỉ úp mở : “Hãy đứng dậy, đi đến Ninivê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi." (Gn 3, 1) Tuyên cáo gì, thì lúc này Thiên Chúa không nói rõ. Sợ nói ra rồi Giôna lại chạy trốn nữa chăng ?

Đến lúc vào thành, đi được một ngày đàng, nghĩa là vào giữa trung tâm thành phố rồi, Giôna lên tiến cảnh báo: "Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ." (Gn 3, 4)

Giôna không hề dùng chữ “tội” trong lời tuyên báo. Ông không chỉ vào mặt dân thành Ninivê mà nói rằng “Các ông là những tội nhân tày đình quái gỡ!” Ông cũng không tuyên cáo họ phải làm gì.

Giôna không không mở kỳ tĩnh tâm năm hay tĩnh tâm tháng hay giảng nhưng ông nói thẳng, Giôna báo trước tai ương sẽ xảy ra. "Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ." ( Gn 3, 4)

Vậy mà lời cảnh báo có tác dụng tích cực.

Điều thú vị là dân chúng tự nguyện thay đổi lối sống, cải tà quy chánh, trước cả khi Vua biết chuyện mà ra lệnh: “Dân Ninivê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Tin báo đến cho vua Ninivê; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro.” ( Gn 3, 5-6)

Ninivê trở lại, không chỉ từng cá nhân riêng lẽ, mà là hàng loạt, mà là toàn diện, từ người cho đến thú vật. Có lẽ chưa từng có công cuộc truyền giáo nào lại thành công hết sức tốt đẹp và toàn diện như thế, từ cổ chí kim.

Và kết quả là: “Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa.” (Gn 3, 10)

Lời mời gọi sám hối của ngôn sứ Giôna vẫn có giá trị mọi thời, mọi đời.

Lời mời gọi sám hối của Giôna xưa ta lại bắt gặp nơi một người khác. Người đó không phải là ngôn sứ như ngôn Sứ Giôna và bao ngôn sứ khác. Người này là ngôn sứ vĩ đại nhất trong dòng lịch sử cứu độ. Thật ra, người này không phải là ngôn sứ mà là chính Ngôi Lời của Thiên Chúa đến trần gian. Không dài dòng, không quanh co cũng như không hoa mỹ. Chúa Giêsu nói thẳng: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng."

Khi nghe như vậy, ta sẽ có những thái độ khác nhau về lời mời đó. Nước Thiên Chúa bao giờ đến ? Nước ấy đến với tôi như thế nào ? Nước Thiên Chúa đã đến và ở giữa các ông rồi. Nói đúng hơn là Thiên Chúa đã đến ở giữa các ông hay gần hơn đó là ở giữa chúng ta rồi. Thiên Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang của Ngài. Ngày đó, không ai biết ngoại trừ Thiên Chúa. Giữa hai lần đến đó có lần đến với cuộc đời của mỗi người chúng ta. Ngày đó chúng ta cũng không biết được, chỉ mình Thiên Chúa biết mà thôi.

Bao nhiêu lần chúng ta nghe được rằng ngày ấy đến như kẻ trộm ! Đã nói là kẻ trộm thì ai biết được kẻ trộm đến ngày nào giờ nào ! Và như vậy, hãy liệu liệu sửa đường tà mà chúng ta đang đi để trở về với đường ngay nẻo chính với Thiên Chúa.

Anmai, CSsR